Truyen3h.Co

Neu Nhu 2 Phamduythuan X Tangphuc

"Anh đi ra đi em không muốn thấy mặt anh."

"Đây cũng là phòng của anh mà."

"Anh ra phòng khách mà ngủ."

Duy Thuận lững thững đi từng bước khập khiễng trải mền gối ra chiếc phảng gỗ ở phòng khách nhà chú Nhân ngủ dù không biết mình đã làm gì sai nhưng mà người kia cứ nằng nặc đuổi anh ra khỏi phòng. Trằn trọc cả đêm không chợp mắt được, nằm ngửa ra thì đau lưng mà nghiêng bên nào cũng không thoải mái. Đến hừng sáng vắt tay lên trán chợp mắt được một lát thì mặt trời lên chiếu thẳng vào chỗ cậu đang nằm. Ngoài đường vọng đến mấy tiếng rao được thu sẵn phát ra từ loa của mấy cô chú bán hàng rong sáng sớm. Thấy ngủ không được thêm miếng nào nữa nên Thuận quyết định dậy sớm, ôm hai con mắt thâm quầng lên giảng đường.

Mà nguồn cơn dẫn đến việc Thuận phải ra làm bạn với muỗi phải nói về tận ba tháng trước. Sau khi Hiếu làm lành với Dương thì được cô Nguyệt mời qua ở chung để tiện việc chăm sóc anh thì phòng của cả hai được chú Nhân cho ở nhờ trống một chỗ. Thuận cứ tưởng từ nay được sống một mình một cõi chẳng phải chung đụng với ai, chưa vui được một tuần thì hay tin là có người dọn vào ở chung.

Hôm đó Thuận đi học về, vừa gác chân chống xe đạp đã nghe tiếng chú Nhân nói vọng ra từ sau bếp.

"Mày coi lo dọn phòng đi nha Thuận. Mai cháu chú lên ở chung với mày đó."

Thuận nghe vậy thì xụi lơ, uể oải tháo cái cặp quai chéo mắc lên lưng ghế rồi xắn tay áo sơ mi trắng đồng phục lên.
"Trai hay gái vậy chú?"

"Thằng này hỏi ngộ, nó con trai tao mới dám cho ở chung với mày chứ con gái là mày ra phảng nằm rồi."

"À, dạ, mà cháu chú nhiêu tuổi rồi chú?"

Chú Nhân bưng bữa dĩa rau xào từ bếp đi ra, đưa chén đũa bên tay kia cho Thuận, anh nhận lấy rồi xếp ra bàn.

"Nó mười bảy tuổi, còn học trung học, nó đánh dây thép lên cho tao nói là muốn lên đây ở."

"Ở dưới bộ cháu chú ở một mình mà nói lên là lên vậy chú?"

"Thì nó cãi...à, nó nói muốn lên đặng mốt học đại học trên đây. Mà chuyện của nó mày hỏi chi kỹ vậy, ăn đi. Ăn xong rồi lo dọn cái phòng, nó nói mai nó lên tới."

"Dạ, sẵn con gửi tiền nhà tháng này cho chú."

Thuận lấy phong bì màu trắng trong cặp ra rồi đưa cho chú Nhân. Ăn tối xong phụ chú Nhân dọn dẹp rồi Thuận chạy đi tắm, hồi chiều chơi đá banh với đám bạn ở lớp xong thì mồ hôi nhễ nhại.

Anh cầm khăn lau mớ tóc ướt sũng rồi gương mặt hồng hồng vì nước nóng, nhìn quanh căn phòng quần áo chỗ này giày dép chỗ kia, Thuận khẽ thở dài. Thuận tuy sốt sắng nhưng riêng việc dọn phòng thì lười kinh khủng, chú Nhân báo ngày mai có người dọn lên thì mai dọn cũng được, lau xong mái đầu ướt mẹp thì lăn ra ngủ quên giờ giấc.

Sáng hôm sau, mặt trời đã lên cao lắm rồi Thuận vẫn còn dang tay dang chân ngủ. Đến khi nắng xuyên qua cửa sổ chiếu lên nền đất trống cạnh chiếc nệm Thuận đang nằm, anh mới mò mẫm chiếc đồng hồ đặt cạnh nệm. Thuận hốt hoảng vì gần đến giờ vào lớp mà anh vẫn còn nằm nhoài chưa tỉnh ngủ. Lật đật chạy đi làm vệ sinh cá nhân rồi vào bếp quơ đại mẩu bánh mì rồi dắt xe đạp ra cửa. Nhà chỉ còn mỗi anh với chú Nhân nên mỗi người giữ một bản chìa khóa. Thuận gặm bánh mì trong miệng vừa cố đạp xe nhanh nhất có thể. Cúc áo sơ mi thì xộc xệch cài không đúng khuy, tay áo thì một bên xắn lên đến cùi trỏ bên kia thì thả lỏng đến cổ tay.

