Truyen3h.Co

Mập Mờ Cũ Của Tôi Là Manhunt

Chương 1: Ở bẩn sống lâu

NanaAuthor

Cách đây x năm, tôi đặt chân vào Sài Gòn lần đầu tiên. Sau khi có điểm thi Đại học, tôi mừng rỡ, bố mẹ tôi mừng rỡ, anh tôi mừng rỡ, hàng xóm cũng mừng rỡ vì tôi đỗ Ngoại thương. Giấc mơ học cao tưởng xa vời của tôi hóa ra lại thành hiện thực.

Ngày cuối cùng ở nhà, mẹ chăm tôi như vừa mới thôi nôi, mua hẳn một nồi chân giò hầm về tẩm bổ. Bố tôi, mặt ngoài thì nhăn nhó "bà thế này, bà thế nọ, nó đi học chứ có đi đâu đâu mà lo...", bên trong thì cuộn trào sóng dữ. Nhân lúc mẹ ra ngoài mua hàng không để ý, bố liền kéo tay tôi ra một góc, dúi hẳn một cục tiền to đùng vào tay tôi, thủ thỉ:

- Con gái lớn đi học, phải biết chăm sóc bản thân. Đừng có ăn dè sẻn, thiếu bố lại gửi tiền lên.

Đi học tôi không khóc, nghe lời dặn của bố tôi mới khóc. Nhưng mà khóc thì xấu lắm, nên tôi nuốt nước mắt vào trong.

- Dạ.

Đoạn, mẹ tôi trở về, anh tôi cũng vừa đỗ xe trước cổng. Cả nhà lại có bữa cơm đầm ấm trước ngày tôi nhập học. Tôi mạnh miệng tuyên bố:

- Bố mẹ yên tâm, con tự làm hết thủ tục ở trường được. Dăm ba cái chuyện cỏn con... Bố mẹ với anh tiễn con ra xe là được rồi.

Đến lúc kéo vali đi, tôi mới buồn phát khóc. Lão anh thấy hai mắt tôi đỏ hoe liền ra vẻ đắc ý:

- Ngày xưa tao đi học không có mít ướt như mày đâu.

- Em là con gái, phải khác chứ! - Mẹ lườm anh rồi quay sang dặn dò tôi - Có gì cứ gọi cho mẹ biết chưa? Đi học xa nhà phải tự lo cho mình. Đừng có ăn dè sẻn!

Tôi đang dấm dứt cũng phải ngừng lại. Bố mẹ lại tâm linh tương thông rồi.

Lên xe rồi, tôi vẫn không quên nhìn qua ô cửa nhỏ. Bố mẹ và anh còn chưa đi, cứ vẫy tay không ngớt. Dù rằng ở khoảng cách khá xa, tôi vẫn nhìn rõ giọt mồ hôi lăn dài trên má bố. Mẹ ở bên vẫn cứ khua khua chiếc nón lá rách chào tôi. Lão anh thì khoanh tay nheo mắt, nhưng miệng nở nụ cười đầy tự hào.

Tôi ghé sát mặt vào lớp kính, vờ cười thật tươi. Kiểu gì khi xe chạy và bóng hình nhỏ của gia đình tôi khuất dần sau khung cửa, tôi cũng sẽ lại thút thít cho mà xem. Cơ mà không thể để bố mẹ và anh thấy được, tôi vẫn phải cười thôi.

Chuyến xe bão táp cua khúc này, ngoặt khúc kia của tôi khởi hành từ tỉnh Lâm Đồng đến Ngã tư Hàng Xanh cuối cùng cũng dừng lại. Bằng tinh thần thép chống đỡ mọi cơn say xe, tôi bước xuống như một nữ anh hùng trong khi các cô, dì, chú, bác đằng xa thi nhau ôm bọc.

Lấy vali khỏi cốp, tôi bắt đầu tìm đường đến nhà trọ đã đặt cọc trên mạng. Cách đây hai tuần, tôi và lão anh có xem qua những nhà trọ gần trường để tôi dễ bề di chuyển.

Mục tiêu: Rất gần trường;

Khoảng cách: Ngắn hơn một cây số;

Đặc điểm: Ở ký túc xá cho gần bạn gần bè;

Giá tiền: Rẻ.

