Truyen3h.Co

Song O Day Song Le Luu

Chương 16

Lúc ăn ở với nhau đầu đường xó chợ, hạnh phúc vợ chồng trên một tấm ni lông trải trên mặt đất gồ ghề, giữa những đống rác xông ra mùi cóc chết hoặc trong một lều quán bên rãnh nước thải, chứa đụng hàng trăm thứ hôi thối dang rữa ra, sủi lên lều xều như thể không có chỗ nào khắm thối đến thế, phải lấy bao tải trùm kín mặt, vừa ấm yếu nhau vừa lấy tay bịt mũi, lại thấy thắm thiết vợ chồng. Khi về đến thành phố, có nhà, cửa đàng hoàng mới bộc những điều trước đây không hề để ý. Hoặc có để ý, cũng không thấy gì giữa xô bồ, bụi bặm. Đến bây giờ tất cả mới hiện lên rõ ràng sự chắp vá tạm bợ rất dễ bung vỡ, bất cứ lúc nào. Duy có cái thằng đang lớn dần trong cô là sợi dây gán hai cuộc đời lang bạt với nhau nhưng cũng mỏng manh lắm.

Sáng: Chồng dậy sớm thuê xích lô đi mua các thứ bòng bưởi, cam quýt hoặc mít dứa, na ổi...Mùa nào thức ấy, đem về chờ sẵn ở đầu chợ An Dương đợi vợ khệ nệ "vác bụng" ra đứng bán. Chồng về giặt giũ, cơm nước, đong gạo, đóng mì, gánh nước thuê. Trưa mang cơm, tối ra dọn hàng cho vợ. Ngày kiếm được vài ba đồng cộng với chồng gánh nước thuê cho tổ nước sôi cũng dù vợ chồng tiêu pha tùng tiệm. Tốt quá rồi. Còn mong sướng gì hơn. Thế nhưng, những chuyện không đâu vào đâu tưởng là rất nhỏ nhặt, rất phụ, lại hoá ra chính, thành to chuyện. Ngày nào cũng có những "đối thoại", những xung đột về những chuyện nhỏ nhặt, rất phụ ấy.

— Này, ngồi khép cái chân lại, đừng dạng tè hè ra thế.

— Bụng to đ. khép được thì đã sao.

— Nói gì thế?

— Nói gì thì mày nàm gì?

"Bốp"

— Ôi giời ơi, cái thằng mặt... nó đánh tôi.

Lúc khác.

— Rửa chân chửa?

— Rửa rồi.

— Đâu? Hai chân đầy đất thế này mà leo lên giường. Quen cái thói tỉnh lẻ, ăn ỉa một chỗ.

— Mày thì mấy nỗ. Chỉ được cái mồm xoèn xoẹt như trẻ con tháo dạ. Nói không biết ngượng.

— Không nói nhiều. Đi rửa chân.

— Đ. rửa đấy!

"Huỵch".

— Ối giời ơi, bà con ơi, thằng chó dái nó đạp tôi năn xuống đất truỵ thai rồi.

Lại lúc khác,

— Ai đục sữa ra ăn đấy?

— Sữa nào?

— Sữa để cho cô Biển mới đẻ.

— Không biết.

— Ở nhà này còn ai vào đây, ngoài tao với mày.

— Đ. biết thì đã sao?

— Đồ ăn vụng quen thân.

— Tao ăn vụng cũng không phải ba nần vào tù đâu.

— Mày riễu tao hả?

— Tao đ. riễu. Đứa nào có tật, đứa ấy giật mình.

— Tiên sư đồ con đĩ. Ông rạch miệng ra đấy.

— Cha bố thằng nưu manh. Tao đố đấy.

"Ịch, ịch".

— Ối bà con ơi, nó túm tóc đập đầu tôi vào tường, nó giết tôi. Cha đẻ mẹ mày...

Rất lạ. Bà con dân phố bảo nó lạ lắm. Sau mỗi lần như thế, có khi ầm ã đến nửa đêm, khu phố phải lập biên bản cảnh cáo. Nhưng rồi họ vẫn ân ái với nhau và sáng ngày ngày hôm sau hai vợ chồng lại đi thuê xích lô chở hoa quả về đứng đợi vợ ở đầu chợ An Dương.

Cho đến khi có mang được tháng thứ bẩy cô ta nói phải đi mươi ngày về thăm bố mẹ rồi trở lại đẻ. Sau này hắn mới biết nó lừa hắn. Bao nhiêu lần nó định bỏ về, hắn đều đe sẽ giết và tìm mọi cách ngăn chặn để nó khỏi mang đứa con của hắn đi. Đến lần này nó vừa nói vừa chải chải bàn tay vào tóc hắn, làm hắn không thể nghĩ đến chuyện nó đang rắp tâm lừa hắn:

— Thế cũng được. Mẹ con em đi ở nhà đừng tí tởn với con nào đấy.

— Còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện bậy bạ.

— Ấy mà cứ dặn thế.

— Được. Nhớ đúng mười ngày không được sai.

— Đúng.

— Sai là đuổi.

Nhưng rồi mười hai ngày, mười lăm ngày và hai mươi ngày vẫn không thấy vợ về. Hắn sai thằng em út, thằng Cả lên Bắc Giang tìm. Ba ngày sau em trai về bảo:

— Chị ấy đi được năm ngày rồi.

— Đi đâu?

— Thấy bảo đi tận Đồng Văn, Mèo Vạc hay ra Móng Cái, không ai hiểu rõ.

— Có thấy nói đi với ai không?

— Có. Thằng Hưng sẹo nào đấy.

Thôi. Thế là đi đứt rồi. Mất trắng. Lúc ấy hắn mới nhận ra sự ngu ngốc của mình. Đã biết nó là gái giang hồ, tại sao không giữ nó đẻ con mình đã. Mày cứ đẻ con lại cho tao rồi muốn đi đâu thì đi, kệ xác nhà mày. Tưởng đã khôn ngoan lừa được người, hoá ra con đĩ ranh lừa. Hắn đi lang thang cả mấy ngày không ăn gì. Tiếc quá. Vừa giận mình, vừa căm thù nó. Những lần chơi bời chốc lát giải sầu cho qua ngày đoạn tháng không nói làm gì. Hai lần định lấy vợ, hai lần sắp có con, đều mất. Những người khác không biết họ nghĩ thế nào về chuyện vợ con. Còn hắn, hắn đã định lấy vợ, là nghĩ ngay đến việc phải có con. Dưỡng như với hắn, vợ chồng lấy nhau không có con thì không thành gia đình. Năm ngày sau. Tức là ngày thứ hai năm vợ bỏ nhà ra đi, hắn đang đứng đòi mấy đồng nợ của bà hàng quýt trong chợ An Dương, bỗng có người gọi tên hắn. Ai thế nhỉ? Hắn ngơ ngác nhìn người đàn bà mảnh mai trông rất có duyên, cười cười đến gần:

— Không nhận ra nhau à?

Hắn nhìn chị ta một lúc rồi thú nhận:

— Xin lỗi, tôi trông chị quen quá nhưng không biết đã gặp ở đâu.

— Còn nhớ những ai đi xem phim với Hiền ở xóm Đồi không?

— Chết rồi, Hồng có phải không?

— Anh giỏi đấy. Thật ra, em cũng không nhận ra anh. Nghe mấy bà gọi tên, em mới nhớ rõ. Thì đúng là đôi mắt của anh rồi. Nhất là lúc nghe anh nói. – Giọng cô bỗng trở nên buồn hẳn xuống: Thế là đã mười lăm năm còn gì. Có tin tức gì của Hiền không?

— Anh rất muốn hỏi Hồng chuyện ấy.

— Khổ cho hai người. Mà nó cũng dở hơi lắm. Câu nệ vào "cô cháu" bắn mấy tầm tên lửa không tới. Nghe nói nó đã lấy chồng quê ở miền trong.

— Từ ngày ấy có bao giờ Hiền về quê?

— Nếu về, em đã gặp. Bây giờ anh thế nào?

— Hồng có bận lắm không?

— Để làm gì?

— Vào nhà tôi một lát để biết nhà.

— Vâng. Thế cũng được. Biết nhà anh, thỉnh thoảng anh em mình còn gặp nhau. Anh đợi em gửi hàng đã.

