Truyen3h.Co

Thang Huyen Con Hau

Sau đấy ba ngày, ông lý Chả ôm cái mông mới lành đòn do lão châu trách phạt lết sang phủ huyện tạ tội với ông. Gã khóc lóc thảm thương rồi lạy ông như lạy thánh, mồm phều phào thề thốt từ nay về sau sẽ không dám vượt mặt ông hớt lẻo với quan trên nữa. Ông huyện lúc đó - nghe thằng con bà bếp kể lại - hả hê ghê lắm, cứ ngồi ưỡn ra ghế cười lên ha hả, vừa cười vừa lấy gậy gõ gõ lên đầu ông lý mà rằng; mày ấy à, muốn khôn lỏi với ông, chờ sáu mươi năm nữa nhé, đến lúc đó ông rụng hết răng, đơ hết lưỡi, họa may mày mới có đất múa mồm.

Mà tính ra cái mồm của ông đúng là lợi hại thật, bởi vì lúc sau không hiểu khua múa thế nào, ông huyện lại khiến ông lý nhà ta ngoan ngoãn sung vào "quỹ công" thêm mười quan nữa. Trước lúc ra về, ông lý thẽ thọt xin với quan nhà; vì đợt này Thanh Ba phải thu ít sưu đi, đức ông tri châu có vẻ không hài lòng mấy, đã lệnh cho lý giáp phải liệu cách từ lũ già neo đơn và đàn bà góa mà gom thêm cho đủ ba trăm quan bị hụt, làm mà không xong, cả đám no đòn, quan lớn hãy thương tình mà nói đỡ với ông châu vài lời...

Nghe bảo cuộc chuyện vừa xong, ông huyện nhà ta đã nhảy đỏng lên như đàn bà sắp đẻ, gí tay vào mặt lý Chả mà mắng thế này. "Tiên sư bố nhà mày, lại tính giở ngóe với ông đấy à? Đem chuyện quan lớn dặn riêng kể hết ra đây rồi dụ ông sa vào, ba trăm quan ở mỗi làng Ẻn sẽ dây sang cả huyện? Ông chẳng có ngu mà dây vào. Đây là họa do mày gây, tự mà về lo lấy! Đừng có mong bẫy ông sa lầy!"

Thế rồi ông lý lủi thủi ra về trước con mắt hả hê của ông huyện. Bọn lính lệ bảo nhau, lần này ông huyện phởn rồi! Vừa trả thù được thằng lý hớt lẻo, thu non của nó tận mười quan, vừa xoay được quan to đẩy cái việc khó sang bọn lý giáp trong làng, bản thân thì cứ ễnh bụng an nhàn chờ thu sưu đợt khác, phởn mà phải biết...!

Mỗi lần nghe đến đây Trinh lại thở dài, đầu lắc lư khe khẽ. Phởn cái nỗi gì? Phải ông mà phởn, bữa cơm đêm đó ông cũng không bỏ dở lúc mới non nửa bát, chỉ toàn uống rượu suốt thôi. Ông buồn, nàng biết, buồn cái sự gì, nàng cũng lờ mờ đoán ra. Mà nàng ngờ ông có biết nàng đoán ra, mới gọi nàng lên hầu để có người đồng cảm. Kể ra số nàng cũng may rủi đan xen, rủi vì uất ức mà câm, may vì bị câm nên ông huyện chẳng chút mảy may đề phòng, nhiều lúc say quá đã lộ ra cảm xúc thật.

Tựa như cuộc chuyện trò lúc ấy vậy.

"Hứ! Lũ già neo đơn và đàn bà góa... Quan đố cô Trinh nhé, cớ gì bọn nó lại chọn hai lứa người ấy?" mắt lờ đờ, ông huyện nghiêng ngã vung bát hỏi to.

Trinh nhúng tay vào chén toan viết lên mặt sập đáp án của mình, lại ngó đến cái vẻ ngắc ngư của ông, đoán chừng ông cũng chẳng đọc được nữa, bèn lôi tay ông ra viết thẳng lên ấy.

"Vì họ lứa thì không con, lứa lại không chồng, trong nhà không có trai đinh để sinh uất mà mưu phản."