Không phải giờ cao điểm nữa nên đường có phần vắng vẻ. Thuận chạy xe đến một ngã tư, vì ở đây là khu sầm uất nhất Sài Gòn nên hai bên đường đậu đầy xe bốn bánh được nhập từ nước ngoài về, lần nào chạy ngang đây Thuận cũng tranh thủ ngắm nghía. Có một cậu trai đứng lấp ló giữa hai chiếc xe đậu ngay lề đường, trên vai khệ nệ vác cái ba lô to đùng có vẻ như muốn sang đường nhưng không dám. Vừa lú đầu ra thì đụng trúng Thuận đang lao như tên trên đường. Cả hai té sõng soài ra đất, bộ dạng vốn đã nhếch nhác của Thuận nhìn càng lôi thôi. Anh lôm côm dựng chiếc xe đạp cà tàn lên, phủi phủi bụi đất trên người.

"Trời ơi, có mắt không mà lao ra giữa đường vậy ai né cho kịp."

Người kia cũng tự đứng lên, nhìn bộ dạng khúm núm này Thuận đoán cậu ta không phải dân ở đây.
"Xin...xin lỗi anh, tui mới lên thành phố, tui hỏng có rành đường phố trên này."

Suy đoán của Thuận đã đúng, cứ tưởng người kia sẽ nạt lại mình nhưng đằng này còn xin lỗi rồi nói chuyện nhẹ nhàng. Lần đầu tiên trong mười chín năm cuộc đời buồn tẻ của Thuận, anh được nghe một giọng nói nhẹ nhàng như mây phát ra từ một người con trai, nói trắng ra là từ nhỏ đến giờ chưa ai dùng thái độ dịu dàng như vậy nói chuyện với anh. Người con trai đó mắt to tròn, có mái tóc đen xoăn nhẹ, dáng dấp thì nhỏ bé, da lại trắng trẻo, nhìn là biết ở nhà được cưng chiều không phải động móng tay. Thấy người kia lúng túng, cái máu thèm tranh trãi trong người Thuận cũng dịu bớt, cằn nhằn mấy câu rồi đạp xe đi.

Giáo sư ở đại học cũng không khắc khe như ở cấp ba nữa nên chuyện Thuận đi trễ cũng chẳng ai quan tâm hay mắng mỏ. Anh lẻn đi vào cửa sau của lớp học nơi Hiếu đang ngồi ghi chép mấy đống công thức ngoằn ngoèo trên bảng đen. Bộ dạng nhìn sơ là biết Thuận thường xuyên đi trễ bởi anh lẻn vào lớp vô cùng thành thục.

"Mày đi trễ hoài vậy, lần sau tao không điểm danh giùm mày nữa đâu."
Hiếu vừa viết bài vừa cằn nhằn. Một tháng ba mươi ngày thì hết một phần ba là Thuận đi trễ, may là giáo sư dễ nên hầu như lần nào cũng trót lọt, cũng có mấy hôm đụng phải giáo sư khó thì Thuận lại cuốn đồ ra hành lang đứng phạt, vừa chịu phạt vừa lèm bèm rằng mấy trò phạt hành lang này đáng lẽ phải dừng ở cấp ba rồi.

Kim phút trên đồng hồ cứ quay hết vòng này đến vòng khác, tâm trí của Thuận khi thì nằm ở bài giảng của giáo sư, khi thì lơ lửng theo mấy giọt nắng ngoài sân. Thuân đột nhiên nghĩ đến mái tóc xoăn nhẹ của người lúc sáng bị Thuận đụng phải, không biết có bị xấy xát gì không, mấy tháng trước mình cũng mới ở quê lên, chân ướt chân ráo. Thuận nghĩ phải chi lúc đó dừng lại hỏi thăm người ta, đằng nào trễ thì cũng trễ rồi. Thẩn tha thẩn thờ đến tận cuối ngày, Hiếu khoác vai Thuận đi ngang sân bóng đá, có mấy thằng bạn học chung lớp kinh tế buổi sáng đứng vẫy tay rủ hai đứa vào chơi. Thuận quên béng đi mất việc cái phòng còn bừa bộn chưa dọn, hớn hở quẳng cặp ra băng ghế gỗ được đặt gần khán đài của sân bóng, bỏ sơ vin áo rồi lao ra sân bóng đá một trận đã đời sau năm tiết học dài dằng dặc trên lớp.

"Ủa, mày không ra chơi chung hả."