Dân phố lại bảo: Rất lạ. Lạ lắm đấy. Không biết bằng cái vẻ mặt không có gì gian giảo, lừa lọc hay vì giọng nói lúc tỏ ra thâm trầm thực thà, lúc lại tán như gió. Cho đến nay ít ra hắn phải ăn nằm với hàng chục cô gái, chưa có cô nào hắn phải mất quá một ngày để "tìm hiểu". Từ đêm ấy Hồng ở hẳn nhà hắn. Hắn kể "lai lịch" trộm cắp tù tội của hắn và việc ra đi của người vợ cho cô nghe. Cô bảo, hoàn cảnh của cô cũng buồn lắm. Năm 1968 người yêu của cô ở chiến trường ra. Cưới nhau được mười hai ngày, anh ấy lại vào trong "B". Đầu năm 1970 con gái được một tuổi thì có giấy báo tử bố. Có đến hai năm trời cô phải mò cua đánh dậm, bắt ốc và cất vó tôm rồi đi mót, đi làm thuê để nuôi mẹ đẻ, mẹ chồng và con. Từ đi bán mớ cua, mè tép, tiện thể bán luôn cả rau, chuối, cà, ớt... dần dà cô trở thành người đi buôn. Mẹ chồng mất năm 1976. Cô lo tươm tất mọi bề, từ độ ấy cô đi buôn xa. Hiện nay mặt hàng và địa bàn "hoạt động" của cô là chè, gạo, mít từ Thái Nguyên về Hải Phòng. Thỉnh thoảng lại đánh một chuyến tỏi từ Hải Phòng, Hà Bắc đi thành phố Hồ Chí inh. Cô bảo hắn:

— Anh bỏ quá khứ trộm cắp đĩ bợm đi. Em cầm vốn về, chúng mình dựa vào nhau.

— Đã bao lần anh chỉ mong có một gia đình êm ấm, làm thuê làm mướn, đạp xích lô hay chạy chợ mà vợ chồng con cái yêu thương nhau.

— Em nói thật từ ngày con Hiền nó trốn đi, em rất thương tình cho hai người. Cả giận nó nữa. Việc quái gì phải làm như thế. Em hỏi thật. Mà anh cũng phải nói thật cơ. Anh với Hiền đã "gì" với nhau chưa?

— Anh nói... nhưng... em đừng...

— Là đã "đi lại" với nhau rồi chứ gì?

— Hiền đã có thai. Nhưng anh van em, em đừng nói cho ai biết.

— Thôi đúng rồi. Nó buộc phải trốn đi là phải. Đã thế, nó không thể ở nhà được nữa. Anh sợ nói chuyện lại với ai việc con Hiền có mang ư? Anh vừa hèn, vừa ích kỷ lắm. Giá phải đi tù mà cứu được danh dự cho nó, anh cũng không lấy đó làm mất mát, huồng hồ sợ nói ra, mình mang tiếng.

— Không. Anh sợ Hiền và gia đình.

— Hàng mười lăm năm trời nó không dám về quê, còn biết gì mà sợ. Anh gian lắm.

— Đúng là anh... là đồ hèn mạt.

— Nhưng thôi, em đã nói rồi. Anh quên hết quá khứ của anh đi. Bắt đầu làm lại. Muộn còn hơn cứ vất vưởng thế này.

Đã có một lần nếu như hắn có nghị lực? Nếu như hắn dám từ bỏ một thói quen tội lỗi. Nghĩa là phải có rất nhiều cái "nếu như" thì hắn mới làm lại được cuộc đời hắn. Đến bây giờ. Tất cả đã có sẵn như cơm đã dọn ra chỉ việc ngồi xuống là ăn. Có đúng là hắn có "quý nhân phù trợ" thật không? Cái hạnh phúc đêm lại nằm ngay bên cạnh, ôm ráo riết lấy hắn, thở những làn hơi nóng gấp gáp phả vào mặt hắn vẫn tưởng như không phải là thế, không bao giờ được như thế.

Ngay sau đêm sống tràn trề hạnh phúc, có như nắng hạn gặp mưa. Cô đã tỏ ra mình là người chủ gia đình. Cô đưa hắn đi mua vải may lại vỏ chăn, mua màn, gối, riđô, mắc áo, đưa tiền cho hắn mua bộ quần áo mới... Cứ như là ngày cưới. Cứ như là sửa soạn cho đêm tân hôn của hai người. Rồi chăn màn, quần áo cũ được cô giặt giũ, phơi phóng, gấp xếp, gọn gàng. Tấm cót phân đôi gian nhà cũng được dán bằng hoa báo. Chỉ qua một ngày, hắn cũng tưởng mình đã ở trong một nhà khác. Hắn rất hãnh diện về ngươi "vợ mới" (Cô bảo cứ đi làm ăn vơi nhau, sau này thì phải cưới xin đàng hoàng – Nhưng với hắn thế này là vợ chồng rồi". Hắn rất muốn giới thiệu để khoe toáng lên với mọi người. Nhưng mà, nó mới quá, nhanh quá, thành ra đi về với cô trước mặt mọi người hắn cứ nửa nạc nửa mỡ nói cười toe toét để ai hiểu là anh em, họ hàng ở quê cũng được, hiểu là bạn bè buôn chuyến, hiểu là tình nhân cũng được. Đấy là hắn. Còn xung quanh: chỉ liếc mắt một cái người ta biết hắn với cô là thế nào. Ai chấp! Mà trông người cô vừa tháo vát, vừa có cái chất nhà quê mộc mạc đứng đừng thì người ta tiếc rẻ cho cô và thèm hộ hắn. Giá vợ hắn không phải là Mai mà là cô này thì tốt bao nhiêu. Những kẻ rỗi hơi thầm thì: "Thằng cha này liều thật. Vợ mới ra khỏi nhà, đã rước gái về". Bà tổ trưởng tổ nước sôi, kiêm tổ trưởng tổ dân phố đã biết vợ hắn bỏ đi, nên bà xem trong giấy thông hành của cô, bà chị dặn hắn:

— Người ấy, trông không phải kẻ gian giảo lừa lọc gì. Nhưng đừng làm gì để bà con nghĩ mình không đứng đắn. Để cô ấy ngủ giường của thằng Cả, còn hai anh em ngủ bên này.

Hắn trí trá:

— Vâng ạ, cháu cũng bố trí thế.

— Cậu phải chịu trách nhiệm để không xảy ra chuyện gì mất trật tự an ninh thành phố.

— Vâng.

— Tôi mà phát hiện cậu chứa chấp gái gẩm, trộm cắp là mời cậu lền đồn đấy.

— Vâng ạ.

Tuy là gốc quê, cô đi buôn bán va chạm nhiều nhưng không giảo quyệt vì bản tính của cô khác với mọi người. Cô đã từng là cán bộ phụ nữ xã, từng nếm mùi cay đắng của người vợ mất chồng, từng tối tăm mặt mũi của mọt người con gái hai vai nặng gánh tình nghĩa cả hai người mẹ. Đã bao nhiêu người "đứt quang gãy gánh giữa đường" đặt vấn đề với cô. Cô đều từ chối. Cô phải để công sức nuôi mẹ, nuôi con,gánh vác giỗ chạp nhà chồng. Bây giờ con lớn, bà cháu đã có gian nhà mái bằng, đủ tiện nghi, muốn ăn gì, có nấy, cô nghĩ đến lúc phải bước đi bước nữa thì lại khó gặp được người đồng cảnh ngộ với mình. Cô đến với hắn, cô chủ động đến. Ngoài tình nghĩa "vợ chồng" thông thường ra trong cô còn dâng lên cái tình cảm như là tình của mẹ với một đứa con côi cút lang bạt, không nơi nương tựa. Cô không giống những người ở quê ra thành phố. Tất cả họ đều nhăm nhăm bộ mặt rất hồ hởi để chào hỏi vồ vập và cười tươi với tất cả mọi người dù chả biết họ là ai trong cái ngõ của mình. Cô cũng khôg phải là kẻ khinh khỉnh coi thường những người khác. Cô chỉ có một khuôn mặt trái xoan, đuôi mắt đã rạn chân chim của tuổi đã "toan về già", một đôi má lúc nào cũng hồng lên, một nụ cười rất ít khi thành tiếng, nó trìu mến, đầm ấm như con người vốn có của cô. Cô không vội vàng thân thiết với ai quý cô, cũng không vội vàng ghét bỏ ai dè bỉu khinh thường cô. Cứ vui vẻ. Ai cần mình, mình giúp, giúp tận tình, không thì thôi. Việc mình, mình làm, cơm người ta, người ta ăn. Không việc gì phải săn đón những điều người ta rất ngại kẻ khác biết đến. Cô cứ "đủng đỉnh" tự tin như thế. Khi cô cầm vốn về mua cả nhà một ô tô măng khô, gạo, chè, mít chật ních cả nhà. Cả mười bảy hộ trong cái ngõ nhỏ ấy đều mua hàng của cô thì ai cũng khen là cô là người làm ăn đứng đắn, thật thà. Chính cái tình cảm ấy đã làm cho tất cả mọi người không ai thầm thì dò xét chuyện gì giữa cô và hắn. Ngay bà tổ trưởng nước sôi biết thừa, họ ở chung với nhau một giường cũng chỉ dặn:

— Hoàn cảnh của cậu, bà con không ai có ý kiến gì đâu. Nhưng với bên ngoài mình cũng phải giữ.