"Giỏi lắm!" ông cười to, vơ lấy bình rượu rót luôn cho nàng đầy cái chén con, đoạn ghé sát mặt nàng lừ đừ hỏi nhỏ. "Cô nói xem, con chó già đấy ăn gì mà khôn thế?" 

Nàng chưa phản ứng, ông đã gục xuống sập đập đầu bộp bộp. "Ngu! Ngu quá đi mất! Uổng cho mày bao năm đèn sách, lại chẳng khôn bằng thằng con buôn vô học! Nghênh ngang tự phụ vì đã trên nó một con cờ, vừa xoay đầu đã bị nó ăn hết ván! Đến ba trăm quan! Phen này thì tôi phải tội với các cụ đơn chị góa rồi, giời ạ..."

Âm thanh chát chúa của sọ người liên tiếp nện vào vào mặt gỗ khiến Trinh lạnh xương sống, đưa tay níu lấy thì ông lại bị gạt ra. Bí quá, nàng nhét luôn tay mình xuống chỗ ông đang đập. Bộp một cái, Trinh tưởng nó đã muốn gãy đến nơi, đau quá chừng mà vẫn cắn răng chịu đựng chẳng dám rút. Mạnh như thế, còn để ông nện lên gỗ nữa thì hỏng luôn óc mất.

Ông huyện đập liền ba cú lên tay nàng thì chợt dừng, mặt ngỡ ngàng nhổm đầu lên nhìn xuống bàn tay đỏ tấy như vật lạ hiếm thấy, lúc sau còn ngơ ngẩn vuốt nắn ra chiều thương xót lắm...

Vẫn tư thế gập người trên sập như kẻ tội đồ quỳ lạy đấng Thế tôn, ông lặng đi một hồi, đoạn trở cơn loạn trí áp môi xuống hôn nhẹ.

Trinh rùng mình.

Có giời mới biết ngay thời khắc môi kẻ cao sang chạm tay người tôi đòi ấy, trong bụng đứa gái trẻ đã nảy lên bao nhiêu sự rộn ràng; cái sự rộn của tim, của gan, của dòng máu xuân ngời sục sôi trong huyết quản. Trinh chưa ý thức được nó là gì, song cũng lờ mờ hiểu ra loại cảm giác này không hề đơn giản. Nàng muốn rụt tay về, lại chẳng biết cớ gì làm mãi không xong, chỉ biết ngẩn ngơ nhìn người đàn ông sang quý kia tỳ mũi và môi lên tay mình hít hôn nhè nhẹ, cẩn thận trân quý như người mẹ thương con trẻ mới sinh.

Chừng vã cơn mê say loạn trí, ông huyện mới lảo đảo ngồi thẳng dậy, má đỏ hồng như muốn báo cho kẻ xung quanh cơn đói tình của quan ông vẫn còn chưa đẫy. Ông dùng vẻ mặt tiếc rẻ buông tay nàng ra, gượng gạo nói nhỏ.

"Cô Trinh tha cho, chỉ vì... đã lâu rồi không ai thương cho cái thân tôi như vầy..."

Dạ Trinh khẽ lung lay. Đúng rồi, ông là thằng huyện tham lam khốn nạn cơ mà, đến cả u ruột còn đang tâm vứt bỏ lúc bệnh hoạn, thì có ai mà xót cho chút thịt vêu trên trán?

Nghiêng người nắm lấy bàn tay siết chặt của ông, nàng dịu dàng gỡ ra từng ngón, đoạn viết luôn một tràng.

"Sự đâu còn có đó, quan ông đừng vội nản lòng. Mấy vạn quan cả một guồng chúng nó gian tham, ông còn mưu toan xén giảm đi được, sá gì vài trăm bạc lẻ?"

Ông huyện không nói gì, chỉ chăm chăm nhìn nàng như kẻ tình si thình lình bị bỏ ngải. Nàng thấy ngại nên muốn rụt tay về, lại bị ông nắm chặt, ghì siết.

"Hóa ra cô Trinh biết hết thật."

Nàng bình tĩnh gật đầu.