"Thôi, tao về, anh Dương bệnh rồi, tao về coi ảnh sao đã."

"Xí, cái đồ có người yêu quên bạn."

Thuận làm mặt xấu rồi nhìn Hiếu ba bước đi năm bước chạy về nhà. Tối hôm qua anh Dương luyện tập cho buổi ra mắt sắp tới cỡ nào mà vừa về đến nhà là ngả lăn ra ngủ, nửa đêm thì sốt li bì đến gần rạng sáng mới thôi. Nhìn đôi mắt sưng húp của Hiếu cũng đủ biết là tối qua nó thức trắng đêm, lúc nãy giờ nghỉ thì ngủ say như chết.

Còn tận ba tháng nữa mới đến hè nhưng cái nóng lại kéo đến trước. Thuận mới chạy vài bước ngoài sân bóng thì mồ hôi đã đổ gần ướt hết áo sơ mi. Anh quyết định cởi luôn áo sơ mi quăng đến chỗ để cặp, chỉ mặc độc một cái áo ba lỗ bên trong. Thuận không phải thuộc dạng đô con như mấy thằng hay đi tập thể hình nhưng dạo gần đây Thuận đi làm thêm ở xưởng mộc của chú Nhân, ngày nào cũng khuân vác vài chục khối gỗ đặt ruột cho vào máy cưa nên cơ tay, cơ bụng cũng được tập luyện. Thêm việc thích chơi bóng dưới trời nắng nóng làm da Thuận hơi rám nắng. Anh bất chợt lại nghĩ đến người mình đụng phải lúc sáng, dáng người nhỏ nhắn, da trắng tóc xoăn, Thuận chẳng phải to con nhưng người kia có vẻ còn nhỏ con hơn anh.

Lo nghĩ đi đâu, Thuận để bóng vụt qua chân rồi lăn thẳng vào lưới nhà. Mấy thằng chung đội cằn nhằn rằng đây là quả thứ ba anh để vụt. Đột nhiên Thuận chẳng còn hứng thú với trận banh đang dang dở nữa, chẳng phải vì tụi nó cằn nhằn mà vì Thuận cảm giác có gì đó thôi thúc mình đi về nhà.

Đoạn đường về nhà vẫn thế, Thuận lại thấy nó ngắn hơn mọi ngày, mồ hôi còn chưa kịp khô thì xe đạp của Thuận đã dừng trước chậu cây cảnh chú Nhân mới mua về hôm qua. Anh gạt chân chống rồi tháo xợi xích treo trên cây cọc gỗ trong sân trước cài vào bánh xe đạp. Chú Nhân có vẻ đã trở về từ xưởng vì cửa nhà không khóa, trong phòng Thuận lại vọng ra tiếng lục đục.

Thuận tá hỏa, chợt nhớ ra còn bãi chiến trường chưa dọn, chẳng lẽ chú Nhân giúp mình dọn phòng? Lật đật chạy vào trong thì phòng này như không phải phòng của anh nữa, chăn mền được thay mới trải thẳng thóm. Quần áo vương vãi không biết bao lâu chưa giặt nằm gọn trên mắc treo trong tủ, sách vở lật dở để trên nệm cũng tự bay lên kệ nằm ngay ngắn. Ai dọn vậy?

Tên tóc xoăn lúc sáng đúng phải Thuận đang mặc áo phông trắng quần đùi, đầu gối còn dán miếng băng keo cá nhân to bằng ngón tay. Tóc xoăn ôm chăn mền mới toanh trải ra tấm nệm mới được kê cạnh chỗ của Thuận, nó cẩn thận trải ra, vuốt cho thẳng tắp. Nó nghe tiếng mở cửa liền ngưng hành động đang diễn ra, ngẩng đầu đưa cặp mắt to nhìn Thuận. Anh dụi mắt, khoảnh khắc tóc xoăn ngước mặt lên nhìn anh, Thuận thấy như mình được trở lại cái bình dị ở Đo Đo, mắt nó to tròn trong veo như nước trong cái giếng làng mà đêm đêm trăng hay soi mình xuống, tóc xoăn dễ thương quá. Thuận trước giờ không ngờ mình sẽ có suy nghĩ như vậy về một thằng con trai. Vì thấy Thuận cứ đứng trơ trơ ở cửa không động đậy, nó thả mớ quần áo trong cặp lên giường, đi tới trước mặt Thuận.

Thuận cảm giác như ai đó bỏ anh vào hàm băng, người cứng đờ, đến khi tóc xoăn lại gần khều anh mấy phát mới nhúc nhích được.

"Cậu...làm gì ở đây? Ai cho cậu đụng vào đồ của tôi?"

