Truyen3h.Co

Da Su Viet Nao Hay Xuan Menh Mong

Anh hai Uất mấy ngày gần đây như trở thành một người khác, nét mặt lúc nào cũng đăm chiêu, ra ra vào vào như người mất hồn, chốc lát thì giật mình như gặp phải ma xó.

Ngạc nhiên là người trong nhà có vẻ như mắt mờ tai điếc, đối với biểu hiện của anh ta cũng chẳng để trong lòng, cứ như không hề thấy chuyện gì đang xảy ra vậy. Nếu hôm qua Ngũ Lão không đề cập vấn đề này với tôi, có lẽ là tôi đã cho rằng chính mình mới là kẻ trúng tà chứ không phải anh ta.

Sáng hôm nay gặp Ngũ Lão ở nhà bếp, tôi mới biết hóa ra mình không bị trúng tà. Phạm Ngũ Lão cũng kinh hãi tựa như tôi, sau đó từ miệng anh ta tôi mới biết được nguyên cớ.

Thì ra chuyện gì cũng có nhân quả của nó.

Tai họa bắt đầu vào một đêm hoa đăng năm năm về trước lúc anh hai Uất tình cờ gặp một cô gái. Anh ta vừa thấy đã thích, không chần chừ một chút, vội vàng trong hội hoa đăng hỏi người ta có muốn theo mình về nhà không?

Cô nàng này nghe được lời bông đùa của anh hai Uất thực sự ngây thơ nghĩ rằng anh ta tỏ tình với mình, cứ thế mặc định rằng mình trở thành người yêu của anh ta. Chị ta bám theo anh hai Uất như kẻ biến thái, chặt gốc cây si, phá đường tình duyên, phá cầu Ô Thước, không việc ác gì không làm. Tên của chị ta là Thuỵ Hữu.

Cha của chị Thuỵ Hữu vừa hay lại là Chiêu Minh Vương Quang Khải. Bởi vì chị Thuỵ Hữu lúc nhỏ yếu ớt nhiều bệnh nên cha chị ta liền cho chị ta tập võ để rèn luyện, kết quả lúc sức khoẻ chị ta dần tốt lên thì chị ta cũng học được tính tình mạnh bạo như đàn ông, may vá thêu thùa chị không để vào mắt, suốt ngày chỉ động quyền động cước mà thôi.

Cũng may trong nhà cũng không phải chỉ một mình chị ta là con gái, mấy người chị nhìn em gái mình tuy xinh đẹp tuyệt vời nhưng lại thiếu đi nét nữ tính đoan trang thì không giấu được rầu lo, suốt ngày thở ngắn than dài, Chiêu Minh vương thấy thế dứt khoát cho chị ta ra quân doanh rèn luyện. Đương nhiên ngay cả anh hai Uất cũng không có cửa đánh bại chị ta, đành để mặc cho chị ta hô mưa gọi gió.

Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi Chiêu Minh vương biết chuyện, kể đến đây cũng phải bày tỏ chút lòng khâm phục vị vương này, dù ở xa tít tận kinh thành thì tai mắt ở Vạn Kiếp cũng không thể coi thường được. Không biết ngài ta hóng hớt cách nào mà nhanh thật, sang ngày thứ ba đã sang nhà nhận thông gia. Đến đây thì Quốc Uất chỉ trách trời cao không có mắt, Chiêu Minh vương ấy vậy mà lại có mối quan hệ vô cùng thân thiết với cha mình. Hôn sự được đặt ra còn anh ta thì khóc không ra tiếng. Thật là bi thảm lắm thay.

Cũng may sau đấy chị Thuỵ Hữu như thường lệ phải trở về quân doanh, nếu không có khi Quốc Uất phải bỏ nhà đi thật. Có điều rằm tháng bảy hằng năm, chị Thuỵ Hữu thường cưỡi ngựa đạp gió trở về để tìm ông chồng sắp cưới có vẻ không muốn gặp chị ta cho lắm, lúc đấy, anh hai Uất lại bắt đầu công cuộc bỏ trốn của mình.

Tôi vừa ra khỏi cửa đã thấy dòng người như nước tấp nập, người qua kẻ lại xô đẩy như thoi đưa, tựa sóng biển từng lớp xô bờ. Ánh trăng vằng vặc, phảng phất đêm rằm như sương như khói. Bên đường, tiếng côn trùng rả rích kêu đã sớm bị tiếng nói cười của dòng người lấn át. Hoa đăng rực rỡ sáng như ban ngày, từng đốm từng đốm lung linh chạy dài như một dòng lửa đỏ ào ạt tuôn tràn trên mặt đất.

Đang định hoà vào dòng người thì Quốc Tảng nắm lấy tay áo tôi, mỉa mai nói:

"Lần trước bị xoay như chong chóng còn chưa sợ hay sao? Em thích chen lấn lắm hả?"

Trông bộ dạng thì có vẻ như anh ta đã quên đi chuyện cũ. Tôi giằng khỏi tay anh ta, hất mặt đáp:

"Đi hội mà không xô đẩy chen lấn thì còn gì là thú vị nữa, tôi cũng có phải trẻ con đâu mà anh sợ lạc."

