Truyen3h.Co

Doi Ai Noi Tuong Thanh Hoa Lua

**Mọi vấn đề trong truyện không có tính nghiên cứu về lịch sử. Vui lòng không đồng nhất và xem truyện là tư liệu gốc để nghiên cứu lịch sử. Tác giả chào đón những ai yêu thích, có những góp ý thiện chí tích cực**
----------------------------------------
Sắc hoa nghiêng nước nghiêng trời
Vai gầy dáng mảnh một đời an yên

Khi công chúa An Tư tròn mười lăm, người anh trai của nàng - Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, đã tặng cho nàng hai câu thơ này. Ngụ ý người con gái sắc nước hương trời như nàng sẽ được cả đời an yên.

Mùa Xuân năm Ất Dậu, Ô Mã Nhi đánh vào Vạn Kiếp và Phả Lại theo đường thủy qua sông Bạch Đằng. Khí quân hừng hực, binh mã đông như ong vỡ tổ, mạnh như trâu kéo cày, quân ta lại một lần nữa thua to.

Khi trời sững tối, trong đêm thanh vắng lại có tiếng đàn tỳ bà vọng từ tòa điện phía Tây. Dưới nền trời đêm đen kịt ấy, những ngôi sao hiện lên dưới dáng vẻ kiêu kỳ trong màn đêm. Ánh trăng thấp thoáng ánh bạc xuyên qua mây đen chiếu rọi vạn vật nơi cõi trần. Một nơi thanh cao sáng rực trong đêm tối, một nơi lại u ám trong chính ánh sáng thanh cao kia. Trăng vẫn cứ kiêu sa diễm lệ như cô tiểu thư quyền quý hất cằm nhìn xuống lầu rồng gác phượng. Trăng soi ngắm mình trong cái ao sen còn tiếng đàn vẫn vang đều như đang đệm nhạc cho nét đẹp ấy. Mỗi nốt cất lên như một lời động viên, lại như một lời tưởng nhớ đến những binh lính đã tử trận nơi chiến trường. Đêm nào cũng vậy, nàng đều đàn đi đàn lại một khúc, đã rất lâu, rất lâu rồi.

"Công chúa, đêm đã khuya lắm rồi, người nghỉ ngơi thôi!"

Thị Mây đi vào, cúi đầu lạy chào sau đó khuyên nàng đi nghỉ sớm. Nàng vẫn không nói gì, cứ ngồi bên ao sen, đàn hết cả một bài trọn vẹn rồi nhẹ dàng phủi áo đứng dậy, đưa đàn cho Thị Mây mang đi cất.

Nàng là con gái út trong nhà nhưng tài sắc lại hơn người, được Thái Thượng Hoàng hết mực yêu thương. An Tư- Tước hiệu của nàng cũng chính Thái Thượng Hoàng ban cho. An trong An yên, Tư trong Tư sắc. Thái Thượng Hoàng mong cả đời cô con gái út này vừa có tư sắc lại vừa an yên.

"Lấy cho ta chậu nước, ta muốn rửa mặt một chút."

An Tư dặn dò Thị Mây, sau đó lại bàn, vén tay áo châm một ngọn đèn. Nàng nhìn ngọn đèn ấy rất lâu rồi cũng dời gót ngọc đến kệ sáng lấy một quyển sách tiếng Hán ra đọc. Gần đây cuộc chiến giữa Đại Việt và Đại Nguyên đã đến hồi cam go.Tình thế đã căng như dây đàn, chỉ cần một nhịp rung ắt dây đàn sẽ đứt. Nàng tranh thủ học thêm vài tiếng nước chúng đặng sau dễ bề giao tiếp.

Chẳng bao lâu, Thị Mây bưng một chậu nước có vắt một cái khăn lên cho An Tư:

"Công chúa, giờ này đã quá canh ba, sao người còn đọc sách nữa?" - Thị tiện tay đặt chậu nước lên cái ghế thấp cạnh bên.

"Không sao, em về phòng trước đi, có gì ta sẽ phân phó sau."

"Nhưng..."

Lời thị Mây chưa dứt, An Tư đã quay sang nhìn Thị, mỉm cười:

"Đi đi, công chúa của em sắp làm việc lớn đấy!"

Thị Mây hiểu, Thị biết việc lớn mà người nói là gì, Thị không nán lại nữa, đành quay đi. Nhưng Thị không về phòng ngủ mà ngồi ngay cửa chờ nàng đi nghỉ.

Thi Mây ngẩng đầu nhìn trăng trên cao. Trăng tháng sáu không tròn cũng không khuyết là bao, vừa hay hình dáng trông như một cái miệng cười lớn, nhe cả hàm răng trắng lại lốm đốm đen trông như những bà cô mới tập nhai trầu.