Cái tôi chú trọng nhất chính là giá thành. Chỉ cần rẻ hơn hai triệu, chỗ nào tôi cũng bất chấp chen chân. May thay, trọ tôi đặt cọc đáp ứng mọi tiêu chí trên. Chỉ có điều, tôi ở ghép với toàn những nhân vật "ở bẩn sống lâu, người Tàu bảo thế".

- Sao phòng không giống gì trên mạng hết vậy ạ? - Tôi rướn cặp mày nhìn chị chủ nhà.

- Giống mà em! - Chị gật đầu chắc chắn - Đây, giường tầng, đệm, tủ, tất cả đều đầy đủ. Bạn cùng phòng cũng dễ thương mà!

Sau câu này của chị, tôi liếc mắt nhìn quanh. Căn phòng rộng hai mươi lăm mét vuông sáu người ních, có hai người đang ngủ, hai người đang ăn và không ai thèm để ý đến chúng tôi.

- Nếu em không đồng ý thì có thể tìm chỗ khác, vì đây là phòng trống duy nhất rồi.

- Thế còn... tiền cọc thì sao ạ? - Tôi nuốt khan khi trông thấy gương mặt đằng đằng sát khí của chị.

- Không được lấy lại á em.

Giọng chị nhẹ tựa như lông nhưng không khác gì tiếng sét đánh ngang tai tôi. Cẩn thận khép cửa, tôi cùng chị xuống văn phòng hoàn tất thủ tục thuê phòng.

- Hợp đồng sau ba tháng thì em mới có thể lấy cọc nhé. - Chị hào hứng nhìn tôi run run đặt bút xuống hợp đồng.

Xong xuôi, tôi trở ngược lên căn phòng sáu người với mong muốn nhỏ nhoi có thể hòa nhập được với cộng đồng. Nào ngờ cả phòng không ai nói chuyện với ai.

- Dạ, em chào các chị. - Vừa mở cửa, tôi học cung cách chào của người Nhật, gập người 45 độ, hai tay đặt ngay ngắn trước bụng - Em là sinh viên năm nhất mới chuyển vào phòng mình ạ.

Tôi không để ý mình đã "ạ" quá nhiều lần trong một ngày mà chỉ tập trung quan sát xem bốn người trước mặt có động tĩnh gì hay không. Rất không may, hai người đang ngồi ăn chỉ "ừ" một chập rồi lại ăn tiếp. Còn hai người đang ngủ vẫn cứ ngủ như thường.

Tôi ngẩng lên, gượng gạo hỏi tiếp:

- Em có thể ở trên giường nào được ạ?

Một người với kiểu cột tóc đuôi ngựa, vừa ăn vừa chỉ lên giường tầng trên nằm kế cửa:

- Giường số 5.

Tôi cười sượng rồi kéo chiếc vali mất bánh đến chân giường. Căn phòng ẩm thấp, tối tăm hơn tôi tưởng. Với tiêu chí: Điện nước bao trọn, cả phòng bật máy lạnh triền miên, cộng thêm việc rèm cửa sổ chưa từng được kéo ra, hương thức ăn ngào ngạt và mùi cơ thể cứ thế "bồng bềnh" khắp không gian.

Tôi ảo não trèo lên "ổ" của mình, nhận ra bên trên chẳng có đệm cũng chẳng có chăn, trong khi trong hợp đồng đã nói rõ bên cho thuê sẽ đảm nhiệm việc này. Thế rồi, tôi lại trèo xuống. Tạm gác lại chuyện của cái ổ, tôi quyết định dọn đồ lên hộc tủ của mình. Vừa mở ra, một mùi hôi thối xộc lên, hình ảnh con chuột chết chổng bốn chân lên trời đập vào mắt, tất cả đều khiến tôi thăng thiên đến trăm lần.

- À, ra mùi thối từ đó ra. - Một trong hai người đang ăn nói - Đợi mai rồi lao công lên dọn.

Dường như họ không có ý muốn dọn dẹp. Phải rồi. Tôi cười thầm nhìn quanh. Góc tủ còn ba chú "tiểu cường" bị thủ tiêu còn chưa được dọn đi kìa. Tất cả đều chỉ đợi lao công đến dọn mà thôi.