Ngày ngày hắn sắn quần áo móng lợn bê những sọt mít, bị măng, bị chè, tải gạo lên xích lô rồi đạp xe đạp lai cô ra chợ. Cô ngồi bán hàng. Hắn giữ cái làn nhựa đựng tiền. Chiều về, cầm quá nửa làn tiền thấy nặng nặng ở tay. Hai "vợ chồng" đếm tiền, cặp riêng từng loại cất vào túi du lịch to như cái va ly xong, khoá lại, cô đi nấu cơm, hắn vò quần áo. Lúc "vợ" xào nấu nghi ngút mùi đậu rán, mùi cá nấu tiêu thơm lừng cả nửa gian nhà thì hắn cũng phơi xong quần áo. Hắn giúp "vợ" lấy bát đũa rồi bê mâm trên mặt chạm đá đặt các thứ xuống giữa chiếu trên những tờ báo hàng ngày. Bữa nào cũng có tý rượu thuốc hoặc bia hơi. Hắn mặc bộ pyjama kẻ sọc như quần áo tù ngày xưa nhưng bằng vải ngoại. Đầu tóc chải chuốt, mặt mũi hồng hào, trông hắn có phong độ ra dáng một ông chủ lắm. Trong khi hắn sắp mâm thì có vào nhà tắm tập thể đã có thùng nước để sẵn. Lúc bước ra với bộ "lửng" màu hồng nhạt bằng vải mỏng mảnh cô ngồi xuống chiếu, hắn tưởng mình như đang ngủ mê. Có bữa trời đã nhấp nhoáng tối, điện mất, hắn ngồi uống rượu chờ cô. Khi cô bước vào hỏi:

— Sao không châm đèn lên anh?

Hắn đứng dậy ôm lấy cô làm cô nghẹt thở.

— Châm đèn lên ăn cơm kẻo muộn.

— Chiều anh một tí.

— Ăn xong đã, vội gì.

— Ăn xong lại có suất. Anh không chịu được nữa. Chiều anh. Nào em...

Thế là mâm cơm để chổng trơ không biết có con chuột, con rán nào dòm vào đĩa đậu rán, bát riêu cá hay không? Chỉ thấy cái giường rung lên cọt kẹt. Bỗng nhiên điện sáng bừng, hắn phải lấy áo che trước ngực lom khom bò ra cửa tắt công tắc, chốt lại cửa rồi mới tiếp tục sự giang dở. Cô chờ đợi đón nhận hắn với một câu mắng:

— Tí nữa chết nhé. Giá mà có ai vào thì đẹp mặt.

— Chỉ thấy người thiếu quần áo thôi, có thấy mặt đâu mà sợ.

— Ứ ừ...

Đến khi phút giây ngây ngất tận cùng qua đi hắn bả bời như một kẻ thất trận thì cô lại giữ hắn lại.

— Cho em suất nữa đi.

— Thôi... ôi...thôi. Chịu khó để ăn cơm xong đã em nhé.

— Vâng. Nào ta dậy đi. Nguội hết bát riêu cá rồi còn gì.

Điện bật sáng, ngồi xuống bên mân cơm hai má cô đỏ dậy, nhìn hắn trách yêu:

— Cứ tưởng là ghê gớm lắm!

— Yên trí, ăn xong anh sẽ đền bù.

— Nhưng độ này cũng không bằng những ngày đầu tháng trước. Những ngày ấy em cứ tưởng không đủ sức chiều anh.

— Gần đây em có vẻ bền bỉ hơn anh.

— Em cũng không phải là người mạnh mẽ lắm đâu. Hàng mười mấy năm trời sống một mình, thật lòng em không thiết gì. Đến khi chúng mình sống với nhau, em mới thấy như mình đang ngủ mê được đánh thức dậy. Nhất là những ngày gần đây cứ thấy háo hức chỉ muốn cả ngày, cả đêm chúng mình sống với nhau.

— Hôm qua mưa bão, không dọn hàng, chúng mình ở nhà đóng cửa cả ngày cả đêm.

— Nói thế, em sợ anh ốm mất. Ngày mai em mua ít tắc kè cắt thuốc ngâm rượu. Cuối năm chúng mình đi Sài Gòn, em cũng lùng mua cho anh ít cá ngựa ở Nha Trang.

— Sao em thông thạo giỏi thế?

— Em nghe mấy bà "ngựa vía" ạn buôn với em họ tán nhau, muốn để cho chồng có đủ sức phục vụ mình phải làm những thứ ấy.

— Được, lát nữa không có cá ngựa anh cũng phục vụ em chu đáo.

— Em nói thế, chúng mình còn về lâu về dài, phải giữ sức sau này làm ăn nuôi con.

Cũng phải hơn hai giờ sau khi ăn cơm, hắn mới chuẩn bị được sức lực và tinh thần để làm thoả mãn đòi hỏi của cô mà hắn cho rằng trong những ngày qua mình đã ích kỷ, không hề biết gì những đòi hỏi của cô. Nhưng sức lực của hắn không hơn gì những lần trước. Chỉ có điều, tình cảm được lý trí khống chế, hắn dùng sức dẫn dắt cô lên tới chót vót. Khi hắn đang hí hửng năng lực của mình, khiến những tiếng kêu rên gấp gáp của cô không thể kìm giữ, không ngại ngần, nó cất lên dồn dập ở trong giường thì tiếng đập của thình thình ở bên ngoài, cùng với tiếng gào thét:

— Mở cửa ra. Mở cửa. Có mở cửa không? Tao phá ra bây giờ. Bà con ơi đến đây mà xem chúng nó trai trên, gái dưới. Bà con khu phố ơi...

Tiếng chân bước rầm rập, tiếng nói ầm ầm lao về phía cửa nhà hắn. Hai người vội vàng vớ lấy quần áo mặc quáng quàng rồi hắn bật điện, ra mở khóa. Ánh sáng hắt ra, hắn trông rõ con vợ, con Mai đang nghiến hai hàm răng lại. Hắn định giơ chân đạp thốc vào nó thì bổng trông thấy cái bụng của nó đã xẹp lại, hắn sững người hỏi:

— Đẻ rồi à? Con đâu?

— Con cái gì? Để tao vào.

Nó xô cửa cùng hai đứa, chắc là những "con bớp" mà nó thuê đi cùng. Cả ba đứa xông vào túm tóc Hồng. Hắn quay lại đạp hai con kia quát:

— Chúng bay ở đâu đến đây đánh người– Hắn đứng chắn giữa vợ hắn và Hồng.

Một con bớp nói:

— Đánh bỏ mẹ con cướp chồng người ta.

— Tao thách chúng mầy – Hắn nói

— Thách à? – Cả hai con bớp, cả vợ hắn chúi đầu xuống, lao vào vừa đánh Hồng, vừa kêu la, vừa chửi, không ai nghe rõ câu gì. Còn đến khi nghe được, thì chỉ thấy ngượng mặt người nghe. Hắn đấm túi bụi vào mặt hai đứa kia. Ở ngoài dân phố hét:

— Không được đánh người ta.

— Không được đánh người.

— Tống cổ hai con bé kia đi. Nó ở đâu đến đấy?

Chúng nghe tiếng hô, chùn lại. Sẵn đà, hắn đẩy cả hai đứa bằng tay của mình. Khi chúng vừa ra khỏi cửa, không biết ai đặt vào tay hắn một đứa bé đỏ hỏn. Nhác trông khuôn mặt và cái miệng của đứa bé, hắn đã thấy như nhìn vào khuôn mặt mình. Người hắn đờ ra. Lúc này vợ hắn không đánh được địch thủ, đứng nhìn đống chăn chiếu và gối nhầu nhĩ xô xệch, chứng cớ của một cuộc ân ái diễn ra ở giường, nó kêu:

— Ối bà con ơi, bà con vào đây mà xem nó ăn nằm với nhau như thế nào. Tiên sư con đĩ, tao đứng ở cửa, tao nghe đủ mày rên rỉ quằn quại, mày rống nên kêu sướng như con bò động đực, mày biết không con mặt... kia.

Hai chân đầy đất nó nhẩy lên giường chỉ chỉ xuống từng khoảng chiếu:

— Đây đây, dấu vết nó ở đây. Ôi bà con ơi, vào đây mà chứng kiến, không có bảo mà tôi nói sai. Đây đây, các bác các cô ơi, vào đây mà xem con đĩ nó ăn nằm với chồng tôi như thế nào.