"Ông còn cười được, ông cũng thật là... thật là vô lương tâm..."
Thị nhìn màn đen trước mắt, Thị lại nhìn cái miệng cười kia. Nó làm Thị khó chịu vô cùng. Người xưa đều nói, người tốt gặp lành y hệt xấu gặp ác. Công chúa của Thị là người lương thiện, nhưng sao nàng không nhận được điềm lành vậy?

Nói đi nói lại, đều là tại bọn giặc Nguyên hung tàn kia. Tháng trước, khi quân của Toa Đô từ đường thủy vòng lên, đánh đến Nghệ An, khí thế bừng bừng, tinh quân vô cùng đông đảo. Chẳng mấy chốc, Nghệ An trở thành nơi đóng quân của chúng.

Bên ta bấy giờ quân ít, vốn đã thua từ trận Vạn Kiếp rồi đến trận Thăng Long, nay, lại mất thêm vòng trong của Nghệ An, tướng binh và binh sĩ không khỏi nhụt chí. May sao, vẫn có Hưng Đạo Vương làm chủ lòng quân, thấy thế nguy cấp nên tập hợp lại số quân ít ỏi ấy, cùng Quan gia lui về Thanh Hóa. Sau đó, vương liền xin vua cho Chiêu Minh Vương dẫn quân chặn bọn Toa Đô ở mặt ngoài, quyết không cho chúng vào sâu hơn.

Bởi thế, ai bảo làm vua sẽ sung túc ấm no? Ai bảo làm vua sẽ ăn thuế dân, bán nước hưởng lợi? Mọi chuyện đều có ngoại lệ, đều có hai mặt, đều từ đồn đãi mà ra. Cũng có lúc, vì mảnh đất nuôi ta lớn, Thiên tử phải chạy đôn chạy đáo vì từng sinh mệnh trên mảnh đất này.

Khi về đến Thanh Hóa, Hưng Đạo Vương cùng Quan gia nghĩ kế sách, nào ngờ, bọn chúng lại tự dâng kế lên, muốn thương thảo chuyện hoãn binh.

"Bẩm Quan gia, có tin báo từ Nghệ An châu."

Quan gia nhanh chóng nhận tờ thư báo ấy, đọc xong, người không khỏi tức giận, lập tức lớn tiếng:

"Bọn vô lại, vậy mà chúng lại dám đưa cái kế sách này!"

Khi quan thần biết được ý định của chúng, đa số đều không khỏi tán đồng, nhưng ngoài mặt lại chẳng dám nói gì. Một thiếu nữ, đổi một quốc gia, không đến nổi quá đáng. Dù sao thì công chúa cũng sống trong nhung lụa từ thuế dân mà ra, làm chút chuyện cho dân, không phải là quá quắt. Ngặt nỗi, cô công chúa này là con gái cưng của Nguyên Hiếu hoàng đế*, đến cả Thượng Hoàng bấy giờ cũng rất trọng người em gái út ấy. Đừng nói đến Quan gia, Thượng Hoàng nhất định không gả An Tư Công chúa cho Thoát Hoan!

Chuyện đã trôi qua nửa tuần trăng, Quan gia và Hưng Đạo Vương vẫn sầu não vì quốc sự. Cuối cùng, Hưng Đạo vương cũng lên tiếng nói về kế sách mà bọn chúng gửi trong lá thư ấy.

"Quan gia, thứ cho thần thẳng thắn. Quả thật, lời bọn quan nói lúc ấy, vẫn có chỗ đúng, là Công chúa, không tránh khỏi mệnh chung."

Quan gia không nói gì, ngài vẫn trầm ngâm ngồi đấy. Đôi mắt người đầy ắp nỗi niềm. Nếu không có kế sách vẹn toàn, người phải chọn lựa, hoặc là có tội với liệt tổ liệt tông hoặc là có tội với lời hứa của Thượng Hoàng năm ấy: dù bất cứ giá nào, phải bảo vệ An Tư Công chúa tuyệt đối!

"Quan gia, Công chúa sinh ra trong hoàng tộc, lớn lên trong hoàng cung, học lễ nghĩa gia giáo, Công chúa ắt sẽ nhận ra việc mình nên làm và cần phải làm."

Như đời trước có Trường Ninh Công chúa, Ngọc Kiều Công chúa, gần hơn có Ngoạn Thiềm Công chúa. Có nàng gả gần, đến vùng biên cương, có nàng lại hạ giá đi xa, đến vùng đất mới, nơi mà các nàng ấy có ngày đi nhưng ngày về lại thăm thẳm trùng khơi. Dẫu xa hay gần, các nàng ấy vẫn đã hoàn thành sứ mệnh mà một vị công chúa phải gánh trên vai. Đó là lấy tuổi xuân của mình, lấy tình yêu tươi đẹp để đổi một tòa thành ấm êm cho bánh tính. Làm Công chúa suy cho cùng cũng là làm người, có vui ắt có buồn, có sướng ắt có khổ.