Con quỷ OCD trong tôi trỗi dậy nhưng tôi dằn lòng phải tĩnh tâm. Đeo hai lớp găng tay nilon, một lớp găng tay cao su, tôi cẩn thận bốc con chuột vào túi rác, lau hết vết uế còn đọng lại trong tủ. Xong xuôi, tôi thủ tiêu luôn ba chiếc găng tay xấu số. Vừa định dọn đồ lên tủ, tôi thoáng nghe thấy câu cảm thán của một chị đang cuộn tròn trên giường:

- Em nào đi vứt rác đi, chị thấy hơi hôi rồi đó.

Hai người ngồi ăn đều không có động tĩnh gì. Thiết nghĩ con chuột chết là do tôi phát hiện ra, tôi cười sượng gom túi rác đi bỏ.

Phòng tôi ở nằm trên tầng ba. Tầng một và tầng hai cũng là khu ký túc xá cho nữ, riêng tầng bốn và tầng năm dành cho nam. Chúng tôi phơi đồ cũng ở tầng cao nhất. Mỗi phòng được trang bị một giá treo đồ và có tất thảy mười lăm chiếc máy giặt dùng chung. Nghĩ lết đi cả ngày trời, quần áo cũng đẫm mồ hôi, tôi liền trở về phòng thay quần áo rồi đem đi giặt.

Nhưng không, tôi buộc phải thay đổi ý định khi tận mắt trông thấy cảnh phòng tắm ba mét vuông chất toàn rác thải sinh hoạt và ngập tràn cặn bẩn. Quá đủ rồi. Tôi vùng vằng rời khỏi phòng với chiếc điện thoại trong tay, chạy ào ra ngoài sân. Ở sân không có ghế, tôi ngồi bệt xuống bệ cổng. Nghĩ không có ai, tôi ôm mặt khóc rưng rức.

Tôi thấy chán nản ghê gớm. Trước khi lên Sài Gòn, tôi đã tưởng tượng ra không biết bao nhiêu cảnh tượng thú vị, nào là gặp được những người bạn cùng phòng chí cốt, kết thân được nhóm bạn đại học ngầu đét... Vậy mà chỉ mới xa bố mẹ chưa được một ngày, Cát Ân đã vỡ mộng toàn tập rồi bố mẹ ơi. Nghĩ mà rầu!

Cơ mà, sao tôi phải khóc nhỉ? Đúng. Không khóc, có gì đâu phải khóc. Chỉ là trọ ở bẩn, bạn cùng phòng không niềm nở mà thôi. Tôi tự động viên mình vậy. Thế mà, cổ họng vẫn vọng lên những tiếng nấc tức tưởi. Khi khóc lâu quá, cơ thể bạn luôn tự giật nảy lên mà không rõ lí do. Dù đã thôi khóc nhưng tôi không giữ nguyên cơ thể mình được. Điều đó khiến cho một người nọ đang đi qua phải dừng lại.

- Này, chị gì ơi...

Người này dừng chân trước mặt tôi, xua tay như thể muốn tôi chú ý. Vì quá cao nên cậu ta buộc phải khom người để trông tôi rõ hơn. Tôi phải thừa nhận, cậu ta đẹp trai vô đối, vả lại còn rất trẻ. Thế mà thế quái nào cậu ta lại gọi tôi bằng chị nhỉ?

- Chị có sao không? Chị đau ở đâu à?

Tôi gần như quên mất mình khóc vì điều gì, nhưng trong lòng đã bắt đầu cuồn cuộn gió bão. Thoáng thấy tập hồ sơ nhập học trên tay cậu ta, tôi cười thầm trong lòng.

- Là bạn thôi, không phải chị. - Tôi đã phải rất dằn lòng để không phát ra những từ ngữ khó nghe.

- Chị nói gì ạ? - Cậu ta ghé sát mặt tôi.

- Bạn thôi. - Tôi nghĩ mình đã nói rất rõ, cho tới khi cậu ta hỏi lại lần nữa.

- HAI ĐỨA MÌNH BẰNG TUỔI! - Tôi tăng âm lượng kịch trần.

Cậu ta choáng váng lùi ra sau, bịt một bên tai lại. Tôi mường tượng ra cảnh cậu ta mắng nhiếc tôi bằng hai ba câu, đại loại kiểu: "Sao bạn nói lớn thế? Mình nghe thấy rồi mà!", nhưng không. Sau khi dư chấn từ cơn bùng nổ của tôi kết thúc, cậu ta đến gần nói nhỏ:

- Xin lỗi cậu nhé, tôi không nghe rõ.