Không hiểu là do muốn xác minh sự thực hay là do tính tò mò, muốn phẫn nộ sự gian díu bất chung hay vì lý do gì khác? Tất cả dân chúng ùa vào xem. Nhưng còn ngại, còn như cái sự nhơ nhớp kia nó sẽ dây vào làm xấu mặt mình nên xô đến cửa rồi lại cứ thập thò, thập thò. Có hai người hăng hái là một bà già sáu mươi tuổi đi thoăn thoắt và một chị nạ dòng khoanh tay trước ngực như là dửng dưng, như là miễn cưỡng, đi thong thả ở phía sau. Hắn cúi xuống nhìn con rồi ngẩng lên nhìn vợ hầm hầm. Cô Hồng quay mặt vào trong, lấy một tay chống vào tường như để giữ cho cô khỏi ngã, còn một tay úp vào mặt. Ngoài chiếc chăn và chiếc gối xô lệch, không thấy gì là dấu vết của sự ân ái nhưng cả bà già và chị nạ dòng đều chăm chú theo tay vợ hắn chỉ:

— Đây. Đây. Chỗ này nà nó...

Rồi hai người lắc đầu quay ra, mặt mũi trông vừa có vẻ kinh tởm, vừa khinh miệt cái con bé đang gục đầu vào tường kia. Cử chỉ của hai người đi "tiên phong" như một lời thúc giục mấy chục con người ở ngoài lũ lượt kéo nhau vào xem, như xem khỉ làm xiếc mà không phải mất tiền mua vé. Xong rồi, quay ra, ai cũng trầm lặng khinh bỉ và lắc đầu kinh tởm. Cũng là cái chuyện gian díu của hắn với cô gái xa lạ ai cũng biết đích xác vài ba tháng trước đây, nhưng ai cũng bảo chả có việc gì phải nói. Kệ xác nhà chúng nó. Đến bây giờ, ai cũng thấy nó lại "ghê quá". Ra khỏi cửa, về đến các nhà, ra đến ngoài đường là nó thành chuyện ghê gớm kinh hoàng, thì thầm hàng tuần sau. Đại loại như thế này:

— Con vợ nó phá cửa vào, bật đèn lên, còn thấy hai đứa trần truồng, đang...

Những khuôn mặt của bà con lúc này như một lời tuyên bố ngầm ủng hộ con vợ hắn. Nó nhận thấy điều đó, đúng giữa giường, hai tay chống nạng quát:

— Con kia. Quay mặt ra đây.

Hồng quay mặt ra, nhìn thẳng vào nó không chút ngượng ngập.

— Bây giờ tao nói cho mày nghe. Tao nà chủ nhà. Mày nà con phò phạch, đĩ điếm đến đây bòn mót chồng tao. Đáng nẽ tao nột hết quần áo đưa mày nên đồn công an. Nhưng thương tình mày, tao cho mày mặc một quần, một áo, phải đi người không ra khỏi nhà tao.

— Cô là vợ anh ấy. Dù không giấy tờ giá thú cũng coi như vợ anh ấy. Nhưng cô đã bỏ nhà theo giai hơn ba tháng nay rồi.

— À con đĩ này, mày dám đặt điều vu cáo.

— Tôi đặt điều hay anh Núi nói sai? Anh Núi nói đi.

— À anh Núi bàn nuận với con đĩ để đuổi mẹ con tôi đi hả. Có đúng thế không?

Hắn cúi gầm mặt xuống như áp vào mặt đứa con, câm lặng. Một bên là con đĩ giang hồ, đã lừa gạt hắn, bỏ hắn đi theo giai nhưng nó lại có đứa con cho hắn và được cả khu phố chấp nhận như là vợ chồng. Mà thằng Cả mới chỉ nghe thấy nói nó đi theo giai, đã có chứng cớ đâu buộc tội nó. Một bên là người đàn bà vừa như là vợ, vừa như một người mẹ tần tảo yêu thương chầm bập cho hắn, người ấy có thể bảo đảm chắc chắn một cuộc sống đàng hoàng hạnh phúc lâu dài cho cả đời hắn. Nhưng lại như vụng trộm, lại như gian dối, nhất là lúc nó mang con bé về, đụng vào lòng trắc ẩn không chỉ với hắn, với tất cả bà con dân phố. Hai người, mỗi người có một cái phải, một cái trái, người phải cái này, lại trái cái kia, biết nói thế nào.

Cả hai người đàn bà cùng dồn hắn. Hắn vẫn câm lặng. Người đàn bà kia nhìn hắn khinh bỉ. Vợ hắn thì tỏ vẻ thắng thế, nó hất hàm hỏi người đàn bà kia:

— Mày còn có cớ gì nữa không?

— Tôi khinh bỉ, tởm lợm các người.

Một tiếng chửi bậy ở ngoài cửa bắn vào:

— Đ. mẹ con đĩ. Vào nhà ngủ với chồng người ta còn già mồm. Mé. Tống cổ nó đi.

Thế là hàng chục ngườu khác ùa theo:

— Tống mẹ nó đi.

— Tống cổ con đĩ ra khỏi nhà.

— Tống...

Dường như không còn gì để xấu hơn, mất mát hơn, đau đớn hơn, Hồng điềm tĩnh nói ra phía ngoài đường:

— Bà con đừng vội sỉ nhục tôi. Rồi đời này sẽ biết ai sạch, ai bẩn.

Vợ hắn quát:

— Mày im mẹ mày đi, điếc tai. Đi đi.

— Tao đi.

— Tao nói nại, tay không ra khỏi nhà tao.

— Tao coi đây như là của bố thí.

Cô thản nhiên đi người không, bước đi bình tĩnh như mọi ngày đi ra chợ. Hắn giật mình, không hiểu cái túi xách như cái va li đựng tiền đáng giá hàng mấy chục cây vàng cô quên hay sợ nó mà không dám mang đi. Hắn vội vàng cầm túi tiền ở một góc tường gọi cô:

— Còn túi quần áo này không mang đi mặc bằng gì Hồng ơi.

Vợ hắn giằng lấy quai túi. Hắn giật lại. Nó lại túm lấy. Đang giằng đi, kéo lại, bà tổ trưởng tổ nước sôi đến. Bà biết vụ xô xát từ khi chúng mới xảy ra. Độ nửa tiếng rồi. Nhưng bà còn phải đổ đầy ba chảo nước ủ trên bếp lò, bà mới đi được. Vào đến giữa sân, gặp Hồng đi ra và hàng chục người theo sau. Bà bảo Hồng quay lại. Thấy hai vợ chồng hắn đang giằng co nhau cái túi bà hỏi:

— Khuya rồi không cãi nhau làm ầm lên mất trật tự, an toàn khối phố. Cô Hồng hãy tạm đi chỗ khác, tư trang, cái gì của riêng người ta hãy để người ta mang đi.

Nói xong, bà đỡ lấy đứa bé ở tay hắn. Hắn được rảnh tay, dắt xe đạp và đặt túi xách lên phía sau mang ra sân cho Hồng. Hắn hỏi:

— Bây giờ em định đi đâu?

— Anh đưa em đi kẻo nguy hiểm.

— Anh xin lỗi, anh không ngờ... nó... lại về...

— Anh câm đi. Đồ phản bội. Tôi không ngờ anh lại hèn mạt, bẩn thỉu đến thế.

Thấy to tiếng ở ngoài sân, bà tổ trưởng vội đưa cháu bé cho vợ hắn, rồi đi ra.

— Cậu Núi vào nhà. Cô Hồng đi với tôi.

Bà xách hộ cô túi "quần áo" đi trước. Hai người ra đến đầu ngõ bà mới nói:

— Cháu ở đây mấy tháng trời, như thế nào người ta biết cả đấy. Cậu Núi mà lấy được cháu như vớ được vàng, mơ cũng chả thấy. Nhưng mà tình ngay, lý gian con ạ. Nhà kia nó lại vừa mới sinh cháu. Không ngờ nó éo le đến thế. Thôi, cũng là cái số.

Bỗng cô òa lên khóc:

— Cô ơi. Thật lòng cháu không ngờ hắn lại đang tâm lừa gạt cháu. Hắn bảo vợ nó đi theo trai, thằng em hắn lên tận Bắc Giang về bảo chắc chắn con kia bỏ hắn rồi.

Hắn bảo cả đời hắn trộm cắp, tù đầy chỉ mong được có ngày sống yên ấm, không ngờ đến lúc này lại trắng tay. Cháu khuyên hắn, hãy bỏ qua mọi chuyện cũ, bắt đầu lại từ đầu làm lại cuộc đời. Chỉ cần anh dứt khoát, có dám từ bỏ những tội lỗi đã qua, từ bỏ những tội lỗi đã gây nên hay không. Hắn cũng bảo cháu, hắn mà trông thấy con vợ hắn, hắn không xé xác nó thì hắn không bằng con chó. Cháu phải khuyên hắn, tất cả đã bỏ là bỏ, không việc gì phải tức giận hành hạ người ta.

Thế mà không ngờ trước mặt dân phố hắn không dám mở mồm nói một lời thanh minh cho cháu, không dám gọi thằng em hắn ra để nói rằng, con vợ hắn đã bỏ đi theo giai để cho mọi người thấy rằng cháu không phải là người đi tranh vợ cướp chồng người khác. Đời cháu cũng đã khổ nhiều lắm, gặp cảnh tội nghiệp của hắn, cháu thấy mình cũng có thể vun đắp lại, chứ đâu phải cháu là kẻ sống cốt để cho hắn chơi bời giải trí khuây khỏa lúc vợ không có nhà.

