Truyen3h.Co

Kookmin Nhat Anh Trong Do Nat

Tôi đã sống hơn hai mươi mốt năm trên thứ mà ai nấy đều biết tên của nó là "cuộc đời" và tôi lại chẳng biết được điều gì, ngoài việc cam chịu và tự xoa dịu bản thân mình rằng: những con cá bé sinh ra là để cho những con cá lớn nuốt lấy, và con người sinh ra là để bị tàn phá bởi sự đau khổ.

Những con cá bé ấy hẳn là chúng luôn luôn có một mơ ước vô cùng vĩ đại, chúng nó sẽ ước phải chi mình không sinh ra trong cái sinh mệnh khốn cùng này thì đúng là tốt biết mấy- khi giả sử đó chính là câu chuyện ngu xuẩn được xây dựng bằng một chút tư duy có phần sai khoa học của tôi. Nói về câu chuyện này, tôi cho rằng bọn cá bé có khả năng suy nghĩ và bộc lộ cảm xúc sống động hệt như loài người, hoặc sống động hệt như một bộ phim viễn tưởng nhàm chán mà tôi không hay để tâm đến bao giờ.

Đến mức ấy, chúng có lẽ sẽ trách cứ cái kẻ đã sinh ra chúng, sẽ căm ghét những thứ chúng đang có, rồi sẽ tệ hơn nếu chúng oán hận luôn cả cuộc đời này với cái nhìn quá sâu sắc, hay là bằng thế giới quan tối đen như mực từ căn phòng rửa ảnh cũ kĩ của một tên sinh viên đang lầm đường lạc lối như tôi đây.

Nhưng cứ nghĩ xem ai ơi, nếu như không có sự tồn tại và xuất hiện của bọn cá bé tù tội trong cái lồng hiện thực ấy, thì bọn cá lớn sẽ tiếp tục bơi lội bằng điều kiện gì cho thỏa lí lẽ tự nhiên được đây. Sẵn tiện thì nên liên kết luôn một mạch với cái khoang miệng đầy ấp nào những lát thịt cá thu xáo trộn cùng với nắm cơm nóng hổi- vừa bốc hơi khỏi chiếc đũa inox bóng loáng tôi rửa tối hôm qua.

Đây là thanh năng lượng.
Còn đây là thanh trí tuệ.

Mặc cho thanh năng lượng có đầy tràn những mảng màu sắc rực rỡ bắt mắt kia theo lối nào đi chăng nữa, thì suy cho cùng, nhân vật mà bạn đang điều khiển trước màn hình điện tử dù cho bất cứ lí do nào, vẫn đều nhận được một cái kết cục duy nhất- kết cục khiến bạn liên tưởng ngay đến hình ảnh: chiếc "kim loại hiện đại" vỡ tan nát thành nhiều mảnh dưới nền nhà thô cứng sau khi bạn thực sự điên tiết lên, và trò chơi kết thúc.

Thế nên, bọn cá bé sẽ có những giây phút suy ngẫm thông suốt hơn về cách chúng đưa mắt nhìn cuộc sống, cuối cùng rồi bọn chúng cũng sẽ phải thốt lên rằng: ôi, mình thật hạnh phúc làm sao khi có thể trở thành cơ sở sống của nhiều thứ khác nữa.

Điều này thật giống như con người, đau khổ sẽ khiến ta nhận ra rằng mình đang được sống.

Nhưng thật không may, nó lại không giống với anh.

Sự đau khổ suýt chút nữa khiến cho anh phải ngộ nhận: chết đi mới có thể giải thoát chính bản thân mình khỏi trần gian tệ hại này.

Jimin nói với tôi, anh cũng là một con cá bé.

Anh đã khẳng định câu nói đó, trước khi anh kể về những điều kinh khủng mà anh từng phải trải qua cho tôi nghe.

Tôi lịm đi trước những câu từ mong manh như sắp vỡ tan thành trăm mảnh cắt li ti, bất cứ khi nào cũng có thể khứa rách từng lớp da thịt đang đè nặng lên trên bộ xương cứng cỏi này. Giọng nói anh trong trẻo và đôi mắt anh nhìn tôi như thể sắp tuôn rơi từng giọt mật ngọt, nhưng lại đắng chát đến ngây ngất.

