Truyen3h.Co

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

LẠN TƯƠNG NHƯ ĐÒI NGỌC BÍCH VỀ CHO NƯỚC TRIỆU

Năm 273 TCN Tần Chiêu Tương Vương phái sứ giả đem quốc thư sang nước Triệu, gặp Triệu Huệ Văn Vương, nói nước Tần tình nguyện đổi 15 tòa thành để lấy viên "ngọc bích họ Hòa" rất quý của nước Triệu, mong Triệu vương đồng ý. Triệu Huệ Văn Vương bàn bạc với các đại thần xem có nên chấp nhận không. Nếu đồng ý chấp nhận thì sợ bị nước Tần lừa, lấy mất ngọc mà không giao thành, nếu không chấp nhận thì sợ nước Tần nổi giận. Bàn bạc mãi mà vẫn không sao đi tới quyết định.

Lúc đó có người tiến cử Lạn Tương Như, nói ông ta là người rất có kiến thức. Triệu Huệ Văn Vương liền triệu Lạn Tương Như hỏi ý kiến, Lạn Tương Như nói: "Nước Tần mạnh, nước Triệu yếu, không thể không chấp nhận".

Triệu Huệ Văn Vương nói: "Nếu ta đưa ngọc sang, nước Tần nhận ngọc mà không giao đất thì  làm thế nào?".

Lạn Tương Như nói: "Nước Tần đem 15 tòa thành để đổi lấy một viên ngọc, cái giá đó là cao lắm rồi. Nếu nước Triệu không chấp nhận thì nước Triệu sai. Nếu đại vương cho giao ngọc mà nước Tần không giao thành thì nước Tần sai. Thà rằng ta chấp nhận, để phần sai về nước Tần".

Triệu Huệ Văn Vương nói: "Vậy phải nhờ tiên sinh đi cho một chuyến. Nhưng lỡ nước Tần không giữ lời hứa, thì làm thế nào?"

Lạn Tương Như nói: "Nếu nước Tần giao thành, thì tôi giao ngọc cho họ, nếu họ không giao thì nhất định tôi sẽ mang ngọc bích về cho nước Triệu"

Lạn Tương Như mang theo ngọc bích họ Hòa tới Hàm Dương. Tần Chiêu Tương Vương đắc ý tiếp ông trong biệt cung. Lạn Tương Như dâng ngọc lên. Tần Chiêu Tương Vương nhận ngọc, vui mừng ngắm nghía rồi chuyển cho các đại thần tả hữu cùng xem. Các đại thần đều chúc mừng Tần Chiêu Tương Vương, Lạn Tương Như đứng chờ mãi, không thấy Tần Chiêu Tương Vương đề xuất việc đổi thành. Ông biết rằng Tần không thực lòng đổi thành lấy ngọc. Nhưng ngọc đã rơi vào tay họ, làm sao mà lấy lại được?

Ông nhanh trí, tiến lên nói với Tần Chiêu Tương Vương: "Thưa đại vương, viên ngọc này tuy là nổi tiếng, nhưng vẫn có tì vết nhỏ không dễ phát hiện thấy, xin đại vương đưa tôi chỉ cho đại vương xem".

Tần Chiêu Tương Vương tưởng thật, liền bảo người hầu trao ngọc cho Lạn Tương Như. Lạn Tương Như cầm lấy ngọc, lùi lại mấy bước, dựa lưng vào một chiếc cột lớn trợn mắt nổi giận nói: "Đại vương phái sứ giả sang nước Triệu, nói là tình nguyện đem 15 tòa thành đổi lấy ngọc. Triệu vương thành thật sai tôi mang ngọc sang. Nhưng đại vương không thật lòng muốn đổi thành. Bây giờ ngọc đang ở trong tay tôi, nếu đại vương bức bách, thì tôi đành để đầu mình cùng viên ngọc đều tan nát trước cái cột này".

Nói xong ông cầm viên ngọc làm như sắp lao đầu vào cột. Tần Chiêu Tương Vương sợ hỏng mất viên ngọc, vội xin lỗi và nói: "Tiên sinh chớ hiểu lầm, sao ta lại không giữ lời hứa". Nói rồi ông hạ lệnh mang bản đồ ra, chỉ vào khu vực 15 tòa thành cho Lạn Tương Như xem. 

Lạn Tương Như nghĩ, không nên mắc lừa ông ta một lần nữa, liền nói: "Triệu vương trước khi sai tôi mang ngọc sang Tần, đã trai giới (ăn chay và xa nữ sắc) trong năm ngày rồi tiến hành một nghi lễ long trọng tại triều đình. Nếu đại vương thực lòng muốn đổi thành lấy ngọc, thì cũng phải trai giới năm ngày, rồi sau đó cử hành nghi lễ nhận ngọc tại triều đình. Lúc đó tôi sẽ xin dâng ngọc lên".

