Truyen3h.Co

Edit Nguoi Vo Hai O Thap Nien Bay Muoi

Đổng Giai Tuệ nằm trên giường ba ngày, hôm nay cô đã thấy đỡ mệt hơn, lần đầu bước xuống giường ra ngoài nhìn rõ toàn cảnh sân nhà họ Đổng.

Có năm gian nhà bằng gạch nung, chính giữa hướng về phía Nam, hai bên có hai gian phụ, ngoài sân được quét dọn gọn gàng, có một cái giếng cổ, một cây lựu, một cây đào, góc tường chất cỏ tranh và củi lửa. Một mảnh đất nhỏ khác để trồng rau, bên trong trồng cải trắng, rau hẹ, ớt xanh, tỏi và các loại rau dưa khác. Bên cạnh khoảnh đất trồng rau là một chuồng gà, bên trong có ba con gà mái đang kêu cục ta cục tác.

Đây là một khoảng sân mang phong cách rất nông thôn. Loại nhà vách đất này ở thế kỷ 21 ngay cả ở nông thôn cũng rất ít thấy. Lúc còn nhỏ Đổng Giai Tuệ đã nhìn thấy những di tích lịch sử được bảo tồn hoàn hảo khi cô đi du lịch cùng cha mẹ đến các vùng căn cứ cách mạng.

Sáng sớm sau khi ăn sáng xong, tất cả người lao động của nhà họ Đổng đều ra đồng, đứa lớn đi học, đứa nhỏ nhất được đưa ra ngoài ruộng, trong nhà chỉ còn lại một mình Đổng Giai Tuệ.

"Lư gia kia cũng quá thiếu đạo đức rồi, Giai Tuệ chân trước vừa mới trở về, sau lưng bọn họ đã tìm một nàng dâu mới, nàng dâu này đúng là người lợi hại, muốn cưới cô ta vào trước hết phải làm giấy đăng ký kết hôn, sau khi chứng nhận rồi nếu Lư gia còn nghĩ đến việc ly hôn sẽ khó khăn."

"Ôi, việc ly hôn này sao có thể nói bỏ là bỏ, còn không phải do Giai Tuệ quá thành thật, ở nhà chồng bị mẹ chồng đàn áp sao. Con dâu mới của Lư gia phải tốn bao nhiêu tiền mới cưới được?"

"Vì chuyện của Giai Tuệ nên thanh danh nhà bọn họ rất kém, mọi người đều nói bà Lư quá lợi hại, con dâu mới vào cửa sẽ phải chịu khổ. Bà Lư cắn răng cho ba mươi tám đồng tiền lễ hỏi, còn có ba mươi quả trứng gà, năm cân dầu đậu nành."

"A, hào phóng như vậy sao! Lúc trước Giai Tuệ vào cửa chỉ có hai mươi đồng tiền lễ hỏi thôi."

"Ôi, khổ thân Giai Tuệ. Trần Quế Hương hình như cũng biết Lư gia sắp cưới con dâu mới vào cửa, hai ngày nay cũng vội vàng tìm chồng cho Giai Tuệ. Nhưng con gái mới lớn dễ tìm, còn người đã có một đời chồng thì kém hơn một bậc."

"Còn không phải sao, người độc thân hiện giờ nếu không phải vì nghèo thì cũng do lớn tuổi hoặc goá vợ. Nếu ly hôn vì lý do khác còn đỡ, lại bởi vì không sinh được con, thời buổi này đàn ông cưới vợ không phải là để sinh con nối dõi tông đường sao, làm gì có người đàn ông nào muốn một người vợ không thể đẻ được? Trần Quế Hương có thể gả con gái cho một kẻ ngốc được sao?"

"Cho nên mới nói thật đáng tiếc, chúng ta đều nhìn con bé lớn lên, dung mạo không nói, tính tình thật sự rất tốt."

"Phụ nữ chính là như vậy, nếu may mắn thì có thể sống những ngày tháng tốt đẹp, nếu không may mắn thì chỉ có thể chịu khổ cả đời".

