Truyen3h.Co

Kvh Full

(c) CBG's txt Ebook

Kính vạn hoa tập 38

MẸ VẮNG NHÀ

Người type: vulananha1

Soát chính tả: annsuri

Đóng gói: annsuri

Ngày hoàn thành: 13/11/2010

Nguồn: e-thuvien.com/forums

MỤC LỤC

CHƯƠNG 1 3

CHƯƠNG 2 9

CHƯƠNG 3 16

CHƯƠNG 4 24

CHƯƠNG 5 30

CHƯƠNG 6 37

CHƯƠNG 7 44

CHƯƠNG 8 51

CHƯƠNG 9 58

CHƯƠNG 10 66

CHƯƠNG 1

LỚP TRƯỞNG XUYẾN CHI ĐỨNG TRƯỚC bảng đen, hớn hở tuyên bố:

- Như đã bàn với nhau, ngày mai cuối tuần, cả lớp mình sẽ đi chơi núi Bửu Long, Thủ Đức…

Xuyến Chi mới nói tới đó, thằng Dưỡng đã cắt ngang:

- Tiền đâu mà đi?

- Tiền quỹ lớp chứ đâu!

Quốc n ứng tiếng đáp, làm như thể nó là ban tổ chức.

- Không được! – Xuyến Chi cau mày – Tiền quỹ hiện nay còn rất ít.

- Sao lại ít? – Quốc n gân cổ - Hàng tháng tụi này mỗi đứa đóng năm ngàn, đóng suốt mấy tháng, quỹ lớp hiện nay phải nhiều ngang kho bạc nhà nước ý chứ!

Hải quắn cười hê hê:

- Hay mấy “Quý nương” trong bán sự lớp lấy ra ăn chè hết rồi?

Thằng Cung gõ bàn thùng thùng:

- Đúng rồi! Trong lớp ta có hiện tượng “tham nhũng”!

Nhỏ Hạnh quay sang nạt Cung:

- Cung đừng có hùa theo mấy bạn kia nói bậy. Hàng tháng tiền quỹ chi thu như thế nào đều có báo cáo trước lớp rõ ràng cơ mà.

Ở trên bảng, lớp trưởng Xuyến Chi chẳng thèm lúng túng mảy may. Nó nói giọng điềm tĩnh:

- Các bạn đừng quên mấy tháng vừa rồi chúng ta chi ra rất nhiều. Tiền mua giấy, mua bút màu để làm báo tường, tiền mua vải, mua các loại giấy bạc để may trang phục cho hoạt cảnh văn nghệ trong Ngày Thầy Cô, tiền mua chổi, mua lọ hoa…

- Thôi, thôi, bạn Xuyến Chi khỏi kể! Chuyện đó tụi này biết rồi! – Nhỏ Bội Linh sốt ruột cắt ngang – Tóm lại, muốn đi chơi thì mỗi người phải đóng tiền, đúng không?

Thằng Cung mới ti toe mấy câu đã bị nhỏ Hạnh la, lại nghe nhỏ Xuyến Chi đem chuyện báo tường ra làm bằng chứng, nó bẽn lẽn ngồi im. Nó là họa sĩ trình bày tờ báo, là người trực tiếp xài mấy cây bút màu đó chứ ai. Cung ngồi im, nhưng chỉ ngồi im được có chút xíu. Nghe con nhỏ Bội Linh hỏi ấm ớ, nó ngứa tai quá. Thế là nó không nén được, liền vọt miệng:

- Không phải mỗi người đóng tiền, mà là bạn Bội Linh phải đóng hết cho cả lớp đấy!

Câu châm chọc của Cung khiến nhiều đứa cười ồ.

Còn Bội Linh đỏ bừng mặt. Nó liếc xéo Cung:

- Tôi hỏi Xuyến Chi chứ có hỏi bạn đâu!

- Bạn Bội Linh nói đúng! – Xuyến Chi dàn hòa – Bạn nào tham gia phải đóng ba chục ngàn…

Hải quắn tru tréo:

- Trời đất! Đi chơi núi Bửu Long chứ có phải đi du lịch Singapore đâu mà đóng nhiều dữ vậy!

- Đóng ba chục ngàn là đúng rồi! – Thằng Duy Dương ngồi bên cạnh Hải quắn thình lình lên tiếng – Tính cả tiền ăn uống nữa chứ bộ!

Thấy thằng này là học sinh mới mà dám cãi cọ với mình, Hải quắn sầm mặt:

- Mày biết gì mà nói!

Hải quắn tính “phang” thêm một câu thật nặng nữa, bỗng nhớ Duy Dương là “cao thủ võ lâm” thứ thiệt, tài đấm đá nếu không hơn thì cũng không kém Tiểu Long, nó liền ngậm miệng. Ngậm miệng nhưng vẫn còn hậm hực, nó liền lấy hơi “hừ” một tiếng rõ to ra vẻ ta đây cóc thèm nói chuyện với nhà ngươi.

Trong khi Hải quắn gây sự với Duy Dương thì tụi bạn nhao nhao bàn tán về chuyến đi chơi. Thật ra, đứa nào cũng thích đi. Có chất vấn, cãi cọ thì cũng chất vấn, cãi cọ cho vui, chứ đi chơi, lại đi xa như thế, đứa nào chả mê.

Vì vậy mà các gương mặt đều tươi roi rói. Tiếng cười đùa tràn ngập cả phòng học. À quên, có một đứa không cười. Đó là nhỏ Lệ Hằng.

Lệ Hằng ngồi sát tường, ngay phía trên Bội Linh. Mặc cho tụi bạn nói cười nhí nhố. Bàn tán ỏm tỏi, Lệ Hằng vẫn ngồi im, mặt lộ vẻ dàu dàu.

Lệ Hằng xưa nay vốn ít nói. Nó là một trong những đứa ít nói nhất lớp 9A4. Nhưng ít nói không có nghĩa là không thèm nói một tiếng nào, nhất là khi chung quanh đang náo nhiệt đến thế.

Cho nên con nhỏ Bội Linh ngồi sát rạt sau lưng nó ngạc nhiên quá.

- Làm gì buồn xo thế hở Lệ Hằng? – Bội Linh dè dặt hỏi.

- Ừ.

- “Ừ” là sao? – Bội Linh nhíu mày – Bộ ngày mai bạn không đi được được hở?

- Ừ

Tiếng “ừ” lần này rõ nghĩa hơn. Bội Linh nhíu mày:

- Sao thế? Lâu lâu lớp mình mới tổ chức đi chơi xa một lần mà.

- Mình phải ở nhà trông em.

Ba của Lệ Hằng mất từ lâu. Bội Linh hay đến chơi nhà bạn nên biết rõ điều đó. Nhưng còn mẹ nó?

- Mẹ bạn đâu?

Lệ Hằng thở dài:

- Ngày mai mẹ mình về quê ba ngày. Ở huyện người ta xử vụ tranh chấp ruộng đất gì gì đó, mẹ mình phải có mặt.

Như vậy là Lệ Hằng không đi chơi với lớp được rồi! Bội Linh tặc lưỡi nghĩ. Lệ Hằng là chị cả trong nhà. Sau nó, còn thằng Đức Thắng và nhỏ Lệ Chi nữa. Mẹ nó về quê, nó bắt buộc phải ở nhà trông em.

Tội nó ghê! Bội Linh bâng khuâng nhủ bụng. Bội Linh cũng có một đứa em nên nó biết trông em là cực như thế nào. Em Bội Linh là Bội Cơ, tám tuổi, bằng tuổi với nhỏ Lệ Chi. Mà mấy đứa nhóc này bảy, tám tuổi là chúa nhõng nhẽo, chúa làm khổ các bậc đàn anh đàn chị! Bội Linh có “kinh nghiệm đau thương” về chuyện này lắm lắm. Đã thế, nhỏ Lệ Hằng lại trông những hai đứa em, trong khi mẹ nó thì vắng nhà.

- Thế thì mình cũng không đi chơi! – Bội Linh đột ngộ nói.

Tới phiên Lệ Hằng tròn xoe mắt:

- Sao thế? Bạn cũng phải ở nhà trông em hở?

- Không! – Bội Linh toét miệng cười – Mình qua chơi với bạn!

- Qua chơi với mình?

- Ừ. Và xem có giúp bạn được gì không!

- Thôi đi, đừng có điên! – Lệ Hằng kêu lên – Bạn cứ đi chơi đi, mình tự xoay xở được mà!

Thấy Lệ Hằng phản đối ghê quá, Bội Linh không nói gì, chỉ cười cười.

Và sáng hôm sau, Lệ Hằng vừa mở cửa ra quét sân, đã thấy Bội Linh đứng ngay trước cổng, tay đang vò vò mấy chiếc lá dâm bụt.

- Bạn không đi chơi thật à? – Lệ Hằng ngơ ngác hỏi.

Bội Linh ngẩng đầu lên, nhoẻn miệng cười:

- Không.

Vừa đáp Bội Linh vừa bước vào bên trong sân. Cổng nhà Lệ Hằng chỉ trơ trọi hai cây cọc gỗ, chẳng hể cửa nẻo gì sất.

- Quét sân hở?

- Ừ.

Bội Linh liếc vào trong nhà:

- Hai đứa em bạn đâu rồi?

- Tụi nó còn ngủ. Hôm nay là chủ nhật mà.

Rồi Lệ Hằng nhìn bạn, giọng cố ra vẻ tự nhiên:

- Bạn kỳ ghê!

Bội Linh nhún vai:

- Mình không đi chơi vì không có tiền đóng.

- Xạo đi!

Bội Linh tủm tỉm:

- Bạn bè mà không tin nhau hở?

Rồi như không muốn nhắc đến đề tài đó nữa, nó lảng sang chuyện khác:

- Bạn làm bài tập toán thầy Vĩnh Long cho chưa?

- Chưa.

- Vậy lát nữa mình với bạn làm chung nhé?

- Ừ.

Bội Linh là một trong những học sinh yếu trong lớp. Học chung với nó hay học một mình cũng chẳng khác gì nhau. Nhưng Lệ Hằng không quan tâm đến điều đó. Lúc này nó chỉ thấy lòng nó dạt dào cảm động.

Nhưng sự cảm động trong lòng nó mới vừa dâng lên chừng ba mươi giây đã bị nhỏ Lệ Chi làm tan biến ngay tuýt xuỵt:

- Chị Hai ơi, em đói bụng!

Lệ Hằng ngoảnh lại, thấy Lệ Chi đang đứng vịn cửa dòm ra, mặt chảy dài.

- Chờ chị một chút, để chị quét sân đã!

- Em không chịu đâu! – Lệ Chi dậm chân bình bịch, giọng đã sớm sụt sịt – Em ăn ngay bây giờ cơ!

Bội Linh nhìn bạn:

- Hay bạn quét sân đi, để mình chạy ra phố mua mấy ổ bánh mỳ!

- Không cần đâu, tối qua mẹ mình nấu cơm nhiều lắm. Lát nữa mình chiên lên, mấy chị em ăn với nhau.

- Em cũng đói bụng, chị Hai ơi!

Thằng Đức Thắng không biết từ dậy từ hồi nào, đang thò đầu sau lưng nhỏ Lệ Chi, mặt mày nhăn nhó.

- Thôi, bạn vào chiên cơm đi! – Bội Linh đỡ cây chổi trên tay bạn – Để mình quét nốt cho!

Giao cây chổi cho bạn, Lệ Hằng tất tả bước vào nhà. Đi ngang qua chỗ hai em, nó thò tay cốc đầu thằng Đức Thắng một cái:

- Lớn rồi mà còn nhõng nhẽo!

- Chị Hai đánh em! Chị Hai đánh em! – Đức Thắng ôm đầu, hét tướng – Mẹ về, em méc mẹ cho coi!

- Cho mày méc! Có dẫn em đi đánh răng rửa mặt đi không hả? – Lệ Hằng hừ mũi, mặt mày thấy mà gớm!

Thằng Đức Thắng bị la, mặt xụ xuống một đống. Nhưng nó chưa kịp phân bua, rằng nó mới có mười tuổi, hãy còn nhỏ nhít lắm chứ đã thành người lớn gì đâu, thì chị Hai nó đã biến mất chỗ cửa thông xuống nhà bếp.

Tại tụi nó rên rỉ quá nên chị Hai nó đi nhanh thật nhanh đó mà.

CHƯƠNG 2

HÔM ĐÓ, NHỎ BỘI LINH Ở CHƠI NHÀ Lệ Hằng đến tận chiều.

Buổi sáng, nó phụ Lệ Hằng dọn dẹp nhà cửa, quét tước, giặt giũ. Sau đó, cả hai giở sách toán ra mò mẫm giải bài tập.

Gần trưa, trong khi Lệ Hằng xách giỏ đi chợ thì nó lui cui thổi cơm.

Hồi sáng, vừa ăn cơm xong, Lệ Hằng lôi tập của Đức Thắng và Lệ Chi ra bắt tụi nó ngồi vô bàn ôn bài ngày mai nên hai nhóc hết đường nghịch phá.

Nhưng đó là nói lúc Lệ Hằng còn ở nhà. Khi Lệ Hằng vừa xách giỏ bước ra khỏi cửa, nhỏ Lệ Chi đã tót ngay xuống bếp.

- Chị Bội Linh ơi, chị đang làm gì đó?

Nhỏ Lệ Chi ôm cổ Bội Linh thỏ thẻ hỏi.

- Chị đang vo gạo thổi cơm.

- Chị cho em vo gạo với!

- Không được! Em lên nhà trên ngồi học bài đi!

- Em học xong rồi.

- Xong rồi thì ra trước sân chơi.

- Không, em không thích ra trước sân! – Lệ Chi ngúng nguẩy – Em chỉ muốn ở đây chơi với chị cơ.

- Thôi được, em ngồi xuống đó đi! Mà phải ngồi im, không được phá à nghen.

Được Bội Linh cho ngồi cạnh, nhỏ Lệ Chi hài lòng lắm. Nó ngồi chồm hổm kế bên sàn nước, hai tay thu vào giữa đầu gối, mắt lom lom nhìn rá gạo trên tay bà chị.

Nó nhìn như thế một lát, lại buột miệng:

- Tại sao phải vo gạo hở chị?

- Để sạch hạt gạo.

- Để hạt gạo không còn vi trùng hở?

- Ừ.

Bội Linh vừa vặn vòi nước vừa đáp bừa, nó đã quá ngán những câu hỏi linh tinh kiểu như thế này của nhỏ Bội Cơ ở nhà rồi.

- Nếu thế cần gì phải vo? – Nhỏ Lệ Chi nhíu mày – Khi đun trên bếp, vi trùng sẽ chết hết chứ lị!

Bội Linh vờ như không nghe thấy thắc mắc của Lệ Chi. Tại nó chẳng biết phải trả lời như thế nào.

Nhưng Lệ Chi đã giật áo nó:

- Thế nào hở chị? Em nói có đúng không?

- Ờ... ờ... đúng.

- Thế tại sao chị cứ vo gạo?

- Tại sao hả? – Bội Linh thở ra – Tại vì làm như thế, hạt cơm sẽ ngon hơn!

Nghe vậy, nhỏ Lệ Chi nhíu mày nghĩ ngợi. Nó nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao vo gạo thì hạt cơm sẽ ngon hơn. Thậm chí có lúc nó cảm thấy ngờ ngợ về điều đó.

Nhưng đến khi nó ngước lên định chất vấn tiếp thì Bội Linh đã không còn ở trong bếp.

Tranh thủ lúc nhỏ Lệ Chi gục đầu “suy tư”, Bội Linh nhanh tay bắc nồi cơm lên bếp rồi vội vã lảng ra ngoài.

Tưởng thoát nạn, nào ngờ vừa đặt chân lên nhà trên, Bội Linh đã sửng sốt thấy thằng Đức Thắng đang bò toài dưới đất.

Chả biết thằng nhóc tìm kiếm thứ gì mà nó dán cứng người xuống nền nhà, đầu cổ mình mẩy khuất dưới gầm đi văng, chỉ có hai cẳng chân thò ra ngoài.

- Ối trời ơi! Em làm gì thế hở Đức Thắng? – Bội Linh hét lên the thé.

- Em tìm cái này!

Tiếng Đức Thắng từ dưới gầm đi văng thản nhiên vọng lên. Khi cất tiếng, hai chân nó hơi nhúc nhích nhưng chẳng có vẻ gì sắp sửa chui ra.

- Em có bò ra ngay đi không! – Bội Linh lại hét – Quần áo dơ hết rồi kìa!

- Chút xíu nữa đi! – Đức Thắng dùng dằng – Em sắp tìm được rồi!

- Em tìm cái gì vậy?

- Cây bút chì.

Bội Linh đảo mắt một vòng, thấy cây bút chì màu xang nằm kế chân tủ.

- Phải cây bút chì màu xanh không?

- Phải! Sao chị biết?

Bội Linh bước lại nhặt cây bút lên:

- Nó ở đây nè! Thôi chui ra đi ông tướng!

Không rõ trước khi chui xuống gầm đi văng thằng Đức Thắng trông như thế nào, nhưng khi nó chui ra và lồm cồm đứng dậy, người ngợm nó trông bắt gớm.

Quần áo dơ hầy, mặt mày nhem nhuốc, lại một mớ mạng nhện dính lam nham trên tóc nữa chứ! Bội Linh lắc đầu:

- Em đi tắm rửa thay đồ ngay đi! Chị Lệ Hằng trông thấy là chết đấy!

- Trông thấy rồi!

Tiếng Lệ Hằng đột ngột vang lên khiến cả hai giật mình quay phắt ra sau.

Thấy bà chị đang cầm giỏ đồ chợ đứng ngay chỗ ngách cửa nhìn mình bằng ánh mắt nghiêm khắc, thằng Đức Thắng hoảng quá. Nó lắp bắp:

- Ấy là tại... tại...

Lệ Hằng không để Đức Thắng nói hết câu. Nó hừ mũi:

- Em vừa chui xuống gầm đi văng phải không?

Rồi nó chỉ tay vào người ông nhóc, sầm mặt:

- Em thử nhìn quần áo của mình xem!

Đức Thắng liếc xuống người một cái rồi lật đật ngẩng lên, ấp úng phân bua:

- Tại em tìm... tìm... cây bút chì chứ bộ!

Thấy thằng nhóc sợ hãi, Bội Linh động lòng lên tiếng xác nhận:

- Nó tìm bút chì thật đó!

- Hừ, bút chì! – Lệ Hằng nhếch môi – Nó gạt được bạn chứ không gạt nổi mình đâu!

Vừa nói Lệ Hằng vừa tiến đến trước mặt Đức Thắng, cao giọng:

- Xòe hai bàn tay ra!

Bây giờ Bội Linh mới chú ý đến hai bàn tay của Đức Thắng. Từ nãy, Bội Linh đã thấy thằng nhóc tay cứ nắm khư khư nhưng không thắc mắc gì.

Đức Thắng nhăn nhó:

- Tay em không có gì trong đó đâu!

- Không có gì thì xòe ra đi!

Lệ Hằng nheo mắt ra lệnh. Nhưng đôi mắt nó vừa nheo lại đã lập tức trợn ngược lên. Vút một cái, thằng Đức Thắng đã phóng ra cửa, chạy mất.

- Này, này! – Sau một thoáng sững sờ, Lệ Hằng băng mình rượt theo, nhưng vừa ra tới cửa biết không thể đuổi kịp thằng oắt được, nó liền đứng lại gọi vói theo bằng giọng dọa dẫm – Mày cứ chạy đi, xem có về ăn trưa không cho biết!

Lệ Hằng quay sang bạn, lắc đầu cười:

- Đúng là thằng quỷ con!

Bội Linh chớp mắt :

- Khi nãy nó cầm cái gì trong tay vậy ?