— Thôi bỏ đi cháu ạ. Đừng buồn nữa. Đằng nào cũng đã thế rồi. Bây giờ cô hỏi nhé: Đêm nay cháu định ngủ ở đâu?

— Cháu cũng chưa biết cháu đi đâu bây giờ.

— Cô có ý kiến thế này. Cháu vào nhà cô ngủ. Đi đâu cũng đợi đến sáng mai, đêm hôm đi lại không lợi cho cháu.

— Nếu được như thế, cháu cảm ơn cô lắm.

Nếu như hắn không nhập nhằng tham lam? Nếu như hắn biết trời không bao giờ cho ai tất cả, cho mãi mãi. Cho cái này thì ắt phải lấy cái kia. Có cho ai một lúc cả hai, ba bốn năm thứ thì lại bắt người ấy phải lo toan nghĩ ngợi thấp thỏm che chắn giữ gìn. Cứ thế mà mệt mỏi trong những tham vọng không bao giờ dừng lại. Sự hồn nhiên sảng khoái bị lấy đi. Cái bản ngã riêng biệt của con người ấy luôn phải che đậy giấu diếm, cũng coi như là mất. Nếu biết được như thế, hắn sẽ hiểu được, cùng một lúc hắn không thể vừa được đứa con đẻ với người đàn bà hư hỏng này, vừa có một gia đình êm ấm thủy chung với người đàn bà tốt đẹp kia. Nếu như biết được phải chọn một trong hai.

Thứ thì đêm qua hắn không "chết đứng" giữa hai người đàn bà. Hắn câm lặng để được lòng cả hai, thì lại mất cả hai. Cả hai người đàn bà đều tởm lợm sự lưu manh, lừa dối của hắn để rồi, một người đã khinh bỉ ra đi, một người đưa hắn vào tròng để hắn trở thành tên côn đồ vào lúc sáu giờ kém mười lăm phút chiều hôm nay.

Khi Hồng ra khỏi nhà, vợ hắn mẩm bụng ăn không một đống bao tải chè và những sọt măng chồng ngất ngưởng nửa gian nhà. Hắn thì đau đớn cảm nhận thấy hết khả năng có thể sửa chữa để níu kéo Hồng quay lại nuôi lớn một gia đình hạnh phúc mà hắn xăng xái vồ chộp như vớ được của giời cho suốt mấy tháng nay. Hắn ngồi rũ xuống ở thành giường từ lúc quá nửa đêm trong một tâm trạng chổng chểnh giữa gian nhà lạnh lẽo như vừa có người chết. Tiếng chép miệng của những con thạch sùng làm cho màn đêm trong căn phòng mười sáu mét vuông rạn ra và chốc chốc lại rung lên do tiếng ngáy rút từ lồng ngực vợ hắn kéo lên, khiến cả cổ họng, cả miệng, cả mũi cô đều vang ra tiếng "khò khò... ò ờ... o o... khục khục...ục ục". Rồi lại tiếng chóp chép... ực, nhai miệng không, nuốt không, khiến hắn cảm thấy như mình đang ngồi ở trong một khu rừng âm u giữa những đàn lợn, đàn chó sói đói ăn. Càng ngắm nghía nó, con vợ hắn, hắn càng thấm thía nỗi đau mất mát, càng uất hận sự ngu si hèn mạt của mình. Tại sao lúc đấy hắn không dám nói to lên cho mọi người biết là con vợ hắn đã bỏ đi theo giai! Tại sao hắn không gọi thằng em hắn, thằng Cả ngồi dậy vạch mặt con vợ hắn, nói cho nó biết, nó đã đi theo thằng Hưng sẹo, đã ăn ở với thằng Hưng sẹo tận Đồng Văn, Mèo Vạc như thế nào? Tại sao hắn không dám nói rằng: Cô Hồng đây mới thực sự là người yêu thương tôi, lo toan cho tôi, chúng tôi mới thực sự là vợ chồng. Con Mai tuy nó có con với tôi thật, nhưng nó là con gái giang hồ đã từng ăn ngủ lang chạ với bất cứ ai, làm vợ của hàng chục đứa. Chuyện "vợ chồng" giữa tôi và nó là tạm bợ, chứ không hề có ai xác nhận, có giấy tờ gì. Tôi sẽ giữ lại con tôi và cô Hồng sẵn sàng cùng tôi nuôi cháu. Con mai phải ra khỏi nhà. Từ nay không được bén mảng tới đây. Khi nào muốn thăm con phải xin phép tôi, Tôi có đồng ý mới được đến. Bà con khối phố không bằng lòng ư?

Đây là việc riêng của tôi, tôi giải quyết. Còn không, ai muốn tham gia vào việc gia đình tôi à? Xin mời. Mẹ kiếp! Đơn giản có vậy mà lúc ấy như có ai bắt mất hồn vía của hắn, làm mặt hắn đực ra như... Đã mấy lần hắn định dựng con vợ hắn dậy, nhưng vì con gái hắn đang nằm trong lòng nó, nên hắn đành ngồi im. Đến sáng hôm sau vợ hắn vẫn ngủ như chết. Lúc ánh nắng ở trên mái nhà hai tầng phía trước xuyên qua ô thoáng thành những chấm sáng như gương chạy trên chiếu, trên người mẹ con nó, nó vẫn chưa biết gì. Con gái hắn khóc ọ ẹ. Hắn định bế. Lại thôi. Hắn lay đầu con vợ hắn:

— Có dậy không? Con nó khóc đấy. Có biết gì không? Dậy. Dậy...

Vợ hắn ngồi dậy trong tư thế tỉnh táo, tươi cười, cái cười của một kẻ đã mãn nguyện sau một giấc ngủ sâu và sau cả một cuộc chiến giành thắng lợi hoàn toàn.

— Anh giúp em với.

— Gì?

— Lấy sữa ở nàn pha cho con uống.

— Không đủ sữa cho con bú à?

— Cho con nhay thế thôi, em có sữa đâu. Núc mới đẻ cũng có nhưng chỉ được độ một tuần rồi phải cho con đi bú nhờ và mua sữa bò.

Hắn nhìn lướt vào bộ ngực teo tóp của vợ hắn, hắn biết được nó đã chơi bời vô hạn độ như thế nào để kiệt sức ngay lúc mới đẻ. Nhưng hắn vẫn nuốt sự ấm ức, lặng lẽ cầm phích đi mua nước sôi về đánh răng rửa chai sữa đã cáu thành từng ngấn, chứng tỏ đã nhiều ngày chưa rửa chai kỹ. "Thế này nó vẫn để cho con bé bú vào". Hắn nín thinh. Rửa chai, vú cao su bằng nước sôi, pha sữa đổ vào chai ngâm nước lạnh cho nhanh nguội để con uống. Tất cả những việc làm ấy trừ việc đánh rửa chai và cú cho sạch, còn con vợ hắn, bảo đến đâu hắn làm đến đấy.

— Anh nếm xem vừa chưa? Nó chỉ ngòn ngọt nhờ nhợ, đừng cho ngọt sắc quá, con chưa uống được đâu.

Hắn nêm, rồi pha cho loãng ra.

— Anh nắc nắc cho nhanh nguội để con ăn.

Hắn lắc.

— Em bảo này, có chanh không? Anh nấy vắt cho con vài giọt để nó đỡ táo.

Nhà không có chanh, hắn lại ra đầu ngõ mua về cắt làm đôi, vắt ra vài giọt. Cứ câm lặng cho đến khi con ăn xong, vợ hắn giục hắn đi mua ăn sáng, hắn không thể kìm giữ được nữa.

— Cô lại đi với thằng Hưng sẹo đấy à?

— Hắn tìm nên Bắc Giang có gặp em.

— Rồi thế nào?

— Hắn rủ em đi mua chăn con công, phích nước Trung Quốc trên Mèo Vạc.

— Chỉ có thế thôi.

— Thì sắp sinh con mà tiền nong không có, em tính, phải kiếm được đồng nào hay đồng ấy.

— Cô có nhớ hôm đi, tôi dặn thế nào và cô nói với tôi thế nào?

— Anh bàn với em nà đi thăm bố mẹ. Còn đây nà mình đi nàm ăn kiếm tiền.

— Sao cô không về hỏi tôi đã.

— Vợ hỏi anh thì nỡ chuyện còn gì.

— Tôi đã dặn cô là phải kiềng cái mặt thằng ấy cơ mà.

— Thì kiềng là kiềng "cái kia", chứ buôn bán nàm ăn kiềng mà chết đói à. Mà anh hay đa nghi tào tháo. Mình bụng mang dạ chửa, ai có thiết.