"Được rồi, chúng ta trò chuyện vài câu thôi, bà đừng nói những lời khó nghe trước mặt người nhà họ Đổng, đặc biệt là Giai Tuệ. Con bé mặt mũi dịu dàng, tâm tư sâu sắc, không chịu được những lời này."

"Tôi biết rồi, cần gì bà nhắc? Tôi cũng không có thù oán gì với con bé, sao phải cố ý nói những lời khó nghe trước mặt nó làm gì, sợ nó sống lâu quá sao?"

Đổng Giai Tuệ đang ngồi ở trong viện phơi nắng thì đột nhiên nghe được một số lời bát quái về nguyên chủ, thanh âm từ tường viện phía Đông nhà hàng xóm truyền đến.

Cô xuyên qua nhưng không hoàn toàn kế thừa ký ức của nguyên chủ, chỉ nhớ được một số người và sự việc quan trọng, không thể nhớ được từng chi tiết nhỏ.

Cô không phải là nguyên chủ nên đương nhiên không để bụng Lư Thành Nguyên có tìm vợ mới hay không. Cô chỉ quan tâm đến bản thân, xuyên thành người vợ bị bỏ rơi, cô không thể nào cả đời ngây ngốc ở nhà mẹ đẻ không lấy chồng. Như vậy ngay cả anh trai và chị dâu cũng không thể chịu được cô.

Nhưng sự thật đúng như lời hàng xóm vừa mới nói, một người phụ nữ đã ly hôn còn hiếm muộn, ở thời đại này có thể tìm dạng người gì?

Cô không phải là nguyên chủ, không phải người bản xứ của thời đại này chỉ cần lấp đầy bụng là có thể thoả mãn. Cô đến từ thế kỷ 21, trải qua giáo dục cao đẳng, có lý tưởng có ước mơ, đối với nửa kia cũng có thẩm mỹ của riêng mình. Cô thật sự không thể tưởng tượng được mình gả cho một người không có văn hoá, không thích sạch sẽ, vừa ăn cơm vừa phàn nàn, mở mồm ra là thấy hôi. Như vậy thật đúng là không bằng nhảy sông chết đi cho rồi.

Đổng Giai Tuệ đang nằm phơi nắng trong lo lắng thì nghe thấy tiếng đồng hồ trong nhà chính điểm mười giờ, Đổng Giai Tuệ đứng dậy đi vào bếp xem có thể giúp nấu cơm không.

Khi còn nhỏ cha mẹ bận rộn công việc nên mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ đông đều gửi cô về nhà bà ngoại ở dưới quê. Cô thường xuyên giúp bà nhóm lửa nên biết sử dụng chiếc bếp cũ ở nông thôn.

Đổng Giai Tuệ đi dạo quanh bếp một vòng, tìm được thùng đựng gạo cũng như đống khoai lang đỏ chất trong góc tường.

Trong mấy ngày cô ở đây đã thấy người nhà họ Đổng nấu cơm luôn cho thêm một ít khoai lang đỏ, thời buổi này cơm gạo chỉ vào dịp lễ Tết hoặc cúng tổ tiên mới có.

Đổng Giai Tuệ dùng gáo bầu tự chế đong nửa bầu gạo, lại chọn thêm sáu củ khoai lang trong góc tường rồi đến cạnh giếng rửa sạch sẽ, dùng dao cắt bỏ những chỗ bị hỏng rồi cắt thành từng miếng nhỏ. Sau khi vo gạo xong cô cho gạo và khoai lang vào nồi, đổ một lượng nước thích hợp rồi đậy nắp nồi lên.

Công tác chuẩn bị rất thuận lợi, ngoại trừ khâu nhóm lửa bởi vì không dùng quen diêm của niên đại này nên nhóm lửa mất chút thời gian.

Làm xong mọi việc chuông đồng hồ lại vang lên lần nữa, nửa giờ đã trôi qua.

Nấu cơm xong Đổng Giai Tuệ lại đi ra vườn rau hái một búp cải trắng cùng nửa giỏ rau hẹ rồi rửa sạch bằng nước giếng. Cô không biết bình thường người nhà họ Đổng nấu ăn thế nào, sợ bản thân đong đếm không tốt nên rửa sạch đồ ăn để trong phòng bếp chờ Trần Quế Hương trở về nấu nướng.