Tôi thương cái vóc dáng gầy trơ. Thương hốc mắt buồn, hàng mi rũ rượi và khuôn mặt góc cạnh vì thiếu dinh dưỡng, đã sắc bén đến mức đáng thương của anh.

Tôi thương kích thước nhỏ bé, nhanh nhạy. Thương cái miệng luôn rạng rỡ và lảnh lót như chim hót khi anh nói cười và hát cho tôi nghe những bản nhạc tình cũ nát.

Tôi thương đôi bàn tay trắng múp như một đứa trẻ, thương đôi bàn tay vẫn luôn kiên nhẫn ghì chặt từng nét bút sắt, anh thoăn thoắt lướt trên những trang giấy trắng, mà không ngại bị vấy mực.

Tôi thương cái nét văn phong trìu mến, cái thế lập luận không cầu kì nhưng gần gũi và chân thực. Thương những lời thơ quá đỗi ngậm ngùi và sâu sắc của anh được in trên những tờ tập san xuất bản từ câu lạc bộ văn học trong trường, mà anh hay khoe với tôi mỗi buổi chiều nắng tạnh vào đầu các tháng.

Tôi thương những bộ đồ đã cũ anh luôn mặc trên người, mà không khi nào ngừng tỏa ngát hương hoa cỏ. Thương cái cách anh phối đồ rất hay, cái cách mà anh tự khiến mình lúc nào cũng trông thật đẹp đẽ trước ống nhòm của những người khác.

Tôi thương chiếc xe đạp rỉ sét, vẫn cọt kẹt, anh đạp quanh khắp phố phường, đạp đến trường và đạp đến nhà tôi.

Tôi thương mái tóc nhuộm úa màu nắng anh vẫn thường dùng tay vuốt, vì sợ nó không gọn gàng.

Tôi thương, còn anh thì đau.

Anh đau bởi căn gác chật hẹp- cái nơi mà ở đó: "chuột còn đông hơn cả người", khi anh phải vùi mình vào hằng ngày, để ăn, để ngủ, để học hành và để viết lách.

Anh đau bởi một người cha đã biệt tăm, ra đi khỏi xứ anh không một lời từ biệt, quyết quay lưng cho đến tận hôm nay, đau bởi một người cha tàn nhẫn bỏ lại anh và một bà mẹ góa chồng cô độc.

Anh đau bởi những đêm khó ngủ, khi anh nghe thấy tiếng chai miểng chạm lách cách vào nhau, tiếng vỡ nát tan tành trong không gian u ám, tiếng rượu chảy ừng ực vào trong cổ họng của một người phụ nữ nghiện rượu.

Anh đau bởi những trận lôi đình nhuốm ngập trong cơn say mê man, mất đi cả ý thức. Đau bởi những vết hằn đòn đỏ chói mắt lún sâu vào da thịt trắng trẻo, khiến anh mãi khổ sở nói dối bạn bè rằng mình hậu đậu, nên hay bị té ra khỏi chiếc xe đạp nom dỏm ấy mà thôi.

Anh đau bởi những lời lẽ sỉ nhục của kẻ cho thuê gác. Nhưng anh cũng phải đành chịu thôi, vì anh chỉ là một kẻ mướn gác cùng đường.

Anh đau bởi những lần bờ vai anh tê buốt đến tận tủy sống, khi anh mỏi mệt bước ra khỏi cánh cửa của nơi làm thêm ngột ngạt.

Anh đau bởi những lời chỉ trích ghê rợn của mụ thủ quỹ thu tiền học phí, ngồi trong góc phòng bốc mùi nghiêm trọng. Đau đến mức chân anh phải run rẩy khi mỗi lần tên anh được gọi để đến phòng hành chính.

Anh đau bởi những người bạn chưa bao giờ là thân, luôn lợi dụng rồi bào mòn lấy cái tình thành thật từ tận đáy lòng của một người có nhân cách tuyệt vời như anh.