Lệ Hằng chưa kịp đáp, tiếng nhỏ Lệ Chi thình lình vang lên từ chỗ cửa thông :

- Nhện đó! Ảnh chui xuống gầm đi văng để bắt nhện.

Rồi thấy Bội Linh mặt mày vẫn ngơ ngác, nhỏ Lệ Chi nói thêm :

- Ảnh bắt nhện để câu cá ở cái mương đằng sau này nè…

Lệ Chi hớn hở giải thích, có vẻ tự hào về sự hiểu biết của mình lắm. Nhưng Lệ Hằng không để cho nhỏ em khoái chí lâu :

- Còn em nữa! Chị bảo em ngồi học bài sao em lại xuống bếp làm gì ?

Nhỏ Lệ Chi phụng phịu :

- Em phụ chị Bội Linh nấu cơm mà!

- Giỏi quá há ? – Lệ Hằng nhún vai – Phụ chị Bội Linh nấu cơm nữa cơ đấy!

- Em nói thật mà! – Nhỏ Lệ Chi quay sang Bội Linh – Không tin, chị hỏi chị Bội Linh xem!

Bắt gặp ánh mắt cầu cứu của con nhóc, Bội Linh gật đầu :

- Ờ, đúng là Lệ Chi có giúp mình vo gạo…

- Thế em đã học bài xong hết chưa ?

Thấy chị mình chuyển đề tài, nhỏ Lệ Chi tươi ngay nét mặt :

- Dạ, xong rồi. Thuộc bài hết em mới xuống bếp chứ bộ.

Nhỏ Lệ Hằng chìa giỏ đồ chợ ra :

- Vậy xách giùm chị cái giỏ này xuống bếp đi!

Bị rầy qua loa, lại được giao nhiệm vụ mới, nhỏ Lệ Chi khoái quá, tự dưng cảm thấy mình quan trọng hẳn lên. Nó hí cầm lấy giỏ đồ chợ, khệ nệ xách xuống sàn nhà sau :

Bội Linh nhìn bạn, thấp thỏm :

- Nè, thằng Đức Thắng chạy đâu thế nhỉ ?

- Loanh quanh đâu đây thôi!

Bội Linh vẫn chưa yên tâm. Nó liếm môi nhìn quanh :

- Thế bạn có chắc nó sẽ quay về vào giờ cơm không ?

- Bạn yên chí đi! – Lệ Hằng đập tay lên vai Bội Linh, mỉm cười – Có thể nó không sợ mình, nhưng chắc chắn là nó sợ đói.

Lệ Hằng nói như thánh. Khi mâm bày biện đâu vào đấy xong, mọi người vừa ngồi vào bàn ăn, đã thấy một cái đầu lấp ló ngoài cửa sổ.

Cái đầu đó ngoảnh bên này, ngoảnh bên kia, thấy không ai nói gì thì phân vân lắm.

Chị Lệ Hằng nó không thèm mở miệng đã đành, chị Bội Linh chẳng hiểu sao cũng làm thinh nốt. Ngay cả con nhóc Lệ Chi cũng thản nhiên cầm đũa, không thèm đếm xỉa gì đến một kẻ đang chết đói chết khát đứng cách đó có mấy bước, thật tàn nhẫn vô tình quá sức!

Cái đầu đau đớn nghĩ. Nghĩ một hồi, cái đầu thụp xuống. Lát sau, nó thò vào cửa trước.

Cũng thế, cũng không ai nhìn về phía nó.

Cái đầu thấy không xong, liền rủ thêm cái thân, rồi cả cặp giò. Trong một thoáng, thằng Đức Thắng đã đứng ngay giữa cửa. Vậy mà cũng chẳng ăn thua gì, buồn ghê! Đức Thắng đâu có biết chị nó đã dặn dò mọi người rồi. Rằng cứ làm lơ xem nó xoay sở ra sao.

Đức Thắng xoay sở bằng cách cuối cùng nó lấy hơi hắng giọng một tiếng rõ to.

Nó hắng giọng lớn quá. Lớn đến mức Bội Linh phải cắn chặt môi để khỏi phì cười.

Còn con nhỏ Lệ Chi lập tức buông đũa, đưa tay lên bụm miệng. May mà nó kịp làm thế, nếu không thức ăn trong miệng đã bắn ra đầy bàn rồi.

Lệ Hằng dĩ nhiên cũng không thể làm nghiêm nổi, nó tủm tỉm :

- Làm gì mà ho hen thế! Vô ăn cơm đi, ông tướng!

Chỉ đợi có vậy, Đức Thắng tót ngay lại bàn ăn, ngồi phịch xuống.

Nhưng nó vừa cầm đũa lên, Lệ Hằng đã nạt :

- Ra đằng sau rửa tay đi đã! Chạy nhảy ở đâu về cứ để dơ hầy vậy ăn cơm hả ?

Thằng Đức Thắng đói bụng lắm rồi, nhưng đành phải đứng dậy chạy ra sau bếp.

Nhoáng một cái, nó quay lên, mặt tươi roi rói. Nó xòe hai bàn tay ra trước mặt, hí hửng :

- Tay em sạch bóng rồi nghen!

Thằng Đức Thắng hí hửng bởi nó nghĩ hôm nay nó gặp hên. Nó tưởng như vậy là tai qua nạn khỏi rồi.

Tất nhiên thằng Đức Thắng có lý do để lạc quan: Suốt bữa ăn, Lệ Hằng vẫn nói cười vui vẻ với nó, y như không có chuyện gì xảy ra, y như từ sáng đến giờ nó vẫn ngồi đằng bàn học bài không hề rời đi đâu lấy một bước.

Buổi chiều cũng vậy, ngay cả khi chị Bội Linh đã ra về, chị hai nó vẫn không buồn nhắc một lời nào về chuyện đào tẩu của nó ban sáng. Cứ như thể chị nó hoặc đã quên bẵng mất rồi hoặc chẳng coi đó là chuyện gì đáng bận tâm.

Cho mãi đến sau bữa cơm tối, Đức Thắng mới biết rằng nó lầm to. Rằng nó đã vui mừng quá sớm.

Khi nó cũng nhỏ Lệ Chi đang loay hoay soạn tập chuẩn bị học bài thì Lệ Hằng vừa rửa chén xong, từ dưới nhà bếp đi lên.

- Đức Thắng ôm tập ra nhà sau ngồi học – Lệ Hằng đột nhiên ra lệnh.

Đức Thắng ngước mắt lên nhìn chị. Nó nghe rõ ràng câu nói của Lệ Hằng nhưng trong một lúc nó chưa kịp hiểu ra ý nghĩa của mệnh lệnh đó.

- Chị bảo gì cơ?

- Chị bảo em ôm tập ra nhà sau ngồi học!

Lệ Hằng lặp lại bằng giọng nghiêm nghị. Và lần này thì Đức Thắng hiểu rõ điều chị hai nó yêu cầu. Nhưng chẳng thà nó không hiểu. Hiểu rồi, mắt nó liền trố lên:

- Sao thế hở chị? Nhà sau có gì đâu mà trông! Cứ đóng kín cửa lại là xong thôi mà!

Lệ Hằng lạnh lùng:

- Chị đâu có nhờ em trông nhà! Đây là chị phạt cái tội của em hồi sáng!

CHƯƠNG 3

SÁT VÁCH LÀ MỘT CÁI BỆ DÀI, trên đó đặt bếp lò và các loại nồi niêu xoong chảo. Bên tay phải là một cái chạn gắn vào tường, chất lỉnh kỉnh mắm muối, hũ chao, chai nước tương và các xâu cá khô. Bên tay phải là sàn nước.

Cách bếp lò một quãng, gần với cửa thông lên nhà trên là một cái bàn tròn. Đó là một loại bàn ăn nhưng ít khi gia đình Lệ Hằng ngồi ăn ở cái bàn này. Mẹ Lệ Hằng thường dùng nó để bày biện các thứ linh tinh khi làm bếp.

Ngoài cái cửa thông lên nhà trên, còn một cái cửa khác kế sàn nước, trổ ra con hẻm phía sau nhà.

Cả hai cái cửa đó hiện giờ đang đóng kín. Nếu không có các ô tò vò ở sát mái thì thằng Đức Thắng lúc này đang ngồi dán mình học bài ở cái bàn tròn chắc không biết lấy đâu ra không khí để thở.

Nhưng thực ra thằng Đức Thắng đâu có buồn quan tâm đến chuyện đó. Nó đang ấm ức. Mà con người ta khi đang ấm ức thì chẳng bao giờ để ý mình đang hít thở thế nào.

Đức Thắng quá bất ngờ trước hình phạt mà chị nó ban bố. Nó cữ ngỡ mọi chuyện đã trôi qua rồi. Và trong khi nó đang lâng lâng niềm vui “thoát nạn” thì tai họa ập xuống, thật cứ như sét đánh ngang tai.

Nếu có mẹ ở nhà, chắc chắn mẹ sẽ không phạt mình và cũng không để chị hai phạt mình xuống ngồi ở nhà sau như thế này! Đức Thắng cay đắng nghĩ. Và càng nghĩ, nó lại càng thấy tủi thân, càng thấy như mình bị hiếp đáp. Mắt nó bỗng chốc ầng ậng nước, các con chữ trên trang vở tự nhiên nhòe đi.

Bất giác nó muốn khóc quá. Nó muốn khóc thật to cho chị hai nó nghe thấy. Gì chứ khóc thành tiếng bây giờ quá dễ. Nỗi đau trong lòng nó đang dâng lên, ngực nó đang tưng tức và cổ họng nó đang nghèn nghẹn, có nghĩa là cơ thể nó đang sẵn sàng lắm rồi. Nó chỉ cần bật ra tiếng khóc đầu tiên, tiếng khóc đó sẽ lập tức sẽ kéo theo hàng tràng những tiếng nức nở thảm thiết khác. Đã bao nhiêu lần như thế rồi. Thành công cả.

Thế là thằng Đức Thắng ngoác miệng ra.

Nó quyết định khóc.

Nó chuẩn bị khóc.

Nó sắp khóc đến nơi rồi.

Nhưng rồi không hiểu sao đến phút chót nó lại không khóc. Chẳng có âm thanh nào bật ra.

Lạ một điều là nếu đã quyết định không khóc thì ngậm quách miệng lại cho xong, đằng này, Đức Thắng không khóc mà miệng cũng không ngậm lại.

Nó ngoác miệng ra, rồi cứ há hốc như thế, hai mắt trố lên.

Thì ra, nhìn kĩ mới biết quai hàm nó đang cứng đờ, không nhúc nhích được.

Tại vì ngay lúc đó Đức Thắng có cảm giác một ngón tay lành lạnh đang sờ vào cổ nó từ phía sau.

Ai thể nhỉ? Đức Thắng tự hỏi rồi rùng mình, tự trả lời: Ngoài nó ra, không có ai trong căn phòng này cả! Hai cánh cửa từ nãy đến giờ vẫn đóng kín, Lệ Hằng và Lệ Chi không đặt chân xuống nhà sau, cũng không ai từ ngoài hẻm có thể xâm nhập vào mà nó không biết.

Vậy thì ngón tay lành lạnh trên cổ nó từ đâu ra? Đức Thắng không dám nghĩ tiếp và cũng không đủ bình tĩnh để nghĩ tiếp.

Vì ngay lúc đấy, ngón tay bắt đầu di chuyển. Từ cổ, nó luồn vào trong áo, lần xuống lưng. Vẫn lành lạnh. Lại thêm nhồn nhột. Rờn rợn nữa.

Đức Thắng chết khiếp. Người nó như đông lại. Muốn kêu mà không kêu được. Muốn bỏ chạy nhưng tay chân đã hóa thành gỗ đá mất rồi.

Đức Thắng ngồi trơ, chỉ có hai tròng mắt là còn chuyển động được. Hai tròng mắt đó lúc này đang đảo lia lịa, đầy kinh hãi.

Khi ngón tay bí hiểm đó xuyên qua tay áo nó, bò ra cánh tay thì nó thu hết can đảm sè sẹ hướng tia nhìn xuống dưới, tim đập như trống lân.

Lòng đầy khiếp đảm, nó tưởng tượng đó là một ngón tay nếu không khẳng khiu với làn da nhăn nheo, móng dài thậm thượt như ngón tay của các mụ phù thủy thì cũng trơn tuột, lở lói, lòi cả các lóng xương như ngón tay của các thây ma.

Đức Thắng đinh ninh như thế, và đã có lúc nó quyết định nhắm tịt mắt lại. Nhưng rồi không hiểu có một điều gì đó thôi thúc, nó lại he hé mắt ra.

Và khi đã nhìn thấy cái ngón tay đó rồi, và đã biết chắc đó chẳng phải là ngón tay của thây ma hay của phù thủy mà chỉ là một con thằn lằn nghịch ngợm, Đức Thắng bỗng òa ra khóc.

Cũng lạ, khi hoang mang, sợ hãi thì nó không khóc. Nhưng đến khi những cảm giác đó đã tan biến rồi thì nó lại không kìm được. Nó khóc tức tưởi. Nó khóc ngon lành.

Tiếng khóc ồ ồ của nó khiến cánh cửa thông lên nhà trên lập tức bật mở. Lệ Hằng và Lệ Chi ùa vào như cơn lốc.

- Gì vậy em? – Lệ Hằng lo lắng hỏi dồn – Có chuyện gì vậy? Sao lại khóc?

Đức Thắng nhìn chị nó qua màn nước mắt và trả lời bằng cách khóc to hơn.

Lệ Hằng đặt tay lên vai em:

- Bình tĩnh nào! Có chuyện gì, nói cho chị nghe đi!

Nhỏ Lệ Chi đứng bên cạnh, trố mắt nhìn ông anh, mặt mày ngơ ngác.

Đức Thắng muốn nói lắm. Nhưng nó không làm chủ được mình. Cứ mỗi lần nó mở miệng định nói thì chẳng hiểu tiếng khóc ở đâu trong lồng ngực lại ùa ra. Thế là nó cứ rấm ra rấm rứt mãi.

Lệ Hằng thấy Đức Thắng nói không nói, cứ ngồi ngoác miệng ra khóc, đoán là nó giận mình.

- Thôi, nín đi! – Lệ Hằng vuốt tóc em – Tại em chứ bộ! Ai biểu không nghe lời chị!

Lệ Hằng không an ủi còn đỡ, nó vừa cất tiếng, thằng Đức Thắng lại càng thấy tủi thân, lại khóc tồ tồ.

Trong khi Lệ Hằng bối rối không biết làm sao dỗ cho thằng Đức Thắng nín thì tiếng khóc đang chảy như suối kia đột nhiên ngưng bặt.

Đó là do thằng Đức Thắng vừa khóc vừa nhấp nháy mắt, và trong khi đang nhấp nháy như vậy, nó chợt phát hiện con thằn lằn ở trên cánh tay nó chả biết biến đi đâu.

Ủa, nó bò đi đằng nào kìa? Mình mới trông thấy nó đây mà! Đức Thắng nhíu mày nghĩ ngợ. Nó ngạc nhiên quá, quên cả khóc.

Trong khi Đức Thắng ngạc nhiên về con thằn lằn thì Lệ Hằng ngạc nhiên về nó. Cái thằng, dỗ khô nước bọt vẫn không chịu nín, đến khi mình chả thèm nói năng gì nữa thì nó nín khe!

Lệ Hằng quan sát Đức Thắng, thấy thằng này cứ ngọ nguậy đầu nhìn quanh quất thì thắc mắc quá:

- Em tìm gì vậy?

- Con thằn lằn.

- Em tìm nó làm chi?

- Khi nãy nó bò vào trong áo làm em sợ quá.

- Thì ra là vậy! – Lệ Hằng thở đánh thượt – Ra em khóc là vì sợ con thằn lằn!

Nhỏ Lệ Chi đứng im lặng bên cạnh im lặng nãy giờ, chợt bụm miệng cười hí hí:

- Thằn lằn mà cũng sợ! Em đã nhát rồi mà anh còn nhát hơn.

- Mày thì biết gì mà nói! – Đức Thắng quay sang nhỏ em, sừng sộ - Đâu phải tao sợ con thằn lằn!

- Anh mới bảo là anh sợ đây mà! – Nhỏ Lệ Chi phồng má, cãi.

- Mày ngốc quá! – Đức Thắng tặc lưỡi – Khi nãy tao sợ vì tao không nghĩ đó là con thằn lằn. Đang ngồi học, tự nhiên tao nghe lành lạnh sau cổ, cứ y như có ngón tay ai sờ vào gáy tao...

Lệ Hằng và Lệ Chi nghe Đức Thắng kể tới đó bất giác đứng xích sát vào nhau.

- Ngón tay đó luồn vào trong áo, từ từ bò xuống lưng rồi bò ra cánh tay làm tao sợ chết khiếp...

Nhỏ Lệ Chi hỏi vội:

- Nhưng thật ra đó chỉ là con thằn lằn?

- Ừ! – Đức Thắng gật đầu – Khi nó bò ra cánh tay, tao nhìn xuống, mới biết đó là một con thằn lằn.

Xác nhận của Đức Thắng khiến Lệ Hằng và Lệ Chi cùng thở phào.

Nhưng thằng Đức Thắng dường như không muốn bà chị và nhỏ em nhẹ nhõm quá một phút.

Hai đứa vừa thở ra chưa kịp hít hơi vào, đã nghe Đức Thắng run run nói tiếp.

- Nhưng bây giờ thì tao lại nghi đó không phải là con thằn lằn.

- Không phải thằn lằn chứ là gì? – Thằng Đức Thắng tự nhiên phán một câu rùng rợn khiến nhỏ Lệ Chi phải thò tay nắm thật chặt tay Lệ Hằng, sợ sệt hỏi lại.

Lệ Hằng nạt ông em:

- Em đừng có nói bậy! Em chả tận mắt nhìn thấy con thằn lằn đó là gì!

Đức Thắng hoang mang nhìn xuống đất:

- Vừa rồi em có nhìn thấy thật. Nhưng rồi nhoáng một cái con thằn lằn đó lại biến mất.

Lệ Hằng nhìn theo hướng nhìn của ông em:

- Chắc là nó bò đi đâu đó thôi.

- Không phải đâu! – Đức Thắng đáp bằng giọng chắc như đinh đóng cột – Nếu nó bò đi thì em đã biết. Đằng này nó không nhúc nhích gì cả. Thế mà thoắt đã không thấy nó đâu.

Thằng Đức Thắng tất nhiên không cố tình hù dọa chị và em gái mình. Khi nãy, lúc con thằn lằn bò đi, nó không nhìn thấy thật. Đang mải khóc, mắt mũi kèm nhèm, đừng nói là con thằn lằn sè sẹ bò đi, lúc đó nếu con thằn lằn nhảy múa và ca hát, nó cũng chẳng hay biết.

Đức Thắng không hù dọa. Nhưng như thế, Lệ Hằng và Lệ Chi càng chột dạ. Vì cái giọng thật như đếm lẫn ánh mắt láo liên của nó khiến hai đứa này cảm thấy rờn rợn.

Sự thực là sau khi Đức Thắng ôm tập xuống nhà sau ngồi học, Lệ Hằng bỗng có cảm tưởng căn nhà đột nhiên trống vắng kì lạ.

Tất nhiên khi Đức Thắng vừa khuất sau cánh cửa, Lệ Hằng chưa nhận ra ngay điều đó. Nó ngồi đằng sau bàn học bài, chốc chốc lại ngẩng lên nhìn về phía nhỏ Lệ Chi xem con nhỏ này đang nằm đọc sách theo mệnh lệnh của mình hay đang nghịch phá như mọi hôm.

Nhưng nhỏ Lệ Chi bữa nay ngoan hết biết. Nó ôm cuốn sách đọc say sưa, có lẽ hình phạt Đức Thắng vừa nhận lãnh khiến nó không dám ngo ngoe.