"Em không sợ nhưng tôi sợ!" – Anh ta vẫn cố cãi.

Chị Anh Nguyên đứng bên cạnh tôi khẽ xoay người sang, cằn nhằn:

"Anh ba thiên vị thế, xưa giờ cũng không thấy anh bảo vệ em như gà mẹ che chở gà con kiểu này."

"Còn không phải tại chị đã có người khác che chở hay sao?" – Tôi đáp.

Chị Anh Nguyên lập tức đỏ mặt quay người đi.

Hôm nay đám bọn tôi toàn bộ đều đi chơi, nhưng có vẻ như mỗi người đều có người mà mình muốn ở cùng nên vừa cùng nhau ra khỏi cửa thì tôi đã mất dấu bọn họ. Đúng là chị em bình thường sống chết có nhau, cho đến khi có đàn ông bước vào cuộc đời của họ.

Thế nên hiện tại tôi và chị An Hoa không may phải đi cùng Quốc Tảng và tên Quốc Hiện tính nóng như lửa kia.

Tôi và Quốc Hiện liếc mắt nhìn nhau, năm thuở mười thì anh ta mới hiểu được ý tôi muốn nói đột nhiên nhướng mày với tôi, thế rồi anh ta bất thình lình nắm lấy áo tôi cùng hoà vào đám người ùn ùn trẩy hội. Tôi thấy Quốc Tảng đang đứng bên cạnh bỗng giật mình vội vàng chạy theo nhưng vươn tay ra nhưng chỉ bắt được một góc áo của tôi, đôi tay chơi vơi giữa không trung, bất lực nhìn tôi hòa vào dòng người biến mất.

Sau đó đôi bắt gặp ánh mắt anh ta ngập ngụa trong hương vị của chia ly, rồi trước lúc mất hút trong đám người tôi cũng chợt thấy chị An Hoa đứng từ phía xa dùng đôi mắt thẫn thờ nhìn Quốc Tảng.

Tôi không khỏi bĩu môi, chỉ là một đêm hội thôi mà còn dùng thái độ khoa trương như vậy làm chi chứ, thật chẳng hiểu nỗi mấy kẻ đang yêu.

Chạy được một đoạn nhắm chừng đã không thể đuổi kịp, tôi và Quốc Hiện chống gối ôm bụng thở phì phò nhìn nhau, cả hai cùng phì cười một cái, khó có dịp bọn tôi đồng lòng thế này. Anh ta bỗng nói với tôi:

"Bây giờ trong phủ không ai không biết anh ba để ý em!"

Tôi liếc anh ta, bảo:

"Anh ghét tôi nên không muốn anh ba anh lấy tôi chứ gì?"

Anh ta cười ha ha không đáp, trong lòng tôi chắc mẩm cũng phải đúng bảy phần là anh ta ghét tôi, ba phần còn lại là anh ta thích chị An Hoa hơn. Cũng không sao, vừa hay lại trúng ý tôi quá. Nhưng suy ra anh ta ghét tôi cũng đúng, có ai vừa mới vào nhà người ta đã ra tay đánh người ta hay không, chắc chỉ mình tôi là kẻ duy nhất trên đời như vậy.

Bọn tôi vô thức sải bước đến một nơi vắng người. Trời ngày một khuya, gió đêm càng lúc càng lạnh buốt. Đột nhiên anh ta trầm giọng bảo:

"Bình Trọng đã thành gia lập thất và ra làm quan rồi, còn tôi đến nay vẫn chưa có gì trong tay."

Tôi cũng không biết tại sao anh ta lại đi tâm sự với tôi, nửa đùa nửa thật bảo:

"Cái tính dở dở ương ương của anh mà ra làm quan thì cũng khá là gay go đấy, người gì mà nóng tính chẳng suy nghĩ chu toàn, không sửa sang lại thì có ngày anh cũng tự bị mình hại."

Lúc tôi nói câu đó tôi cũng không đoán được có ngày anh ta thật sự sẽ rơi vào cảnh đó. Nếu sau này anh ta nhớ ra liệu có gọi tôi là miệng quạ như Trần Thì Kiến hay không?

Tôi đang bình phẩm tới Thì Kiến, đột nhiên phía sau truyền đến tiếng tiếng bước chân vội vã, ngẩng mặt lên thì thấy bóng một người đàn ông quen thuộc đang quệt vội mồ hôi trên trán. Sau đó anh ta nhanh miệng hỏi Trần Quốc Hiện đứng bên cạnh tôi:

"Người anh em này, anh có thấy một người..."

"Con quạ đen nhà mi!" – Quốc Hiện chưa thèm nghe anh ta nói hết câu đã lớn tiếng cắt ngang.

Tôi giật mình quay phắt lại thì thấy quả nhiên chính là Trần Thì Kiến vừa hẹn gặp tôi ở Thăng Long cách đây không lâu, anh ta cũng giật mình nhìn hai người bọn tôi cười trừ, điệu bộ ra chiều gượng gạo. Lát sau anh ta như sực nhớ tới chuyện chính, vội nhỏ giọng hỏi:

"Quốc Hiện, anh có thấy một người đàn ông mặc viên lĩnh màu ngọc, cao hơn anh nửa cái đầu, chân mang hài trắng hay không?"

