Chương 2
Sự lục đục của tầng trên bắt đầu từ hạnh phúc của anh hai, anh Nam.Tên các anh ở tầng trên thứ tự như sau: An–Nam–Bình–Yên–Ý. Anh Quốc trên anh Bình, anh Vạn, chị Sự, chị Như sau anh Yên đều chết. Nếu còn sống cả thì tên của các anh các chị tầng trên gọi liên tục là: An–Nam–Quốc–Bình–Yên, Vạn–Sự–Như–Ý. Ở tầng dưới, kể cả những đứa đẻ sau này, thành một dãy: Núi–Sông–Biển–Cả–Phồn (chết) và đứa gái cuối cùng thì chưa kịp đặt tên. Nó đã cùng mẹ chết trên bàn mổ.Vợ Nam là người phụ nữ đẹp đến nỗi cả tầng dưới, tầng trên ai nhìn thấy cũng nao núng, buồn. Vì ngoài anh Nam ra, chị ấy không phải là của ai. Cười cho mọi người, nhìn âu yếm cho mọi người. Làm xôn xao cho mỗi bữa ăn tối. Chị so đũa hộ các em, mời trước mọi người, mời tất cả. Vào bữa ăn, người lớn thì dịu dàng, tươi tỉnh, dù vẫn lặng lẽ. Lúc ấy trẻ con cũng ngoan hẳn lên, tranh nhau khoanh tay chào mời lễ phép không cần ai nhắc nhở và cũng không "quên" để thành kẻ phạm tội. Mỗi lần chị đi đâu về hoặc từ trên gác xuống đều khoác vai anh. Trẻ con tầng dưới thích thú, ngó nghiêng thầm thì. Người lớn tầng trên thấy chướng mắt quay đi, khó chịu. Còn mẹ hắn, mỗi lần bất chợt nhìn thấy anh chị ôm nhau vội vàng ngoảnh mặt hoặc lẩn vào chỗ khuất như không hề biết gì, không thấy gì. Mẹ sợ. Nhưng vào bữa ăn, mẹ vẫn nhìn chị, vừa như biết ơn, vừa chân thành khuyến khích: "Chị tốt lắm. Đừng ngại gì"."Tiếng súng" bùng nổ ở tầng trên vào một buổi chiều. Anh Nam đang cởi trần, mặc quần đùi. Chị đi đâu về, chưa kịp bỏ nón và cởi áo dài, anh đã ôm lấy chị. Hai người nằm ra giường. Các cánh cửa sổ vẫn mở. Anh An đi qua nhìn thấy. Chỉ kịp nhổ một bãi nước bọt rồi quay lại xô vào phòng cậu dập cửa thình thình. Các anh khác xô ra. Anh An nói với bố nhưng cho cả tầng trên, tầng dưới nghe:— Cậu sang chỗ thằng Nam mà xem trò mèo. Nó coi đây là cái bãi tha ma toàn những xác chết hay sao? Thời buổi loạn lạc. Bẩn thỉu.Anh Nam đẩy các cửa sổ lại và từ từ đóng cửa chính. Trước khi nó kín hẳn anh còn thò đầu và cánh tay trần ra ngoài nói:— Ông ghen hả? Mẹ kiếp, có thèm, sang đây tôi ủng hộ một cái.Chiều đó, An bỏ nhà đi đâu! Chị vợ Nam không xuống ăn cơm. Còn mọi người, không ai nhìn vào mặt ai, cứ như có ai bôi nhọ nồi lên mặt mình. Hai đứa trẻ, đứa lên bốn, đứa lên ba không cần mẹ dặn, chúng cũng biết cảnh lục đục ở tầng trên. Chúng khép nép thì thào với nhau:— Không đùa nữa, bố giết chết đấy.Thằng em gật đầu nói lại:— Đứa nào bép xép bố xé đôi cho chó nhai, không đùa đâu.Một tuần sau An về và ngồi vào bàn ăn tối với mọi người. Chưa ai biết rõ sự xuất hiện đột ngột thì anh đã nói lạnh tanh:— Chủ nhật sau tôi lấy vợ. Cưới ở khách sạn Lục Hải Thông. Tôi đặt năm mươi xuất quan khách. Tôi lo mọi việc. Khoản ngân khố cậu đảm đương cho tôi.Ông bố cũng lạnh người, giọng nhỏ, nhạt:— Cậu chưa nghĩ đến việc đó. Chỉ có loại mạt hạng nó mới cưới vợ ở khách sạn. Mà cái khách sạn Tầu ăn chơi đàng điếm ấy thì lại không thể đem nhau đến đấy mà cưới.