Tần Chiêu Tương Vương nghĩ dù sao thì Lạn Tương Như cũng không chạy đi đâu được, liền nói: "Được, ta sẽ làm như thế", rồi sai đưa phái bộ Lạn Tương Như ra nghỉ tại nhà khách. Về đến nhà khách, Lạn Tương Như sai một tùy tòng cải trang thành người lái buôn, giấu viên ngọc trong người, rồi theo đường nhỏ lẻn về nước Triệu. Năm ngày sau, Tần Chiêu Tương Vương triệu tập các đại thần và sứ thần các nước trú tại Hàm Dương tới triều đình để tổ chức nghi thức nhận ngọc và triệu Lạn Tương Như tới. Lạn Tương Như ung dung lên điện, hành lễ trước Tần vương.

Tần Chiêu Tương Vương nói: "Ta đã trai giới năm ngày. Bây giờ ngươi đưa viên ngọc ra".

Lạn Tương Như nói: "Nước Tần từ đời Tần Mục Công tới nay, hai mươi mấy vị quốc quân, không có ai giữ sự tín nghĩa. Tôi sợ bị lừa mất ngọc bích, mang lỗi với nước Triệu, đã cho người mang ngọc về nước, xin đại vương cứ trị tội".

Tần Vương nổi giận lôi đình nói: "Thế là ngươi lừa ta hay ta lừa ngươi?"

Lạn Tương Như bình tĩnh đáp: "Xin đại vương bớt giận nghe tôi trình bày. Các nước chư hầu khắp thiên hạ đều biết Tần là một nước mạnh, Triệu là một nước yếu. Chỉ có nước mạnh mới ức hiếp được nước yếu, chứ chưa từng có chuyện nước yếu ức hiếp nước mạnh bao giờ. Nếu đại vương thực lòng muốn đổi thành lấy ngọc thì xin giao 15 tòa thành cho nước Triệu trước, sau đó phái sứ giả cùng tôi sang nước Triệu lấy ngọc về. Nước Triệu đã được 15 tòa thành, quyết không dám không giao ngọc cho quí quốc".

Tần Chiêu Tương Vương thấy Lạn Tương Như nói năng chững chạc đường hoàng, không tiện trở mặt, đành phải nói: "Một viên ngọc chẳng qua là một viên ngọc, không nên để gây tổn thương đến hòa khí giữa hai nước". Cuối cùng để Lạn Tương Như trở về Triệu.

Lạn Tương Như về nước, Triệu Huệ Văn Vương cho là ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, liền phong ông làm Thượng đại phu. Tần Chiêu Tương Vương vốn không thực lòng muốn đổi 15 tòa thành lấy viên ngọc, chẳng qua chỉ muốn mượn việc này để dò xét thái độ và lực lượng của Triệu mà thôi. Do đó sau khi Lạn Tương Như mang ngọc trở về nước, Tần Chiêu Tương Vương không đả động gì tới việc trao đổi nữa.


LIÊM PHA TỰ TRÓI NHẬN TỘI

Tần Chiêu Tương Vương quyết tâm buộc Triệu khuất phục, liên tiếp đưa quân xâm nhập biên giới Triệu, chiếm một số đất đai. Năm 279 TCN, ông lại giở thủ đoạn khác, mời Triệu vương tới Miễn Trì (nay ở phía tây huyện Miễn Trì, Hà Nam) thuộc đất Tần để hội kiến. Lúc đầu , Triệu Huệ Văn Vương sợ bị bắt giữ, không muốn đi. Nhưng đại tướng Liêm Pha và Lạn Tương Như lại cho rằng nếu không nhận lời thì tỏ ra là mình yếu. Cuối cùng Triệu Huệ Văn Vương đành mạo hiểm nhận lời, đem theo Lạn Tương Như cùng đi, để Liêm Pha ở nhà giúp thái tử phòng thủ đất nước.

Để đề phòng bất trắc, Triệu Huệ Văn Vương còn cử đại tướng Lý Mục đem 5000 quân hộ tống, và tướng quốc Bình Nguyên Quân đem mấy vạn quân tiếp ứng ở biên giới. Đến kì hạn, Tần Vương và Triệu Vương hội kiến ở Miễn Trì, cùng dự tiệc rượu, vui vẻ đàm đạo. Tần Chiêu Tương Vương uống mấy cốc rượu, có ý say nói với Triệu Huệ Văn Vương: "Nghe nói nhà vua giỏi đánh đàn sắt, xin đánh một khúc để góp vui". Nói xong bảo tả hữu đưa đàn sắt đến. Triệu Huệ Văn Vương không thể từ chối, đành miễn cưỡng dạo một khúc. Sử quan nước Tần liền ghi chuyện đó vào sách và đọc lên: "Ngày...tháng...năm...vua Tần và vua Triệu hội kiến ở Miễn Trì, vua Tần hạ lệnh cho vua Triệu đánh đàn sắt".

Triệu Huệ Văn Vương giận tím mặt. Ngay lúc đó, Lạn Tương Như bưng đến một cái phẫu (một thứ đồ đựng bằng gốm, có thể dùng làm nhạc cụ gõ), quì dâng lên Tần Chiêu Tương Vương nói: "Vua Triệu nghe nói vua Tần rất giỏi chơi nhạc cụ Tần, ở đây có cái phẫu, xin mời đại vương gõ mấy cái giúp vui".

