Truyen3h.Co

Bhtt Tinh Su Cua Tran Phuong Tuong Ban Tho Van

Nếu Lương Sơn Bá cũng là con gái

......

Là học trò ruột của cô Vận Phương Phi - người sáng lập ra đoàn Việt kịch Bách Châu và là bậc thầy gánh hai vai cả Sinh lẫn Đán, ai cũng nửa tò mò nửa dò xét nhìn Trần Phượng Hương. Cô còn quá nhỏ, đành sống ở nhà của Vận Phương Phi. Con cháu của bà cụ đều không ở đây, chồng cũng mất sớm, cho nên bà thương Trần Phượng Hương như thương cháu gái vậy.

Mỗi buổi sáng trước khi đến trường, bà cụ luôn nhét đồ ăn vặt vào cặp của Trần Phượng Hương. Đứa trẻ học vỡ lòng hơi muộn, khi cô bé sụt sịt vì phải ép chân luyện công, bà cụ dỗ dành: "Tối nay bà sẽ làm món sườn cho con nhé." Trần Phượng Hương lập tức hứng khởi, cơ thể nhỏ nhắn cố gắng hết sức. Mỗi tháng về nhà một lần, không lần nào là bà cụ không cho Trần Phượng Hương một ít tiền lẻ, bảo cô thích ăn thì thì cứ mua.

Trần Phượng Hương chịu khổ mà cũng hưởng vui, đã nhiều đêm khi làm bài tập dưới ánh đèn bàn, cô luôn thấy bà cụ một mình lọ mọ hết việc này đến việc nọ, như chuẩn bị bữa sáng hôm sau cho cô, như giặt tất cọ giày cho cô. Đôi lần có nhiều người quen nhìn thấy học trò của Vận Phương Phi, họ luôn nói khi nhìn sang bà cụ: "Này, cô Vận ngày càng vui lên đấy."

Trong tháng đầu tiên vừa đặt chân đến Bách Châu, Trần Phượng Hương quả thật có nhớ nhà, nhưng vượt qua rồi lại thấy hát kịch cũng thật tuyệt, nguyên nhân đến từ món sườn heo của Vận Phương Phi mà cô không biết chán là gì, nhiều lúc muốn bỏ cuộc giữa chừng, nhưng chỉ cần nghĩ đến món sườn ắt sẽ nguôi ngoai.

Trong số các sư tỷ thường ghé đến nhà chơi, Vương Lê là người đặc biệt được bà cụ quý nhất. Thỉnh thoảng Vương Lê sẽ xách chùm nho đến nhà bà sau giờ làm, đứng ngó nghiêng chờ được ăn cơm, và hướng dẫn cho sư muội nhỏ đang tập luyện ở đó để chứng minh bản thân không vô tích sự.

Trần Phượng Hương biết Vương Lê là Tiểu Sinh, còn cô đang theo hướng Đán: "Chị không chuyên nghiệp, em không nghe!" Hất hai bím tóc đi không thèm nhìn Vương Lê, lè lưỡi với bà cụ vừa đi ra từ phòng bếp.

"A Lê và bà đóng cả Đán lẫn Sinh, sư tỷ con dạy không sai." Vận Phương Phi khuyên.

Khi đó Vương Lê mới hơn 20 tuổi, tuy sắc mặt luôn u sầu và trông có vẻ suy dinh dưỡng, nhưng lúc đó cô bật cười chống tay lên ghế sofa, hất cằm thách thức Trần Phượng Hương rất trẻ con: "Sao nào?"

Trần Phượng Hương nhìn lúm đồng tiền càng lúc càng sâu của Vương Lê, bướng bỉnh quay mặt đi, nhẫn nhịn nghe lời Vương Lê, tiếp tục nghiêm túc giãn chân. Đợi đến khi có đồ ăn, miếng sườn trên đũa của cô bị Vương Lê cướp mất, sư tỷ đắc chí cắn một miếng, miệng nhai ngon lành, tấm tắc khen: "Đúng là sư phụ nấu có khác, thật ngon."

Vận Phương Phi dặn, A Lê, đừng lúc nào cũng trêu cô bé, cô bé nóng tính, đanh đá đấy.

"Con biết." Vương Lê cười, nhưng giây tiếp theo nụ cười cứng đờ.

