Truyen3h.Co

HUẤN VĂN NGẪU HỨNG

#2 Cô út nhà họ Đặng (phần 1)

moodd_23

"Ê mấy bà nghe gì chưa? Cô út nhà ông bà hai về rồi đó"

"Gì? Ai? Ông bà hai bè cá á hả?"

"Ừa, cô út mới từ Sài Gòn về"

"Sao lúc bà cụ Tư mất nó không về thắp cây nhang, giờ cả tháng rồi về chi nữa"

"Xời, về chi? Nó cũng có phải con cháu chánh tông đâu mà để tang, bà cụ Tư hồi đó lụm nó về nuôi mà"

"Hèn chi, ông bà hai coi nó như ở đợ"

"Suỵt suỵt nó nghe"

Ngày Đặng Gia Nghi trở về quê nhà, khắp xóm làng vang lên lời ra tiếng vào. Nhưng em không màng tới. Họ muốn nói gì là chuyện của họ. Có lẽ chốn phồn hoa kia cũng có đôi phần khắc nghiệt, rèn một đứa trẻ dễ khóc ngày nào thành một cô gái đôi mươi chững chạc, độc lập và có đôi chút ngạo mạn.

Em bước đi qua đám người tụm năm tụm bảy, những tiếng xì xào vẫn cứ văng vẳng hai bên tai. Nghe mà nhức đầu.

"Coi nó kìa, cái đầu nhuộm đỏ choét, mặc cái áo ngắn ngủn, lộ cái bụng xẹp lép, ủa nó gắn cái gì trên rốn vậy?"

"Ù ôi nó gắn cái hột xoàn vô rốn kìa"

"Cái áo ngắn ngủn mà mặc chung với quần dài thòn, cái tướng đi nghênh ngang thấy ớn"

Đáng lẽ những lời đàm tiếu sẽ mờ nhạt dần khi bóng em khuất xa khỏi tầm mắt những con kền kền háo ăn. Nhưng, ngay khi tấm lưng em hiện hữu trong tầm mắt họ, cái hình xăm nhỏ xíu sau gáy vô tình bị lộ ra, cuộc trò chuyện lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.

Gia Nghi hừ lạnh một cái, vẫn dõng dạc bước đi.

Cái xứ này cũng có thể nói là đang đô thị hoá, nhưng không đầy đủ như trên thành phố. Xe ôm công nghệ cũng không có mà kêu. Vậy nên Nghi mới phải cuốc bộ từ bến xe về đây.

Em bước vào trong sân nhà gạch tàu, cái mái đầu đỏ tươi chói chan hơn cả ánh nắng.

Đám chó giữ nhà chạy ra, chúng nó sủa liên tục về phía em, cái tiếng sủa khuấy động cả không khí yên tĩnh ban trưa.

"Ông bà ơi, có ai tới nè"

Mấy đứa con nít ở đợ trong nhà thấy Gia Nghi thì nhìn chăm chăm, với tụi nó thì Nghi lạ đời lắm. Cái đầu màu đỏ, cái áo màu vàng, cái quần xanh rêu dài phủ chân. Nhìn y chang cái cột đèn giao thông ngoài đầu đường.

Tụi nhỏ mặc áo ba lỗ lấm lem bùn đất, cái quần thun ướt nhẹp như mới từ dưới sông bước lên, nhìn nhếch nhác đến mức Gia Nghi hơi bực trong lòng.

Biết làm sao, tụi nó là con của mấy người làm trong nhà. Nhà này có cái bè cá lớn trên sông, người làm thì đông như kiến, tiền cứ chảy róc rách vào túi ông bà hai như nước phù sa.

Riêng tụi nhỏ thì lo pha trà, quét nhà, nấu cơm, việc gì vừa tay là tụi nó làm hết.

"Nghi.. em về rồi đó hả em?"

Đặng Hồng Tú vén tấm rèm bước ra, nhìn thật kĩ người em út từ phương xa trở về. Đã lâu lắm rồi.