Tần Chiêu Tương Vương biến sắc, không chịu làm theo. Lạn Tương Như phẫn nộ nói: "Đại vương đã xúc phạm người khác thái quá. Binh lực của nước Tần tuy mạnh, nhưng chỉ trong năm bước chân, tôi có thể tưới máu mình lên người đại vương".

Tần Chiêu Tương Vương thấy khí thế của Lạn Tương Như như vậy, đành cầm dùi gõ lên cái phẫu mấy cái. Lạn Tương Như quay lại, gọi sử quan của nước Triệu mở sách ra ghi lại sự kiện đó, nói: "Ngày...tháng...năm...Triệu Vương và Tần Vương hội kiến ở Miễn Trì, Tần Vương đã gõ phẫu cho Triệu Vương nghe".

Các đại thần của Tần Vương thấy Lạn Tương Như dám xúc phạm Tần Vương như thế, không chịu kém, cử người đứng lên nói: "Đề nghị Triệu Vương cắt 15 tòa thành làm lễ mừng thọ Tần Vương".

Lạn Tương Như lập tức đứng dậy nói: "Đề nghị Tần Vương cắt thủ đô Hàm Dương làm lễ mừng thọ Triệu Vương".

Tần Chiêu Tương Vương thấy không khí căng thẳng, lại biết được nước Triệu mang nhiều binh mã đóng gần đó, nếu sử dụng vũ lực sợ không có lợi, liền quát các đại thần: "Hôm nay là ngày hai quốc vương cùng vui với nhau, các ngươi không nên nói nhiều". Cuộc hội kiến do đó kết thúc mà không xảy ra chuyện gì.

Lạn Tương Như hai lần sang Tần, giữ được quốc thể cho Triệu, lập công lớn. Triệu Huệ Văn Vương hết sức tín nhiệm Lạn Tương Như, phong ông làm Thượng khanh, địa vị cao hơn đại tướng Liêm Pha. Liêm Pha không phục, nói riêng với môn khách của mình: "Ta là đại tướng của Triệu, lập bao công lao hãn mã. Lạn Tương Như thì có gì ghê gớm, mà lại vượt lên đầu ta. Hầy! Ta mà gặp Lạn Tương Như sẽ làm cho hắn ta mất mặt cho coi"

Câu nói đó tới tai Lạn Tương Như. Lạn Tương Như liền cáo bệnh không vào triều. Một hôm Lạn Tương Như có việc cùng môn khách ngồi xe đi ra ngoài. Thật là oan gia tương ngộ, thấy từ xa có xe ngựa của Liêm Pha rầm rập đi tới. Lạn Tương Như vội bảo người đánh xe rẽ quặt vào một ngõ hẽm để tránh đường, để xe ngựa của Liêm Pha đi trước. Việc đó khiến các môn khách của Lạn Tương Như rất bực bội. Họ đều trách Lạn Tương Như về hành động hèn nhát đó. Lạn Tương Như hỏi họ: "Các ông xem, giữa tướng quân Liêm Pha và Tần Vương thì ai có thế lực lớn hơn?".

Mọi người đều nói: "Tất nhiên là Tần Vương có thế lực lớn hơn"

Lạn Tương Như lại nói: "Đúng như vậy, chư hầu trong thiên hạ đều sợ Tần Vương. Thế mà ta dám trực diện trách mắng ông ta để bảo vệ nước Triệu. Tại sao ta lại sợ tướng quân Liêm Pha? Bởi vì ta nghĩ rằng, nước Tần lớn mạnh không dám xâm phạm nước Triệu, bởi vì có ta và tướng quân Liêm Pha. Nếu hai người chúng ta bất hòa, nước Tần biết tin, sẽ nhân cơ hội lại xâm phạm nước Triệu. Chính vì điều đó mà ta phải nhún nhường".

Có người đem lời nói đó nói lại cho Liêm Pha. Liêm Pha rất hổ thẹn, liền để mình trần, quấn dây gai, tới nhà Lạn Tương Như nhận tội. Ông nói với Lạn Tương Như: "Tôi là một kẻ thô lỗ, thiếu kiến thức, bụng dạ hẹp hòi. Ngờ đâu lại được ngài đối xử rộng lượng như vậy, tôi rất lấy làm hổ thẹn, xin tình nguyện chịu sự trách phạt của ngài".

Lạn Tương Như vội đỡ Liêm Pha dậy nói: "Hai chúng ta đều là đại thần của nước Triệu. Tướng quân đã thông cảm, tôi muôn phần cảm kích, đâu dám nhận lễ của tướng quân nữa".

Hai người đều cảm động rơi nước mắt. Từ đó, họ trở thành bạn bè thân thiết. Trong lịch sử và văn học Trung Quốc, người ta gọi điển tích đó là "Tướng tướng hòa" (Tướng võ và tướng văn hòa hợp, đoàn kết với nhau).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co