"Vì sao?" giọng ông hơi vỡ òa, bàn tay siết lấy nàng cũng bắt đầu run rẩy. "Đến u tôi và các anh còn chẳng chịu tin...!"

Nàng lắc đầu, bên tay rỗi đưa lên chỉ vào môi, xong lại chỉ vào ngực ông và tai mình, đầu gật nhẹ, miệng mỉm cười hiền dịu.

Chẳng nhìn ra cái chữ gì, thế mà rượu lại khiến ông huyện của chúng ta tưởng tượng ra nàng Trinh đang cất giọng ôn hòa. "Con tuy câm, nhưng không điếc, tai vẫn nghe được điều tim ông thổn thức."

Rồi ông nghe rõ ràng tiếng nàng buông ra thật.

"Nó gào khóc với con rằng. 'Tôi là một thanh quan!'"

Đêm đó trăng tàn, chỉ có lòng người chợt khẽ khàng le lói, rọi lên dáng hình thằng huyện Thanh Ba sà vào lòng con hầu òa ra nức nở.

Đêm đó, có hai đứa câm trọ trẹ tập nói trong mơ.

Giấc mơ về một đất nước thanh bình sạch bóng quân Minh, không có người bắt tội hai chữ "trung, trinh;" và không cần đến con hầu, thằng huyện.

.

.

.

Từ cái hôm nàng Trinh mở miệng nói lần đầu tiên sau hai năm dìm mình trong uất lặng, cuộc đời dường như đã thay một lớp áo mới cho thằng huyện, con hầu. Ông huyện nhìn đâu cũng thấy hoa tươi, nét cười nơi đuôi mắt càng sâu hơn một chút. Chớ nhầm, ông cũng chẳng nhân từ hiền hậu thêm tẹo nào đâu. Án to án nhỏ trình lên, ông vẫn chễm chệ ăn trốc ngồi trên làm cha thiên hạ. Thằng nào nghèo quá không bòn được gì thì ông tha, chỉ xử qua loa cho có lệ, mấy đứa răng vàng nhẫn ngọc áo quần xênh xang mà dại dột lạc vào phủ ông thì chỉ có chết, ông vắt nó kiệt còn hơn vắt cái cổ chày.

Ví như cái sự thuế má đánh trên đàn bà góa và các lão vô tự năm đó, ông ngẫm nghĩ vài ngày rồi lại gọi ông lý lên dạy. "Ông sẽ giúp mày bình an qua khỏi nạn này, nhưng thừa ra bao nhiêu, mày phải nhường ông tám phần."

Chờ ông lý đau khổ gật đầu, ông mới tiếp.

"Kế của đức ngài tri châu rất hay, nhưng còn có chỗ thiếu sót. Ví như thuế được ban ra, vì để trốn tránh thì đám con góa sẽ đi lấy chồng, mấy lão ông sẽ đi nhận con thừa tự. Chưa biết chừng... chúng lại lấy nhau để bà được chồng ông được con của vợ, thế là có thể vẹn cả đôi đàng. Chuyện thành thế thì chúng ta công cốc! Đấy là chưa nói đến cái đám không chồng không con ấy chắc gì đã có bạc cho ta bòn? Không khéo dây vào cũng chỉ tốn hơi. Thôi thì ông sẽ trình với quan lớn thế này, nhân việc đám tang của phu nhân ông Đô chỉ huy sử ti, toàn dân Thanh Ba ngoài để tang ra còn phải đề cao thân phận vợ cả của bà qua việc gom tiền cúng tế. Chúng ta vì thế phải đánh thuế trên đám bà lẽ nhà dân, mà theo đạo vợ chồng, các ông phải là người nộp thuế cho các bà mới đúng lẽ. Mày cứ đánh cho cao vào, một quan ứng cho một bà lẽ, càng nhiều bà lẽ thì thuế nợ càng nhiều."

"Bẩm ông, một quan có nhiều quá không ạ? Nhỡ đâu nhà nó nghèo, ta thu lại cực..."