Thoạt đầu, thấy nhỏ em ngoan ngoãn nghe lời như vậy, Lệ Hằng yên tâm lắm. Nó tiếp tục cắm mắt vào bài học.

Nhưng Lệ Hằng chỉ xem bài được có một lát. Rồi nó mơ hồ cảm thấy có điều gì đó là lạ. Nó chợt phát hiện ra khung cảnh chung quanh sao mà yên ắng quá. Buổi tối mọi ngày không giống chút gì như vậy. Mọi ngày, có tiếng chân mẹ đi ra vào, có tiếng mẹ la rầy, sai bảo. Rồi cả tiếng thằng Đức Thắng và nhỏ Lệ Chi cười đùa, trêu ghẹo, cãi cọ nhau ỏm tỏi nữa.

Bây giờ thì mẹ đã về quê, còn thằng Đức Thắng ồn ào, nghịch ngợm đang bị “cách ly” dưới bếp. Cho nên trong nhà thiếu hẳn tiếng nói cười. Đã thế, căn nhà của Lệ Hằng lại nằm trong hẻm sâu, vắng tiếng xe cộ ì ầm nên càng thêm tịch mịch.

Lệ Hằng vừa nghĩ ngợi vừa ngưng tai nghe ngóng. Thật ra thì vẫn có những tiếng động vọng đến tai nó. Nhưng toàn là những tiếng kỳ lạ và đáng nghi.

Có lúc nó nghe thấy tiếng sột soạt nơi góc nhà, chả rõ là tiếng gì. Bảo là tiếng một con chó hoang đang bươi rác bên ngoài cũng đúng, mà bảo là tiếng kẻ trộm đang khoét vách lại càng có vẻ... đúng hơn.

Ý nghĩ đó khiến Lệ Hằng nổi gai ốc. Nó nhìn về phía nhỏ em, gọi khẽ:

- Lệ Chi.

Tưởng chị rầy, Lệ Chi ngoảnh lại, làu bàu:

- Em vẫn đang xem sách chứ có nghịch phá đâu.

- Chị biết rồi! - Lệ Hằng hất đầu về phía góc nhà, liếm môi nói – Em lắng tai nghe xem tiếng động gì thế!

Thấy vẻ mặt nghiêm trọng của bà chị, nhỏ Lệ Chi lật đật buông sách xuống. Nó nghiêng tai một lúc rồi ngạc nhiên ngước nhìn chị:

- Em có nghe thấy gì đâu!

Chả có tiếng động gì thật. Tiếng sột soạt khi nãy không hiểu sao bỗng nhiên ngưng bặt.

Lệ Hằng chép miệng:

- Ừ, bây giờ thì chả có gì cả.

- Thế khi nãy chị nghe thấy tiếng gì? – Nhỏ Lệ Chi tò mò.

- Chả biết nữa! – Lệ Hằng đột ngột thấp giọng – Chỉ thấy giống như...

Lệ Hằng ngưng ngang khiến nhỏ Lệ Chi sốt ruột quá:

- Giống như gì hở chị?

Lệ Hằng chớp mắt, thì thào:

- Giống như... như... có ai đang đào vách nhà mình.

Câu nói của Lệ Hằng khiến tóc gáy nhỏ Lệ Chi dựng đứng cả lên. Mặt xanh lè, nó nhảy phốc một cái từ giường xuống đất và cứ để chân trần như thế, nó đâm bổ về phía bàn học, ôm cứng lấy bà chị:

- Eo ôi!

Lệ Hằng run lắm, nhưng vẫn làm cứng:

- Chị nghĩ thế thôi, nhưng có thể đó là một con chó hoang...

Nhưng Lệ Hằng chỉ làm cứng được đến thế.

Bởi vì ngay lúc đó, tiếng cào cửa roàn roạt thình lình vang lên khiến hai hàm răng nó va vào nhau lập cập, câu nói mới thốt ra nửa chừng bỗng tắt lịm.

Tim đập thình thịch, và cứ ôm cứng nhau như thế, hai chị em run rẩy đi thụt lui từng bước về phía giường ngủ, mắt vẫn sợ hãi dán chặt vào cánh cửa đang đóng kín trước mặt. Có vẻ như hai chị em cố di chuyển càng xa cánh cửa càng tốt.

Khi đã đặt người lên mép giường, nhỏ Lệ Chi vẫn chưa hết kinh hãi. Nó lắp bắp:

- Kêu... kêu... anh Đức Thắng!

- Đừng sợ! – Lệ Hằng cố trấn an nhỏ em, cũng là tự trấn an mình – Mèo đấy!

Thực ra, ngay từ khi nghe tiếng động khả nghi nơi góc nhà, Lệ Hằng đã nghĩ đến chuyện cầu cứu thằng Đức Thắng.

Nhưng rồi nó cố dập tắt ngay ý định đó. Nó vừa ra oai phạt Đức Thắng, không thể phút trước phút sau đã hạ mình rước kẻ bị phạt như quần thần rước vua hồi cung được. Làm như vậy, từ nay nó đừng mong thằng em nghịch ngợm kia nghe lời nó nữa.

Thấy bà chị không nói gì, Lệ Chi càng Quýnh. Nó đang định tiếp tục cất giọng van vỉ thì tiếng cào cửa bỗng im bặt.

Nó nín thở nghe ngóng một lát rồi quay sang chị, mấp máy môi thì thầm:

- Nó bỏ đi rồi hở chị?

- Ai cơ?

- Con mèo ấy.

- Ừ, con mèo đã bỏ đi rồi.

Lệ Hằng nói, cố giữ giọng điềm tĩnh, trong lòng không chắc có thật là một con mèo hay không.

Trong lúc nó đang hoang mang thì tiếng khóc tồ tồ của thằng Đức Thắng thình lình vang lên từ nhà sau.

CHƯƠNG 4

LÚC NÀY THÌ BA CHỊ EM ĐANG NGỒI chính giữa giường, chung quanh mền gối chất thành đống cao nghễu.

Nhìn kiểu xếp đặt lạ mắt này, người kém tưởng tượng đến mấy cũng có thể liên hệ tới cảnh các chiến sĩ đang cố thủ trong lô cốt chờ địch tới.

Tất nhiên nếu có người tò mò hỏi các chiến sĩ đang ngồi thu lu giữa lô cốt địch kia là ai, hình dáng thế nào, thì chắc là chẳng chiến sĩ nào trả lời cho rành mạch được.

Hành tung địch bất định, mặt mũi địch vô hình, chỉ có tiếng sột soạt nơi góc nhà và tiếng cào cửa rờn rợn vọng tới cho biết là địch sắp “tấn công” mà thôi.

Đức Thắng nghe nhỏ Lệ Chi kể lại, rụt cổ:

- Ối, đích thị là kẻ trộm rồi!

- Không phải đâu! – Lệ Chi chớp mắt lặp lại lời chị - Chó và mèo đấy!

Đức Thắng đảo mắt nhìn đống gối mền chất chung quanh, bặm môi:

- Nhưng có là kẻ trộm, tao cũng chẳng sợ!

Nó chồm người vớ lấy thanh gỗ đặt nơi góc giường huơ huơ trên không:

- Bọn trộm tới, tao sẽ dùng “vũ khí” này “tử chiến” với chúng!

Đó là thanh gỗ tròn chèn ghế xếp để tấm vải bố khỏi tuột. Có hai thanh như vậy trong mỗi chiếc ghế. Khi nãy Đức Thắng tháo cả hai, nó giữ một thanh, thanh còn lại đưa cho Lệ Hằng làm vũ khí phòng thân. Lúc đó, nó chưa nghĩ ra nó sẽ dùng thanh gỗ này vào mục đích cụ thể gì. Sau khi xảy ra “sự cố thằn lằn” ở nhà sau, nó cảm thấy ơn ớn nên trang bị vũ khí cho yên tâm vậy thôi.

Lệ Chi nhìn thanh gỗ nơi tay Đức Thắng, phụng phịu:

- Anh và chị hai đều có vũ khí, còn em chả có gì!

Đức Thắng gõ nhẹ thanh gỗ lên đầu em:

- Mày yên tâm! Tao sẽ bảo vệ mày!

Bữa đó, ba chị em Lệ Hằng cố thủ giữa đống mền gối có đến mười hai giờ đêm. Chưa bao giờ tụi nó thức khuya đến thế. Nhưng lạ làm sao, chẳng đứa nào cảm thấy buồn ngủ.

Ngay cả con nhỏ Lệ Chi mặt mày cũng tỉnh như sáo.

Suốt trong thời gian đó, cả ba không lúc nào mắt khỏi cửa trước và cửa thông xuống nhà sau, trống ngực đập liên hồi kì trận.

Trong tâm trạng căng thẳng và hồi hộp như thế, giả như có ai đột ngột tông cửa bước vào, ba chị em xỉu lăn đùng ra giữa “căn cứ phòng thủ” là cái chắc. Lúc đó, thằng Đức Thắng ngồi còn chưa chắc ngồi vững, nói gì đến chuyện “tử chiến”.

Nhưng may cho ba chị em nhà Lệ Hằng, suốt đêm hôm đó, ngoài tiếng lục đục nơi mé ngoài bức vách và tiếng cào cửa roàn roạt thỉnh thoảng vang lên, chẳng có tên trộm hay bóng ma nào đột nhập bên trong.

Dù vậy, đối với Lệ Hằng đó vẫn là một đêm hãi hùng. Thấy Đức Thắng và Lệ Chi mệt mỏi tựa lưng vào đống mền gối giờ này qua giờ khác, mắt mở thao láo, đôi lúc nó muốn tỏ ra can đảm để làm hai em yên lòng. Nó muốn hai em nó hiểu đã có một người chị dũng cảm như nó ở bên cạnh, tụi nó có thể nhắm mắt nằm ngủ một cách thoải mái.

Nhưng Lệ Hằng chưa kịp nghĩ ra cách nào chứng tỏ sự can đảm của mình thì nó bỗng thấy mắc tiểu. Thế là quên hết mọi dự định tốt đẹp trong đầu, nó vội vàng khều Đức Thắng và Lệ Chi:

- Hai em ngồi dậy đi!

- Chuyện gì thế chị?

- Đi với chị!

- Đi đâu?

- Xuống nhà sau.

- Chi vậy?

- Chị mắc tiểu quá!

Lệ Chi ngơ ngác:

- Nhưng em đâu có mắc tiểu.

Lệ Hằng nhăn nhó:

- Biết rồi. Nhưng chị không dám đi một mình.

Gặp lúc khác, thằng Đức Thắng đã cười phá lên và tìm cách trêu bà chị rồi. Nhưng lúc này, nó cũng đang ở trong tâm trạng tương tự. Cho nên nó thấy sự sợ hãi của chị nó mới chính đáng làm sao!

Thế là nó cùng nhỏ Lệ Chi tò tò đi theo “hộ tống” cho nhỏ Lệ Chi.

Lát sau nữa, tới phiên nhỏ Lệ Chi cũng chị hai nó lẽo đẽo theo sau để “bảo vệ” nó.

Khổ nỗi, ở đời càng sợ con người ta lại càng mắc tiểu.

Tính ra, tối đó ba chị em kéo nhau đi lên đi xuống có đến cả chục lượt. Ngay cả khi đã ngủ mê mệt rồi, một chiến sĩ lỡ mắc tiểu, hai chiến sĩ kia cũng phải lồm cồm bò dậy xách súng, à quên, xách gậy lệt bệt đi theo.

Thành thử sáng ra, mặt mày đứa nào đứa nấy đều khờ câm.

Nhỏ Bội Linh thấy Lệ Hằng vác bộ mặt lừ đừ đến lớp thì ngạc nhiên quá. Tại hôm qua nó thấy nhỏ bạn nó còn tươi tỉnh lắm mà.

Nó thò tay lên bàn trên giật áo Lệ Hằng:

- Nè.

- Gì?

Lệ Hằng ngồi yên, thì thầm hỏi lại, cô Vĩnh Bình đang nhìn xuống nên nó không dám quay đầu ra sau.

- Bộ tối hôm qua hai đứa em bạn quậy lắm hả?

- Sao bạn hỏi thế?

- Tại mình thấy bạn giống như người mất ngủ.

- Ừ.

Tiếng “ừ” của Lệ Hằng nhằm xác nhận chuyện mất ngủ. Nhưng Bội Linh lại hiểu theo nghĩa khác:

- Tụi nó quậy phá gì thế?

- Tụi nó có quậy gì đâu.

Câu trả lời lạ lùng của bạn khiến Bội Linh ngơ ngác:

- Thế sao...

- Lát nữa mình kể cho nghe.

Bội Linh tò mò:

- Bạn nói sơ sơ đi!

Lệ Hằng rụt cổ:

- Nhà mình có ma...

Suýt một chút nữa Bội Linh đã bật ra tiếng la hoảng. May mà tới phút chót nó dừng lại được và hạ giọng lào thào:

- Thế...

Một lần nữa, Lệ Hằng lại cắt ngang:

- Đợi ra chơi đi!

Bội Linh không còn cách nào khác là đành chờ đến giờ ra chơi.

Và trong khi thấp thỏm chờ đợi, Bội Linh không biết ngoài nó ra, còn có hai đứa khác cũng đang thấp thỏm không kém. Đó là Hải quắn và Quới Lương, hai thành viên trong băng “tứ quậy”.

Ở bàn trên, Hải quắn ngồi cạnh Lệ Hằng. Ở bàn dưới, Quới Lương ngồi cạnh Bội Linh. Do đó, cuộc đối đáp giữa Lệ Hằng và Bội Linh không lọt khỏi tai hai tên chúa quậy này.

Lúc đầu, Hải quắn và Quới Lương chả chú tâm gì đến câu chuyện của hai cô bạn gái. Nhưng đến khi Lệ Hằng tiết lộ nhà nó có ma thì tai của hai đứa dỏng lên như tai mèo.

Bội Linh không hay biết, trống ra chơi vừa vang lên, nó lập tức thò tay níu vai Lệ Hằng:

- Sao? Kể đi chứ!

Lệ Hằng cũng chỉ chờ có vậy. Nó lật đật quay xuống nơm nớp thuật lại cho bạn mình nghe những điều khủng khiếp xảy ra tối hôm qua.

- Cái đó mà là ma à?

Nghe xong, Bội Linh nhíu mày hỏi.

- Không là ma chứ là gì ?

- Có thể là chó hay mèo hoang! – Bội Linh tặc lưỡi đáp, cách giải thích của nó giống hệt cái cách tối hôm qua Lệ Hằng giải thích cho hai đứa em.

- Thế còn con thằn lằn ?

- Con thằn lằn sao?

- Tự dưng nó biến mất.

Bội Linh chớp mắt:

- Không thể như thế được.

- Nhưng đúng là nó đã biến mất! – Lệ Hằng cắn môi – Chính thằng Đức Thắng bảo vậy. Nó bảo con thằn lằn đang bò trên tay, tự dưng không thấy đâu nữa.

Bội Linh cười:

- Thằng Đức Thắng phịa đấy!

- Không đâu. Lúc đó mình thấy mặt mày nó xám ngoét.

Thấy bạn khăng khăng, Bội Linh không buồn tranh cãi nữa. Thực ra thì nó cũng chả rõ thằng Đức Thắng có phịa chuyện để hù bà chị mình hay không. Dù sao nó vẫn thấy chuyện này khó tin quá.

Bội Linh nhìn vẻ mặt phờ phạc của bạn, lảng sang chuyện khác:

- Thế tối qua bạn thức suốt đêm à?

- Ừ, mãi gần sáng ba chị em mới chợp mắt được.

- Mẹ bạn về quê chừng nào mới lên?

- Sáng ngày kia.

Bội Linh thè lưỡi:

- Có nghĩa là bạn và hai đứa nhóc còn phải sợ hãi hai đêm nữa?

- Ừ! – Lệ Hằng gãi đầu – Mà cũng lạ thật. Có mẹ mình ở nhà thì chẳng nghe thấy gì. Mẹ mình vừa đi vắng thì y như có ai đang rình rập.

Hải quắn và Quới Lương nãy giờ vẫn ngồi bên cạnh vờ lật đật ôn bài. Đối với băng “tứ quậy” ngồi yên trong giờ chơi như bụt thế kia là điều không bình thường chút nào. Nếu cảnh giác, hẳn Bội Linh và Lệ Hằng đã phát hiện ra ngay điều khác lạ đó. Nhưng đang bị cuốn hút vào đề tài kinh dị kia nên chả đứa nào để ý.

Cho nên cả hai bỗng giật nảy người khi Lệ Hằng vừa nói dứt câu đã nghe tiếng cười khanh khách của Hải quắn vang lên:

- Thì tối hôm qua tôi và thằng Quới Lương đang rình ở ngoài hè chứ đâu!

Sau thoáng ngỡ ngàng, Lệ Hằng quay sang Hải quắn nhăn mặt “xí” một tiếng:

- Nghe trộm chuyện người khác mà không biết xấu hở?

- Ai mà thèm nghe trộm! – Hải quắn nghinh mặt – Hai người nói bô bô bên tai, bắt người ta không nghe sao được!

Quới Lương vọt miệng:

- Nghe trộm không xấu! Lớn tồng ngồng rồi mà còn sợ ma mới xấu!

Câu nói của Quới Lương khiến Lệ Hằng đỏ mặt. Nó muốn phản kích lại nhưng không nghĩ ra câu gì, đành hậm hực hừ mũi:

- Tôi không thèm nói chuyện với mấy người nữa!

- Ừ, ở đây tai vách mạch rừng, người tử tế không nên ở lâu!

Bội Linh vừa nói vừa đứng dậy.

Cả Lệ Hằng lẫn Bội Linh vốn là hai con nhỏ không ưa gây gổ. Xưa nay, tụi nó ít khi nặng lời với ai. Nhưng thấy hai thằng bạn ngồi cạnh không những dỏng tai nghe trộm mà còn lớn giọng chế giễu, tụi nó tức tối quá nên hầm hầm bày tỏ thái độ đó thôi!

CHƯƠNG 5

LỆ HẰNG VÀ BỘI LINH TỨC TỐI MỘT thì Quới Lương và Hải quắn tức tối mười. Tụi nó không ngờ đối phương phản đòn đau như thế.

Thực ra, chuyện tụi nó nghe lén câu chuyện của Lệ Hằng chỉ là do tò mò thôi. Và đến khi thấy con nhỏ này nhát gan quá, Hải quắn ngứa ngáy vọt miệng trêu một câu cho vui chứ chả có ác ý gì. Thế mà Lệ Hằng và Bội Linh lại đùng đùng bỏ đi, còn ám chỉ tụi nó là hạng người không tử tế, bảo làm sao tụi nó không giận đến tím mặt kia chứ!

Giận thì phải làm gì đó cho hả giận, nếu không mất mặt băng “tứ quậy” quá. Thế là Quới Lương đem chuyện của Lệ Hằng rêu rao khắp lớp. Lại còn bô bô:

- Ai muốn được sống một lần trong kinh sợ, xin mời đến nhà bạn Lệ Hằng trong tối nay!

Hải quắn nhái giọng quảng cáo trên tivi:

- Đào tường liên tục! Gõ cửa liên tục! Nhìn đâu cũng sợ!

Thằng Lâm nghe chuyện, năm phút sau đã có vè:

- Con mà con mả con ma

Trong ba con đó bịa ra con nào ?

Lệ Hằng vào lớp, thấy tụi bạn nhìn mình cười khúc khích, lấy làm ngạc nhiên lắm. Nó khều Lan Kiều ngồi bàn trên:

- Chuyện gì thế, Lan Kiều?

- Chuyện ma cỏ gì ở nhà bạn đó!

Đúng lúc đó, Lâm đã kịp chế ra câu vè thứ hai, khoái trá nghêu ngao:

- Thằn lằn mà hóa ra ma

Khác chi Hải quắn hóa ra Lệ Hằng!