Lịch thiệp dữ thần! Tôi bỏ hai chân khỏi bệ, ngượng ngùng đáp:

- Xin lỗi luôn, tao nói hơi to, mày thông cảm.

Nói xong tôi mới ngớ người, vội vàng bịt miệng. Bình thường xưng hô "mày - tao" chắc không sao, nhưng với tệp người lịch sự thế này, tôi lại cảm thấy sượng xạo đến khủng.

- Xin lỗi, tao ở quê hay gọi mày, xưng tao.

Lại nữa. Chắc tôi phải đào hố sâu mười tấc mới giấu hết nhục.

- À... - Nét mặt cậu ta không thể nào sượng trân hơn - Không sao.

Chắc chắn là có sao. Cậu ta chữa ngượng thôi.

- À mà, cậu ở đây luôn hả?

Cậu ta trỏ tay vào "cơn ác mộng" tôi vừa thoát khỏi. Tôi miễn cưỡng gật đầu.

- Tao ở tầng ba.

- Tôi ở tầng bốn á. Vậy là tụi mình chung nhà rồi. - Cái giọng miền Nam trầm ấm sao mà dễ nghe.

Không biết tôi nên vui hay nên buồn, nhưng mà tự dưng tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Có người bạn đầu tiên ở Sài Gòn, lại còn là hàng xóm nữa, chưa kể còn chung trường (tôi thấy trên hồ sơ nhập học), cảm giác không còn gì tuyệt bằng.

- Cậu cũng học Ngoại thương hả? - Tôi dụi dụi hai mắt, từ từ đứng lên. Không ngạc nhiên, tôi chỉ cao ngang ngực cậu ta. Ngày xưa trong lớp, tôi tên "nấm lùn" là có lí do.

- Ờ, mới lên đây hôm qua. Cậu học ngành gì?

- Quản trị kinh doanh, ngành mà tốt nghiệp là thất nghiệp ấy. - Tôi vừa nói vừa cười.

- Tôi học Kinh tế đối ngoại. Cậu tên gì?

- Cát Ân.

Cậu ta trố mắt:

- Tôi là Nguyên Ân.

- Trùng tên luôn à? Ảo vãi! - Tôi buột miệng cảm thán. Lại một lần nữa cả hai cùng ngớ người.

Cát Ân ơi, đôi môi của mày chỉ để hút trân châu thôi. Mày thở ra câu nào là ảo đá câu ấy. Nhưng rồi Nguyên Ân cũng cho qua, tình nguyện dẫn tôi tham quan "cơn ác mộng" của chúng tôi mang tên: Ký túc xá kế trường Đại học Ngoại thương.

Cái vấn đề ở đây là tại sao tôi lại phải ở Ký túc xá cạnh trường mà không phải Ký túc xá của trường. Bởi vì trường tôi không có Ký túc xá, thế nên mới có ti tỉ các loại hình nhà ở sát bên trường như "cơn ác mộng" của tôi. Cũng giống như tôi, Nguyên Ân đã phải chực chờ trên mạng rất lâu để kiếm được phòng trọ phù hợp với tiêu chí trước ngày nhập học.

- Cậu vào bằng phương thức gì? - Nguyên Ân hỏi trong lúc dẫn tôi ra sau nhà tham quan. "Cơn ác mộng" này quả thực không có điểm gì tốt, đến cả sân sinh hoạt cho sinh viên cũng toàn "tiểu cường" và chuột. Những chú chuột to bằng bốn lần bàn tay còn ngang nhiên ăn rác trước mặt chúng tôi.

- Phương thức năm, thi Đánh giá năng lực á.

- Tôi cũng vậy. Có khi mình thi chung phòng hồi ấy cũng nên. - Nguyên Ân cười. Cậu ta rẽ ngôi lệch, mặc áo sơ mi trắng, quần tây đen, chuẩn phong cách quý ông lịch lãm. Lúc cậu ta cười, tôi tưởng đôi mắt cậu ta đang phát sáng. Chúng quyến rũ vô cùng.

Mà eo ơi, tôi vừa nghĩ gì thế nhỉ? Phải dẹp ngay suy nghĩ ấy đi thôi. Vừa về đến tầng 3, tôi vội chào tạm biệt Nguyên Ân để trở về với cái ổ của mình.