— Tôi đã đặt rồi.— Cho nên mọi việc cậu không có bổn phận phải lo gì cho con.— Tôi cũng đã dự liệu cậu sẽ nói thế.— Tính toán kỹ lưỡng vậy là rất tốt.— Tôi đã tính không bằng 2/3 phí tổn cho thằng Nam.— Nhưng tiền không phải là nước biển! Chưa đầy một tháng, phải đổ vào đấy hai khoản lớn như thế.— Cậu còn nhiều séc ở nhà băng.— Không phải để làm việc đó.— Cậu phải làm!— Cậu không làm.— Cậu phải làm đấy!— Cậu nhất quyết không làm.— Cậu biết tính tôi. Từ bé, tôi không thích nói nhiều.— Cậu cũng như anh. Không bao giờ dài dòng.— Cậu quên những tài khoản của mợ chuyển sang tên cho tôi ở nhà Banque Française de L'indochina. — Cậu biết anh đứng tên. Nhưng cậu cũng biết anh không có quyền.— Không ngờ một viên chức như cậu mà không thạo luật.— Luật nào cũng phải có trên dưới, có tôn ti trật tự, anh hiểu không?— Trên dưới, tôn ti trật tự? Cậu hỏi mấy đứa trẻ nhà quê này xem chúng nó sinh ra có phải từ cái tôn ti trật tự nhà này không? Thôi tôi đi. Thứ tư tôi quay về để lấy tiền cachet cho chủ khách sạn.Anh đi ra cửa.Đến lúc này người cha không thể nhạt nhẽo được nữa. Mặt ông nóng lên bừng bừng trước sự xúc phạm của con trai. Ông đứng phắt dậy ném sự bực tức theo nó:— Mày đừng hòng tiêu của tao một xu.Rồi để chứng tỏ sức mạnh của mình, trước mặt đám con trai, cô con dâu nhõng nhẽo và mấy mẹ con con nhà quê, ông xăm xăm lên gác, chân nện thình thình xuống sàn gỗ lim.Thế nhưng, mọi việc cũng cứ diễn ra. Đám cưới vẫn ăn uống linh đình. Vẫn là tiền của ông bố. Vợ chồng An vẫn về sống ở căn phòng cũ của anh. Chỉ khác trước ở chỗ, bây giờ gia đình không ăn cùng buổi tối. Hai đôi vợ chồng mới ở tầng trên nấu ăn riêng hoặc đi ăn khách sạn. Hai anh con trai tiếp theo đòi chia tài sản rồi người đi mua chỗ khác, người xung vào lính tổng động viên chống đỡ chiến dịch Đông xuân của Việt Minh. Căn phòng của ông bố và cậu út bị hai bên lấn mất lối đi. Vào mỗi buổi, họ nấu ăn ở nhà thì khói ùa vào sặc sụa không thể chịu nổi. Sau nhiêu lần xô xát cãi chửi nhau, ông từ mặt cả hai và kéo thằng con út xuống ở tầng dưới. Ba mẹ con hắn dồn lại ở trong phòng chứa đồ. Ở chật, nhưng chúng được có bố, và mẹ chúng cũng như là có chồng. Lại thành một gia đình, ăn uống, tiêu pha, ngủ nghê cả ngày, cả đêm chứ không phải chỉ được ban phát từng lúc, từng bữa. Ba mẹ con hắn lấy làm mãn nguyện lắm. Ấy là vì cha hắn cũng như tất cả mọi người. Khi thù hằn với người này thì phải làm lành với người kia. Nó giống như nơi này có chiến tranh, thì nơi kia được yên hàn.Không hiểu ai đã dạy cho hắn, hoặc tự hắn nghiệm ra, mà hắn quyết rằng, ngày ấy khi tầng trên vỡ ra, thì tầng dưới được lành lại. Hai anh em hắn được cùng anh Ý đi dạo trên bờ sông Lấp dưới hàng cây phượng đỏ như máu. Được đi với bố là sướng, chứ sông Lấp ngày ấy thối ơi là thối. Lúc nước thủy triều dâng, sóng rào lên những rác rưởi và xác chuột, xác