Vận Phương Phi nói, phải chứ, giống A Lan hồi nhỏ không?

Kể từ ngày đầu tiên hai cô trò gặp nhau, người tên "A Lan" này không ngừng lọt vào tai Trần Phượng Hương qua lời kể của Vận Phương Phi, các bạn cùng lớp và cả giáo viên trong trường kịch. Cô chưa bao giờ nhìn thấy mặt người này, chỉ biết đó là Hoa Đán tài giỏi hơn mười năm mới xuất hiện một lần ở Bách Châu. Giọng hát ngọt ngào, dung mạo kinh diễm, nổi danh ngay trong một lần lên sân khấu ở tuổi 14 - 15, là sư muội từ nhỏ của Vương Lê. Nhưng gần đây cô ấy muốn đổi việc, nói không muốn hát nữa.

Trần Phượng Hương lần đầu được thấy "A Lan" là trong album ảnh của bà cụ và trên bảng quảng cáo của trường kịch, cô sững sờ nhìn chằm chằm bức ảnh sân khấu, không phải nhìn A Lan hoá trang Lâm Đại Ngọc, mà là khuôn mặt Giả Bảo Ngọc vui vẻ thấy rõ, chưa kể đôi mắt của em Lâm có hồn sáng ngời như thể đã hoà mình vào trong nhân vật. Thậm chí, Trần Phượng Hương cảm thấy niềm vui đó không chỉ thuộc về riêng Giả Bảo Ngọc.

Khi thực sự nhìn thấy A Lan, cô ấy không mặc đồ hoá trang mà diện một bộ váy đỏ liền thân đính hoa cưới, mái tóc uốn cao với vài lọn xoăn xõa xuống tai. Trang phục đơn giản nhưng dịu dàng vô cùng như bước ra từ trong tranh vẽ. Cô ấy tới kính rượu mâm cơm nơi bà cụ ngồi, đi đến đâu thu hút ánh mắt của tất cả mọi người trong phòng đến đấy - Đây chính là gương mặt của một Hoa Đán trụ cột, thổn thức lòng người hơn cả khi vẽ lên lớp trang điểm kịch. Đôi mắt như nước, đôi mày như trăng, khi liếc nhìn đến, miếng cánh gà trong miệng Trần Phượng Hương suýt nữa rơi xuống. Hóa ra còn có người sở hữu đôi mắt đẹp hơn cả Vương Lê.

Từ đó trở đi Triệu Lan đã vương lại trong lòng Trần Phượng Hương một thời gian rất dài, cô ấy như một mỏm núi chăng đầy khói mà cô chẳng thể đưa tay chạm tới, cũng có thể là một mục tiêu, hoặc đúng hơn nữa là một đối thủ cạnh tranh trong tiềm thức lờ mờ. Nhưng họ sẽ không bao giờ "tranh", vì cuộc hôn nhân của Triệu Lan đã hoàn toàn dập tắt ý muốn hát đôi của Vương Lê với cô.

Ngày diễn ra đám cưới hôm đó, Vương Lê uống rượu - quả là một chuyện hiếm lạ, nhưng chưa hề say, thậm chí còn để ý Trần Phượng Hương thích ăn cánh gà.

Trên đường trở về, bà cụ dắt tay Trần Phượng Hương, Vương Lê thì cúi đầu đẩy xe đạp, nghe sư phụ nói điều gì đó mà cô gái nhỏ không hiểu hết.

"Duyên phận hát kịch cũng như kết hôn. Kịch đối cũng cần chú trọng duyên phận, có lẽ cũng như duyên phận của con và A Lan."

"Trong đoàn vẫn còn Hoa Đán, con cứ mặc sức chọn."

"Hôm nay cô không giận con uống rượu, nhưng lần sau không được uống như vậy nữa."

"Cô vẫn cảm thấy, Hương Hương có thể làm bạn diễn với con, có khả năng đấy, chỉ cần đợi thêm vài năm nữa."

Trần Phượng Hương được bà dạy phải ngoan ngoãn lễ phép khi ở ngoài, xuyên suốt đám cưới cô bé chỉ ăn một cặp cánh gà, mà vẫn hơi đói. Lúc đó Vương Lê nói đợi một lát, dừng xe đạp lại, đeo một túi cánh gà om lên cổ tay cô gái nhỏ: "Ăn cái này sẽ có thêm sức, hát vang hơn, bay cao hơn."