Giọng điệu bỡn cợt lếu láo của "thi sĩ Hoàng Hôn" khiến tụi bạn không nhịn được, phá ra cười ngặt nghẽo.

Quốc n vỗ tay bôm bốp :

- Bây giờ hóa ra được tất! Chỉ cần đến bệnh viện giải phẫu thôi!

Tất nhiên không phải nói thì ai cũng biết giữa bầu không khí như vậy, Lệ Hằng chẳng còn cách nào khác là gục mặt xuống bàn, khóc rấm rứt.

Nó cảm thấy cuộc sống sao mà đen tối quá. Hôm qua nó đã thức gần trắng đêm trong mệt mỏi và lo sợ, sáng nay vào lớp lại còn bị bạn bè đem ra chế giễu, thật chẳng còn chút vui thú nào trên cõi đời.

- Kệ tụi nó, Lệ Hằng!

Bàn tay Bội Linh đặt trên vai nó kèm tiếng thì thầm khiến nó cảm thấy ấm áp được một chút. Nhưng chỉ một chút xíu thôi. Rồi nỗi buồn nhanh chóng quay trở lại.

Sở dĩ nhỏ Lệ Hằng buồn bã chán chường như vậy là vì nó cứ cúi gằm đầu xuống. Chứ nếu nó ngẩng mặt lên và nhìn sang dãy bàn bên phải, nó sẽ thấy cuộc sống không đến nỗi u ám như nó nghĩ.

Dãy bàn bên phải là chỗ tụi Tiểu Long, nhỏ Hạnh và Quí ròm ngồi.

Lúc này, Tiểu Long đang thúc tay vào hông Quý ròm cười cười :

- Có dịp hành nghề rồi đó, ngài pháp sư!

- Tao không giỡn à nghen!

- Tao cũng có giỡn đâu! – Tiểu Long nheo mắt – Mày phải đem tài nghệ trừ tà ma của mày ra giúp bạn đi chứ!

- Trừ tà ma cái đầu mày! – Quý ròm gầm gừ - Mày biết thừa là…

Quý ròm chưa nói hết câu, nhỏ Hạnh đã quay qua :

- Long nói đúng đó. Tụi mình nên nghĩ cách giúp Lệ Hằng.

- Lại thêm Hạnh nữa! – Quý ròm nhăn nhó – Giúp là giúp thế nào ?

Nhỏ Hạnh điềm tĩnh đẩy gọng kính lên sống mũi :

- Theo như những gì tụi mình vừa nghe được thì mẹ Lệ Hằng đang đi vắng, đúng không ?

- Đúng.

- Do đó, Lệ Hằng phải ở nhà trông coi hai em nhỏ, đúng không ?

- Đúng.

- Và Lệ Hằng thuộc loại người nhát gan không kém gì Quý, đúng không ?

Quý ròm thoạt tiên định phản đối sự so sánh đầy xúc phạm này nhưng nó biết Tiểu Long và nhỏ Hạnh rành nó quá xá cỡ nên đành xuôi xị :

- Ờ… ờ… đúng.

Nhỏ Hạnh nháy mắt :

- Vậy Quý hãy tưởng tượng đi, nếu Quý ở nhà một mình với nhỏ Diệp, Quý có sợ không ?

Đã thú nhận mình nhát gan thì không thể bảo là mình không sợ, Quý ròm đành xuôi xị lần thứ hai :

- Ờ… ờ… sợ.

Rồi thấy đã mang danh pháp sư mà vội kêu lên là mình sợ thì mất uy quá, Quý ròm liếm môi nói thêm :

- Nhưng mà sợ là sợ trộm cướp thôi đấy nhé!

- Thì Hạnh có bảo Quý sợ “thứ khác” đâu! – Nhỏ Hạnh mỉm cười – Nhưng trong hoàn cảnh đó, Quý sẽ làm gì cho bớt sợ?

Quý ròm bỗng “à” lên một tiếng rồi gật đầu:

- Tôi hiểu rồi!

Nhỏ Hạnh nhoẻn miệng cười:

- Vậy chiều nay tụi mình ghé nhà Lệ Hằng nhé.

- Ừ.

Tiểu Long nghệt mặt ngồi nghe, chả hiểu hai đứa bạn nó đang “âm mưu” những gì, bèn chớp chớp mắt:

- Ghé nhà Lệ Hằng làm gì?

Quý ròm khịt mũi:

- Thì đem tài nghệ ra giúp bạn như mày vừa yêu cầu đó.

- Tao không giỡn à nghen!

Đang bực bội, Tiểu Long không biết mình lặp lại đúng câu Quý ròm vừa thốt ra khi nãy.

Quý ròm cười hì hì:

- Tao cũng đâu có giỡn. Mày muốn biết thì chiều nay tới nhà Lệ Hằng sẽ biết.

Chiều đó, Lệ Hằng và Bội Linh đang ngồi chơi trong nhà thì nghe tiếng Quý ròm réo inh ỏi trước cổng:

- Lệ Hằng ới ời!

Lệ Hằng chưa kịp lên tiếng, đã nghe tiếng nhỏ Hạnh:

- Lệ Hằng ơi bạn có nhà không vậy?

- Có.

Lệ Hằng vừa đáp vừa xô ghế chạy ra. Bội Linh lật đật chạy theo sau, thắc mắc không hiểu bọn nhỏ Hạnh kéo tới đây làm gì mà đông thế. Xưa nay, bọn nhỏ Hạnh gặp mặt Bội Linh, Lệ Hằng vẫn nói cười vui vẻ nhưng chẳng thể gọi là thân. Thân đến mức tới nhà chơi thì càng không có.

Vậy mà đùng một cái, Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh cả ba cùng rủ nhau đến đây, thật không thể hiểu được.

Lệ Hằng cũng ngạc nhiên không kém Bội Linh. Nó trố mắt nhìn ba vị khách quý:

- Các bạn đi đâu đây?

Quý ròm hừ mũi:

- Thì đến đây tức là đi đến đây chứ còn đi đâu!

Thấy Lệ Hằng tỏ vẻ bối rối, nhỏ Hạnh mỉm cười:

- Tụi mình đến chơi với Lệ Hằng.

- Hay lắm, hay lắm! – Bội Linh nhanh nhẩu – Vậy các bạn vào nhà đi!

Thằng Đức Thắng và nhỏ Lệ Chi nấp trong ngách cửa tò mò dòm ra, thấy các ông anh bà chị lũ lượt kéo vào, liền chạy tuốt ra nhà sau đứng ngó lên.

Nhỏ Hạnh ngồi xuống ghế, quay sang Bội Linh:

- Bạn đến đây hồi nào thế?

- Hồi trưa.

Lệ Hằng vọt miệng khoe:

- Hai hôm nay, ngày nào Bội Linh cũng đến chơi với mình.

Quý ròm gật gù:

- Nhưng chỉ ở chơi ban ngày thôi chứ gì!

Bội Linh chép miệng:

- Ừ, ban ngày thôi! Đến chiều thì mình phải về!

Bội Linh bỗng tròn mắt ngó Quý ròm, ngờ ngợ hỏi:

- Bộ mấy bạn tính ở lại ban đêm luôn hở?

Rồi không đợi Quý ròm đáp, Bội Linh hớn hở reo:

- Như vậy thì hay quá! Chị em Lệ Hằng khỏi phải sợ…

Đang nói, bỗng nó im bặt, đưa mắt nhìn Lệ Hằng. Quả như nó nghĩ, bạn nó đang nhìn xuống đất, mặt lộ vẻ sượng sùng. Hồi sáng, băng “tứ quậy” đã lôi chuyện đó ra chế giễu trước lớp, vậy mà bây giờ mình lại ngứa miệng nhắc tới, thật đúng là bậy bạ quá sức! Bội Linh áy náy nghĩ và tặc lưỡi:

- Thật ra thì…

- Thật ra thì ban đêm không có người lớn trong nhà, ai mà chả sợ! – Nhỏ Hạnh khéo léo đỡ lời.

Thằng Tiểu Long khù khờ bỗng thông minh đột xuất. Nó hăng hái hùa theo ngay:

- Ngay cả tôi là con trai, nhưng hễ ba mẹ đi vắng chừng vài ba hôm, ban đêm tôi cũng sợ đến tè ra quần nữa là.

Chắc chắn khi nói câu đó, thằng Tiểu Long đang bắt chước Quý ròm chơi trò dóc tổ. Nhà nó ngoài nó và nhỏ Oanh ra còn hai ông anh lớn là anh Tuấn và anh Tú. Ba anh em người nào cũng võ nghệ đầy mình, nếu ba mẹ nó có đi vắng cả tháng trời cũng chả ảnh hưởng gì.

Khổ nỗi, Tiểu Long tốt bụng nhưng kém khoa ăn nói. Và người kém khoa ăn nói lẽ ra không nên tập tành phịa chuyện. Tiểu Long phạm điều cấm kị đó nên hình ảnh nó vừa đưa đem ra dùng trước mặt các bạn gái thật đáng kinh hãi.

Quý ròm rụt cổ:

- Ối, kinh quá!

Tiểu Long tưởng Quý ròm tán thưởng phát biểu của mình, mặt tươi hơn hớn:

- Kinh thật đấy chứ!

- Kinh cái khoản tè ra quần ấy! Chắc nhà mày phải thoang thoảng có đến cả tuần lễ là ít!

Vừa nói Quý ròm vừa đưa tay bịt mũi khiến nhỏ Hạnh và nhỏ Bội Linh phải bụm miệng để khỏi phải phì cười. Lệ Hằng cũng muốn cười lắm nhưng sợ bất nhã với khách nên cố cắn chặt môi.

Nhưng cuối cùng tiếng cười vẫn thoát ra. Không phải thoát ra từ miệng Lệ Hằng mà từ chỗ nghách cửa thông xuống nhà sau, nơi thằng Đức Thắng và nhỏ Lệ Chi đang nấp.

Nghe tiếng cười hích hích vang lên, Tiểu Long gượng gạo hỏi:

- Ai thế Lệ Hằng?

- Hai đứa em mình đó!

Lệ Hằng quay ra sau, trừng mắt:

- Đức Thắng, Lệ Chi hai em giữ yên lặng cho các anh chị nói chuyện nghe chưa!

Đợi tiếng cười như chuột rúc kia ngưng bặt, Tiểu Long mới hầm hầm quay qua Quý ròm:

- Phá bĩnh hả mày? Người ta đang nói chuyện nghiêm túc…

- Thì tao cũng nói chuyện nghiêm túc mà lại! – Quý ròm nheo nheo mắt – Chẳng lẽ mày cho chuyện “vệ sinh môi trường” là chuyện đùa sao?

- “Vệ sinh môi trường” cái đầu mày! – Tiểu Long gầm lên – Tao… tao…

Tiểu Long “tao, tao” cả buổi vẫn không ai biết nó định nói gì, hình như ngay cả nó cũng không biết nốt.

Nhỏ Hạnh sốt ruột lên tiếng giảng hòa:

- Thôi, các bạn đừng cãi nhau nữa! Quý nói chuyện với Lệ Hằng đi!

Nhớ đến nhiệm vụ chính, Quý ròm đưa tay kéo cổ áo, “e hèm” một tiếng đầy trịnh trọng rồi liếc Lệ Hằng:

- Lệ Hằng nè.

Lệ Hằng ngước lên, ai cũng thấy mắt nó hiện ra hàng chục dấu hỏi.

- Ban đêm bạn ở nhà với hai đứa em nhỏ đúng là rất… nguy hiểm! – Quý ròm tặc tặc lưỡi, rồi nó chém tay vào không khí – Nhưng bạn yên tâm, tôi sẽ giúp bạn.

Lệ Hằng khẽ lướt mắt qua Tiểu Long và nhỏ Hạnh, rồi quay lại Quý ròm, ngập ngừng:

- Bộ mấy bạn tính ban đêm.

- Không phải vậy! – Quý ròm vội xua tay, nó biết Lệ Hằng định hỏi cái câu Bội Linh vừa hỏi khi nãy – Ban đêm tụi này không thể ở đây được. Nhưng tôi sẽ thiết kế cho bạn một hệ thống chống trộm cực kỳ độc đáo. Với hệ thống này, không một ai đột nhập vào nhà bạn mà không bị phát hiện và… trừng phạt.

Lệ Hằng sáng mắt:

- Ồ hay quá! Quý sẽ làm ngay bây giờ hả?

- Ngay bây giờ!

Quý ròm vui vẻ gật đầu, và nó chỉ tay vào mấy hộp giấy nó đem theo đang đặt trên bàn:

- Tôi đã chuẩn bị sẵn cả đây rồi!

Bây giờ Bội Linh mới biết đó là “đồ nghề” của Quý ròm. Lúc nãy nhìn thấy mấy hộp giấy trên tay Quý ròm, nó cứ tưởng tụi này đem thực phẩm tiếp tế cho ba chị em Lệ Hằng.

- Gì trong đó hở Quý? – Bội Linh tò mò hỏi.

Quý ròm không trả lời thẳng. Mà nhếch môi, kênh kiệu:

- Lát nữa bạn sẽ biết!

CHƯƠNG 6

TRƯỚC CẶP MẮT MỞ TO CỦA MỌI người, Quý ròm lần lượt lôi ra từ trong các hộp giấy mớ dây nhợ lằng nhằng, những chiếc bình xịt tự chế.

- Những thứ này để làm gì vậy hở Quý? – Lệ Hằng lên tiếng hỏi, mắt vẫn không rời các vật dụng đang bày lỉnh kỉnh trên bàn.

Quý ròm mỉm cười:

- Để bắt trộm.

Nói xong, nó đứng dậy bước lại chỗ cửa trước, đảo cặp mắt nghiêng ngó. Xong, nó lần xuống nhà bếp, cẩn thận xem xét cánh cửa thông ra con hẻm phía sau nhà.

Quý ròm còn bắc ghế leo lên “nghiên cứu” địa thế trên đầu tường. Bộ tịch của nó cứ như một viên tướng đang chuẩn bị một trận đánh lớn, nom quan trọng đến mức không đứa nào dám mở miệng hỏi han.

Thằng Đức Thắng và nhỏ Lệ Chi vốn nhát kẻ lạ, lúc này cũng không nén được tò mò. Chúng chuồn ra khỏi chỗ nấp, tò tò đi sau lưng Quý ròm, thò lỏ mắt quan sát nhất cử nhất động của vị khách đặc biệt.

Kiểm tra mọi thứ đâu đó xong xuôi, Quý ròm chống tay vô hông, hắng giọng:

- Tiểu Long!

- Gì hở mày?

Quý ròm ra oai:

- Đem mấy sợi dây đằng bàn lại đây!

Đối với Tiểu Long, bị Quý ròm sai vặt trước mặt nhỏ Hạnh là chuyện bình thường, nhưng nếu có cả Bội Linh và Lệ Hằng đứng đó thì lại là chuyện khác.

Vì vậy, nó sầm mặt:

- Á, à… - Quý ròm trợn mắt – Cái thằng mập này, bữa nay mày làm sao thế hả? Không có dây thì bố ai…

Nhưng Quý ròm không có dịp càu nhàu hết câu. Vì ngay lúc đó, thằng Đức Thắng thừa cơ hai ông anh cãi nhau, đã nhanh nhẩu quơ mớ dây sợi hăm hở mang tới trước mặt Quý ròm:

- Đây nè anh!

Quý ròm xoa đầu thằng nhóc:

- Em ngoan lắm! Ngoan hơn ông anh mập đằng kia nhiều!

Được khen, Đức Thắng phổng mũi:

- Anh còn nhờ gì nữa không?

- Nhà em có búa đinh không, em lấy ra đây cho anh!

- Có.

Đức Thắng nhanh nhẩu đáp. Nhưng đứa co giò chạy đi lấy không phải là nó mà là em gái nó.

Nhỏ Lệ Chi nãy giờ đứng lấp ló sau lưng Đức Thắng, thấy ông anh mình được khen, trong bụng vừa ghanh tị vừa háo hức. Cho nên khi nghe thằng Quý ròm hỏi mượn búa đinh, thằng Đức Thắng vừa gật đầu, chưa kịp nhích chân, nó đã vội vã phóng đi trước rồi.

Lát sau, Lệ Chi đem búa đinh ra.

Quý ròm cười tít mắt:

- Ôi, nhà này sao mà ai cũng ngoan! Anh cũng ngoan mà em cũng ngoan!

Nhỏ Hạnh đùa:

- Thế còn bà chị thì sao?

- Lệ Hằng hở? – Quý ròm nheo mắt nhìn các bạn gái – Nói chung thì ba bà chị chẳng ai ngoan tí nào. Toàn đứng xem người ta làm không hà!

Thế là Quý ròm tự nhiên có được hai tình nguyện viên đắc lực là Đức Thắng và Lệ Chi.

Cả ba lăng xăng suốt từ đó trở đi. Quý ròm đóng đóng gõ gõ, Đức Thắng và Lệ Chi phụ trách kéo “đường dây tử thần” rồi treo các lon sữa rỗng lên.

Thấy tụi bạn đứng túm tụm một chỗ tò mò giương mắt ngó, Quý ròm khoát tay:

- Các bạn ra sân trước chơi đi, chờ ba anh em tôi làm xong rồi hãy vào xem!

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sa, nhỏ Lệ Chi chạy ra hô lớn:

- Mọi người vào đi! Anh Quý ròm làm xong rồi!

Hệ thống chống trộm của Quý ròm thực ra không có gì phức tạp. Nó chăng đằng sau mỗi cánh cửa một sợi dây nằm song song và cách mặt đất khoảng hai tấc. Chăng như vậy kẻ lạ bước vào, chắc chắn sẽ vướng phải.

Sợi dây bị kéo mạnh sẽ làm cho các lon sữa rỗng mắc dọc theo tường kêu lên leng keng. m thanh đó sẽ báo động cho chủ nhà biết, đồng thời sẽ khiến kẻ trộm mất vía.

Cùng lúc, sợi dây sẽ giật bung nắp có bình xịt gắn hai bên cửa, kẻ trộm sẽ bị bắn tung tóe vào người một thứ bột tiêu xay nhuyễn.

- Lúc đó, theo các bạn điều gì sẽ xảy ra? – Quý ròm nheo mắt hỏi.

Nhỏ Lệ Chi cướp lời các anh chị. Nó vừa vỗ tay vừa nhảy tưng tưng:

- Em biết rồi! Kẻ trộm sẽ bị hắt xì hơi mười lăm cái liền. Em từng bị rồi, em biết!

Đức Thắng bổ sung:

- Bị cay mắt nữa chi. Mắt sẽ nhắm tịt lại, hết thấy đường luôn, hà hà!

Bội Linh cười khúc khích:

- Thiết bị chống trộm của Quý hay quá! Vừa hiện đại vừa dân gian!

Lệ Hằng không giấu vẻ vui mừng:

- Vậy là tối nay tụi này có thể ngủ yên rồi!

Quý ròm ngồi xuống, trỏ tay vào mối nối, dặn dò:

- Khi nào đóng cửa đi ngủ, Lệ Hằng hãy chăng cao sợi dây lên. Đừng gài sớm, kẻo chính mình bị sập bẫy đấy!

- Quý yên tâm đi! – Lệ Hăng mỉm cười – Mình biết mà!

Đang nói, Lệ Hằng bỗng như nghĩ ra điều gì, liền kêu lên:

- Chết rồi! Không được!

Quý ròm ngạc nhiên:

- Chuyện gì thế? Sao không được?

Lệ Hằng gãi đầu:

- Quý ròm chuyển sợi dây này ra phía trước cửa được không?

- Chi vậy? – Quý ròm ngơ ngác.

Lệ Hằng chưa kịp đáp thì nhỏ Hạnh đã cười khúc khích:

- Để cho an toàn chứ chi!