— Thế những lần nằm ở chân cầu Bắc Giang nó nằm đè lên cô để làm gì đấy?

— Tiên sư đứa dựng chuyện. Anh nạ gì cảnh ăn nằm quấn quýt vào nhau năm bẩy người trên một manh chiếu nữa.

— Cô có biết luật giang hồ, cứ đi với nhau là vợ chồng? Cô đi với nó lên Hà Giang là thế nào?

— Thì mình cứ đóng giả, che mắt kẻ khác để nằm ăn.

Hắn uất lắm rồi nhưng vẫn cố nén.

— Thôi. Không dài dòng. Cô để con ở lại đây tôi nuôi. Cho cô đi lại với nó.

— Em không bỏ con em một mình được. Anh không thích mẹ con em ở đây, em bế con đi nuôn. Em đi ăn xin, ăn mày nuôi con chứ không thể bỏ nó.

Thế là hắn không dám làm căng. Lại có phần cảm động về tình mẹ con của nó.

Nhưng đến chiều tối thì vợ hắn hỏi:

— Này, sáng nay nói thế nà thế nào?

— Nói gì?

— Bảo tôi đi đâu thì đi, có đúng thế không?

— Tôi bảo cho cô đi với thằng Hưng sẹo.

— Ừ thì cứ coi là như thế. Nhưng tôi chỉ sợ con bé ở nhà.

— Tôi sẽ nhờ hàng xóm người ta cho bú.

— Thời buổi này ai người ta có sữa đâu mà cho con mình nắm thế.

— Thì nuôi bộ như hiện này.

— Hỏi thật nhé. Anh có đồng ý để tôi đi, anh nuôi con thật không?

— Thật.

— Nhưng tôi chỉ không yên tâm một mình anh, đàn ông đàn ang nuôi con không quen. Hay nà thế này nhé. Tôi kiếm nấy một con bé nó trông nom cơm nước giặt giũ hộ anh.

— Chả cần con quái nào nữa.

— Ừ. Mà cũng không được nhỉ. Bà Hồng còn bao nhiêu hàng ở đây. Nhỡ mai kia bà ấy quay lại đòi thì sao? Mà không bán nấy gì ăn. Hay nà đi tìm bà Hồng về. Hãy cứ nói bà về bán xong hàng của bà đi. Trong núc bà ấy ở đây bán hàng, mình cũng nhờ vả bà ấy đỡ đần được ít nhiều.

— Nhưng cô có biết hôm qua cô đã nói người ta như thế nào không?

— Đã nỡ nời rồi thì mình xin nỗi nà cùng.

— Ai đi xin lỗi.

— Nếu anh không đi. Tôi đi.

— Đi nói thế nào?

— Tôi bảo nà cái thằng mặt... nó ăn ở như quân sở khanh. Nó đ. Tôi chửa đẻ với nó, nó nại đuổi tôi đi để nó đ. Bà cho khô ráo.

— Tiên sư con đĩ, mày nói gì thế?

— Tao nói cái ông cụ tổ nhà mày, đeo ở người mày núc nào cũng cứng như cây gậy săt, không chọc vào đâu, không chịu được. Tao vừa đi mấy ngày đã rước gái về. Bây giờ tao mới đẻ con tao. Nại rắp tâm đuổi tao đi để mang con kia về. Tao biết mà. Tao mới thử thế đã tớn nên rồi. Tiên sư cái đồ mặt...

— Mày có câm mẹ mày đi không?

— Tao đ. cần câm đấy.

— Ông đánh cho bỏ mẹ mày.

— Tao thách cả cụ mày đấy.

Cái ghế con vẫn ngồi ăn cơm. Chỉ là tiện tay hắn vớ được. Hắn đập vào đầu nó, cũng không có chủ định dùng chỗ góc ghế đập. Nhưng cái góc ghế lại làm một mảng da đầu sâu hoắm, con vợ hắn ngã vật ra. Đứa con đang bế rời khỏi tay, lăn xuống giường. Mặt cắt không còn hạt máu, hắn kêu cứu. Hàng xóm không ai để ý, hoặc có nghe tiếng kêu người ta cũng kệ. Chúng nó đánh nhau như cơm bữa. Điếc tai nó quen rồi. Ai hơi đâu mà để ý. Hắn phải gào lên thất thanh:

— Ơi bà con ơi. Vợ tôi nó chết rồi. Cứu vợ tôi. Vợ tôi nó chết rồi, ối ối.

Lúc ấy mọi người mới đổ xô đến. Người ta lấy cả nắm thuốc lào ấn vào chỗ lõm sâu hoắm ở đầu, băng lại rồi gọi xích lô đi cấp cứu. Hắn bỏ con cho cho các bà hàng xóm khóa cửa chạy theo vợ vào viện 201 của quân đội. Người ta tiêm thuốc cầm máu, thuốc trợ lực, rửa vết thương khâu lại chỗ rách rồi truyền huyết thanh. Vợ hắn dần dần tỉnh lại. Hắn thoát chết. Người bác sĩ thu dụng cụ, chai lọ rồi bảo hắn "yên trí, qua rồi".

Quá nửa đêm, cũng vào khoảng này đêm qua, vào cái giờ Hồng ra đi khỏi nhà hắn, vợ hắn mở mắt ra nhìn lơ đãng. Hắn hỏi:

— Anh mua bát cháo gà bón cho em nhé.

Vợ hắn gật đầu. Hắn ra tận bến Bình mua phở về bón cho vợ. Rồi từ sau những thìa nước cam từ tay hắn chảy vào miệng ả, cái khăn nóng hắn lau mặt cho ả, hai giọt nước mắt ả giàn ra từ hai khóe mắt chảy xuống thành hai vệt thẫm trên chiếc gối trắng. Hắn ôm lấy người ả, gục đầu xuống bờ vai rên rỉ:

— Em ơi. Anh lạy em. Anh trót dại. Tha cho anh. Đừng bỏ con. Anh không biết nuôi con, nó chết mất. Em tha cho anh, chúng mình về với nhau nuôi con em nhé.

Hai mắt vẫn mở nhìn lên trần nhà, hai tay ả đặt lên vuốt ve dịu dàng trên lưng hắn.

— Con đâu?

— Các bà ở tổ nước sôi trông hộ.

— Để em ở đây về mà trông con.

— Thôi, đằng nào cũng hết đêm nay. Bác sĩ bảo truyền xong một lọ là tỉnh táo, sáng mai về được rồi.

Một tháng trời nuôi vợ bằng ngó sen, móng giò, gạo nếp, gà tần ngải cứu và tam thất. Khi ả béo đỏ phây phây hai bầu vú lại phông lên, hắn bớt được cả việc nuôi con, nuôi vợ. Hắn lo chạy chợ, bán măng, bán chè, đêm về lại đú đởn, hạnh phúc vợ chồng lại kéo dài thêm hai tháng sáu ngày nữa. Khi những tải chè, sọt măng đã khuân hết ra chợ thì ả ra đi. Ả đi vào giữa trưa, lúc ăn cơm xong. Hắn ngồi uống nước, phì phèo điếu thuốc, ả cho con bú. Rồi hắn ngả lưng chợp mắt thì ả đặt con bé no sữa vào lòng hắn. Ả đi ra ngoài vẫn chỉ bộ quần áo mỏng như kiểu đi nhà vệ sinh công cộng. Ngủ dậy không thấy vợ. Hắn nghĩ, chắc là ả la cà nhà ai hay lại tạt ra đầu ngõ nhai kẹo cao su và hút thuốc là chịu. Chừng một tiếng sau không thấy ả, hắn bế con đi các nhà xung quanh hỏi. Không thấy. Ra đầu ngõ. Người ta bảo ả đã lên ngồi trong cabin chiếc xe tải đi từ tám hoánh rồi. Lúc đầu không ai để ý gì, vì xe đỗ bên kia đường. Lúc xe chạy, bà hàng mít bên ấy mới chạy sang thì thào là con Mai ngồi vào lòng một thằng to béo. Thì ra nó vẫn hẹn hò nhau. Chả trách, đang đêm nghe tiếng tầu, tiếng xe nó cũng giật mình chồm dậy. Nhưng xe nó đi đường nào? Biển số là bao nhiêu? Thằng ngồi bế vợ nó, đen hay trắng? Hắn hỏi ai, ai cũng bảo: "Nào có ai để ý".