Gia Nghi đứng trước bàn thờ bà cụ Tư vẫn còn phủ tấm vải vàng, vẫn nghi ngút hương khói, em định lấy một nén nhang thắp cho bà.

"Trời ơi cái con này, mày mặc áo hở vai hở rốn vậy mà cũng dám đứng đó thắp nhang cho bà nội hả?"

Cái giọng lanh lảnh chua chát đến từ bà hai - con dâu của cụ Tư - vang lên như đấm vào màn nhĩ. Bà chống nạnh, liếc như muốn lòi con mắt ra ngoài.

Hồng Tú vội lấy một cái áo khoác sơ mi mỏng đưa cho Gia Nghi, đặng em mặc vô thắp nhang cho lễ phép.

Gia Nghi quên, chứ em không hề muốn thất lễ với ông bà.

Thắp nhang xong, Gia Nghi không nói không rằng, kéo cái vali to đùng đi vào trong nhà, đi vào gian phòng nhỏ bé lúc xưa.

"Cái con này đi Sài Gòn rồi thay tánh đổi nết, không coi ai ra gì" bà hai vẫn cứ gắt gỏng.

"Thôi mẹ, chắc em nó mệt" Hồng Tú đỡ bà hai ngồi xuống ghế, tay rót cho bà một ly nước đá.

...

Gia Nghi ngồi trong phòng, vừa đặt mông lên tấm đệm cũ, bụi đã bốc lên khiến em ho sặc sụa.

Thật ra ngày nào Hồng Tú cũng vào đây dọn dẹp, nhưng cái mũi Gia Nghi quen mùi máy lạnh, nhà trên thành phố có ba bốn cái máy lọc không khí, nên em không chịu nổi mấy hạt bụi li ti này.

"Khụ.. khụ.."

Em đứng dậy kéo tấm rèm cửa sổ ra cho thoáng, từ đây có thể nhìn ra ngoài sân, nhìn mấy cây cau đổ bóng xuống đất.

"Đỡ mệt chưa em?"

Hồng Tú mở cửa bước vào, trên tay là dĩa dưa hấu mà chị đã lựa hột ra hết. Chị nhẹ nhàng đặt lên bàn, đôi mắt dịu dàng nhìn Gia Nghi. Em đưa ánh nhìn hờ hững về phía chị.

"Còn ở cái nhà này là còn mệt"

Gia Nghi đi Sài Gòn về nói năng tròn vành rõ chữ hẳn. Không có đớt đớt như hồi xưa.

Hồng Tú biết Gia Nghi chỉ muốn về đặng thắp cho bà nội cây nhang thôi, chứ có muốn thăm ai đâu. Bao nhiêu năm ở nhà này, có lúc nào là em biết được cảm giác êm ấm gia đình.

Em hận là phải thôi.

"Bộ.. em còn giận chị hả?"

"Chị ba có làm gì đâu mà tui giận"

Miệng nói hông giận, nhưng cái tông giọng hơi căng à.

"Cái đó tui không ăn, chị đem đi đi" Em chỉ vào dĩa dưa hấu trên bàn.

"Út.. em đừng như vậy nữa được không? Mấy năm qua em đi, cả nhà không ai liên lạc được với em, chị lo lắm em biết không?"

"Liên lạc để làm gì? Về bưng cơm rót nước tiếp hả?"

"Em.."

"Tui gọi chị một tiếng chị ba là vì tui thương bà nội, tui không muốn bà buồn khi thấy cảnh tương tàn, hiểu không? Giờ chị né ra cho tui đi tắm"

Gia Nghi không phải ghét Hồng Tú đâu. Tú hơn Nghi có một tuổi thôi, mà cái tính chị ôn hoà, ai mà ghét cho được. Nhưng Gia Nghi ghét ông bà hai. Người ta nói yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng. Hồng Tú là con thứ hai của ông bà hai, lại còn hiền khô nên Gia Nghi hơi lạnh lùng ra mặt với chị thôi.

