Truyen3h.Co

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

CHU BỘT GIÀNH LẠI BINH QUYỀN

Hán Huệ Đế không có con. Lã thái hậu chọn từ bên ngoài một đứa trẻ rồi mạo xưng là con của Huệ Đế, lập làm thái tử. Năm 188 TCN, Huệ Đế chết, đứa trẻ đó liền nối ngôi vua. Lã thái hậu có danh chính ngôn thuận để lâm triều chấp chính. Để củng cố quyền lực của mình, Lã thái hậu muốn lập người họ Lã lên làm vương, liền hỏi ý kiến các đại thần. Hữu thừa tướng Vương Lăng vốn là người cương trực nói: "Cao hoàng đế đã giết ngựa trắng ăn thề, ai không phải họ Lưu thì không được làm vương".

Lã thái hậu nghe nói rất không vui, lại hỏi tả thừa tướng Trần Bình và thái úy Chu Bột. Trần Bình, Chu Bột nói: "Cao Tổ bình định thiên hạ,, phân phong con em mình làm vương, điều đó rõ ràng là đúng. Nay thái hậu lâm triều, phong con em mình làm vương, thì sao lại không được?". Lã thái hậu sung sướng gật đầu. Tan buổi chầu, Vương Lăng trách Trần Bình và Chu Bột: "Khi tuyên thệ trước mặt tiên đế, các ông đều có dự. Thế mà bây giờ các ông lại đi ngược với lời thề. Như vậy thì sao xứng với tiên đế?".

Trần Bình và Chu Bột nói: "Thừa tướng đừng giận. Hôm nay dám tranh luận với thái hậu giữa triều đình thì chúng tôi không bằng ông; nhưng sau này bảo toàn được thiên hạ của họ Lưu ông sẽ không bằng được chúng tôi".

Sau đó, Lã thái hậu lần lượt phong các cháu là Lã Thai, Lã Sản, Lã Lộc, Lã Gia, Lã Thông làm vương; còn trao cho họ nắm quân quyền. Toàn bộ đại quyền trong triều hầu như đều nằm trong tay họ Lã.. Gia tộc của Lã hậu chiếm hết quyền của họ Lưu, làm nhiều đại thần không phục nhưng đa số chỉ hậm hực không dám nói ra. Hán Cao Tổ có một người cháu tên là Lưu Chương, phong hiệu là Chu Hư hầu, có vợ là con của Lã Lộc. Có lần, Lã thái hậu mở tiệc, chỉ định Lưu Chương làm giám tửu. Lưu Chương tâu với Lã thái hậu: "Tôi là dòng dõi nhà võ, xin cho phép tôi theo quân pháp để làm giám tửu". Lã thái hậu đồng ý.

Lưu Chương thấy mọi người uống rượu vui vẻ, liền đề nghị hát bài "Canh điền ca" để giúp vui cho thái hậu. Lã thái hậu nói: "Ngươi hát đi". Lưu Chương liền cao giọng hát:

"Cày sâu cuốc bẫm cấy thưa

Gặp giống không tốt thì bừa bỏ đi"

Lã thái hậu nghe hát, thấy có ngụ ý, tỏ ra rất bực. Một lát sau, một người họ Lã uống rượu quá say, không nói gì mà tự tiện ra ngoài. Lưu Chương đuổi theo, lấy cớ y không chấp hành qui định của yến hội, liền tuốt kiếm chém chết. Khi Lưu Chương trở về báo cáo tình hình với Lã thái hậu, các đại thân đều sợ hãi, lo lắng cho ông. Nhưng vì Lã thái hậu đã đồng ý cho phép Lưu Chương theo quân pháp để làm giám tửu nên không trị tội gì được. Lã thái hậu chấp chính đến năm thứ 8 thì lâm bệnh nặng. Trước khi chết, phong Triệu vương Lã Sản làm tướng quốc, thống lĩnh Nam quân, Lã Lộc làm thượng tướng quân, thống lĩnh Bắc quân; đồng thời dặn bọn họ: "Hiện nay họ Lã nắm quyền, các đại thần đều không phục. Sau khi ta mất, các ngươi nhất định phải nắm lấy quân sĩ mà bảo vệ cung đình, không được đi đưa đám, đề phòng có kẻ ám hại".