- An toàn? – Quý ròm vẫn chưa hiểu, nó trố mắt nhìn Lệ Hằng – Phía trước phía sau gì mà chẳng an toàn?

Thấy Quý ròm ngó mình trân trân, Lệ Hằng tự dưng cảm thấy lúng túng. Nó ấp a ấp úng mãi vẫn không sao mở miệng được.

- Thế mà Quý không hiểu hở! – Nhỏ Hạnh đành lên tiếng giải thích giùm bạn – Lệ Hằng muốn ngăn chặn kẻ trộm từ xa, từ trước khi hắn ta đột nhập vào nhà nên mới đề nghị đưa sợi dây ra phía trước cửa.

- Chứ để đằng sau cửa thì sao? – Bội Linh thắc mắc.

Lệ Hằng bối rối:

- Lệ Hằng sợ… Lệ Hằng sợ…

- Tôi hiểu rồi! – Quý ròm đột nhiên phì cười – Lệ Hằng sợ một khi kẻ trộm đã lọt vào trong nhà rồi mà cái bẫy đột ngột bị hỏng hóc thì chủ nhà… hết đường chạy chứ gì!

Tiểu Long khụt khịt mũi:

- Thì đúng là như vậy chứ còn gì nữa! Nhỡ máy móc của mày bất ngờ bị trục trặc thì tiêu hết cả đám là cái chắc!

Quý ròm bữa nay dễ thương hết biết. Công trình của nó bị bao nhiêu người nghi ngờ mà nó chẳng giận mảy may. Còn khoát tay, vui vẻ:

- Muốn chuyển ra phía trước thì dễ thôi! Chỉ mười lăm phút là xong!

Nói xong, nó quay sang Đức Thắng và Lệ Chi, nháy mắt:

- Nào, chúng ta bắt đầu!

Khi hai “thiết bị chống trộm” của Quý ròm đã được chuyển hoàn toàn ra phía trước cửa thì đồng hồ đã điểm năm giờ.

Quý ròm ngó Lệ Hằng, quệt mồ hôi trán:

- Bây giờ thì bạn có thể yên tâm rồi!

Lệ Hằng nhìn bọn Quý ròm, giọng cảm động:

- Cảm ơn bạn Quý và mấy bạn nhiều nhé!

Tiểu Long cười:

- Không có gì! Thôi, tụi này về đây!

Nhỏ Hạnh cũng cười:

- Chúc ba chị em tối nay ngủ ngon!

Trên đường về, Tiểu Long khều Quý ròm:

- Cái thiết bị đó liệu có bắt được trộm không hở mày?

Quý ròm toét miệng cười:

- Tất nhiên là không.

Tiểu Long chưng hửng:

- Thế ra là đồ dỏm à?

- Đồ thật!

- Thế sao mày bảo không bắt được trộm? – Một lần nữa, Tiểu Long ngẩn tò te.

Quý ròm thản nhiên:

- Muốn bắt được trộm thì phải có trộm. Nhưng mà nhà Lệ Hằng làm quái gì có trộm! Toàn thần hồn nát thần tính thôi!

Càng lúc Tiểu Long càng thấy mù mờ:

- Đã không tin có trộm rình rập, thế mà còn thiết kế cái hệ thống chống trộm đó làm gì?

Nhỏ Hạnh đập lên cánh tay Tiểu Long:

- Nếu Quý không làm thế, tối nay ba chị em Lệ Hằng sẽ lại tiếp tục thức suốt đêm nữa đấy!

Lần này thì Tiểu Long không thắc mắc nữa. Vì nó đã bắt đầu mang máng hiểu ra.

Đúng như suy nghĩ của bọn Quý ròm, từ khi thiết bị chống trộm được gắn vào hai cánh cửa, ba chị em Lệ Hằng cảm thấy yên tâm hơn nhiều.

Mẹ Lệ Hằng từ dưới quê gọi lên:

- Các con ở nhà thế nào?

- Dạ, bình thường mẹ à.

- Các con có cần mẹ lên sớm không?

- Không cần đâu mẹ à. Mẹ cứ lo cho xong việc dưới đó đi.

- Vậy sáng mốt mẹ lên nhé.

- Vâng ạ.

Lệ Hằng vừa gác máy, thằng Đức Thắng đã giục:

- Gài bẫy đi, chị Hai!

Nhỏ Lệ Chi vỗ tay bôm bốp:

- Đúng rồi đó! Chị Hai nối sợi dây vào đi!

Lệ Hằng nhìn ra sân:

- Còn sớm mà! Lát nữa đi!

Lát sau, Đức Thắng lại sốt ruột lên tiếng:

- Tối rồi, chị Hai!

Lệ Hằng nhún vai:

- Làm gì vội thế! Trộm nào mà xuất hiện giờ này!

Đức Thắng liếm môi:

- Chứ chừng nào chị mới đặt bẫy?

- Khi nào chúng ta bắt đầu đi ngủ.

Vin vào câu nói đó, mới tám giờ, thằng Đức Thắng đã nháy mắt với nhỏ Lệ Chi. Hai đứa ôm tập, sè sẹ phủi chân leo lên giường.

Rồi thò đầu ra giữa mớ chăn mền, hai đứa ngoác miệng đồng thanh:

- Tụi em đã bắt đầu đi ngủ rồi đấy. Chị Hai đặt bẫy bắt trộm đi!

Lệ Hằng trừng mắt:

- Chưa học bài mà đã ngủ nghê gì?

Bốn bàn tay từ dưới mền thò ra, mỗi bàn tay cầm một cuốn tập:

- Tụi em có đem tập theo đây nè. Học bài rồi ngủ luôn.

Lần này thì Lệ Hằng đành phì cười, lắc đầu:

- Tụi em thật lắm trò!

Nói xong, Lệ Hằng bước ra cửa.

Nhưng nó vừa ngồi xuống cầm mối dây, chưa kịp nối vào đã nghe tiếng thằng Đức Thắng sát sạt ngay sau lưng, chả rõ nó tót xuống đất hồi nào:

- Chị đặt bẫy cửa trước, để em đặt bẫy cửa sau nghen!

CHƯƠNG 7

LẦN NÀY, BA CHỊ EM VẪN CỐ THỦ giữa pháo đài những mền và gối nhưng so với đêm hôm trước, tâm trạng đã bớt căng thẳng đi nhiều.

Đã không còn những tiếng trò chuyện thì thầm đầy sợ sệt, thay vào đó là những tiếng cười đùa vui vẻ.

Thằng Đức Thắng huơ huơ thanh gỗ tròn trên tay, miệng oang oang:

- Bữa nay bọn trộm mà léng phéng sẽ biết tay ông!

Nhỏ Lệ Chi cười hí hí:

- Anh gan quá há.

- Gan chứ sao không! – Đức Thắng vừa đập vừa ưỡn ngực, vênh váo – Trộm mà vào, tao sẽ gõ cho bẹp đầu ấy chứ.

- Ai chả gõ được, cần gì tới anh!

Nhỏ Lệ Chi tự dưng buông một câu khiến thằng Đức Thắng mất hứng. Nó quắc mắt:

- Mày đừng có nói dóc. Cỡ như mày, tụi nó chỉ bóp một cái là bẹp.

- Nhưng khi trộm vào nhà mình, chúng đã bị bột tiêu của anh Quý làm mù mắt rồi còn đâu.

Lý lẽ của Lệ Chi xác đáng đến mức Đức Thắng chẳng biết bắt bẻ vào đâu được. Nó đưa tay gãi đầu sồn sột:

- Ờ, ờ, tao quên khuấy mất chuyện đó!

Và nó xụi lơ:

- Thôi được, lúc đó tao sẽ để cho mày gõ!

- Gõ với chả gõ! – Lệ Hằng hừ mũi – Chỉ mong sao cho kẻ gian đừng viếng nhà thì hơn!

Chả rõ kẻ gian có nghe thấy lời cầu mong của Lệ Hằng hay không mà suốt một hồi lâu, chung quanh nhà không có lấy một tiếng động. Tiếng sột soạt nơi góc nhà biến mất. Tiếng cào cửa roàn roạt cũng không nghe vang lên. Tóm lại, chẳng có gì giống như hôm qua.

Khung cảnh đã không giống hôm qua thì con người sống trong khung cảnh đó tất cũng hành động khác hôm qua. Đức Thắng mắc tiểu, không thèm rủ ai theo “hộ tống”.

Nó một mình đi xuống nhà dưới, lát sau nghing ngang đi lên, khoe với nhỏ Lệ Chi:

- Tao chả thấy sợ tẹo nào!

Nghe vậy, Lệ Chi liền lồm cồm leo xuống khỏi giường, chạy vù xuống nhà dưới, mặc dù nó chẳng thấy mắc tiểu tí ti nào.

Nó đi xuống chỉ để một chốc đi lên, cũng vênh vênh mặt:

- Em cũng chả thấy sợ!

Lệ Hằng ngồi ngắm bột tịch của hai đứa nhóc, thấy nực cười quá.

Nhưng nó chưa kịp cười đã phải hoảng hồn đưa tay bịt lấy hai tai.

Tiếng các lon sữa rỗng va vào nhau lanh canh đột ngột vang lên khắp nhà. Tiếp theo, một tiếng hét thất thanh vút lên ngay trước cửa càng làm nó thêm khiếp vía.

Thằng Đức Thắng và Lệ Chi cũng nhanh chóng rơi mất đởm lược vừa rồi. Mặt xanh như tàu lá, cả hai đang giúi giụi vào nhau, rúm ró ở góc giường.

Lệ Hằng hoàn hồn trước tiên. Nó nhìn hai em, giọng run run:

- Làm sao giờ?

Đức Thắng sè sẹ đặt chân xuống đất. Tim nó vẫn đập thình thịch nhưng lạ làm sao, chính sự sợ hãi của chị nó lại làm nó thêm can đảm. Tại vì ngay lúc hiểm nghèo này, nó sực nhận ra nó là người đàn ông duy nhất trong nhà, cũng có nghĩa là người quan trọng nhất.

Người quan trọng nhất cố trấn tĩnh, cố bắt mình đưa ra một mệnh lệnh dứt khoát, dù nếu lắng tai nghe kĩ thì thấy giọng nó có phần hơi run:

- Xông ra trói lại chứ làm sao!

Vừa nói Đức Thắng vừa nắm chặt thanh gỗ nơi tay, dọ dẫm tiến về phía cửa. Hồi hộp bám theo sát gót nó là Lệ Hằng và Lệ Chi.

Khi Đức Thắng đưa tay lên định rút chốt cửa, Lệ Hằng bỗng khẽ giọng:

- Cẩn thận đấy!

- Sợ gì! – Đức Thắng trấn an chị - Chúng đã bị bột tiêu…

Đức Thắng nói chưa dứt câu đã giật bắn người, hoảng hốt rụt tay lại. Vì ngay lúc đó, có tiếng đập cửa binh binh kèm theo tiếng la:

- Mở cửa, mở cửa, mấy cháu ơi!

Tiếp theo là mấy tiếng hắt hơi ầm ĩ, sau đó là tiếng rên rỉ:

- Ối trời ơi, cái gì chui vào mắt mũi thế này!

Lệ Hằng xanh mặt:

- Chết rồi, không phải trộm!

Nhỏ Lệ Chi vọt miệng:

- Tiếng ai như tiếng bác Sáu hàng xóm, chị Hai ơi!

- Đúng bác Sáu rồi!

Vừa thốt lên Lệ Hằng vừa hấp tấp rút chốt, xô mạnh hai cánh cửa ra.

Quả nhiên, đứng lom khom trước tiên là bác Sáu láng giềng hai tay đang bưng mắt, hai cánh mũi đang phập phồng và không ngớt khụt khịt, dưới chân bốn năm cái bánh giò nằm lăn lóc:

- Trời đất, bác Sáu! Bác đi đâu đây?

- Còn đi đâu nữa! Qua đây thăm tụi bây chứ đi đâu!

Trong khi nhỏ Lệ Chi lui cui nhặt nHạnh mớ bánh giò vương vãi thì Đức Thắng một bên Lệ Hằng một bên, hai chị em Quýnh quáng dìu nạn nhân vô nhà.

- Mẹ tụi bây sợ tụi bây làm biếng nấu cơm, gọi điện thoại lên kêu tao mua bánh giò đem qua…

Bác Sáu vừa đi vừa kể lể. Tất nhiên bác không thể kể một lèo. Đang nói, bác ngừng lại hắt xì hơi một cái như để chấm câu rồi ai oán tiếp:

- Không ngờ tao chưa kịp gõ cửa, bỗng vướng phải sợi dây quái quỷ gì đó, thế là nghe có tiếng rổn rẻng, rồi thứ bột gì cay xè không biết ở đâu bay tới tấp lên đầu lên cổ tao…

Thấy hậu quả xảy ra quá xá nghiêm trọng Lệ Hằng tính giả ngây, ra vẻ ta đây cũng chẳng biết gì. Nào ngờ thằng Đức Thắng tự dưng ngứa miệng :

- Bột tiêu đó bác Sáu.

- Ủa, sao cháu biết là bột tiêu ?

Bác Sáu đứng ở giữa, hai chị em đứng hai bên nên Lệ Hằng không có cách chi ra hiệu cho Đức Thắng kịp, đành nhăn nhó nhìn thằng nhóc tít mắt khoe khoang :

- Hồi chiều tụi cháu đổ nó vô trong bình xịt chứ đâu!

- Trời đất cha mẹ ơi! – Bác Sáu bỗng đứng khựng lại – Té ra trò này là do mấy đứa bày ra đó hả ?

Rồi không đợi bọn nhóc đáp trả, bác Sáu sa sầm mặt, quày quả quay lưng :

- Thôi tao về. Nếu biết lũ quỷ bây nghịch ngợm như vậy, tao chẳng nghe lời mẹ tụi bây dẫn xác qua đây làm chi!

- Bác bớt giận chút đi, bác Sáu! – Lệ Hằng ôm cứng cánh tay người hàng xóm, giọng áy náy – Cho tụi cháu xin lỗi mà!

Thằng Đức Thắng cũng giữ rịt tay kia của người hàng xóm :

- Tụi cháu đâu có định đặt bẫy bác. Tụi cháu chờ bọn trộm tới mà.

- Cái gì ? – Bác Sáu khựng lại lần thứ hai, lần này ở tư thế quay mặt ra cửa – Trộm ở đâu ra vậy ?

Thấy bác Sáu chú ý tới đề tài hấp dẫn này đến quên cả hờn giận, Lệ Hằng mừng rơn. Nó tuôn một lèo :

- Ôi, ghê lắm bác Sáu ơi. Mấy hôm nay ngày nào bọn trộm cũng rình rập quanh nhà cháu. Chúng cào cửa suốt đêm làm tụi cháu không sao ngủ được.

Bác Sáu hấp háy mắt, chắc bác muốn trợn mắt lên như mỗi khi kinh ngạc nhưng bột tiêu vẫn còn cay quá nên bác chỉ có thể he hé :

- Tụi bây nói thật hả ?

- Dạ, thật mà! – Lệ Hằng gật đầu – Nếu không tụi cháu đâu có… kêu thợ tới lắp cái hệ thống chống trộm này làm chi.

Lệ Hằng không dám nói cái bẫy này do thằng bạn cùng lớp nghĩ ra, sợ bác Sáu cho đó là trò nghịch ngợm của lũ quỷ con rồi đâm ra giận dữ trở lại.

- Tụi bây biết đề phòng như vậy cũng tốt!

Bác Sáu gật gù khen. Rồi bỗng nhiên bác hạ giọng, hỏi :

- Lắp một cái như vậy bao nhiêu tiền hả cháu ?

Lệ Hằng giật mình, lắp bắp :

- Dạ… dạ, cũng… rẻ thôi bác à.

- Vậy bữa nào cháu kêu thợ tới lắp cho nhà bác một cái nghe. Để rủi có đi đâu…

Khi bác Sáu ra về, Lệ Hằng ngước nhìn đồng hồ trên tường, thấy cây kim giờ đang chỉ con số mười một.

Có nghĩa là đêm nay ba chị em nó cũng có ngủ sớm được chút xíu nào đâu. Thậm chí, so với khi chưa lắp cái thiết bị chống trộm của Quý ròm, sự tình xem ra còn rắc rối hơn.

Quý ròm đâu có biết tất cả những chuyện đó. Sáng hôm sau vừa nhìn thấy Lệ Hằng trên lớp, nó lại gần cười hỏi, ý rõ là đùa cợt :

- Thế là thế nào hở Lệ Hằng ? Tối hôm qua đã có tên trộm xui xẻo nào sập bẫy chưa ?

- Rồi.

Cái gật đầu thản nhiên của Lệ Hằng khiến Quý ròm chưng hửng :

- Cái gì ? Bộ có trộm mò vào nhà bạn thật à ?

Mặt Lệ Hằng buồn xo :

- Không phải trộm, mà là bác hàng xóm.

- Trời đất! – Suýt chút nữa Quý ròm đã bắn vọt lên người lên như pháo thăng thiên - Bạn nói thật đấy hả ?

- Thật.

Quý ròm bứt tai :

- Nguy rồi! Thế bác ấy có bị sao không ?

Sau khi nghe Lệ Hằng thuật lại đầu đuôi câu chuyện, Quý ròm đứng lắc đầu thở vắn than dài hằng buổi.

Tiểu Long bước lại, ngạc nhiên thấy bạn mình đang đấm ngực bình bịch :

- Có chuyện gì thế Quý ròm ?

- Tối hôm qua, chiếc bẫy ở nhà Lệ Hằng đã sập.

Cặp mắt Tiểu Long sáng trưng :

- Bắt được trộm à ? Hay quá!

- Hay cái đầu mày! – Quý ròm làu bàu – Người bị bột tiêu bắn vào mắt là bác hàng xóm đem bánh qua cho.

Lệ Hằng tặc lưỡi :

- Hay gỡ cái thiết bị của Quý ra quách ?

Tiểu Long gật gù :

- Ừ, gỡ ra đi! Để vậy, trộm đâu không thấy, chỉ thấy tội cho những người lương thiện!

- Chà chà! – Quý ròm nhếch mép – Mày tập lên giọng đạo đức tự bao giờ thế hở mập ?

Rồi quay sang Lệ Hằng, Quý ròm nghiến răng ken két :

- Chẳng có gỡ tới gỡ lui gì sất! Bạn cứ để nguyên đó!

Thấy thằng ròm đỏ mặt tía tai, Lệ Hằng ấp úng :

- Thế nhỡ…

- Chả có nhỡ gì cả! – Quý ròm nhún vai – Hôm qua tại bạn nối mối dây sớm quá đó thôi. Nếu bạn đợi đến khoảng mười, mười một giờ mới đặt bẫy thì chẳng có chuyện đáng tiếc gì xảy ra.

Chuyện đơn giản thế mà mình không nghĩ ra, ngốc thật! Lệ Hằng nhủ bụng và mặt lập tức tươi lên :

- Ừ, Lệ Hằng sẽ làm theo lời Quý!

- Làm theo hay không làm theo cũng chẳng kết quả gì đâu!

Tiếng Hải quắn đột ngột vang lên đầy nhạo báng. Chẳng ai rõ nó đến bên cạnh từ hồi nào.

Quý ròm quay sang kẻ phá bĩnh :

- Nói bậy gì đó mày ?

- Tao không nói bậy! – Hải quắn cười hê hê – Bẫy của mày chỉ dọa trộm được thôi, chứ ma thì đừng hòng!

- Đúng rồi đó! – Tiếng Quới Lương phụ họa từ phía sau – Mà ai chứ Lệ Hằng thì biết tỏng những tiếng động kia là ma chứ chả phải trộm gì sất, đúng không Lệ Hằng ?

Thấy mặt hai đứa này, nhớ đến chuyện hôm nọ, Lệ Hằng tức sôi :

- Nói trật lất mà cũng nói! Mình chẳng bao giờ tin có ma!