Ngày xưa bà cụ Tư lụm được Gia Nghi ở trước cửa một ngôi chùa, không biết cha má em là ai, nên đem về nhà họ Đặng nuôi. Bà Tư thì có một người con trai lớn đã lập gia đình, đó là ông hai và vợ là bà hai, hai người tiếp quản cái bè cá mà bà Tư gây dựng.

Lúc đầu, khi bà Tư còn khoẻ mạnh, ông bà hai nuôi Gia Nghi rất kỹ, chăm sóc chu đáo như con ruột. Nhưng khi bà cụ yếu dần, phải nằm trên giường suốt, chuyện làm ăn của hai vợ chồng cũng sa sút theo. Đi coi bói thì thầy phán:

"Hai vợ chồng gan ha? Bà cụ Tư tuổi Sửu, ông hai tuổi Thìn, bà hai tuổi Mùi, bây giờ rước thêm con bé tuổi Tuất vô, coi có chết không? Đủ bộ Tứ Hành Xung rồi đó"

Kể từ khi bà cụ Tư bệnh nằm liệt giường, ông bà hai xem Gia Nghi không khác gì ở đợ. Cái danh cô út cũng chỉ để cho vui.

...

Gia Nghi đứng dậy, lấy từ trong vali ra mấy chai sữa tắm dầu gội đắt tiền, mang theo nguyên bộ chăm sóc da. Em có mua lương khô đem theo phòng khi bị ông bà hai bỏ đói. Dù sao xứ này cũng có nhiều nhà hàng quán ăn đâu.

"Em tắm xong, khi nào trời sụp nắng nhớ ra bè cá thăm chị hai nhe, chỉ đang tính tiền ngoài đó á"

"Không thích"

Đặng Gia Nghi lạnh lùng đáp.

...

Trưa hôm đó Gia Nghi cũng ngồi ăn cơm chung với nhà. Ở trên Sài Gòn, em có biết qua mấy phép tắc ăn uống xã giao trong kinh doanh, cũng rắc rối đó, nhưng tuổi gì so với bộ 50 nguyên tắc trên mâm cơm Việt.

Ông hai ngồi ở đầu mâm, bên phải là bà hai, bên trái đáng lẽ là chị hai Đặng Yến Phương, sau đó đến chị ba Đặng Hồng Tú, rồi mới đến Đặng Gia Nghi. Nhưng hôm nay chị hai phải lo chuyện ở bè cá, không có về ăn cơm được. Mấy đứa ở đợ thì ăn ở sau bếp. Tưởng lần này về Nghi phải ăn chung với tụi nó chứ.

Cả nhà phải đợi ông hai ăn trước rồi mới được động đũa.

Má, cái nhà này bị kẹt lại ở những năm 1900 à?

Gia Nghi biểu cảm trên gương mặt có hơi khó coi, nói thẳng ra là nhăn nhó quạu quọ. Em thẳng thừng cầm đũa lên, gắp một miếng tàu hủ bỏ vô chén, lùa một lúc cả tàu hủ cả cơm vào miệng. Trong khi ông hai còn chưa gắp thứ gì.

Cả nhà quay ngoắc sang nhìn Gia Nghi.

Chắc đang ăn chay nên tâm tịnh, ông bà hai không có nổi đoá ngay lập tức. Hồng Tú dịu dàng gắp đậu đũa vào trong chén cho Gia Nghi, kêu em ăn nhiều vô.

"Ăn uống không có phép tắc gì hết!" Ông hai đập tay lên phản.

"Trên thành phố người ta dạy mày cái đó hả? Mình đi lấy cây roi vô đây cho tui" Ông giận tới đỏ mặt, nhưng cũng ráng kiềm chế không lật cả mâm cơm trước bàn thờ cửu quyền, trước bàn thờ mẹ. Bà hai ngồi cạnh vuốt lưng cho ông bớt nóng, con mắt bà liếc sang em.

"Đâu có, trên đó người ta dạy con thiết kế nội thất, cụ thể là vẽ bia mộ, chừng nào hai người chết con vẽ cho hai cái không lấy tiền"

"Mày!" Ông hai sôi máu lên.

"Cha.. cha đừng nóng, để con dạy em" Hồng Tú hốt hoảng can ngăn.