Tôi ghé đầu vào hóng hớt, thấy Quốc Hiện ra chiều suy nghĩ, rồi như bừng tỉnh đại ngộ, hốt hoảng nói:

"Ý mi nói là..."

"Suỵt!" – Trần Thì Kiến với tay bịt chặt miệng anh ta lại, dáo dác đảo mắt nhìn xung quanh thấy không có ai mới thở phào nói tiếp – "Đúng là người đó, anh ta ép tôi đưa đi chơi nhưng nửa chừng thì lẻn mất, đám người hầu lại càng không có khả năng đuổi theo. Bây giờ tôi không biết anh ta lẩn đi đâu nữa, anh ta mà có mệnh hệ nào thì tôi có mười cái đầu cũng không sống nổi. Không, là cả nhà tôi, cả làng của tôi nữa!"

Tôi nghe hai người anh ta nói nhỏ nói to cũng hiểu ra chuyện này vô cùng hệ trọng, nhưng nhìn sang thấy vẻ mặt Quốc Hiện vẫn dửng dưng. Đoạn, anh ta liếc Thì Kiến một cái, mỉa mai:

"Nghe đâu mi có tài tiên đoán như thần mà, gieo một quẻ xem tên kia đã đi đến chốn nào rồi?"

Thì Kiến nổi sùng:

"Giờ phút này mà anh còn có lòng dạ bông đùa được, tôi lo sắp điên rồi!"

Quốc Hiện vẫn không có biểu hiện gì gọi là lo lắng, anh ta thong thả nói:

"Vậy là mi không biết rồi, nếu là ai thì mi còn nên hoảng, còn cái thằng nhóc khốn kiếp đó thì lo lắng cũng chỉ là thừa thãi mà thôi!"

Tôi đứng nghe mà như vịt nghe sấm, chả hiểu mô tê.

Thấy Thì Kiến vẻ mặt mờ mịt, Quốc Hiện nhếch môi khinh bỉ rồi nói tiếp:

"Ngày xưa học cùng nhau ở Giảng Võ Đường, cái thằng nhãi đó từ lúc tấm bé đã chuyên gia chơi trên đầu anh em bọn ta. Chí ít bọn này theo tuổi tác lẫn vai vế vẫn được coi là lớn hơn nó, thế mà cũng chẳng thấy nể nang gì, toàn bày trò chọc phá bọn ta. Cũng không ít lần bọn ta phải ăn đòn oan, đáng hận là võ nghệ lẫn chiêu trò vẫn thua nó một bậc, chẳng thể làm gì được. Thay vì lo cho nó thì mi nên lo cho những kẻ có ý đồ bất chính thì hơn."

Trần Quốc Hiện kể lại, thái độ lại như vô cùng căm hận.

"Nhưng tôi vẫn lo lo, lỡ như..."

"Cho dù mi có lo, một tên học trò trói gà không chặt như mi thì làm được gì?"

Tôi bước đến can ngăn, hai ông thần này chả hiểu sao mỗi lần gặp nhau là lại luôn miệng cãi vã, không biết kiếp trước có thù hằn gì với nhau không. Trần Thì Kiến lúc này mới nhớ đến tôi, vội quay sang cầu khẩn:

"Nể tình chúng ta quen nhau đã lâu, tôi nhờ em và anh Quốc Hiện đây tìm người giúp được không?"

"Ăn chia thế nào?"– Quốc Hiện cộc lốc hỏi.

"Cái này...." – Trần Thì Kiến đưa tay lau vội mồ hôi, khó xử nói – "Anh biết đấy, tôi cũng đi làm chưa lâu..."

Tôi đá Quốc Hiện một cái, cười nói với Thì Kiến:

"Đừng để ý anh ta. Tôi và anh cũng coi như là bạn bè thân thiết, không nên thấy chết không cứu. Anh cứ mô tả người đó ăn mặc diện mạo ra sao, tôi đi tìm giúp anh."

Trần Thì Kiến mừng muốn khóc, nắm lấy tay áo tôi, tha thiết nói:

"Tôi đội ơn em lắm lắm, đó là một người đàn ông mặc viên lĩnh màu ngọc, chân mang hài trắng, trạc chừng hăm mốt hăm hai, anh ta cao ráo đẹp trai ngời ngời, đảm bảo em vừa nhìn là nhận ra ngay."

Tôi không biết cách miêu tả của anh ta rốt cuộc là nhờ tìm người hay là muốn làm mai cho tôi nữa, có điều tên Thì Kiến này trước giờ cũng ít thấy khen ai, kẻ được anh ta khen chắc cũng không phải hạng tầm thường. Thế nên hiện tại ba chúng tôi chia nhau ra dưới sự nài nỉ của Trần Thì Kiến, Quốc Hiện thì cũng không mặn mà với mối làm ăn lỗ lã này lắm, còn tôi thì mông mông lung lung bởi lời diễn tả của anh ta nên khả năng cao là lần này anh ta gặp nạn rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co