Quới Lương nheo mắt :

- Thế hôm trước ai bảo con thằn lằn tự dưng biến mất ?

Lệ Hằng mím môi :

- Đấy là nói đùa thôi! Nói đùa mà cũng tin!

Bội Linh ở đâu trờ tới :

- Đúng rồi! Hôm đó Lệ Hằng chỉ nói đùa cho vui, thế mà cả khối người tưởng thật. Mắc cỡ ghê!

Bị tấn công tới tấp, Hải quắn và Quới Lương chột dạ đảo mắt nhìn quanh.

Phe “tứ quậy” lúc này chỉ có hai đứa nó. Quốc n và thằng Lâm chẳng biết bận bịu chuyện gì mà không thấy tăm hơi đâu.

Trong khi phe địch ngoài Lệ Hằng, Bội Linh và Quý ròm, còn thằng Tiểu Long đứng ngoài sẵn sàng tham chiến. Đó là chưa kể nhỏ Hạnh đang xách cặp đi tung tăng ngoài hành lang, sắp vào tới nơi nữa.

Tính lợi hại một hồi, thấy cán cân lệch về phe địch quá xá nhiều, quới lương đành nhe răng cười trừ :

- Nói đùa thì thôi, có gì đâu mắc cỡ! Bọn này cũng nói đùa vậy. Huề nhé!

Buông xong một câu, nó kéo tay Hải quắn hậm hực bỏ đi. Tất nhiên, nhìn hai bộ mặt hầm hầm kia, chẳng ai ngờ nghệch đến mức tin rằng tụi nó chịu “huề nhé” một cách đơn giản như vậy.

Mà tụi nó không chịu “huề nhé” thì Lệ Hằng chắc là còn mệt với tụi nó chứ chẳng chơi!

CHƯƠNG 8

CHIỀU ĐÓ, QUÝ RÒM, TIỂU LONG VÀ nhỏ Hạnh lại kéo nhau đến nhà Lệ Hằng.

Bội Linh và Lệ Hằng ngạc nhiên:

- Ơ.

- Mấy bạn siêng quá há?

Quý ròm trố mắt, xem ra còn ngạc nhiên hơn:

- Siêng với chẳng siêng! Chẳng lẽ tụi này không đến mà được à?

Trước vẻ ngẩn ra của hai cô bạn gái, Quý ròm đập tay lên chiếc hộp giấy mang theo:

- Phải sửa chữa lại thiết bị chứ! Tối hôm qua, “nhiên liệu” đã dùng hết rồi còn đâu!

Lệ Hằng chợt mỉm cười, bây giờ nó mới nhớ ra:

- Ờ há! Thế mà Lệ Hằng bỗng quên béng mất!

Lần này, hai thợ phụ việc lẽo đẽo bám theo Quý ròm vẫn là Đức Thắng và Lệ Chi.

Đức Thắng không ngớt hít hà:

- Anh đặt bẫy hay ghê!

Quý ròm khoái chí:

- Còn phải nói!

Đức Thắng say sưa tán tụng:

- Hôm qua bác Sáu nhắm tịt mắt, mãi một lúc mới he hé được.

Lệ Chi hớn hở bổ sung:

- Bác hắt xì hơi liên tục.

Quý ròm chợt thở dài:

- Bác ấy gặp số xui. Anh mày chỉ muốn bắt trộm thôi.

Đức Thắng nhìn chiếc hộp giấy trên tay Quý ròm, tò mò hỏi:

- Hôm nay anh đem theo bột tiêu nhiều không vậy?

Quý ròm lắc chiếc hộp:

- Trong này không phải là bột tiêu.

- Chứ anh đem bột gì? – Đức Thắng mở to mắt – Bột ớt hở?

Quý ròm hừ mũi:

- Bột tiêu anh mày còn sợ người ta mù mắt nữa là bột ớt.

Nhỏ Lệ Chi nhíu mày:

- Nhưng đây là bọn trộm mờ.

- Trộm cũng thế! – Quý ròm nhún vai – Mình chỉ làm cho bọn chúng hoảng vía, bó tay chịu trói thôi. Sau đó mình giao cho công an. Còn làm chúng mờ mắt là không nên.

Rồi Quý ròm đặt chiếc hộp xuống đất, từ từ mở cửa ra trước cặp mắt thô lố của hai đứa nhóc.

- Bột gì vậy hở anh? – Nhỏ Lệ Chi buột miệng hỏi, nó trông thấy một loại bột trăng trắng nhưng chẳng biết là bột gì.

- Bột mì đấy!

Thằng Đức Thắng chợt cười hi hi:

- Anh đi bắt trộm mà cứ như đi làm bánh.

- Bánh này bọn trộm không xơi nổi đâu.

Quý ròm nói giọng lạnh lùng. Rồi quay sang thằng nhóc, nó ra lệnh:

- Em chạy tìm cho anh hai chiếc thùng nhựa nào!

Đức Thắng đem hai thùng nhựa lên, ngạc nhiên thấy Quý ròm trút tất cả bột trong hộp giấy vào đó:

- Ơ, anh không cho vào bình xịt à?

- Không! – Quý ròm lắc đầu – Lần này hai cái bình xịt chỉ đựng nước lã thôi!

Đức Thắng vò đầu:

- Lạ ghê! Em chẳng hiểu gì cả.

- Rồi nhóc mày sẽ hiểu.

Nghe ông anh nói vậy, Đức Thắng không hỏi nữa, dù bụng vẫn thắc mắc ghê quá. Nó và Lệ Chi lặng lẽ đi theo Quý ròm chăng dây và buộc lại những đầu mối bị bác Sáu làm đứt tối hôm qua.

Những bình xịt vẫn được Quý ròm gắn vào hai bên cửa, nhưng bây giờ bên trong chỉ toàn nước.

Sau cùng, Quý ròm trèo lên ghế, dùng dây kẽm bắc hai thanh gỗ vào tường, tít trên cao, chính giữa cửa trước. Rồi đặt “thiết bị” quan trọng nhất là thùng bột mì lên đó. Hẳn nhiên thùng bột này được nối với “hệ thống chống trộm” bằng mớ dây nhợ lòng thòng. Cửa sau cũng được “thiết kế” y như thế.

- Em hiểu rồi! – Sau khi tỉ mỉ quan sát cách bố trí của Quý ròm, Đức Thắng vỗ tay reo lên – Nếu bọn trộm vướng phải sợi dây, thùng bột này sẽ ụp ngay lên đầu chúng.

- Đúng vậy! – Quý ròm xoa tay – Thế là bọn chúng hết thấy đường!

Đức Thắng cười hích hích:

- Bọn chúng sẽ tưởng là tuyết rơi! – Quý ròm phụ họa.

- Thế còn các bình xịt! – Nhỏ Lệ Chi chớp mắt – Các bình xịt để làm gì?

- À quên, có các bình xịt này mới có tuyết rơi được! – Quý ròm cười hì hì – Sau khi thùng bột rơi xuống, những chiếc bình sẽ xịt nước vào bọn trộm.

Nhỏ Lệ Chi nhảy tưng tưng:

- Hay lắm! Lần này em được xem “người tuyết” rồi.

Thấy con nhóc hào hứng quá, Quý ròm vờ hỏi:

- Thế nhỡ tối nay trộm không tới thì sao? “Người tuyết” ở đâu mà xem?

- Tới! – Nhỏ Lệ Chi mím môi – Nhất định chúng sẽ tới!

Quý ròm nheo mắt, tinh nghịch:

- Thế em mong cho trộm vào nhà à?

Câu hỏi cắc cớ của Quý ròm làm Lệ Chi khựng mất một lúc. Nhưng rồi nó tìm được ngay câu trả lời:

- Bọn trộm làm sao vào nhà được! Anh đặt bẫy ở phía trước cơ mà. Bọn chúng chỉ làm “người tuyết” ở đằng trước cửa thôi.

Quý ròm xoa đầu con nhóc:

- Ừ, bọn trộm không vào nhà được đâu! Nếu bọn chúng dại dột mò tới, em cứ đứng trong kẹt cửa nhìn ra, tha hồ mà xem “người tuyết”.

Cũng như hôm qua, trước khi ra về, nhỏ Hạnh nhìn Lệ Hằng, cười cười:

- Tối nay chúc ba chị em ngủ ngon nhé!

Lệ Hằng cũng cười:

- Tối nay chắc chắn là ngủ ngon rồi.

- Sáng mai mẹ bạn lên rồi hở?

- Ừ. Ba chị em mình chỉ còn “chống chọi” đêm nay nữa thôi.

Quý ròm khịt mũi:

- Nhưng muốn ngủ ngon thật sự thì không được đăt bẫy trước mười giờ đấy! Kẻo lại mích lòng hàng xóm!

Bội Linh đáp thay bạn:

- Quý yên tâm! Lát tối mình sẽ gọi điện thoại nhắc Lệ Hằng cho!

Bội Linh nói nhắc tức là nhắc Lệ Hằng đừng đặt bẫy sớm. Nhưng Bội Linh thì ở xa, trong khi thằng Đức Thắng ở sát rạt bên cạnh Lệ Hằng.

Và thằng oắt toàn nhắc ngược lại:

- Chị đặt bẫy đi, chị Hai!

- Mấy giờ rồi?

- Ờ, ờ, tám giờ.

Lệ Hằng nạt:

- Mới tám giờ mà bẫy biếc gì! Em không nhớ chuyện hôm qua sao!

Bị rầy, Đức Thắng làm thinh. Nhưng thằng Đức Thắng bị rầy chứ nhỏ Lệ Chi đâu có bị rầy. Cho nên tới phiên nhỏ Lệ Chi mở miệng:

- Chị Hai ơi.

- Gì?

- Tám giờ rưỡi rồi.

Biết tỏng con nhỏ muốn gì nhưng Lệ Hằng vẫn vờ vịt:

- Tám giờ rưỡi thì sao?

Tấm gương trước mắt của Đức Thắng khiến Lệ Chi dè dặt. Nó lấp lửng:

- Thì đặt cái đó đó.

Lệ Hằng cố nén cười:

- Cái đó đó là cái gì?

- Cái anh Quý làm cho nhà mình đó.

- Em đừng có bắt chước Đức Thắng! – Lệ Hằng quay phắt lại, hừ giọng – Anh Quý đã dặn rồi. Chỉ được nối dây từ mười giờ trở đi kia.

Đức Thắng nhăn mặt:

- Đó là anh Quý dặn phòng thế thôi. Đợi đến mười giờ lâu lắm.

- Lâu cũng phải đợi! – Lệ Hằng nhún vai – Các em học bài rồi đi ngủ đi. Chuyện đặt bẫy để chị lo.

Nhưng Đức Thắng và Lệ Chi dễ gì chịu đi ngủ. Học bài xong, chúng lại ngồi ngóc cổ nhìn đồng hồ:

- Chín giờ rồi, chị Hai.

- Chín giờ cũng mặc.

Một lát:

- Chín giờ mười lăm rồi, chị Hai.

Lệ Hằng chịu nổi:

- Sao hai em cứ lằng nhằng hoài vậy? Chị đã nói mười giờ là nhất định mười giờ!

Lệ Hằng nói như vậy là cương quyết lắm. Nhưng thằng Đức Thắng lại muốn chứng minh đỉa cũng thể dai bằng nó. Nó rầm rì như nói với chính mình:

- Chẳng ai đi lại ngoài đường vào giờ này.

Thấy bà chị không phản ứng gì, Đức Thắng lại tiếp tục:

- Qua thăm hàng xóm lại càng không.

Lệ Hằng vẫn không ừ không hử.

- Bác Sáu giờ này chắc đã đi ngủ rồi! – Đức Thắng tặc tặc lưỡi.

Lệ Hằng chán quá, xoay lưng lại phía thằng oắt, như muốn bảo ta đây không buồn nghe những lời lải nhải của nhà ngươi đâu, đừng nói nữa mất công.

Biết không lay chuyển được bà chị, Đức Thắng quay sang nhỏ Lệ Chi tìm đồng minh:

- Bác Sáu giờ này ngủ rồi, Lệ Chi há?

Lệ Chi chưa kịp trả lời thì bác Sáu đã trả lời thay. Ở ngoài sân, tiếng bác thình lình vọng vào:

- Mấy đứa nhỏ còn thức không?

- Còn, bác Sáu!

Lệ Hằng nói lớn. Nó quay lại nguýt thằng Đức Thắng một cái rồi lật đật chạy ra mở cửa.

Bác Sáu thò đầu vào:

- Ủa, bữa nay tụi bây không gài cái máy gì gì đó hả?

- Dạ, lát nữa tụi cháu mới đặt.

- Hôm qua tụi bây làm tao ớn quá! – Bác cười hề hề - Nãy giờ tao đứng xớ rớ ngoài sân, đâu có dám lại gần gõ cửa.

Vừa nói bác vừa bước hẳn vào nhà. Bây giờ bọn trẻ mới thấy bác đang ôm trong tay mấy gói mì.

- Mỳ ở đâu vậy chứ bác Sáu? – Lệ Hằng ngạc nhiên.

- Tao mua chứ đâu! – Bác Sáu đặt mấy gói mì xuống bàn.

Lệ Hằng gật đầu vẻ hiểu biết:

- Chắc là mẹ cháu gọi điện thoại nhờ bác?

- Bữa nay thì mẹ tụi bây không nhờ! – Bác Sáu vui vẻ - Nhưng hôm qua tao làm rớt mấy cái bánh giò, bữa nay đem mì gói qua bù lại.

- Trời ơi, bác Sáu! – Lệ Hằng kêu lên – Bánh giò hôm qua tụi cháu vẫn ăn được mà.

- Ăn được thì mấy cái bánh cũng đã bị rớt xuống đất rồi! – Bác Sáu xua tay – Lượm dưới đất lên coi như không tính!

Suy nghĩ lạ lùng của bác Sáu khiến kh ngẩn ngơ quá đỗi. Đến mức bác ra về cả buổi rồi, nó vẫn không hay.

Chỉ đến khi tiếng thằng Đức Thắng hào hứng vang lên bên tai thì nó mới choàng tỉnh:

- Đặt bẫy được rồi đó, chị Hai!

CHƯƠNG 9

SO VỚI ĐÊM HÔM QUA, ĐÊM NAY BA chị em Lệ Hằng cảm thấy ung dung, bình tĩnh hơn nhiều.

Cái bẫy bắt trộm của Quý ròm đã chứng tỏ hiệu quả. Không có gì phải lo lắng hay sợ sệt. Hơn nữa, sáng mai, mẹ đã lên tới rồi. Ba chị em sẽ không còn trải qua những đêm vắng vẻ nữa.

Vì vậy, mền gối không còn chất vòng quanh giường như những đêm trước.

Thằng Đức Thắng tỏ ra phấn khởi nhất. Nó nhét hai thanh gỗ tròn vào lại trong ghế xếp, tuyên bố:

- Cất vũ khí được rồi.

Nhỏ Lệ Chi hỏi:

- Thế anh không định chiến đấu nữa à?

Đức Thắng vênh mặt:

- Muốn chiến đấu phải có đối thủ chứ.

Rồi nó đưa tay lên cằm vuốt chòm râu tưởng tượng:

- Nhưng bọn trộm kia đã trốn mất tiêu… iêu… iêu rồi.

Đức Thắng vừa xuống xề dứt câu, từ vách nhà phía sau bỗng vọng lại những tiếng sột soạt. Y như tiếng động hôm đầu tiên.

Thế là sự hùng hổ biến mất trên mặt thằng oắt, thay vào đó là vẻ nhớn nhác:

- Gì thế nhỉ?

Nhỏ Lệ Chi rụt cổ:

- Trộm đấy!

- Trộm hở?

Đức Thắng run run hỏi lại, vừa hỏi nó vừa khom người xuống, sè sẹ rút hai thanh gỗ tròn nó vừa nhét vào ghế xếp khi nãy.

Lệ Hằng vểnh tai một hồi rồi cau mày:

- Trộm đâu mà trộm! Lại con chó hoang hôm nọ thôi.

Tiếng sột soạt lại ngưng bặt, chốc sau lại nổi lên. Cứ thế đến bốn, năm lần.

Tới lần thứ năm, Lệ Hằng ngoảnh lại, thấy Đức Thắng và Lệ Chi đã tót lên giường không biết tự hồi nào. Tụi nó đang loay hoay chất mền gối làm pháo đài phòng thủ.

Lệ Hằng phì cười:

- Mấy em làm gì thế?

- Làm như hôm trước ấy! – Nhỏ Lệ Chi nói.

- Thật nhát gan quá đi mất! – Lệ Hằng lắc đầu – Không phải trộm đâu.

Lệ Hằng nhìn ra cửa, nhún vai nói thêm:

- Nhưng nếu có là trộm thì sợ gì chứ! Đụng vào chiếc bẫy của anh Quý, bọn chúng nếu không ngất xỉu cũng co giò bỏ chạy…

Tiếng chuông điện thoại bất thần vang lên cắt ngang câu nói của Lệ Hằng.

Nhỏ Lệ Chi vỗ tay reo:

- Mẹ gọi đấy!

Lệ Hằng chạy lại chỗ đặt máy, hớn hở nhấc ống nghe:

- A lô! Mẹ hở?

Nhưng ở đầu dây bên kia chẳng có tiếng trả lời.

Lệ Hằng áp sát ống nghe vào tai, hét lớn:

- Mẹ hở mẹ?

Vẫn thế. Nghĩa là nó vẫn chẳng nghe thấy tiếng gì cả.

Lệ Hằng ngạc nhiên quá. Nó cầm ống nghe lắc lắc rồi ép trở vào tai:

- Alô! Alô!

Đáp trả nó vẫn là một sự im lặng hoàn toàn.

Đức Thắng và Lệ Chi nãy giờ ngồi đằng giường ngóc cổ theo dõi, thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên lắm.

Đức Thắng giương mắt ếch:

- Sao thế hở chị?

Lệ Hằng gác ống nghe, mặt xịu xuống:

- Chẳng nghe ai trả lời cả.

Nhỏ Lệ Chi tiu nghỉu:

- Thế thì không phải mẹ rồi.

Lệ Hằng gật đầu:

- Ừ, chắc là đường dây bị chạm.

Lệ Hằng vừa nói vừa quay trở lại bàn học. Nhưng nó vừa đi được vài ba bước, chuông điện thoại lại reo.

Thế là nó quay mình đâm bổ tới chỗ đặt máy.

- A lô!

Lần này vẫn chả có ai trả lời nó. Nhưng cũng không hoàn toàn im lặng như lúc nãy. Lần này Lệ Hằng nghe thấy tiếng gì giống như tiếng thở dài trong ống nghe.

Nó phân vân một thoáng, rồi lại bồn chồn kê miệng vào ống nói:

- A lô! A lô!

Bên kia đầu dây lại vọng lên một tiếng thở dài thườn thượt, nghe rất rõ ràng. Tiếng thở dài sầu não, bi thảm đến mức Lệ Hằng hoảng hồn cúp máy, một luồng hơi lạnh bất giác chạy dọc sống lưng.

Vẻ sợ sệt của Lệ Hằng khiến hai đứa nhỏ nhấp nhổm.

Thằng Đức Thắng tò mò:

- Ai gọi thế hỏ chị?

- Chẳng có ai cả.

- Vẫn như khi nãy hỏ?

- Ừ, vẫn như khi nãy.

Đức Thắng chớp chớp mắt:

- Thế sao trông chị sợ hãi thế?

Sự nghi ngờ của thằng nhóc khiến Lệ Hằng thoáng bối rối. Nó không muốn cho Đức Thắng và Lệ Chi biết về tiếng thở dài rùng rợn mà nó vừa nghe. Nó không muốn sự sợ hãi lan sang hai em.

- Chị vừa nghe thấy gì thế?