Ngày ngày bế con đi khắp phố bú trực. Chiều chiều đứng ngóng vợ về. May ra, nó có việc gì đi đâu đó một vài ngày? May ra, nó căng sữa nhớ con không chịu được sẽ quay về? May ra, nó nghĩ lại mấy tháng qua hắn đã đầu tắp mặt tối, đã vất vả hết hơi, hết sức vì vợ, vì con mà nó thương tình quay lại? Suốt bảy ngày giời không có cái "may" nào để hắn "vồ" được cả. Có đêm con khóc ra rả vì đói sữa, vì thiếu hơi mẹ, hắn hết bế vác con lên vai rồi lại đặt ngửa ra hai cánh tay, ôm con vào lòng rong quanh nhà mà con vẫn khóc. Không dỗ được con nín, nước mắt hắn trào ra và hắn cũng khóc tu tu như hồi mẹ hắn chết. Hắn quyết định giao con cho em gái rồi cùng hai thằng em trai chia ba ngả đi Móng Cái, Nam Định, Bắc Giang và Kỳ Lừa để tìm ả. Trước tiên, cứ tìm cách "dong" nó về đã. Mọi việc xét sau. Mục tiêu của anh em hắn là thế. Nhưng người trước kẻ sau, một tuần sau cả ba người trở về đều không có tăm hơi gì. Lúc ấy cả bốn anh em hắn, cả bà con dân phố, ai cũng nhao nhao phản ứng: đi tìm nó là đi mò kim đáy biển. Thôi đành phải kiếm kế mà nuôi con vậy. Người ta khuyên hắn thế.

Đúng là thế. Hai thằng em giai cũng chưa nuôi nổi thân, con em gái bụng mang dạ chửa lại nuôi con mọn, làm sao có thể giúp anh nuôi cháu được. Còn cha hắn, hắn chưa hỏi gì nhưng chắc chả trông mong gì. Thế là tự hắn phải nuôi lấy con, phải kiếm được tiền để mỗi ngày đều đặn mua đủ mọi thứ: khoai tây, đỗ xanh, cà rốt, su hào, thịt thăn nõn, gạo nấu với nước xương ống ninh rồi đem vải màn vắt lấy nước đổ vào chai cho con bú thay sữa mẹ. Nửa tháng trời con bé không có sữa mẹ đã xọp đi. Tiếng nó khóc chỉ còn e é như con mèo hoang. Biển bảo anh:

— Đằng nào thì bố con, anh em cũng không bỏ được nhau.

— Cô định bảo tôi đi vay tiền của ông ấy á.

— Cụ giận anh. Anh Ý cũng giận anh nhưng bà vợ anh Ý xởi lởi. Em thấy bà ý có vẻ hào phóng lắm. Mà ông Ý đi lênh đênh suốt, có ở nhà đâu để anh sợ. Chả nhẽ để con bé chết đói. Nếu không, anh đem cho người khác đi. Anh nuôi con trông tội lắm. Khổ cả anh mà chưa chắc cháu đã khỏe mạnh được.

— Cô ăn nói kiểu gì thế. Có lúc nào cô định cho con cô đi không.

Cô em đỏ mặt lên nhận ra mình có lỗi:

—... Nhưng thế anh định thế nào?

—...

— Em với anh cứ đến xem sao. Có khi bế cả cháu đến chào ông, chào bác.

— Chào đón cái con khỉ. Thôi được, tôi với cô cứ đến hỏi bà ta xem. Nhưng... thời buổi... này ai họ dại.

— Không được thì đã mất gì. Mình cứ phải gõ các cửa may ra.

— Tao bán nhà.

— Thế anh đuổi anh Sông, thằng Cả ra đường à? Còn em, tết nhất nhắp nén hương cho mẹ thì đến thắp ở đâu.

Bỗng hắn ngồi lặng đi, lúc lâu sau hắn đứng bật dậy:

— Thì đi.

Rất may, anh em hắn còn ở bên kia đường đã thấy người đàn ông cao to lịch sự đang ôm ngang lưng bà chị dâu đi đến bên chiếc xe Lađa hay Vonga gì đấy, màu đỏ. Cô em kéo tay anh trai đứng khuất vào sau một gốc cây để bà chị dâu không nhìn thấy. Hắn làu bàu điều gì đó.

— Anh định làm gì?

— Làm gì à? Tao nhảy bổ ngay đến lôi cả hai đứa quay về nhà.

— Để tống tiền?

— Tao chỉ cốt để cho ông "khốt" mắt thấy tai nghe, nhìn rõ bộ mặt mà ông ấy vẫn hãnh diện về nề nếp, tôn ti trật tự, về hạnh phúc êm thấm của thằng con học cao, tài rộng của ông ấy.

— Biết như thế mà vẫn hạnh phúc êm ấm thì đã sao?

— Mày nói gì thế?

— Em nói cho anh biết nhé. Vợ của các ông vốt cô, vốt cậu ấy không rơi vào những loại già xấu, ốm yếu mà anh ta đã chót lấy từ trước khi xuống tàu và đẻ một đống con như lợn đẻ thì là tình ở một anh, tiền ở một anh khác. Khi có một vài đứa con, tốt nhất là hợp lý được với chồng hoặc nhân kết quả của chồng. Nếu không thì "giải quyết" ngay sau khi "nhỡ", để đến lúc chồng ở dưới biển lên vẫn âu yến, vẫn cơn dẻo canh ngọt, vẫn nhớ nhớ thương thương, vẫn khóc khóc, cười cười... Tất cả đều như thật, làm sao cho anh chồng cảm động để mặc cho cô ả vuốt vẻ cả người, cả túi, cả vali để rồi lại "nhẹ gánh" ra đi, vui vẻ bạn bè, nhớ nhớ, thương thương, để rồi khi vừa vẫy vẫy tay kẻ bước chân xuống tàu, con tàu chưa ra khỏi bến, quay lại đã có thằng ngồi trên Honđa hoặc ô tô chờ sẵn.

— Thế nó cuỗm hết của thằng chồng à?

— Họ cuỗm làm gì. Tiền đấy để mua đất làm nhà, càng cao to hơn người càng tốt. Càng nhiều nhà, nhiều đất càng hay. Rồi sắm sửa tiện nghi, toàn đồ xịn của tư bản. Ở nước nó thì nó dùng xong vứt ra bãi rác nhưng mang về nước mình trông thấy vẫn hoa cả mắt, ước cả đời cũng chẳng được. Rồi ăn diện, tiêu xài... Vợ càng đẹp, càng sang, chồng càng thích càng bò dài trên mặt biển lênh đênh cả sáu tháng, một năm, nịnh nọt, luồn lách, bon chen, trốn thuế có khi còn ăn cắp để được thật nhiều thứ mang về cho vợ. Trong khi đó công thức của các bà phụ nữa "trưởng giả" nhà quê ra tỉnh bây giờ là sống với chồng con một cách "có lý" để không "nắm tận tay, day tận tóc" thấy "trai trên gái dưới". Còn lại, là ăn chơi tình cảm thoải mái. Mất gì của nhà mình. Vẫn là người đứng đắn, không bao giờ thấy "chuyện gì" ở cơ quan. Vẫn là người vợ hiền, người mẹ tần tảo hết lòng yêu chồng thương con ở nhà.

— Những thằng chồng ngu.

— Nó chả ngu. Nó chỉ không biết. Hoặc có biết thì của cải đã "găm" cả đấy rồi. Cần thì chia ra: "Của nhà chia đôi... Có dám không? Nếu con vợ nó đã không quá mê thằng bồ, tự nó bỏ thì không ông chồng nào bỏ được những con vợ vừa là vợ mình vừa là chỗ lấm lét của hàng chục thằng đàn ông khác. Với lại, nó còn nhiều điều ràng buộc lắm, hiểu đơn giản như anh không được đâu. Chẳng hạn như con Mai đấy. Anh có bỏ được nó, khi nó quay về không?

— Hử

— Chồng biết cũng còn chẳng làm gì được huống hồ bố chồng. Biết mà làm gì. Cần nó hê cả ông ra ngoài, nó sợ à?

— Mẹ kiếp. Đám bụi đời đã bẩn. Đám có chức có quyền, có chỗ làm ăn hót của như hót rác còn bẩn bằng vạn. Đ. biết đường nào mà lần.

Anh em hắn không ai bảo ai nhưng cả hai cùng có ý nấn ná chờ bà chị dâu về xem thực hư ra sao. Cũng lại hy vọng có thể bà ấy sẽ giúp hắn được đồng nào chăng? Gần mười giờ, tức là kém mười phút đầy ba giờ kể từ khi họ nhìn thấy bà chị chui vào ô tô. Vẫn không thấy gì. Con em gái có sáng kiến vào "chào cụ" để thăm dò xem thế nào. Thằng anh đồng ý nhưng hắn đứng ngoài.

Cô em gái tuy lấy chồng cũng là nhà giáo nghèo nhưng cô chưa hề cất lời xin bố một xu. Cũng chưa bao giờ ca thán về gia cảnh quá chật vật, thiếu thốn của vợ chồng mình với bố. Tết nhất, giỗ chạp cả hai vợ chồng vẫn đến biếu xén, dù chỉ là gói chè, bao thuốc, nhưng ông cũng lấy làm vui. "Chỉ có một mình nó là còn được". Ấy là nói đến lũ con bà hai. Cô vào nhà thấy bố bế đứa con trai ba tuổi của anh chị ngồi xem tivi. Đứa con gái lớn bẩy tuổi vừa xếp xong vở học cũng ngồi xuống cạnh ông. Cả ba ông cháu đang xem băng hề Sáclô.