Hồi lâu, tiếng thở dài của Quan gia đã thay cho câu nói "Cho lui" của người. Sau khi Hưng Đạo Vương rời đi, Quan gia trong phòng suy nghĩ rồi cũng cất gót đi ra. Người đến cái chòi nghỉ mát ngoài vườn, lấy chiếc sáo trúc mà Thượng Hoàng đã làm cho người lúc người còn bé, thổi. Tiếng sáo du dương trong làn gió khẽ lay, lòng người lại mê man lạc về miền hồi ức đã qua...

Dù Quan gia và công chúa chỉ cách nhau chừng sáu, bảy tuổi nhưng quan hệ vẫn là cô cháu. Khi An Tư vừa sinh ra, người cháu của mình đã lớn hơn mình bảy tuổi. Vì trong cung ít trẻ con, nên Quan gia - bấy giờ là hoàng tử cả, rất thích chơi với cô của mình. Ngoài giờ lên lớp với thầy đồ thì thời gian còn lại người sẽ ở cùng với An Tư. Có lẽ vì trạc tuổi với nhau nên từ bé tới lớn, hai cô cháu luôn quấn quýt cùng nhau như hình với bóng. Chỉ có điều, chuyện buồn cười nhất là An Tư năm ba tuổi hiểu biết mọi chuyện, chỉ duy nhất một chuyện chính là vẫn luôn gọi Trần Khâm là "anh Khâm". Có một lần, lúc này An Tư đã năm tuổi, nàng nghe các chị nói về thế giới bên ngoài bức tường cao này. Nàng thích thú, chăm chú và ước ao được một lần ra chợ chơi như các chị. Trần Khâm thấy thế, vì không thể để cái cách gọi sai này tiếp diễn mãi nên mới nói nhỏ một giao kèo với An Tư:

"Nếu cô gọi con là cháu, con sẽ dẫn cô ra ngoài cổng thành."

An Tư nhìn theo hướng tay của Trần Khâm chỉ ra cổng thành, rồi lại nhìn khuôn mặt kia, lắc đầu thắc mắc :

"Lắm chuyện! Rõ ràng em nhỏ hơn lại phải kêu người lớn hơn mình mười tuổi bằng cháu, hoang đường."

y dô, nói là nhỏ hơn nhưng khí thế khi nói chuyện lại rất ra dáng bậc trưởng bối nhỏ.

"Vậy thì người cháu lớn này đi chơi đây, không dẫn cô nhỏ theo nữa."

Trần Khâm toang bước đi, lúc đầu An Tư vẫn cứng rắn vì nàng nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao lại phải gọi Trần Khâm là cháu. Nhưng tình thế cấp bách, nếu Trần Khâm mà đi ra khỏi cái cánh cửa điện thì coi như chuyến thăm thú thế giới ngoài kia của nàng đi đời ngay. Vừa muốn kêu, lại vừa không muốn. Nội tâm dằn xé cao trào, cuối cùng...

"Này! Dám bỏ cô nhỏ lại, ta sẽ mách Quan gia ngươi lười học."

Trần Khâm coi như bước đầu dụ dỗ thành công, quay lưng lại, khóe miệng cong cong.

"Được rồi! Cô nhỏ tôn kính đại lượng, người đừng mách cha con. Đi thôi, con dẫn cô đi ngao du thiên hạ."

Kết thúc chuyến ngao du ấy, An Tư trúng gió ngã bệnh, người bị phạt là Trần Khâm. Không phải vì ra ngoài cung mà vì ra ngoài cung nhưng lại dẫn theo cô nhỏ. Chuyện này mấy vị trưởng bối trong cung nhắc đến là lại cười một trận. Bây giờ hồi tưởng lại, tưởng chừng như chỉ mới hôm qua đây thôi.

Chuyện đã qua, cũng đã qua lâu rồi. Mà vừa hay, khúc sáo cũng vừa thổi xong.

Thị không mù, tim Thị cũng không phải sắt đá. Thị cảm nhận, chứng kiến và biết tất thảy những dịu dàng mà Quan gia dành cho Công chúa. Thị giận lại càng giận. Nhưng cũng chỉ biết giận mà thôi, phận làm tôi tớ, Thị không có quyền gì sất, kể cả khi Thị muốn lên tiếng giùm chủ của mình. Cách tốt nhất mà Thị có thể làm là cùng Công chúa của Thị là đến một nơi xa xôi, bầu bạn cùng người suốt quãng đời còn lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co