"Mày ngu quá thằng lý ạ! Đời này có thằng nghèo nào đi lấy nhiều vợ không? Lấy về để mà nai lưng ra nuôi cho chết à? Chỉ có cái đám bá hộ, phú ông, mới có cái tài đó con ạ. Mà với mấy thằng đấy, vài quan đã là bõ bèn gì? Mày cứ việc thu mạnh tay vào! Huống hồ, kẻ giàu có trong huyện không đầy ra như đám dân đen nghèo kiết, chẳng thu nhiều cỡ đấy thì năm nào mới mót đủ ba trăm quan?"

Ấy thế là người ta trông thấy mắt ông lý Chả sáng ra, ông gập người như quyển sách lạy tạ ông huyện rồi vội vã ra đình bàn việc thu gom với các ngài chức sắc.

Tối hôm ấy lúc ngồi cạnh bên mài mực cho ông huyện vịnh thơ, Trinh đã viết lên giấy một câu hỏi vu vơ; quan ông không sợ các ông giàu sang ấy... vì trốn thuế nên bỏ vợ hay sao?

Ông nhìn nét chữ mềm như liễu trên trang giấy Yên Thái phẳng phiu mà trong ruột khẽ ngăn nhúm lại. Ông muốn lấp liếm với nàng bọn giàu sang sẽ không keo kiệt đến thế, vì một quan tiền mà bỏ luôn vợ. Nhưng rồi ông cũng chỉ chững bút nhìn nàng mà nặn mãi không ra lời, bởi ông thừa hiểu việc đời khó nói trước, đâu đó sẽ tồn tại những giống người trọng một quan hơn cả vợ mình.

Cuối cùng, chỉ đành hạ bút viết bên cạnh câu hỏi của nàng.

"Thời thế nhiễu nhương, đôi đường khó vẹn, đã vào quan trường, tránh không khỏi tội, chỉ có thể chọn phần tội nhẹ hơn mà làm."

Ông thấy nàng cười, đầu chậm rãi gật nhẹ đầy cảm thông, nâng bút lên viết tiếp. 

"Vâng, con đã hiểu rồi. Nếu có thể vẹn cả đôi đàng, thanh quan đã không cần tự vẫn, hoặc khoác vào cái vỏ tham quan." 

Ấy rồi ông cũng cười theo.

Nàng hầu của ông, tri kỷ của ông...

.

Người ta thấy ông huyện nha càng ngày càng mê con hầu gái, thu thuế tô gì đều dắt thị đi theo. Này lọng thếp võng đào, này thoa vàng trâm ngọc, nom thị càng lúc càng ra dáng cô bà mấy con đào điếm, trông ghét không chịu được. Đúng là một cặp đôi vô liêm sỉ.

Cơ mà... có một sự thật khó lòng chối bỏ; chúng xứng đôi thôi rồi.

Trai anh tuấn, gái mỹ mạo, kèm với mão áo cao sang, trông chẳng khác nào một đôi thần tiên quyến lữ.

Có ông học trò áo vải thấy gai mắt bèn lén lút giễu cợt rằng.

"Thằng huyện, con hầu, quả xứng đôi!
Đứa hầu nằm ngửa, đứa hầu ngồi.
Xênh xang áo mũ cho là quý
Đào điếm trong phường, cũng thế thôi."

Bài thơ ấy được giới nho lâm trong vùng cho là tuyệt tác, đem sao ra phân phát cho những kẻ có chữ khắp nơi. Đến một ngày rơi vào tay ông huyện, người ta thấy ông cầm nó bò lăn ra sập mà cười.

"Ông sĩ, ông trò, quả xứng danh!
Công tước không tranh, lợi không giành
Vận nước mỗi ngày than mấy gánh
Gom về đè chết lũ giặc ranh."

Đợi cho mực khô hẳn, ông huyện bèn đưa tờ giấy bản đến trước mặt nàng hầu của mình nhờ đề tựa. Nàng trầm tư một lúc, đoạn cười mỉm hạ bút liền một dòng bốn chữ, "Nhàn sĩ làm trò."*

(Bốn chữ này có hai nghĩa: 1. Sĩ tử nhàn rỗi không phải thi cử công danh nên về quê tiếp tục làm học trò; 2. Sĩ tử rảnh rỗi nên kiếm chuyện làm trò cười mua vui cho thiên hạ."