— Mẹ cháu đi với dì về ngoại

— Sao con đến muộn thế? Có việc gì hay đi dạy về qua?

Hỏi thăm nhau qua loa rồi cô bảo bố ra ngoài. Ông bố vẫn bế thằng bé quay ra ngồi ở Salông.

— Con chỉ xin thư với cậu một chuyện thế này.

— Cứ nói đi. Ông cháu cũng đang ngồi đợi chị ấy về. Con cứ ngồi lâu lâu cũng được. Dạo này chị ấy kết việc cơ quan lại lo giúp cô em gái làm ăn, hôm nào cũng phải đến khuya mới về.

— Cậu có tiền mặt hoặc "chỉ" cậu cho con mượn một ít.

— Có việc gì gấp thế.

— Đằng nào cũng là con, con không dám nói dối cậu. Cậu thương con cũng như thương anh Núi. Con bé cháu nhà anh ấy mới được mấy tháng, mẹ nó đã bỏ đi. Bây giờ không có một đồng nào mua sữa và các thứ. Mà ngày nào cũng phải tiêu hàng chục cho cháu.

— Bây giờ cậu chả có đồng nào.

— Cả bốn anh em con bàn nếu cậu giúp được, cần, chúng con gán nợ cái nhà. Đáng nhẽ anh ấy định bán, nhưng bán đi thì ba anh em với cháu ở vào đâu nên con bảo thôi và con đến cậu. Con nghĩ, cậu cũng có ít lưng vốn gửi tiết kiệm phòng khi già yếu. Cứ coi như cái nhà ấy là cái vốn tiết kiệm của cậu. Nếu sau này chúng con khong chạy giả được, cậu bán cái nhà ấy đi, chi tiêu cho tuổi già.

— Cậu đã bảo không có là không có. Còn cái nhà ấy, bán hay không là tùy ở các con. Cậu không can thiệp.

Như vậy là không lay chuyển được gì. Cô đành giữ cái miệng cười cười nói:

— Vâng, cậu không có thì đành vậy.

Trong khi ấy hắn nhìn thấy bà chị và gã đàn ông đã ra khỏi xe. Họ đi một đoạn, đến một gốc cây, hai người hôn nhau. Đến khi có ánh đèn xe máy đi tới họ mới buông nhau ra. Lúc ấy hắn đã chạy sang phía ngõ nhà bà chị và thò đầu ra nhìn... Khi chị và hắn kia buông nhau ra, hắn rón rén vào trước cửa nhà, đứng phía ngoài hàng rào thép gai có hoa giấy đỏ. Chị ta gần rẽ vào ngõ thì hắn quay ra, nện gót chân thật mạnh để chị khỏi đột ngột.

— Em chào chị!

— Ai đấy? – Chị ta nhận ra hắn, hơi run, giọng lạc đi nhưng lại trấn tĩnh ngay:

— Chú Núi à? Có việc gì đến khuya thế?

Hắn biết chị ta hoảng sợ, sợ hắn trấn hoặc đến rình mò gì đấy, hắn phải nói ngay:

— Em nói với cô Biển đến chị. Biển nó vào nhà còn em đứng ngoài này.

Bà chị ngước mắt qua hàng rào, thấy cô em chồng ngồi ở phòng khách mở cửa, chị mới yên tâm.

— Chú vào nhà đi.

— Thôi. Chị biết cậu em coi em là hạng người như thế nào rồi đấy. Em không dám vào. Em chỉ xin hỏi chị một việc – hắn kể vắn tắt chuyện vợ chồng hắn và tình cảnh bố con hắn hiện nay rồi tiếp: – Chị có tiền cho em vay mấy chỉ. Cần thì cô Biển đứng tên làm giấy vay chứ em cũng không dám đứng tên đâu.

— Không cần phải thế. Chú biết quan điểm của tôi với chú từ dăm bảy năm nay rồi đấy. Tôi trái ngược hẳn với anh chú và cụ. Dù sao chú cũng là một con người. Con người ta có lúc thế này, lúc thế khác. Các cụ bảo: "Ai nắm tay từ tối đến sáng". Nhất là người máu mủ ruột thịt của mình. Thôi, chuyện ấy dài dòng cũng chả nói lại làm gì. Còn chuyện cụ thể của chú, thì chị nói thật là anh chú đi tàu bè cũng kiếm được chút ít, chị đã hùn vốn với mấy người bạn ở Sài Gòn để mua bán bất động sản rồi. Chị thật lòng đấy. Còn cảnh ngộ của chú, chị cũng đã nghe người ta nói loáng thoáng. Không ai là không thấy động lòng. Bầy giờ chị chả giúp được theo yêu cầu của chú. Chú vay thì còn đấy chứ lo gì. Nhưng chú phải thông cảm cho chị, cho sự thật của chị là thế. Chị bảo nhé. Cụ vừa có các anh ở Canada gửi về mấy chục vé đấy. Cụ cũng cho vay lãi được chục cây nữa. Chú bảo cô Biển nói với cụ. À cô ấy đang nói chuyện ấy rồi à? Được rồi, chị sẽ nói thêm với cụ. Còn riêng chị, chị chỉ có dăm chục, chị cho cháu – À đây xem nào... Năm mươi, năm bẩy, sáu mươi. À còn bẩy mươi sáu đồng, chú cầm cả cho cháu.

Hắn không ngờ cái kẻ hắn khinh miệt tởm lợm kia lại tốt với hắn đến thế. Còn người cha, vẫn cái giọng đều đều tròn và nhẫn, vẫn không hề thay đổi, ngay cả đến khi bà chị dâu vào nhà nói toẹt ra: "Ông vừa nhận được tiền đấy, cho các cô, các chú ấy vay dăm vé" thì giọng ông vẫn trôi tuội đi không thể túm bắt được gì:

— Nói thật, cậu có tiền đấy. Nhưng cậu đã thề, đời cậu không bao giờ có gì liên quan đến thằng Núi. Các con càng nói, càng mất thì giờ chả được gì đâu. Bố con lại mất đoàn kết không có lợi. Cậu vừa đi họp gia đình nếp sống văn hóa mới hôm qua. Người ta quy định: cha con, anh em nói to với nhau trong nhà như kiểu quát vào mặt nhau cũng là không có văn hóa. Bây giờ như thế vẫn là chưa nghiêm. Ngày xưa, thời Pháp nhá. Con cái đi về phải khoanh tay một phép. Biển thấy không, hai đứa nhà này thấy cô vào nó đều khoanh tay: " Chào cô ạ" đấy. Nhà này cậu phải rèn chúng nó từng ngày từng giờ. Đâu phải cái chuyện nay làm, mai bỏ, thương con không phải lối. Có chị Ý đây, cậu vẫn phê bình anh chị ấy về chuyện con đòi gì là cho ngay. Thế là nuông chiều quá rồi nó sẽ hư. Không được.

Dường như thấy mình đánh "trống lảng" trước vẻ mặt của hai người con còn day dứt về chuyện tiền nong. Ông quay lại hỏi:

— Liệu nó vay mấy chỉ, ăn hết rồi làm gì?

Không người nào trả lời ông. Ở ngoài bờ rào hắn lẩm bẩm trong cổ họng:

— Tôi mà có hai chỉ tôi mua xích lô một chỉ, còn một chỉ tôi nuôi con. Mỗi ngày tôi kiếm mười lăm đồng thì làm sao hết được.

Ông ngẫm nghĩ trước sự im lặng rồi lại tiếp:

— Hết hai chỉ, không vay được nữa nó lại đi ăn cắp à?

— Ông tưởng tôi thích cái nghề ăn cắp lắm ư?

— Không, không thể cưu mang những hạng người như thế.

— Ngay cả mẹ tôi, thỏa mãn xong rồi, ông cũng muốn giũ đi, huống hồ chúng tôi.

— Cậu không bao gì hy vọng ở nó.

— Tôi cũng đếch hy vọng gì ở ông.

— Có chết cậu cũng không muốn nó để tang. Ô nhục lắm

— Ông có chết tôi cũng không thèm nhìn mặt.

Sau một tràng những câu hỏi gần như ông hỏi với riêng mình, không có ai trả lời, người con dâu lên tiếng:

— Con nghĩ, cậu có thì giúp cho các cô, các chú ấy trong lúc hoạn nạn. Cậu thấy không thể được thì thôi. Mạt sát chú ấy làm gì thêm tội ra. Con cái trong nhà cả.

— Cậu đã nói rồi. Không bao giờ cậu chấp nhận loại con đốn mạt như nó.

— Cũng không bao giờ tôi chấp nhận một loại bố độc ác như ông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co