Sau khi Lã thái hậu chết, binh quyền đều nằm trong tay Lã Sản, Lã Lộc. Họ muốn phát động chính biến nhưng chưa dám ra tay. Lưu Chương qua lời vợ, biết được âm mưu của họ Lã, liền cử người báo cho anh là Tề vương Lưu Tương biết, hẹn với Lưu Tương đem quân từ ngoài vào Trường An. Tề vương Lưu Tương đem quân tiến về phía tây. Lã Sản được tin, liền phái tướng Quán Anh đem quân ra đối phó. Quán Anh đến Huỳnh Dương, bàn bạc với các bộ tướng: "Họ Lã thống lĩnh đại quân toan chiếm thiên hạ của họ Lưu. Nếu chúng ta tiến đánh Tề vương thì chẳng phải là giúp họ Lã làm loạn hay sao?".

Mọi người quyết định án binh bất động và ngầm thông báo cho Tề vương biết, đề nghị ông ta liên lạc với các chư hầu, chờ thời cơ để cùng khởi binh chống họ Lã. Tề vương nhận được thông báo, cũng tạm thời án binh bất động. Chu Bột, Trần Bình biết họ Lã muốn làm loạn, toan ra tay trước; nhưng binh quyền còn nằm trong tay họ Lã nên chưa biết làm thế nào. Họ nghĩ tới Lịch Ký, con trai của Lịch Thương là bạn thân của Lã Lộc, liền cử người đến bảo Lịch Ký nói với Lã Lộc: "Lã hậu mất rồi, hoàng đế còn ít tuổi. Ngài là Triệu vương (vương cai trị đất Triệu), lại cứ ở Trường An nắm quân đội, các đại thần và chư hầu đều nghi ngờ ngài, điều đó rất bất lợi. Nếu ngài giao binh quyền cho thái úy (tức Chu Bột) và về đất phong của mình thì quân Tề sẽ rút đi và các đại thần đều an tâm".

Lã Lộc tin theo lời của Lịch Ký, liền giao Bắc quân cho thái úy Chu Bộ nắm. Chu Bột nắm được tướng ấn Bắc quân, liền tới ngay trại Bắc quân, nói các tướng sĩ: "Ngày nay họ Lã muốn cướp quyền của họ Lưu, các ông xem nên làm thế nào? Ai  theo họ Lã thì sắn tay áo bên phải lên, ai theo họ Lưu thì sắn tay áo bên trái lên". Tướng sĩ Bắc quân xưa nay đều hướng về họ Lưu, nên vừa nghe lệnh, đã nhất tề sắn tay áo bên trái. Chu Bột đã tiếp quản được Bắc quân, giành được binh quyền từ tay Lã Lộc một cách êm thấm.

Lã Sản chưa biết Bắc quân của Lã Lộc đã rơi vào tay Chu Bột, nên vào cung Vị Ương để chuẩn bị phát động chính biến. Chu Bột phái Chu Hư hầu Lưu Chương dẫn hơn một ngàn quân ập tới, giết được Lã Sản. Tiếp đó, Chu Bột dẫn Bắc quân tiêu diệt thế lực họ Lã. Đến lúc đó, các đại thần mới dám mạnh dạn. Họ nói: "Trước kia, người được Lã thái hậu đưa lên ngôi vua không phải là con của của hoàng thượng (tức Huệ Đế). Ngày nay chúng ta diệt họ Lã, mà vẫn để thái tử giả đó làm hoàng đế, thì lớn lên chẳng vẫn là người họ Lã hay sao? Chi bằng chúng ta chọn trong số chư vương họ Lưu một người hiền minh nhất tôn lên làm hoàng đế".

Các đại thần bàn bạc và nhận thấy trong số các con của Cao Tổ, có Đại vương (vương ở đất Đại) Lưu Hằng là người lớn tuổi nhất, lại có phẩm cách tốt nhất, liền phái người tới Đại quận (trị sở nay tại huyện Úy, Hà Bắc), đón Lưu Hằng về Trường An, lập làm hoàng đế. Đó là Hán Văn Đế.


ĐỀ VINH CỨU CHA

Mẹ của Hán Văn Đế là Bạc thái hậu xuất thân nghèo hèn, khi Hán Cao Tổ còn sống, là một cung phi không được sủng ái, bà sợ ở trong cung sẽ bị Lã hậu hãm hại, nên xin ra ở với con ở quận Đại. Ở quận Đại không sang trọng, xa cách như ở hoàng cung nên hai mẹ con ít nhiều hiểu được nỗi khổ của dân chúng. Lên ngôi không lâu, Hán Văn Đế liền hạ một chiếu thư, nói: "Ai phạm tội thì xử tội người đó là đúng. Tại sao lại xử tội cả vợ con người ta? Ta không cho rằng việc xử tội như vậy là tốt, các đại thần hãy bàn bạc mà sửa đổi". Các đại thần theo ý của Hán Văn Đế, liền bãi bỏ pháp lệnh về việc liên đới của gia đình người phạm tội.