Được rồi, tôi dặn lòng mình phải đi vào hiên ngang, để các chị cùng phòng biết tôi cũng trả cùng một số tiền để ở căn phòng này. Mở cửa, tôi hất cằm bước vào, chưa tới ba bước đã vấp ngã lăn quay. Ai đó đã để cục tạ tay nặng gần hai kí đằng trước cửa vào ngay lúc tôi nghênh nghênh bước đến.

Sau cú ngã điếng người, tôi lết đến bờ tường gần đấy, thở hổn hển.

- Ơ, cục tạ của chị đâu ấy nhỉ? - Người từng than phiền túi rác hôi lại lên tiếng. Tôi nhận ra vì giọng chị có âm vực the thé đặc trưng.

- À, nãy em thấy vướng quá nên để ra nhà mà em kia đi không cẩn thận đạp trúng.

Chị buộc tóc đuôi ngựa choãi ngón cái về phía tôi. Nghe chị nói, tôi tưởng mình mới là người có lỗi thật. Nhưng ai đời lại để quả tạ ngay lối ra vào thế kia?

Thế rồi, chị giọng the thé cũng rời giường. Nhìn bộ đồng phục hào nhoáng Đại học Ngoại thương chị đang mang trên người, tôi thầm cảm thán vì cuối cùng cũng nhìn thấy tia sáng mang tên đồng môn. Có lẽ khi đến gần, chị sẽ nhận ra hậu bối là tôi mà rủ lòng thương, cất cục tạ đi và đỡ tôi dậy. Nào ngờ, chị chỉ nâng niu cục tạ như con cưng trên tay, quăng cho tôi một câu hỏi lạnh nhạt rồi về giường.

Câu hỏi là gì tôi cũng không nhớ rõ, nhưng hình như là: "Ma mới hả?".

Mỗi lần bực tức, tôi thường niệm chú "Tĩnh tâm" một lần. Nhưng hôm nay, tôi phải lặp lại câu nói đến lần thứ một trăm. Sau kiếp nạn quả tạ, tôi ảo não chui lên ổ. Vừa hay, tôi nhận được tin nhắn chị chủ nhà: "Em ơi, chị chưa kịp chuẩn bị chăn đệm, em chịu khó ở tạm đêm nay nhé!".

Không cần nhìn gương tôi cũng tưởng tượng ra bộ mặt khả ố mỉa mai của mình khi đọc được dòng tin này. Được. Khi cuộc đời cho bạn một trái chanh, bạn sẽ vắt nước uống. Khi cuộc đời không cho bạn đệm và chăn, bạn sẽ ngủ trên chiếu, đắp bằng áo.

Dưới cái lạnh 16 độ C phà phà từ chiếc máy Panasonic đời cũ, tôi liên tục đổi tư thế. Hai hốc mũi tôi khô rang, bờ môi run run lạnh lẽo. Cả phòng đã tắt đèn đi ngủ. Tôi không thấy gì ngoài bốn chiếc điện thoại nhấp nháy đằng sau lớp chăn mỏng. Có vẻ phòng chỉ có bốn người, thêm tôi là năm. Giường tầng trên bên phía đối diện chỉ dành để chất mì tôm và đồ ăn sẵn.

Tôi chầm chậm khép mắt. Ba tháng thôi mà, bằng quãng thời gian được nghỉ ở nhà với bố mẹ. Kết thúc hợp đồng, tôi sẽ lết khỏi "cơn ác mộng". Tôi tự hỏi liệu chỉ có tôi hay tất cả những ai sống trong kí túc xá đều cảm thấy như đang sống cùng ác mộng? Ban nãy nghe Nguyên Ân kể lể, tôi không cảm thấy cậu ta có gì không hài lòng với cái ổ mới này của mình (trừ việc trong phòng có rất nhiều "tiểu cường" và chuột, điều này thì cậu ta thừa nhận).

Thôi thì kiếp nạn thứ 82 này, Cát Ân bần tăng sẽ thay Đường Tăng vượt qua. Trước hết, tôi sẽ đánh số cho các chị cùng phòng. Chị cột tóc đuôi ngựa: số 1, chị cùng ăn với tóc đuôi ngựa: số 2, chị có cục tạ học Ngoại thương: số 3, chị chưa ló mặt: số 4. Vậy cho dễ nhớ. Dù sao các chị chẳng mấy niềm nở giới thiệu tên với tôi. Có khi các chị cũng đang âm thầm đặt biệt danh cho tôi cũng nên. Nếu vậy, tôi sẵn lòng lấy tên "nấm lùn".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co