Nhờ món quà đó mà đêm hôm ấy Trần Phượng Hương tiêu chảy sáu lần, đến sáng hôm sau giọng khàn đặc.

Sau đám cưới của Triệu Lan, Vương Lê ít đến nhà Vận Phương Phi hơn. Một là vì tiếng hát Vương Lê càng ngân vang, càng ngày càng bận, hai là do sợ bị sư phụ giục lấy chồng. Chứng kiến từng lứa học trò ai nấy đều dựng vợ gả chồng, chỉ còn lại Vương Lê 25-26 tuổi vẫn độc thân, bà cụ nói với góc nhìn của một người từng trải: "Kịch chỉ là kịch, ra ngoài vẫn nên tẩy trang bình tâm mà sống."

Hẳn là Vương Lê không thể nào bình tâm, cũng không muốn chấp nhặt nhiều lần với sư phụ, đó là lý do Trần Phượng Hương thấy Vương Lê càng ngày càng thoắt ẩn thoắt hiện, nhưng Trần Phượng Hương nhớ rõ mọi thứ, nhớ những miếng cánh gà người ta mua lần nào cũng rất ngon, lúm đồng tiền của người ta cũng thực sự rất đáng nhìn.

Tết Trung thu năm Ngọ, vị khách hiếm thấy mang tên Vương Lê lại đến thăm. Mái đầu bà cụ vẫn hoa râm như thế, song tay chân không còn nhanh nhẹn như xưa. Vài năm qua giữa hai cô trò có chút khúc mắc, nhưng bà cụ hiểu nguyên do, nói cô sẽ không giục con, sẽ không ép con nữa. Vương Lê vừa cười mà cũng vừa khóc, hai người nói chuyện rất lâu trong phòng làm việc, cuối cùng, bà lão lại chính là người đỏ hai mắt.

Trần Phượng Hương 13 tuổi đã biết làm một số việc nhà, biết đọc cảm xúc của người khác qua ánh mắt. Cô bé hỏi nhỏ Vương Lê: "Sao chị lại chọc tức sư phụ em, làm sư phụ em khóc?"

Không phải tức, sư phụ mừng cho chị, và cũng vui. Vương Lê nói.

Tại sao lại vui? Chị sắp kết hôn à? Cũng sắp đi sinh con như A Lan?

Vương Lê vẫn như cũ, cười cho qua với thiếu nữ: "Không, là chuyện khác."

Đi hỏi bà cụ, bà không nói gì, thay vào đó bà hỏi thăm Trần Phượng Hương có chơi rất thân với bạn gái nào trong trường kịch không.

"Đều tàm tạm." Trần Phượng Hương lúc đó chưa hiểu, làm sao mà biết đó là nỗi sợ "bị rắn cắn" của bà cụ: "Ai cũng đòi ăn hạt dưa ăn cánh gà của con, nghèo kiết xác con." Đây là lời than oán tệ nhất dành cho các chị em gái của Trần Phượng Hương 13 tuổi.

"Khi con vào đoàn, con sắp phải diễn đôi với nữ Tiểu Sinh." Bà cụ nói ý.

"Cũng được vậy, xung quanh không có nhiều nam Tiểu Sinh. Tiểu Sinh nào trong trường kịch cũng héo hon và hát chán." Trần Phượng Hương nói, cùng lắm thì, con sẽ luyện thêm cả hát Sinh.

Vận Phương Phi không tiếp lời, ngồi đung đưa một mình trên ghế bành ngoài ban công, vừa thở dài vừa ngâm nga. Trần Phượng Hương nghe ra, là "Lương Chúc".

Bà cụ nói, nếu Chúc Anh Đài thực sự là con trai, không biết câu chuyện đó sẽ thế nào?

Trần Phượng Hương nói: "Sư phụ, nếu Anh Đài là con trai, có khả năng trong nhà Anh Đài còn một cô em gái lắm. Sư phụ cũng có thể nghĩ thế này, nếu Lương Sơn Bá cũng là con gái, không biết Anh Đài sẽ làm sao?"

Bà cụ không nói gì, tay cầm không vững, làm đổ chén trà, mãi một lúc lâu sau mới thở dài: "Nói ngu si."

Nếu con người không biết chữ si, thì lấy sức đâu mà hát?

......

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co