"Anh là Thuận hả? Đồ anh bày bừa bãi như vậy, tôi dọn gọn mất cả buổi, không cám ơn còn mắng tôi."

Thuận khịt khịt mũi, trộm nghĩ, nó thơm quá. Mùi xà phòng ngửi là biết loại đang thịnh hành, cái loại mà Thuận có tiền dư giả từ việc làm thêm cũng không dám xài. Mà đó giờ có ai nhầm nó với con gái chưa? Bởi nó trắng vô cùng.

Tóc xoăn đưa Thuận khăn tắm của anh được đã được nó giặt sạch, để chung trong đống quần áo sạch. Nó cười cười rồi tự giới thiệu tên vì thấy Thuận mãi chẳng nói thêm gì.

"Em là Phúc, cháu của chú Nhân. Chắc là chú Nhân có nói với anh là em lên ở cùng rồi ha. Chú Nhân có dặn nếu anh đi học về thì nói anh dắt ra chợ mua đồ về nấu ăn, tối nay chú Nhân đi ăn đám ở Mỹ Tho rồi, không về nhà."

Thuận đơ người đưa tay ra nhận khăn từ Phúc, cái mùi thơm xà phòng của nó lây sang cả khăn tắm của anh.

"Cảm ơn...tôi đi tắm đã."

"Dạ."

Phúc chỉ nhẹ nhàng dạ một tiếng rồi quay đi xếp đồ trong cặp vào tủ, cái tủ quần áo bây giờ được chia làm hai, nhìn cái là phân biệt được bên nào của Thuận bởi nó toàn áo quần cùng kiểu, đa số là quần tây áo sơ mi để đi học, còn lại là vài ba cái áo thun đã sờn. Thuận liếc sang bên nửa của Phúc, quần dài, quần ngắn, áo thun, áo sơ mi, áo ba lỗ, nó đều có. Muốn mở miệng nói gì đó nhưng lại không biết nên nói gì cho phải nên Thuận đành vác khăn vào nhà tắm.

Ấn tượng của Thuận với Phúc như một buổi chiều đầu thu vì nó xuất hiện nhẹ nhàng êm dịu, khi mà tiết trời không quá gay gắt hay hanh khô. Giọng nói nó như lá vàng rơi, chầm chầm bay theo gió rồi tan ra khi chạm vào đất. Những thứ mà trước đây Thuận không hay để mắt tới, mà Phúc thì có vẻ rất để tâm. Nó quan tâm thế giới xung quanh như thể đây là điều đẹp đẽ nhất từng có trong đời.

Phúc sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy thì cẩn thận xếp giá vẽ ở một góc bỏ không của căn phòng, thấy hài lòng mới đi một vòng quanh nhà, không khác gì nhà nó ở quê. Ba Phúc có một xưởng gốm, từ nhỏ Phúc đã làm quen với đủ thứ thành phẩm đẹp đẽ được nâng niu trong tay nghệ nhân ở xưởng. Nó thích nhìn ngắm đống đồ gốm từ lúc chưa thành hình, còn là một cục đất sét nâu nâu, được nhào nặn rồi nung đỏ, đến lúc trở thành một cái bình hoa hay một cái chậu đất, bất kể là cái gì cũng được Phúc cho là rất thú vị. Rồi chẳng biết từ bao giờ nó lại yêu luôn cái vẻ thanh thuần của mỗi món đồ gốm mang lại, nó yêu luôn cả sự muôn màu của thế giới nó đang sống. Phúc quyết định học mỹ thuật, từ lúc lên mười ngày nào cũng kè kè theo cây bút chì than với mớ giấy được nó kẹp sơ sài lại thành quyển tập. Một ngày Phúc vòi được ba mua cho cái giá vẽ hệt như được thấy trên vô tuyến. Lúc còn nhỏ thì sở thích được ba mẹ xem như năng khiếu, lớn lên mới phát hiện sở thích phải đi đôi với tiền bạc, nếu không thì là mơ mộng hão huyền. Giấc mơ to lớn đến mấy, không hái ra tiền thì suốt đời vẫn là giấc mơ.

Phúc ghé người ngồi trước hiên nhà, nắng chiều không còn gay gắt như lúc trưa. Nó lặng lẽ để ánh nắng hắt vào mặt, nhắm chặt mắt hít thở sâu vài hơi. Điều kiện trên thành phố rất tốt, thanh niên dưới xã ao ước lên đây học chẳng có gì là khó hiểu, Phúc lại được ở nhà chú ruột, không có tí gì là thiệt thòi hay thiếu thốn, nhưng sao trong lòng nó lại cảm giác rất trống trãi, như một góc của linh hồn bị khuyết mất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co