Đặng Gia Nghi ăn hết một chén cơm thì đứng dậy, tay đút vào túi áo, điềm tĩnh bước đi như không có chuyện gì xảy ra.

...

Chiều tà trời chuyển mưa, nắng đã tắt đi rồi. Gia Nghi lấy điện thoại, lấy tiền mặt, sửa soạn đi ra ngoài.

"Trời sắp chuyển mưa rồi, em đi đâu vậy?" Hồng Tú nắm lấy tay Gia Nghi, lo lắng hỏi.

"Vựa gạo"

"Em ra đó kiếm ai? Giờ mà ra ngoài là mắc mưa đó, em nghe chị, đi vô nhà đi em"

Gia Nghi mạnh bạo hất tay Hồng Tú ra, em khẽ nhíu chân mày nhìn chị.

"Tránh ra đi"

Mặc kệ Hồng Tú có nói gì, Gia Nghi vẫn cứ bước ra khỏi cổng nhà lớn. Em hậm hực. Em đâu có muốn phải nói lời cay nghiệt với Hồng Tú đâu, nhưng ở cái nhà đó làm em khó chịu, quanh đây không có khách sạn mà thuê nữa chớ.

Từ nhà em đi tới vựa gạo cũng hơi xa, nhưng phải đi riết lên, lỡ mắc mưa giữa đồng không mông quạnh thì biết trú đường nào.

Vựa gạo thay đổi nhiều thật. Giờ lắp cả cái dây chuyền tải mấy bao gạo, hồi trước toàn là mấy thanh niên vác gạo lên xe. Chắc vùng này có mỗi cái vựa gạo cô hai Huyền là sống đúng với thế kỷ 21.

"Ủa? Kiếm ai?" Mấy chị đang tụm lại tám chuyện, nhìn thấy Gia Nghi và cái đầu bốc lửa của nàng thì chạy tới hỏi.

"Em kiếm chị Dương, Phạm Ánh Dương"

"Ê cưng hên đó, con Dương nó đang lãnh lương trong kia, cưng tới trễ chút nữa là nó ra về rồi"

Gia Nghi nghe vậy thì bước vào trong vựa, bước vô căn phòng kín mà chủ vựa hay ngồi, ngang nhiên mở cửa ra.

Hồi xưa, lúc mà Gia Nghi còn nhỏ, em bị ông bà hai đánh, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, có hôm thì bỏ đói. Những lúc như vậy em hay chạy chơi, chạy vô vựa gạo của cô hai Huyền. Cô hai cho em ăn, cho em chỗ ngủ đàng hoàng.

"Đứa nào mở.. ủa ai đây?" Cô hai Huyền đang bỏ từng tấm polime màu xanh dương vào phong bì thì gặp Gia Nghi từ đâu xông vào. Cô nhìn một lúc mới nhận ra.

"Gia Nghi đó hả? Trời ơi cái đầu mày khét quá"

Đặng Gia Nghi bật cười thành tiếng. Sao ai cũng để ý cái đầu của em hết vậy ta?

"Mới về hả? Lâu hết biết"

"Dạ, chị Dương đâu rồi cô hai?"

"Nó mới xin nghỉ việc đó, mới tức thì luôn, thiệt tình tui tiếc hết sức, con bé đó giỏi"

Gia Nghi cười, ngồi lại với cô hai Huyền nói chuyện tâm sự một chút. Cũng lâu lắm rồi kể từ khi nó dứt khoát rời khỏi quê hương để đi lên Sài Gòn học. Lúc đó nó mới 15, 16 tuổi, trong túi không có một đồng xu. Cô hai Huyền đã cho nó cả chục triệu, cho không chứ chẳng phải cho mượn. Lúc đó cô nói: "Cứ cầm lấy đi, ngại cái gì không biết, nhiêu đây chắc không đủ tui xỉa răng".

Tâm sự một lúc thì Gia Nghi tạm biệt cô hai Huyền. Em bước ra khỏi vựa gạo, đi vài bước nữa là tới nhà người thương.

__________________________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co