Đức Thắng tiếp tục dán mắt vào mặt Lệ Hằng, gặng hỏi. Thái độ của chị hai nó làm nó thắc mắc quá. Nó quyết định phải hỏi cho bằng được.

- Chị bảo không có gì là không có gì mà!

Lệ Hằng hừ giọng, rồi như không muốn kéo dài cuộc chất vấn này nữa, nó ngồi vào bàn, lật tập ra, chúi mũi vào trang giấy.

Tất nhiên Lệ Hằng chỉ chăm chú giả vờ thôi. Chăm chú để Đức Thắng và Lệ Chi biết là nó đang bận lắm, đừng có mà hỏi han lôi thôi.

Chứ nó còn tâm trí đâu mà học với hành. Mắt nhìn vào tập trung nhưng đầu óc nó không ngừng bị ám ảnh bởi tiếng thở dài não nuột kia. Tiếng thở dài như thế quả thật nó chưa từng nghe qua. Nghe cứ hiu hắt như vọng về từ… cõi âm.

Đã không nghĩ tới thì thôi, càng nghĩ Lệ Hằng càng hình dung ra bao nhiêu điều ghê rợn và nghe nổi gai ốc khắp người.

Khổ thay, đúng lúc đó, chuông điện thoại lại đột ngột reo inh ỏi khiến nó giật bắn.

Lần này dĩ nhiên nó không tỏ ra vội vàng. Nó không bật người dậy, chỉ ngồi tại chỗ, ngoảnh mặt về phía chiếc máy điện thoại, ngờ vựa đưa mắt nhìn.

- Chị không nghe thì để em nghe cho!

Chỉ chờ có thế, thằng Đức Thắng nhanh nhẩu đề nghị. Miệng nói người nó đã phóc xuống đất và nhoáng một cái, chiếc ống nghe đã nằm gọn trong tay nó, nhanh đến mức Lệ Hằng không kịp ngăn cản.

- A lô!

Đức Thắng áp ống nghe vào tai, hét to.

Cũng như Lệ Hằng khi nãy, sau khi “a lô” xong, nó nín thở chờ đợi một lúc vẫn chẳng nghe thấy tiếng trả lời nhưng Đức Thắng lại nghe thấy một âm thanh rất lạ.

Nó sửng sốt nghe vang lên một tiếng hú dài như tiếng gió rít. Tiếng hú vừa ngưng, lại có một tiếng gì như tiếng chó tru nghe buốt cả óc.

Đức Thắng không đủ can đảm nghe tiếp. Mặt xanh lè xanh lét, nó buông vội ống nghe xuống và vèo một cái, nó đã đến bên giường, Vèo một cái nữa, nó đã ở trên giường, mền trùm kín đầu.

Từ bên ngoài, Lệ Hằng và Lệ Chi nghe rõ tiếng hai hàm răng thằng Đức Thắng va vào nhau lộp cộp:

- Hừ hừ… ghê quá… hừ hừ…

- Gì thế hở anh Đức Thắng? – Giọng Lệ Chi run run.

Còn Lệ Hằng thì bước đến ngồi bên mép giường, nín thở hỏi:

- Em nghe thấy tiếng gì trong máy thế?

- Ghê… ghê… lắm!

- Tiếng thở dài phải không?

- Không! – Tiếng thằng Đức Thắng vẫn vọng ra từ trong mền, nó chưa dám kéo mền xuống – Em nghe có tiếng hú… rồi tiếng tru… ghê lắm…

Nhỏ Lệ Chi bám chặt tay anh:

- Tru như chó sói thế hở anh?

- Ừ, tru y như chó sói.

- Lạ thật! – Lệ Hằng áp tay lên trán, băn khoăn – Mình chả hiểu ra làm sao! Cái gì thế nhỉ?

Từ trong mền, thằng Đức Thắng run rẩy trả lời:

- Ma đấy!

- Bậy! – Lệ Hằng nạt em, mặc dù trong thâm tâm nó đang nghĩ đúng những điều thằng oắt đang nghĩ.

- Em không sợ! – Tự nhiên nhỏ Lệ Chi vùng nói – Đấy là bọn trộm nhát mình thôi. Chúng cố ý làm cho mình xỉu, sau đó tìm cách mò vào nhà.

- Hay quá! – Lệ Hằng reo lên, nó nhìn Lệ Chi bằng ánh mắt ngạc nhiên – Xem ra em can đảm và sáng suốt hơn chị và anh Đức Thắng nhiều.

Quả thật, thái độ và lập luận của con nhóc giúp Lệ Hằng kịp thời bình tĩnh trở lại. Ừ, biết đâu đấy!

Cả Đức Thắng cũng vậy. Nó thò đầu ra khỏi mền, gật gù khen:

- Em nói có lý lắm, Lệ Chi à.

Rồi nó hất cả cái mền ra khỏi giường vươn vai đấm một phát vào không khí:

- Anh chả thèm chui vào trong này nữa!

Đức Thắng nhìn quanh, cố nghĩ ra một cách gì đó để chứng minh sự can đảm của mình. Tại vì nó thấy chỉ nói suông thì không gây ấn tượng lắm.

Trong khi nó đang dáo dác, chưa biết nên làm thế nào thì may quá, chuông điện thoại vùng reo.

Thế là Đức Thắng bay ngay lại chỗ chiếc máy. Nó hăm hở nhấc ống nghe, không buồn a lô a liếc, hùng hổ tuôn ngay một tràng:

- Này, này, chúng mày đừng có mà tru tréo, hú huýt, ông không sợ đâu đấy!

Thằng Đức Thắng phản ứng hung hăng đến mức người ở đầu dây bên kia hoàn toàn bất ngờ, chỉ biết “ơ… ơ…”.

Nghe đối phương ú ớ, Đức Thắng càng đắc ý, giọng thêm đằng đằng sát khí:

- Ông đã thủ sẵn gậy gộc đây rồi. Bọn mày mà dẫn xác tới nhà ông, ông đập cho vỡ đầu đừng trách!

Thấy ông em ra oai, Lệ Hằng tủm tỉm cười, còn nhỏ Lệ Chi thì vỗ tay đôm đốp, miệng reo inh:

- Anh Ba oai quá! Anh Ba oai quá!

Đang hào hứng cổ vũ, cặp mắt nhỏ Lệ Chi bỗng trố ra. Trước mặt nó, thằng Đức Thắng đột ngột mất vẻ oai phong lẫm liệt. Đang quát tháo, thằng oắt bỗng im bặt, mặt chảy dài.

- Gì thế hở anh?

Nhỏ Lệ Chi ngơ ngác hỏi.

Thằng Đức Thắng không trả lời thắc mắc của nhỏ em. Mà quay sang Lệ Hằng, nó chìa cái ống nghe ra, miệng mếu xệch:

- Chị Hai, chị Bội Linh gọi chị nè!

Lệ Hằng quýnh quáng chạy lại. Nó vừa áp ống nghe vào tai, hỏi “Bội Linh hả?” đã nghe nhỏ bạn hổn ha hổn hển hỏi dồn:

- Trời đất, ai đang ở trong nhà bạn thế? Trộm chiếm đất nhà bạn rồi à?

- Đâu có! - Lệ Hằng muốn khóc quá – Vẫn chỉ ba chị em mình thôi!

- Đừng xạo! – Nhỏ Bội Linh không tin – Thế ai vừa mắng mình sa sả đấy?

- À, à, thằng Đức Thắng đấy mà!

- Trời đất! – Bội Linh kêu trời lần thứ hai – Sao mình chẳng nhận ra giọng nó? Sao tự dưng thằng oắt ăn nói dữ dằn quá thế, lại còn đòi đập vỡ đầu mình nữa!

- Ờ, ờ, tại vì nó không biết là bạn gọi! – Lệ Hằng ấp úng giải thích – Nó tưởng là bọn trộm.

- Trộm? – Bội Linh thốt lên kinh ngạc – Trộm ở đâu trong điện thoại?

- Ừ, bọn chúng vừa gọi…

Bội Linh chắc chắn không tin vào tai mình. Từ kinh ngạc, nó chuyển sang sửng sốt:

- Trộm gọi điện thoại? Chẳng lẽ chúng báo trước giờ giấc chúng sẽ đột nhập sao?

- Không phải thế!

Lệ Hằng khẽ nhăn mặt, rồi nó chậm rãi thuật cho Bội Linh nghe những chuyện vừa xảy ra.

- Ôi ghê quá!

Nghe xong, Bội Linh sợ hãi kêu lên.

- Ghê lắm! – Lệ Hằng không bỏ lỡ cơ hội hùa theo – Chính vì thế mà thằng Đức Thắng mới hung hăng như vừa rồi.

- Mình hiểu rồi!

Lệ Hằng chợt nhớ ra:

- Ủa, bạn gọi mình có chuyện gì không?

- À, để hỏi xem bạn đặt bẫy chưa ấy mà. Đáng lẽ gọi từ sớm nhưng mình quên mất.

Khi Lệ Hằng gác máy quay lại, thằng Đức Thắng vẫn đang ngồi ủ rũ đằng bàn.

Lệ Hằng bước lại vuốt tóc em:

- Chị không la em đâu! Làm sao mình biết được đó là chị Bội Linh?

Đức Thắng tươi mặt lên. Nhưng rồi nó lại băn khoăn ngay:

- Thế bây giờ điện thoại reo nữa thì sao hở chị?

Lệ Hằng chép miệng:

- Tốt nhất là mình cứ nói chuyện đàng hoàng, biết đâu đấy chẳng là người quen hoặc mẹ. Còn nếu đó là bọn trộm thì mình cúp máy…

Nhỏ Lệ Chi ngồi đằng giường bỗng vọt miệng thắc mắc:

- Sáng mai mẹ về sao tối nay mẹ không gọi điện cho chị em mình kìa?

Lệ Hằng quay sang nhìn nhỏ em, dịu dàng:

- Chính vì sắp về nên mẹ không cần gọi điện…

Lệ Hằng chưa nói dứt câu, chuông điện thoại một lần nữa lại gióng giả reo.

CHƯƠNG 10

BA CHỊ EM CÙNG NGOẢNH PHẮT VỀ phía tủ buýp-phê. Và không ai biết phải phản ứng như thế nào. Lệ Hằng và Đức Thắng vẫn dán người trên ghế. Nhỏ Lệ Chi vẫn ngồi im thít đằng giường.

Cứ ngồi bất động như thế, sáu con mắt nhìn chằm chằm vào chiếc máy đặt trên đầu tủ như nhìn một quái vật. Chiếc máy mọi khi thân quen là thế, lúc này tự dưng trở nên bí hiểm và đáng sợ đến mức không ai dám mó tay vào. Cứ như thể cái đồ vật xinh xắn đó đang chứa bên trong một quả bom nguyên tử, bét ra cũng một quả mìn.

Nhưng bất động không phải là cách giải quyết. Im lặng một hồi, ba chị em cảm thấy thấp thỏm không yên. Chuông điện thoại reo liên tục gây cảm giác người ở đầu dây bên kia đang có chuyện gì cấp bách lắm.

Đến hồi chuông thứ sáu thì Đức Thắng quay sang Lệ Hằng:

- Nghe không hở chị?

- Thôi, nghe đại đi! Biết đâu mẹ gọi!

Vừa nói, Lệ Hằng vừa nhỏm người dậy.

- Ừ, mẹ đấy! Để em nghe cho!

Đức Thắng lên tiếng và vọt người lại chỗ chiếc máy.

- A lô!

Đức Thắng áp ống nghe vào tai, hồi hộp lên tiếng.

Nó mừng húm khi đầu dây bên kia không phải là tiếng thở dài hay tiếng tru hú. Nó nghe rõ tiếng người:

- Ta… ta…

- Mẹ hở mẹ? – Nó reo lên.

- Ta… ta…

Đức Thắng nhíu mày:

- Chị Bội Linh hở?

Giọng nói bên kia đầu dây chợt rít lên the thé:

- Ta… ta… là ma thằn lằn! Đêm nay các người phải chết!

Tóc gáy dựng đứng, thằng Đức Thắng ném chiếc ống nghe xuống đầu tủ lạnh đánh rầm một tiếng rồi ba chân bốn cẳng phóng lại đằng giường, vừa chạy nó vừa la:

- A…a …a…a….a….

Vẻ kinh hoàng tột độ của Đức Thắng khiến cho Lệ Hằng và Lệ Chi chết khiếp.

Lệ Chi nhanh chóng kéo mền trùm kín đầu. Còn Lệ Hằng đứng bật dậy, mặt xanh như tàu lá:

- Đức Thắng, gì thế?

Hai tai ù đặc, thằng Đức Thắng có nghe thấy gì đâu. Cũng như Lệ Chi, vừa bắn người lên giường, nó đã Quýnh quíu kéo một chiếc mền trùm kín từ đầu đến chân.

Nó đã chui vào mền rồi mà người vẫn còn run cầm cập. Nhìn hai hình người rung rinh sau lớp mền, Lệ Hằng muốn rung rinh theo quá.

Nhưng dù sao Lệ Hằng cũng không thể tỏ ra hoảng sợ quá mức. Nó là chị, nó phải là chỗ dựa của hai em trong những lúc hiểm nghèo như thế này.

Sau một thoáng bàng hoàng khiếp hãi, Lệ Hằng thắc thỏm hỏi tiếp, cố giữ giọng thật bình tĩnh:

- Em lại nghe tiếng hú hở?

Đức Thắng không mở miệng nổi, nhưng nhìn cái chỏm mền lắc qua lắc lại, Lệ Hằng biết là thằng nhóc đang lắc đầu.

- Hay là tiếng chó tru?

Cái mền lại lắc.

- Vậy chắc là tiếng thở dài rồi?

Lần này cái mền không lắc nữa mà rung bần bật kèm theo tiếng trả lời lắp bắp:

- Khô… ô… ông. Em nghe… có tiế… iế… iếng nói…

- Có tiếng nói?

Cả Lệ Hằng và Lệ Chi cùng buột miệng kêu lên. Lệ Chi vừa kêu vừa thò đầu ra khỏi mền, thấy lòng bớt sợ đi nhiều.

Lệ Hằng kinh ngạc:

- Vậy tại sao em lại sợ?

- Tiếng nói lạ lắm, em chưa nghe bao giờ.

- Lạ như thế nào?

- Nghe the thé, rin rít, nhọn hoắt như chọc vào tai. Y như không phải tiếng người.

Thằng Đức Thắng mô tả nghe ghê quá. Nhỏ Lệ Chi muốn lạnh xương sống, lập tức rút nửa cái đầu vào lại trong mền, chỉ chừa cặp mắt, cái mũi và cái miệng.

Cái miệng sợ sệt hỏi:

- Thế tiếng nói là tiếng gì hở anh?

- Nó nói “Ta là ma thằn lằn! Đêm nay các người phải chết!”.

Nhỏ Lệ Chi bật kêu “Ối” một tiếng, nửa cái đầu còn lại biến theo nửa cái đầu kia ngay tút xuỵt.

Ở đằng bàn, Lệ Hằng tự nhiên nghe tay chân bủn rủn thì không ai đứng vững được nữa. Nó rơi phịch trở lại xuống ghế.

Lâu rất lâu, hai người trong mền và một người ở ngoài không ai nói với ai tiếng nào. Cũng có thể không ai biết nói gì trong hoàn cảnh như vậy. Cũng có thể các quai hàm đều cứng đờ. Trong hai giả thuyết, trường hợp thứ hai có vẻ chính xác hơn.

Nhưng nếu không biến thành đá thì quai hàm con người ta đâu thể cứng đờ mãi. Một lát, quai hàm Lệ Hằng nhúc nhích:

- Chị nghĩ đó là bọn trộm.

Chỉ đợi có vậy, nhỏ Lệ Chi hùa theo ngay:

- Đúng rồi! Khi nãy em đã bảo đấy là bọn trộm cố ý nhát mình thôi mà.

- Không phải đâu! – Đức Thắng phản đối bằng giọng muốn khóc – Bọn trộm làm sao biết được vụ thằn lằn. Đích thị là ma thằn lằn sắp sửa bắt mình đi rồi!

Lệ Hằng và Lệ Chi vừa mới lấy lại bình tĩnh được có một chút đã bị thằng Đức Thắng làm cho co rúm người trở lại. Khổ nỗi, lý lẽ của thằng oắt nghe mới xác đáng làm sao!

Dĩ nhiên, nói xác đáng là trong trường hợp ba chị em Lệ Hằng không biết người ở đầu dây bên kia là ai.

Chứ nếu biết từ tối đến giờ những âm thanh ghê rợn và câu hù dọa hãi hùng kia đều do tụi “tứ quậy” bày ra thì chắc ba chị em nó không đến nỗi mất vía như thế.

Lúc này, cả bốn đứa trong băng “tứ quậy” đang tụ tập trên căn gác nhà thằng Lâm.

Xưa nay, chỉ có Quới Lương là đến ngủ lại nhà thằng này. Đó là dạo Quới Lương và Lâm nửa khuya thường kéo nhau lẻn ra ngoài phụ mẹ con thằng Đặng Đạo quét chợ.

Bữa nay tự dưng có cả Quốc n lẫn Hải quắn cùng đổ xô tới xin ngủ lại là lạ lắm. Cho nên mẹ thằng Lâm mới tròn xoe mắt:

- Ối, các cháu làm gì thế? Sao lại dồn cả vào một chỗ thế này?

Lâm nhanh nhẩu đỡ lời cho các bạn:

- Tụi con chung một nhóm thuyết trình mẹ à. Tối nay tụi con phải trao đổi, bàn bạc ghê lắm!

Lý do của Lâm hiệu nghiệm như thần. Nghe nó giở chiêu học tập, mẹ nó thôi ngay thắc mắc. Còn mừng nữa:

- Ờ, thế tụi con ráng lên nhé!

Bốn đứa lập tức rút lên gác. Nhưng muốn thực hiện kế hoạch hù dọa con nhỏ Lệ Hằng để trả mối thù hôm nọ trên lớp, tụi nó phải cần tới máy điện thoại.

Thế là thằng Lâm lại chạy xuống nhà.

Thấy Lâm loay hoay tháo máy ra khỏi ổ cắm, ba nó ngạc nhiên:

- Con đem máy điện thoại đi đâu đấy?

- Con đem lên gác.

- Cần gì thì xuống đây gọi, sao phải đem máy đi?

Lâm gãi đầu, giọng thật như đếm:

- Tụi con soạn bài thuyết trình, phải gọi hỏi ý kiến các bạn liên tục, để máy dưới này bất tiện lắm ba à.

Lâm giở mửng cũ. Và cũng như mẹ nó trước đó ít phút, ba nó rơi ngay chóc vào cái bẫy của nó. Thấy thằng con ham học quá, ông gật đầu một cách sung sướng:

- Vậy hở? Vậy thì con đem máy lên gác đi!

Đặt cái máy trước mặt, thủ lĩnh Lâm vạch chương trình:

- Tụi mình sẽ gọi làm nhiều lần.

Quốc n hăng hái tiếp:

- Mỗi lần vài chục phút.

Lâm nheo mắt nhìn Quốc n:

- Rồi cuối tháng mày trả tiền điện thoại dùm tao há?

Bị thằng Lâm bất ngờ kê tủ đứng vào miệng, Quốc n cụt hứng:

- Chơi quê anh em mày!

- Chứ gì nữa! – Lâm hừ mũi – Đây là nhát ma chứ có phải biểu diễn ca nhạc qua điện thoại đâu mà vài chục phút.

- Vậy nói được cái quái gì?

Lâm lạnh lùng:

- Không nói.

- Không nói?

Quốc n kêu lên lần thứ hai. Lần này không chỉ có nó mà Hải quắn lẫn Quới Lương đều lộ vẻ sửng sốt trước câu trả lời kỳ quặc của thằng Lâm.

Lướt mắt qua những gương mặt ngơ ngác của đồng bọn, Lâm nhe răng cười hì hì:

- Không nói nhưng mà thở.