Anh đau bởi bọn họ hàng keo kiệt, Không hề một lần hỏi thăm đến hai con người ru rú trên mái gác tệ hại này.

"Anh không có gì cả. Không tiền, không bạn bè, không tình thương, không người thân, và không có gì xem là mục đích để mà tâm trí nhắc nhở anh phải sống tiếp."

"Nhưng Jimin. Anh có em."

Cuối cùng, tôi đã dang tay ra mà cứu lấy anh. Tôi đã yêu anh như thế.

Jimin khi yêu một người, sẽ không ngại ngần, không một chút tính toán mà dành trọn cả con tim và sức lực cho kẻ ấy.

Nhưng không có nghĩa rằng Jimin hồ đồ trong tình cảm.

Anh có một cái giá riêng khá đắt đỏ, mà những khi kẻ khác nhìn vào sẽ phải rùng mình.

Tôi chui vào một căn phòng cũ kĩ đã hăng hắc mùi sơn dài hạn trên những bức tường tróc bột, căn phòng không thấy lấy một bóng đèn nào có đủ khả năng để phát quang cho tất cả các diện tích rộng, hẹp ở đây. Chỉ thấy có duy nhất một thứ ánh sáng lập lòe tỏa ra từ cây đèn pin nằm trên mép của chiếc bàn gỗ sát vách. Ông nội đã giữ lấy căn phòng tồi tàn đó sau đợt sửa chữa ngôi nhà mục nát đầu hẻm- mọc lên trên mảnh đất sóng vỗ này đến nay với cái tuổi thọ còn lớn hơn cả mẹ tôi, trở thành một căn biệt thự tốt hơn, có thể đáp ứng đầy đủ số nhu cầu mà gia đình tôi cần thiết.

Hồi bé tôi có lần đã hỏi ông nội như thế này: "tại sao ông lại không cho người ta phá đi căn phòng buồn chán nằm trong góc nhỏ trơ trọi đó vậy ông?"

Không. Ông làm sao có thể giết chết nó, khi nó là vật duy nhất ôm vào lòng tất thảy mọi kỉ niệm tuổi trẻ và tình yêu mà ông chỉ dành riêng cho người bà quá cố của tôi. Tôi đã biết thế nào là tình yêu, và hơn bao giờ hết, trước con mắt của một người trẻ, nó thực sự đã phát ra cái thứ ánh sáng kì diệu mà tôi chưa từng thấy bao giờ, cũng như đã vô tình khiến tôi tò mò muốn sở hữu nó đến điên cuồng.

Thế mà mới khoảng đầu cái tháng gió trở trời đây thôi, một trận cuồng phong lạ đi ngang qua, cuốn ông nội rời xa mãi mãi khỏi vùng đất này.

Tôi muốn thừa kế và giành lấy căn phòng rửa phim của ông cho riêng tôi. Để mà được giống như ông thời còn trẻ. Để mà được ngắm nhìn người tôi yêu hiện ra khỏi những mảng tối tăm nhất trên thước phim và trên tấm ảnh ướt mèm, khi tay tôi rút chúng khỏi làn nước.

Lũ người chạy theo công nghệ bây giờ đang có cái thú "tại sao" buồn cười lắm, họ hỏi tại sao cho đến bây giờ vẫn còn có người đi say mê với việc nhốt mình hàng giờ trong phòng tối, trộn, ngoáy, xóc, tráng, rửa để mà lấy ra được vài ba bức ảnh như ý.

Nếu như đi theo cách suy ngẫm và cách tư duy được mài dũa qua một khoảng thời gian dài đằng đẵng; mấy năm ròng, mà tôi đã chăm chú nuốt lấy từng con chữ in trên tựa sách triết học ở trường cấp ba của tôi, thì trên đời này sẽ có hai loại làm việc.

Sống để làm việc là một.
Làm việc để sống là hai.

Bởi chính vì lũ người kia chỉ biết mải mê chụp ảnh, phục vụ cho công việc kiếm sống của mình ngày này qua ngày khác, nên bọn họ nào có hiểu được cái quy luật của những tên luôn sống vì tranh ảnh như chúng tôi đâu.

...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co