Năm 167 TCN, ở Lâm Phần có một cô gái nhỏ tuổi tên là Thuần Vu Đề Vinh, cha cô ta là Thuần Vu Ý, vốn là người có kiến thức, ham thích y học, thường chữa bệnh cho người khác, trở nên nổi tiếng. Sau ông ta làm chức Thái thương lệnh (viên quan trông coi kho tàng) nhưng không thích giao du với giới quan lại, cũng không nịnh nọt cấp trên. Không bao lâu, ông từ chức, chỉ làm thầy thuốc. Có lần, vợ một đại thương nhân có bệnh, mời Thuần Vu Ý chữa trị. Sau mấy hôm dùng thuốc, chẳng những bệnh không khỏi mà còn bị chết, người chồng kiện lên quan, nói Thuần Vu Ý cho nhầm thuốc, dẫn tới tử vong. Quan địa phương xử Thuần Vu Ý tội nhục hình (tức thích chữ vào mặt hoặc cắt mũi, chặt đi một chân...) và giải đi Trường An chịu tội. Thuần Vu Ý có năm người con gái nhưng không có con trai. Trước khi bị giải đi Trường An, ông nhìn các con gái, than: "Khổ cho ta, không có con trai, gặp hoạn nạn, chẳng đứa con nào giúp được gì".

Mấy cô con gái đều thương tâm, cuối đầu than khóc. Chỉ có cô gái nhỏ nhất là Đề Vinh thì vừa thương tâm, vừa uất ức, cô nghĩ: "Tại sao con gái lại không giúp được gì?".

Cô yêu cầu được đi theo cha đến Trường An, mặc cho ai khuyên can cũng không nghe. Đến Trường An, Đề Vinh nhờ người viết cho một sớ tấu, đến cửa cung nộp cho người giữ cửa. Hán Văn Đế nhận được sớ tấu, biết là của một cô gái, thì rất chú ý, giở ra xem: "Tiểu dân là Đề Vinh, con gái nhỏ của Thái thương lệnh Thuần Vu Ý. Khi cha của tiểu dân làm quan, dân địa phương đều nhận là quan thanh liêm. Lần này cha tiểu dân phạm tội, bị ghép vào nhục hình. Tiểu dân chẳng những lo buồn vì cha mà còn thương xót cho những người phạm tội. Một người bị chặt chân sẽ trở thành tàn phế, bị cắt mũi không thể chắp lại được. Sau này có muốn chữa lỗi lầm cũng không có điều kiện. Tiểu dân xin tình nguyện để quan phủ Sung làm nô tỳ chuộc tội cho cha, để cha tiểu dân có cơ hội sửa chữa sai lầm".

Hán Văn Đế xem thư, rất đồng tình với cô gái, cảm thấy cô ta nói rất có lý, liền triệu tập đại thần tới nói: "Phạm tội thì phải xử , đó là điều tất nhiên. Nhưng người bị xử tội cũng cần được tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Nay xử tội một phạm nhân, lại thích chữ vào mặt hoặc hủy hoại thân thể. Cách làm đó có khuyến khích người ta làm điều thiện không? Các khanh hãy bàn bạc, tìm ra biện pháp khác để thay thế nhục hình đi".

Các đại thần bàn bạc, thay thế nhục hình bằng đánh đòn. Trước kia nếu bị chặt chân thì thay bằng đánh 500 bản (miếng gỗ mỏng); trước kia nếu cắt mũi thì thay bằng đánh 300 bản. Hán Văn Đế liền hạ lệnh phế bỏ nhục hình. Do đó, Đề Vinh đã cứu được cha. Hán Văn Đế bỏ nhục hình, xem qua thì tưởng rằng tốt. Nhưng khi thực hiện thì lại thấy tệ hơn. Có người bị đánh chưa tới 300 hoặc 500 bản, thì đã chết rồi. Như vậy hình phạt lại trở thành nặng hơn. Tới đời con của Hán Văn Đế là Hán Cảnh Đế, hình phạt trên mới được giảm nhẹ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co