Mười một giờ Trần Quế Hương từ ngoài đồng trở về. Đội sản xuất làm công cũng có thời gian làm việc cố định, từ tám giờ sáng đến mười hai giờ trưa.

Trần Quế Hương trở về đã nhìn thấy con gái rời khỏi giường, còn làm cơm cho cả nhà, vừa sợ con gái không khoẻ mà cậy mạnh lại vừa vui mừng vì con gái hiểu chuyện.

"Mẹ còn vội vàng lo lắng quay về, con đã nấu xong cơm rồi?"

"Con nấu cơm rồi nhưng thức ăn vẫn chưa có, con rửa sạch chờ mẹ về làm."

Trần Quế Hương mở nắp nồi, nhìn thấy cơm trắng trộn với khoai lang trong nồi, lượng cơm không nhiều lắm, hài lòng gật đầu.

"Tốt lắm, con chuẩn bị xong hết rồi, mẹ xào cũng nhanh hơn."

Bà quay người lấy một bát tôm sông nhỏ trong tủ bát ra, đây là tôm đã được nấu chín, đợi lát nữa xào rau hẹ thêm một ít vào.

Ngoài tôm bà còn lấy một chiếc nồi đất nhỏ đựng mỡ heo bên trong chỉ còn non nửa.

"Thêm một ít mỡ heo vào rồi xào bắp cải cho đến khi có mùi thơm. Trong nhà không có tóp mỡ, nếu có một ít tóp mỡ nữa xào chung thì sẽ rất ngậy."

Từ nhỏ Đổng Giai Tuệ đã thấy được uy lực của mỡ heo, khi còn nhỏ bà ngoại thường xuyên làm mì trộn mỡ heo cho cô ăn. Dù cô còn nhỏ nhưng mỗi lần đều có thể ăn hết một bát, bà ngoại thích ở bên cạnh nhìn cô ăn, nói nhìn cô ăn cái gì cũng thấy ngon hơn.

Trần Quế Hương xào rau, Đổng Giai Tuệ vừa nhóm lửa vừa âm thầm quan sát thủ pháp xào rau của Trần Quế Hương để học tập, tránh sau này lộ ra sai sót.

Chiếc bếp cũ nấu cơm rất nhanh, nồi cơm nóng hổi ​​chỉ cần nấu hai ba lần là chín, mùi thơm ngào ngạt tỏa ra trong không khí. Sau khi nấu xong Trần Quế Hương lại lấy thêm hai quả trứng từ trong tủ bát ra, đánh đều rồi bỏ thêm hành lá thái nhỏ và muối ăn, sau đó cho thẳng vào nồi cơm để hấp.

Bữa cơm hôm nay rau là nhà mình trồng, tôm là nhà mình vớt.

Thôn Đại Vũ phía trước có nước, phía sau có núi, là nơi rất thích hợp để sinh sống.

Người xưa có câu: "Dựa núi ăn núi, dựa sông ăn sông". Mặc dù cơm gạo ăn không đủ no nhưng trong sông có tôm cá, trên núi có rau dại, thật ra có thể thường xuyên đánh bắt.

Bởi vậy bữa cơm này đáng giá nhất chính là hai quả trứng gà kia, thời buổi này trứng gà có thể trao đổi, Cung Tiêu Xã có người chuyên thu mua trứng gà, một quả năm xu, ngoại trừ công điểm*, đó là số tiền mà nông dân có thể tự làm ra, vì thế vô cùng quý giá.

* Công điểm (工分): điểm tính công lao động của xã viên hợp tác xã nông nghiệp trước đây.

Trong trí nhớ của nguyên chủ, điều kiện của Lư gia có một bát cơm tẻ và đĩa trứng tráng đã coi như rất tốt, khiến người trong thôn hâm mộ không thôi. Đương nhiên nguyên chủ là con dâu không được yêu thích nên cũng không được ăn, nếu không sao nguyên chủ có thể gầy đến da bọc xương. Ở thập niên 70, mọi người ăn không đủ no cũng không gầy đến như vậy.