Lâm không giải thích còn đỡ. Nó càng giải thích, tụi bạn nó càng mù tịt.

Quới Lương nhăn nhó:

- Ai mà chẳng thở. Không thở chết sao!

- Mày ngốc quá! – Lâm lườm bạn – Thở đây tức là thở dài. Tức là thở thành tiếng. Tiếng thở dãi não ruột truyền qua điện thoại chắc chắc sẽ nghe như tiếng than vãn, oán trách của một oan hồn từ âm ty vọng về dương gian để… đòi mạng.

Hải quắn toét miệng cười:

- Tuyệt lắm!

Lâm phấn khởi trình bày tiếp:

- Nhưng tụi mình không chỉ thở. Lần thứ hai tụi mình sẽ hú, sẽ tru lên thật rùng rợn.

Quốc n chớp mắt:

- Thế không nói tiếng nào thật à?

- Cuối cùng mới nói! – Lâm hoa tay – Tụi mình sẽ nói như thế này.

Tới đây, Lâm sửa giọng rít lên the thé:

- Ta… ta… là ma thằn lằn! Đêm nay các người phải chết!

Kế hoạch thằng Lâm đưa ra thật hết ý. Tụi bạn vừa reo hò vừa vỗ tay bôm bốp khiến mẹ nó phải thò đầu lên gác:

- Gì thế tụi con?

Lâm cười:

- Tụi con vừa nghĩ ra một ý hay cho bài thuyết trình mẹ à.

- Thế hở? – Mẹ nó gật gù – Nhưng chốc nữa có nghĩ ra ý hay thì tụi con ráng giữ im lặng nhé. Khuya rồi!

- Tụi con nhớ rồi ạ.

Lâm nói. Và đợi cho mẹ xuống dưới nhà, nó quay lại đám bạn, bắt đầu phân công:

- Hải quắn thở. Quới Lương hú. Quốc n tru. Còn tao sẽ giả giọng ma thằn lằn.

Lâm liệu việc như thần. Những màn dọa dẫm của nó diễn ra vô cùng suôn sẻ và quả đã khiến ba chị em Lệ Hằng thực sự muốn són ra quần.

Như ngay lúc này đây, trong khi thằng Đức Thắng và nhỏ Lệ Chi chui cứng trong mền không chịu ló mặt ra thì Lệ Hằng nơm nớp dán mình đằng bàn, mặt mày dáo dác, không biết phải làm gì để xua tan bầu không khí sợ hãi đang bao phủ căn nhà.

Đang nhìn quanh quất, chợt thấy cái ống nghe nằm lăn lóc trên đầu tủ, nó do dự một thoáng rồi bước lại nhấc cái ống nghe đặt vào giá đỡ.

Lệ Hằng vừa nhấc tay, chuông điện thoại bỗng reo inh khiến nó giật bắn, suýt chút nữa ngã lăn ra giữa nhà.

Tiếng thằng Đức Thắng cà lăm trong mền:

- Nó… ó… ó đấy!

Lệ Hằng cố trấn tĩnh. Nó nhìn trân trân chiếc máy, không biết có nên cầm ống nghe lên hay không.

Chuông vẫn reo từng chặp khiến nó bồn chồn quá. Nếu là ma thật thì đằng nào chúng cũng đã dọa rồi, còn tránh đi đâu được nữa. Nhưng nếu là mẹ ở dưới quê gọi lên mà mình không trả lời, hẳn mẹ sẽ lo lắm! Lệ Hằng thầm nghĩ và sau một hồi lưỡng lự, nó run run nhấc ống nghe ra khỏi giá đỡ.

Lệ Hằng sè sẹ áp ống nghe vào tai, cố không lên tiếng trước. Nó đã định bụng rồi. Hễ nghe một tiếng thở dài, một iếng hú hay một giọng nói rùng rợn là nó dập máy ngay.

- Alô! Alô! Có ai ở đầu dây bên kia không? Cả nhà đi ngủ hết rồi hay sao? Hay trộm vào nhà trói hết ba chị em nhét dưới gầm giường rồi?

Lệ Hằng mừng Quýnh khi nhận ra giọng nói của Quý ròm. Gọi cả buổi không nhge ai trả lời, Quý ròm tức mình tuôn một tràng. Gặp lúc khác, chắc Lệ Hằng sẽ không bỏ qua cái tội trù ẻo của ông bạn ròm này. Nhưng lúc này nó chẳng để ý đến tiểu tiết đó.

- Quý hả? – Lệ Hằng hân hoan đáp – Mình đây!

- Trời đất ơi! Nãy giờ Lệ Hằng ở đâu mà để tôi đợi cả buổi thế?

- Mình vẫn ở nhà. Nhưng… nhưng…

- Nhưng sao? – Thấy Lệ Hằng ấp a ấp úng, Quý ròm ngạc nhiên quá.

- Nhưng… nhưng mình không dám nghe điện thoại.

Câu trả lời của nhỏ bạn khiến Quý ròm sốt ruột hỏi dồn:

- Sao? Có chuyện gì thế? Tại sao lại không dám nghe điện thoại?

- Như thế này này…

Lệ Hằng bắt đầu kể, giọng nó ấm ức như thể vừa bị ai bắt nạt.

Lúc này, Đức Thắng và Lệ Chi đã biết người đang nói chuyện với mình là Quý ròm, liền vội vã tốc mền và len lén leo xuống khỏi giường, lần đến đứng sau lưng bà chị, dỏng tai nghe.

- Quý nghĩ xem, như vậy thì làm sao mình dám nhấc máy kia chứ? – Kể xong, Lệ Hằng ai oán kết luận.

Ngược lại với giọng điệu rầu rĩ của nhỏ bạn, Quý ròm cười hê hê:

- Sợ gì mà sợ! Tụi thằng Lâm đấy chứ ai!

- Quý nói sao? – Lệ Hằng há hốc miệng – Tụi “tứ quậy”?

- Chứ còn ai vô đây! Tụi nó cố tình dọa bạn đấy! Hôm trước bạn và Bội Linh chả gây gổ với tụi nó là gì!

- Ừ, có thể lắm! – Lệ Hằng lẩm bẩm – Đúng rồi! Tụi nó biết chuyện thằn lằn nên đem ra hù mình.

Lệ Hằng vừa lầm rầm trong miệng vừa gục gặc đầu.

Nhỏ Lệ Chi níu tay chị:

- Anh Quý nói gì thế hở chị?

Lệ Hằng không trả lời em. Vì ngay lúc đó nó sực nghĩ ra một điều, liền phân vân quá:

- Quý nè.

- Gì?

Lệ Hằng rụt rè:

- Thế nhỡ đó không phải tụi thằng Lâm mà là ma thật thì sao?

- Ma đâu mà ma! Tụi thằng Lâm đấy!

- Mình bảo nhỡ cơ mà.

- Nếu là ma thật cũng chẳng sao!

Lệ Hằng cắn môi:

- Thế những chiếc bẫy của Quý có hiệu quả với cả ma à?

- Tất nhiên rồi.

Giọng Quý ròm rất quả quyết. Nhưng Lệ Hằng vẫn chưa tin tưởng lắm.

- Mình không nghĩ thế.

- Bạn nghe nè! – Quý ròm “e hèm” một tiếng rồi bắt đầu giảng giải – Nếu ma có thể tác dộng lên thế giới chung quanh được, nghĩa là có thê xê dịch đồ đạc hoặc… bóp cổ người ta được thì có nghĩa nó là một dạng vật chất, đúng không?

- Ờ… ờ…

- Nếu như vậy, chúng ta tất có thể thu âm tiếng nói của nó, chụp hình nó. Vì nếu như vậy, nó chẳng khác gì các dạng vật chất đang tồn tại trong vũ trụ. Và đã là một dạng vật chất, khi tiến vào nhà bạn, nó bắt buộc phải vấp dây, phải lãnh nguyên thùng bột lên đầu…

Quý ròm học siêu các môn toán lý hóa có khác. Nó nói chuyện cứ như một nhà bác học! Lệ Hằng nghĩ bụng và buột miệng hỏi lại:

- Thế nếu nó không phải là một dạng vật chất thì sao?

Lệ Hằng nghe thấy tiếng bạn mình cười hì hì bên kia đầu dây:

- Thì càng khỏe cho mình chứ sao! Nếu không phải là vật chất, tất nó không sập bẫy. Nhưng như vậy nó cũng chẳng làm gì được mình, vì nó đâu có thể tác động đến chung quanh.

Lập luận của nhà bác học ròm quá rõ ràng, dễ hiểu. Lệ Hằng thấy lòng nhẹ nhõm đi nhiều. Nhưng nó vẫn cố hỏi thêm một câu:

- Thế theo Quý, nó thuộc trường hợp thứ nhất hay trường hợp thứ hai?

- Tôi chưa gặp ma bao giờ, cũng chưa xem ảnh chụp hoặc nghe băng thu tiếng nói của nó. Vì vậy, nếu trên đời thật sự có ma thì tôi nghĩ rằng nó ở trường hợp thứ hai.

Rồi có cảm giác cô bạn của mình chưa thực yên tâm lắm, Quý ròm nói thêm:

- Nhưng nếu như Lệ Hằng vẫn còn thấy sờ sợ, theo tôi bạn nên rút dây nối điện thoại ra khỏi ổ cắm.

Như vậy thì dù đó là tụi “tứ quậy” hay ma thằn lằn cũng chẳng ai quấy rối bạn được!

Câu nói cuối cùng của Quý ròm khiến Lệ Hằng thấy óc mình như bừng sáng. Ừ, đơn giản thế mà mình không nghĩ ra! Rút dây nối ra thì chuông sẽ ngừng reo, thì ba chị em sẽ tha hồ mà ngủ, chẳng còn phải lo sợ vẩn vơ.

Thấy Lệ Hằng hí hoáy rút dây điện thoại ra khỏi ổ cắm trên vách, thằng Đức Thắng không kềm được thắc mắc:

- Chị làm gì thế?

Lệ Hằng tủm tỉm:

- Để tụi bạn quỷ quái của chị khỏi phải giả ma nhát chị em mình.

Đức Thắng ngẩn tò te:

- Thế ra từ tối đến giờ bạn chị giả làm ma trêu tụi mình đó sao?

Nhỏ Lệ Chi nhíu mày:

- Ai chơi gì kỳ cục ghê!

Lệ Hằng trả lời hai em bằng cách đi đến cạnh giường, đập đập tay lên gối, vui vẻ nói:

- Bây giờ thì ba chị em mình tha hồ mà ngủ, chẳng còn sợ ai phá nữa!

Lệ Hằng nói câu đó với giọng hết sức tự tin. Và nó tự tin là đúng. Bởi vì từ khi nó rút dây nối ra khỏi ổ cắm, tụi thằng Lâm chỉ biết vò đầu bứt tóc ngó nhau:

- Chắc nhỏ Lệ Hằng rút dây nối rồi! Chứ làm gì chuông reo cả buổi như thế, nó có thể làm ngơ được!

Sự yên tĩnh gần như suốt đêm hôm đó đã chứng minh câu nói của Lệ Hằng đúng tới chín mươi chín phần trăm.

Lệ Hằng chỉ nói trật có một phần trăm. Đó là do nó không ngờ vào khoảng bốn giờ sáng, lúc cả nhà đang ngáy khò khò, những lon sữa rỗng trên đường dây báo động thình lình reo lên leng keng khiến ba chị em bật dậy như ba cái lò xo.

Tiếng các lon sữa va nhau chưa dứt, một tiếng thét kinh hoàng cất lên ngay trước cửa rồi tiếng một thân người đổ huỵch.

Nhỏ Lệ Chi mặt mày xanh lè xanh lét:

- Trộm đấy!

Đức Thắng đột nhiên trở nên bạo dạn. Nó lấy một thanh gỗ tròn, lồm cồm bò xuống khỏi giường:

- Để anh ra coi!

Lệ Hằng níu vai em:

- Gượm đã!

Đức Thắng vùng ra khỏi tay chị:

- Sợ gì! Nó xỉu rồi!

Thế là Đức Thắng đi trước, Lệ Hằng và Lệ Chi rụt rè bám theo sau, cả ba lần tới chỗ cánh cửa, mở chốt thò đầu dòm ra ngoài.

Quả nhiên, ngay trước cửa một bóng người trắng toát đang nằm dài trên đất.

- Ối, ma! Ma!

Đức Thắng thụt vội lại phía sau, bưng mặt hét thất thanh.

- Bình tĩnh nào!

Lệ Hằng nạt em, rồi sau một hồi làm gan căng mắt nhìn chằm chằm vào cái bóng trắng, nó thở phào:

- Bột mỳ đấy! Tên trộm này bị bột mỳ trong thùng nhựa phủ khắp người rồi!

Đức Thắng hoàn hồn, buột miệng tấm tắc:

- Cái bẫy của anh Quý tuyệt thật!

Nhỏ Lệ Chi nín thở:

- Giờ làm sao ở chị?

Lệ Hằng trầm ngâm một thoáng rồi mím môi:

- Khiêng nó vào nhà. Sau đó, gọi điện thoại báo cho công an.

Thế là Lệ Hằng ôm ngang hông, Lệ Chi nhấc tay, Đức Thắng nhấc chân, cả ba hì hục khiêng tên trộm xui xẻo vào nhà.

Tên trộm vẫn mê man bất tỉnh, mặc ai làm gì thì làm.

Khi tên trộm được đặt nằm ngay giữa nhà, thằng Đức Thắng lật đật chạy lại chỗ công tắc điện bật tất cả bóng đèn. Căn phòng thoáng chốc sáng trưng.

Căn phòng sáng trưng thì chuyện lạ xảy ra:

Nhỏ Lệ Chi kêu lên:

- A, tên trộm này là đàn bà.

Đức Thắng kêu tiếp:

- Sao em thấy tên trộm này hình như quen quen.

Lệ Hằng không kêu. Nhưng nó hồi hộp cúi xuống phủ lớp bột mỳ trên mặt tên trộm.

Nó phủi tới lần thứ ba thì cả ba chị em không hẹn mà cùng buột miệng la hoảng:

- Mẹ!

Đức Thắng rơm rớm nước mắt:

- Sao lại là mẹ được?

Nhỏ Lệ Chi mếu máo câu quen thuộc:

- Giờ làm sao hở chị?

Lệ Hằng không đáp, cũng không có thì giờ để đáp. Trong khi Đức Thắng và Lệ Chi ôm lấy mẹ lay lay và kêu rầm trời thì nó hổi hả vọt ra nhà sau.

Nhoáng một cái, nó quay trở lên với chiếc khăn lau và ca nước trên tay.

Lệ Hằng ngồi xuống bên mẹ, nhúng khăn vào ca nước rồi cẩn thận áp lên mặt mẹ, vừa lau vừa thút thít.

Nhờ nước lạnh thấm vào người, chẳng bao lâu, bà mẹ cựa quậy, thở hắt một cái và từ từ mở mắt ra.

- Tôi đang ở đâu thế này?

Đó là câu đầu tiên bà mẹ thốt ra.

- Mẹ ở nhà mình chứ ở đâu!

Nhỏ Lệ Chi mừng rỡ, nó vừa liến thoắng đáp vừa chồm sát vào mặt mẹ.

Đức Thắng cũng sà vào:

- Mẹ ơi, mẹ! Mẹ đã tỉnh chưa?

Chỉ có Lệ Hằng là tiếp tục lặng lẽ lau mặt mẹ. Tại nó đang lo sốt vó về tai nạn vừa xảy ra đó mà.

Hình ảnh các con đập vào mắt khiến mẹ Lệ Hằng dần dần trở lại với thực tại.

Bà chỏi tay ngồi dậy:

- Chính các con đã đưa mẹ vào nhà đấy ư?

- Dạ.

Bà đưa tay vỗ vỗ trán và ngoái nhìn ra cửa, giọng chưa hết hoang mang:

- Ở trước cửa nhà ta có cái gì ghê quá! Lúc mẹ vào nhà, chân thì vướng dây suýt té, trên đầu thì khói bụi mịt mù, còn tai thì nghe toàn âm thanh lốc cốc leng keng cứ như có thiên binh vạn mã.

Nhỏ Lệ Chi tay chùi nước mắt còn miệng thì cười hí hí:

- Thế là mẹ xỉu hở mẹ?

Thằng Đức Thắng cũng cười hi hi:

- Bẫy trộm của tụi con đấy!

- Bẫy trộm gì? – Mẹ nó trợn tròn mắt – À, thì ra là trò tinh nghịch của tụi con đấy ư?

- Không phải trò tinh nghịch đâu mẹ! – Lệ Hằng phân trần – Tụi con sợ trộm vào nhà ban đêm nên đề phòng ấy mà.

Đức Thắng bênh chị:

- Làm sao tụi con biết được mẹ lên giữa đêm khuya thế này. Mẹ bảo sáng mai mẹ mới lên kia mà!

Bà mẹ lúc lắc đầu, thở đánh thượt:

- Khoảng mười giờ rưỡi tối hôm qua, mẹ gọi điện thoại về nhà. Chuông reo liên tục mà sao chẳng thấy các con nhấc máy. Mười một giờ, mẹ lại gọi lần nữa, vẫn thế. Mười một rưỡi, mẹ lại gọi. Vẫn chẳng có ai nghe. Mẹ lo quá, chả hiểu tụi con gặp chuyện gì nên phải thuê xe đi suốt đêm về đây.

Nhỏ Lệ Chi láu táu:

- Tại chị Lệ Hằng rút dây điện thoại ra khỏi ổ cắm đó mẹ.

- Rút dây khỏi ổ cắm? Tại sao lại rút dây ra khỏi ổ cắm?

Bà mẹ ngơ ngác, từ nãy đến giờ ba đứa con khiến bà đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Phải mất đến cả tiếng đồng hồ sau, nghĩa là sau khi đã đi ra phía trước nhà nhặt giỏ trái cây văng tuốt đằng góc sân đem vào, đã đi tắm rửa thay đồ, đã leo lên giường ngồi quây quần với ba con, nghe chúng ríu rít tranh nhau kể lại đầu đuôi mọi chuyện, bà mới dần dần hiểu ra cơ sự.

Vừa tội nghiệp các con vừa cảm thấy buồn cười bà ôm choàng cả ba đứa vào lòng, vui vẻ và cảm động nói:

- Tụi con cảnh giác như vậy là rất tốt! – Đang nói, bà chợt mỉm cười – Chỉ tiếc là trộm đâu không thấy, rốt cuộc chỉ có mẹ và bác Sáu bị một phen sống dở chết dở!

Lời bình luận hóm hỉnh của bà mẹ khiến Lệ Hằng, Đức Thắng và Lệ Chi cười rúc rích. Căn nhà tự dưng ấm cúng hẳn lên.

Hôm sau, nghe được câu chuyện đó, Tiểu Long không bỏ lỡ cơ hội trêu Quý ròm:

- “Ngài pháp sư” lần này bị tổ trác rồi! Cái này người ta gọi là gì hả nhỏ Hạnh?

Nhỏ Hạnh mỉm cười:

- Là “gậy ông đập lưng ông”.

Hai đứa kẻ tung người hứng, ngoảnh lại thấy Quý ròm đã không còn ở bên cạnh. Ngoảnh sang phía khác, thấy nó đang lúi húi chỗ hàng rào.

- Mày đang làm gì đó hở ròm? – Tiểu Long kêu lớn.

Quý ròm quay lại, tay cầm một khúc cây vừa bẻ và đáp bằng giọng đằng đằng sát khí:

- Tao đang kiếm gậy để đập lên lưng mày chứ chi! Chính mày nằng nặc xúi tao đem tài nghệ trừ tà ma ra giúp bạn mà bây giờ còn lên giọng xỏ xiên tao hả!

Thành phố Hồ Chí Minh 2000.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co