mèo, xác chó trắng phếu, trôi nổi lênh phênh ràn rạt kín hai bờ. Khi nước triều rút, cứt đái rác rưới đọng xuống như cô lại, bốc lên mùi thối làm tắc cả mũi người đi trên bờ. Còn ở giữa lòng sông, bao nhiêu là thuyền bè chết dí dưới bùn như những đứa trẻ dằn đít xuống đất ăn vạ. Từ đấy, khói tỏa ra cay xè và mùi húng lìu, madi rất "tàu" của các chú ba tàu, cộng với mùi cá tanh òm nhơm nhớp mặn, thành thử "mùi Hải Phòng" không thể nào quên được.Đấy là những ngày cuối cùng của tháng tám năm 1954. Quân Pháp từ các nơi kéo về khu tập kết ba trăm ngày. Đồng bào di cư từ Hà Nội, Hải Dương xuống, Bùi Chu, Phát Diệm kéo sang, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng ùn ùn đổ lên nằm ngồi, ăn uống, ỉa đái la liệt giữa nắng mưa ở các vườn hoa Nhà Kèn, Cây Cọ, bãi Bonnan, Sân Máy Đèn đến cửa Nhà hát lớn, các trường học cạnh ngõ Thối... Lính lê dương, lính Bảo hoàng lùng sục, thúc ép dọa nạt, dụ dỗ đồng bào giáo dân ghi tên theo "Chúa vào Nam". Những chuyến tàu thủy ngày đêm vào cảng chở người, máy móc, súng đạn. Các đoàn biểu tình của công nhân, của các viên chức và người lao động rầm rập kéo đi đòi Pháp phải thi hành hiệp định Giơnevơ, đòi chủ phải trả lương cho thợ thuyền.Hải Phòng như cơn sốt sôi sục cho đến chiều ngày mười ba tháng năm năm 1955, khi những người lính Pháp cuối cùng cúi mặt lê bước xuống tàu. Cả thành phố bừng đỏ màu cờ và tiếng reo hò đón bộ đội về giải phóng.Khi còn ở trong tù, hắn bảo rằng đấy là những ngày đầu tiên trong đời hắn có được những náo nức, sung sướng đến thế. Ba anh em hắn, mỗi người cầm một lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy, một tay giơ lên vẫy vẫy dù không ai trông thấy, một tay túm vào tay cha, chen chúc xô về phía Nhà hát lớn. Cha hắn là người có công tham gia đấu tranh với chủ chống phá kho, phá tàu trong cảng, được giữ nguyên chân bàn giấy làm việc cho ta. Ông dẫn ba người con nhập vào các đoàn người theo bộ đội đi mọi nơi từ sáng sớm đến tối mịt quên rằng mẹ hắn vừa ở cữ em bé thứ tư; thằng Cả chưa đầy một tháng. Hắn bảo mẹ hắn như một cái máy đẻ bằng điện. Cha hắn chỉ cần chạm đánh "tách" một cái là có thai. Chín tháng sau lại tòi ra một đứa, sòn sòn năm một.Ngày hồm ấy hắn đã "lục vấn" cha hắn – Lần đầu tiên hắn biết cha hắn vui, hắn mới dám hỏi. Đi đến đâu hắn cũng hỏi:— Cậu ơi sao Cầu Đất lại chỉ có đường nhựa?— Ờ, ừ...— Ngõ Cấm, mà người ta vẫn cho mình đi hả cậu?— Này. Thôi, túm chặt lấy tay. Tuột ra là lạc đấy.— Cậu ơi, cầu Rào này đến đêm người ta mới rào phải không ạ?— Không hỏi nữa. Sau này học sẽ biết.Sau này đi học, hắn có hiểu ra gốc gác những tên gọi rất vô lý của thành phố mình. Nhưng hắn vẫn chưa vỡ ra và cũng chưa kịp hỏi ai rằng: Tại sao sông Lấp vẫn còn nước chảy?Hắn đã vào tù. Cuộc đời nhà tù, và cuộc đời trộm cắp dài hơn cuộc đời đi học. Làm sao hắn hiểu được điều gì.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co