Gần mười hai giờ, người nhà họ Đổng lần lượt từ đồng trở về, Điềm Nữu cùng Tiểu Mãn được anh cả và anh ba ôm, người mặc áo bông dày, hai gò má đỏ bừng. Tiểu Mãn hình như bị cảm, hai hàng nước mũi chảy dài, thụt lên thụt xuống giống như hai con sâu ăn rau xanh.

"Giai Tuệ dậy rồi sao. Sức khỏe đã tốt hơn chưa?"

Người hỏi chính là chị dâu cả Chu Ngân Đệ của Đổng Giai Tuệ, là vợ của anh cả Đổng Ái Hoa.

Chu Ngân Đệ sinh được cháu trai lớn Hổ Tử cùng cháu gái duy nhất của Đổng gia Điềm Nữu. Cô có khuôn mặt vuông, tính cách rất mạnh mẽ, là người con dâu mà Trần Quế Hương đắc ý nhất. Việc trong nhà đến ngoài ngõ đều góp tay, làm việc cũng rất nhanh nhẹn tháo vát, chăm chỉ có tiếng.

Mọi người đã đông đủ, bữa cơm được dọn ra. Đàn ông làm việc vất vả nên mỗi người một bát cơm trộn khoai lang lớn, phụ nữ thì ăn bát cơm nhỏ hơn một chút, bát của trẻ con lại càng nhỏ hơn.

Trần Quế Hương múc một thìa lớn trứng hấp cho Điềm Nữu và Tiểu Mãn, đồng thời cũng múc một thìa cho Đổng Giai Tuệ.

Sau khi múc ba thìa trong bát không còn lại mấy, Trần Quế Hương đưa bát cho chồng là Đổng Đại Quý, Đổng Đại Quý lắc đầu không cần. Con trai và con dâu cũng ngại tranh phần trứng còn thừa, vì thế Trần Quế Hương vét sạch bát cho cháu trai út Tiểu Mãn ăn.

Con dâu thứ hai Lưu Tú Vân trong lòng có chút không vui, hai con trai của cô là Chuy Tử và Quân Tử đều đi học không ở nhà, nói cách khác hôm nay có lợi cho anh cả và chú ba.

Con trai mình không được ăn trứng không nói, cô em chồng Đổng Giai Tuệ lớn như vậy rồi thế nhưng vẫn còn có mặt mũi ăn, cái này khiến cho Lưu Tú Vân vô cùng bực bội.

Thật ra lúc Đổng Giai Tuệ về nhà mẹ đẻ trong lòng Lưu Tú Vân đã có chút suy nghĩ, chỉ là vẫn luôn kìm nén chút tâm tư mà thôi.

Lúc đầu cô cũng cảm thấy phụ nữ bị nhà chồng ly hôn và đuổi ra ngoài rất đáng thương. Sau đó Đổng Giai Tuệ nhảy sông, hơi thở thoi thóp được người ta khiêng về, sự đồng cảm của Lưu Tú Vân dành cho cô lên đến đỉnh điểm.

Nhưng vạn vật trên đời này đều tuân theo quy luật "Việc cực tất phản, đôi đầy tắc mệt"*. Loại đồng tình này sau khi lên tới đỉnh điểm liền bắt đầu đi xuống.

* Vật cực tất phản, đôi đầy tắc mệt (物极必反, 盈满则亏): một vật hoặc một sự việc đi đến cực điểm thì sẽ suy thoái, chuyển hoá trái ngược.

Cho dù cô có tạm thời giả vờ rộng lượng nhưng trong nội tâm vẫn tính toán so đo. Lưu Tú Vân nghĩ dựa vào cái gì mình làm ruộng cả ngày không được ăn một miếng trứng nào mà Đổng Giai Tuệ đã từng qua một đời chồng, cả ngày chỉ nằm ở trên giường không làm gì lại được ăn ngon uống tốt, chăm sóc cẩn thận. Có đi hỏi mười sáu đại đội sản xuất của công xã cũng không có đãi ngộ này. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co