Ông huyện lại càng hềnh hệch cười to, vừa vỗ đùi đen đét vừa khoái chí cảm thán. "Hay, hay lắm! Sĩ tử nhàn rỗi làm trò! Quan thật oán hận cao xanh vì gặp được Bá Nha* quá muộn!"

(*Lấy trong tích Bá Nha - Tử Kỳ, ý ở đây là ông huyện ví nàng Trinh như người tri kỷ.)

Đấy cũng chẳng phải lời nói sáo của người có học. Càng ở bên nàng, ông càng tiếc rẻ những năm tháng nàng chẳng ở bên. Nhất là tám năm trời hầu giặc, bị người ta nhấc khỏi hàng ông ném xuống hàng thằng. Nhục quá, có đôi lúc muốn thắt cổ chết quách cho xong. Đến những khi bị người thân không tin tưởng rồi cấm tiệt về nhà, họ tộc xung quanh vì căm ghét mà đập toi con chó nuôi trong phủ; đuối lòng, ông thật muốn cam tâm sa ngã, lôi cái đám vô ơn ấy ra chém hết cho thỏa nỗi uất oan. Nhưng rồi ông nhớ đến người thầy mệnh bạc, đến những xác đàn bà lõa lồ trên sông ngày giặc Minh tràn vào huyện mình, đến ánh nhìn dài dại của những đứa trẻ thơ khi ngó lên xác thầy, thây mẹ... ông lại thôi. 

Có nàng rồi, ông mới thấy gánh nặng trong lòng nó nhẹ đi nhiều lắm. Ông thấy mình giễu làm sao khi căm hờn những đứa chẳng biết gì, dại thế nào khi lắm lần muốn đi tự vẫn. Đây là con đường ông đã chọn, dù nhuốc dù nhơ thế nào cũng phải gắng đi cho bằng hết, ấy mới không phỉ mặt làm trai, dẫu ông biết ngài mai chết đi sẽ đeo mang tiếng nhơ ngàn kiếp.

Có giời mới biết, đã lâu lắm rồi, ông mới có lại tráng chí này, cái loại tráng chí khốn đời mà không kẻ sĩ nào đủ gan gánh đỡ.

Sự tin tưởng của nàng Trinh khiến ông như thoát được tội nợ.

Thì ra... được người hiểu mình, con người ta có thể kiên gan như vậy.

Ông thích chọc nàng cười, lại càng vui hơn khi nàng khóc. Cái thú vui nghe thoáng thì hoang đường, bệnh hoạn làm sao; nhưng quả thật là thế. Bởi lẽ ông biết rõ, mỗi lần nàng rơi lệ trước mặt mình, đều vì thương, vì xót cho cái thân thằng huyện. 

Được người ta thương xót, ông đắm, ông mê; bởi tám năm ngụp lặn trong bùn nhơ chán chê, ông đói cái tình người ghê lắm.

Thằng huyện Thanh Ba, từ nay đã có người thương xót rồi nhá!

Rồi ông lấy cái sự vui thầm kín ấy ra hống hách với đời, đi đường càng vênh mặt nghênh ngang hơn một chút. Ông thách chúng mày căm, thách chúng mày hận ông đấy! Căm sâu, hận dày cho thậm vào, ông đây cóc sợ! Ông mà về đến nhà ông rồi, lại có người đổ ra xót cho, nào xoa, nào vuốt, nào sụt sùi thương cảm, sướng mà phải biết. Chúng bây có giỏi thì cứ thử oán chết ông xem?!

Đêm đêm, ông lại ngồi trên tấm phản sau nhà kể cho nàng nghe những việc tốt mình đã làm trong bóng tối, nào vơ vét lượng thuế sưu bị đám lý giáp ăn tham, nào đem phần lớn của ấy vờ thua vào những canh bạc thâu đêm trên nhà thằng cai tuần Vi Đại. Ông thừa biết thằng đấy vốn người của họ Nguyễn Vi cài vào đình hóng chuyện vụn vặt, người nó lại nhân đức hiền từ nên thể nào cũng bố thí hết của bất hảo lại cho đám dân đen. Ông chỉ mong có thế.

Rồi đến mấy mẩu chuyện hoang đường về "đạo quan trường" mà ông phải gánh, như cái đám quan to trên ông chẳng hạn. Để yên lành mà vơ vét lũ lý giáp quan con, ông vừa phải tỏ ra vô lại cho có vẻ hợp cạ hợp bầy, vừa trích ra một phần của tham để đấm vào mõm chúng nó. Nước nhà đang buổi bị xâm lăng, đút tiền cho giặc không vẫn chưa đủ, còn phải tỏ ra trung thành tận tụy. Mà chữ trung này phải được thể hiện rõ ràng nhất qua việc làm ác với chính dân mình.

Nói đâu xa, ông huyện Thanh Ba vốn nổi danh hung ác đây này, ngày nào mà chẳng thấy ông vung gậy đánh dân? Năm nào mà chẳng thấy ông bịa ra một đống sưu vặt để thu dần? Ừ thì đánh chẳng mấy đau, đóng chẳng mấy tiền, nhưng phải đòn và thuế quá nhiều lần, dân nó thấy phiền nên oán. Người quê mà, cứ thấy số cao thì cho rằng nhiều, cứ bị khẽ nhiều thì cho là ác, chứ có bao giờ chịu động tim động não suy sâu cho nhờ...?

Nếu như họ có, đã phát hiện ra cái tiếng dân Thanh Ba khó thuần, huyện Thanh Ba thuế thu khó vẹn, vốn chỉ xuất hiện từ tám năm trở lại đây thôi.

Mỗi lần ngẫm đến đây, nàng Trinh lại nhoẻn cười khen quan ông tài quá. Nàng tuy đã nói được, song vẫn rất kiệm lời, giao tiếp thường ngày với ông phần lớn vẫn bằng con chữ; thế nên nghe đến lời khen nỉ non mềm mại đó bật ra trên môi, ông huyện sướng tê người, cứ như học trò dốt lâu ngày được thầy khen hay chữ ấy, nó kỳ diệu gì đâu...  

Cuối cùng thì ông cũng là bậc anh hùng trong mắt một người rồi...! 

Đời làm thằng, có sự nào nó vui bằng thế?

Cái thòng lọng vẫn quấn hờ trên xà ngang buồng ngủ kia, có lẽ cũng đến lúc tháo xuống rồi...


~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Tui đã nghĩ rất nhiều về thời điểm để nàng Trinh bập bẹ nói lời đầu tiên sau hai năm uất oan cha mà câm nín, ban đầu tính nhét nó vào thời điểm hai nhân vật bày tỏ tình cảm của mình với nhau, tự đắc rằng hình ảnh vẽ ra trong đầu lãng mạn lắm.

Nhưng viết đến đoạn thằng huyện lần đầu tiên khóc òa trong lòng nàng hầu của mình, tui lại thấy để ở nơi kia sao mà nó tục, nó thường... nên cuối cùng, lại nghe theo con tim đưa nó về cảnh này.

Thằng huyện, con hầu, bấy lâu đều là những kẻ câm trước miệng đời thối nát, trước gánh nặng đạo đức nho gia. Trinh câm tiếng, ông huyện dù nói năng bẻm mép, nhưng lại chẳng thổ lộ được nỗi lòng cùng bất cứ ai, khác nào một thằng câm? Thời khắc mà cả hai kẻ câm cùng "lên tiếng" trước người tri kỷ, tui thấy là phân đoạn tui đắc ý nhất trong suốt truyện.

Đây là câu chuyện ngoài cái mác "tiểu thuyết tình cảm ba xu," tui còn gắng lòng vun vén cho một chút nhân văn, một chút giá trị của con người thời đó, mượn câu chuyện cổ để phản ánh hiện thực bây giờ. Hy vọng đọc hết rồi, bạn đọc có thể nhẹ tay tăng từ ba xu lên bảy. Tiểu thuyết bảy xu, nghe cũng oai vãi cái linh hồn. :p

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co