Them Mot Co Hoi De Yeu Anh Dam My
"Ngọn sóng lớn đã mang em tới.
Những lời, bất cứ lời thủ thỉ nào hay cả tiếng cười của em; em đẹp một cách thật biếng lười và không dứt. Ta trao nhau lời tâm sự và rồi em đã bỏ quên chúng.
Ánh bình minh tan vỡ tìm thấy anh, nơi con phố vắng, trong thành phố của chính anh Em ngoảnh mặt đi, những thanh âm khe khẽ đặt tên cho em, vẽ du dương cho tiếng cười của em: đó là những gì bóng bẩy của món đồ chơi mà em để lại cho anh.
Anh lật giở chúng ngay dưới bình minh, anh đánh mất chúng, rồi anh lại tìm được chúng; anh kể về chúng cho mấy con chó hoang và vài vì sao lạc trong ánh hừng đông.
Cái cuộc đời phong nhiêu tăm tối của em...
Có lẽ bằng cách nào đó anh phải chạm tới em: anh cất đi những món đồ chơi bóng bẩy em bỏ lại đây, anh muốn chiêm ngưỡng dáng vẻ ẩn giấu trong em, nụ cười thật của em – nụ cười cô độc, giễu cợt mà chỉ tấm gương của em mới biết" Trích: Two English Poem - Jorge Luis Borges (1934)
Bên tai, giọng đọc trầm thấp của người đàn ông cứ vuốt ve mãi thính giác của Trúc Tranh, anh bất giác muốn chạm tay vào vài trang giấy lốm đốm ướt đặt trong lồng ngực người nọ. Bài thơ anh yêu thích, nhiều năm rồi anh chưa từng giở lại nhưng từng chữ vẫn như in hằn trong trí óc của anh. Những trang giấy ố vàng nhưng Phượng Vi Kính vẫn còn giữ lại cho dù bài thơ ấy hắn đã nằm lòng. Không biết hắn đã đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần, Trúc Tranh biết hắn đang đọc cho người nằm trên giường bệnh nghe. Khuôn mặt người ấy tái nhợt, hốc hác, đôi môi trắng bệch màu của bệnh trạng, mái tóc đã dài lâu không cắt tỉa, bệnh ung thư dạ dày gần như đã cướp đi một nửa mạng sống của anh. Mắt người ấy nhắm nghiền như thế đã được 7 năm ròng, mà họ dày vò nhau cũng đã 12 năm không kém. Hay phải nói chỉ 5 năm họ dày vò nhau, 7 năm sau đó là Trúc Tranh đang hôn mê trên giường bệnh dày vò Phượng Vi Kính. Cái tự tôn dối trá của Trúc Tranh khiến sức lực cả hai như đã cạn kiệt nhưng ngoài việc hối hận suốt 7 năm sau khi hôn mê anh chẳng thể làm được gì khác nữa. Gần 4 năm sau khi anh quyết định chung sống cùng Phượng Vi Kính, có lẽ đó là khoảng thời gian vừa đẹp lại vừa tệ nhất trong cuộc đời của cả hai người. Trúc Tranh chỉ một lòng muốn trả thù, muốn dày vò trái tim của hắn, mà Phượng Vi Kính, lại chỉ lẳng lặng chịu đựng sau đó dịu dàng mà dỗ dành anh. Thậm chí, hắn còn chẳng được phép chạm một ngón tay vào người Trúc Tranh, anh đã từng cho rằng, cách trả thù của mình thật hiệu quả.Và anh đã đúng, sự trả thù này còn đau khổ hơn cả việc Trúc Tranh từ chối tình cảm của Phượng Vi Kính, thứ gọi là cái tôi của anh quá lớn khiến anh còn chẳng nhận ra rằng anh đã vô tình yêu Phượng Vi Kính từ bao giờ. Nhưng giờ phút này đây, Trúc Tranh yên lặng ngắm nhìn Phượng Vi Kính, khao khát muốn chạm vào hắn nhưng anh chẳng còn gì ngoài thân xác trống rỗng duy trì bằng máy thở trên giường bệnh và một thứ linh hồn mà có lẽ thượng đế đã để lại cho anh để anh tự dằn vặt suốt quãng thời gian mà anh còn lại ký ức của đời này.Trúc Tranh dưới dạng linh hồn cũng tròn 7 năm. Từ sau khi phẫu thuật chữa trị căn bệnh ung thư dạ dày, phòng bệnh này hai ba ngày đầu còn may mắn một vài họ hàng xa tới tham dự thì 7 năm này cũng chỉ có Phượng Vi Kính tới thăm Trúc Tranh đang hôn mê trong phòng bệnh kia. Đều đặn, tối nào Phượng Vi Kính cũng tới, đọc cho anh bài thơ anh yêu thích nhất, kể cho anh nghe một ngày hắn làm những gì, những bức tranh anh vẽ hắn lưu giữ, chăm sóc chúng còn cẩn thận hơn cả anh. Mà Trúc Tranh, suốt 5 năm trời, lòng tự tôn rách nát của anh chà đạp lên thứ tình cảm mà anh cho là rẻ tiền của Phượng Vi Kính. Những bức vẽ tự anh cho là rất giá trị nếu chẳng nhờ Phượng Vi Kính thì những buổi triển lãm sẽ không ma nào thèm đến xem. Chẳng qua tất cả chỉ là vỏ bọc cho sự tự ti mà Trúc Tranh đang cố để giấu giếm, nhiều năm liền anh vẫn tự cho mình là đúng, cho rằng bản thân anh chỉ là kẻ thay thế của Mộc Thư trong lòng Phượng Vi Kính. Trúc Tranh cố sức che đậy tự ti trong lòng bằng những lời chửi rủa cay nghiệt dành cho Phượng Vi Kính, bằng những cuộc chơi thâu đêm chẳng về cùng với lũ bạn mà chính bản thân anh cũng biết họ chẳng ra gì, nhưng nơi sâu thẳm nhất trong trái tim là cảm xúc gì thì cái lý trí rách rưới của anh chẳng bao giờ muốn tìm tòi đến. Chỉ cho tới khi hơi thở của Trúc Tranh duy trì bằng máy móc, bản thân chỉ còn là thứ linh hồn du đãng, ròng rã 7 năm trời theo Phượng Vi Kính, nhìn hắn lau mình cho cái thân xác không hồn xấu xí trên giường bệnh, mỗi tối đọc cho nó nghe bài thơ mà nó yêu thích nhất, duy trì sự sống cho nó mặc dù biết suốt đời nó sẽ chẳng tỉnh lại hay một nụ hôn nhẹ nhàng lên má nó tạm biệt vào mỗi buổi tối trước khi hắn trở về nhà, chỉ khi ấy, Trúc Tranh mới nhận ra, anh khao khát được mổ xẻ trái tim cho Phượng Vi Kính thấy hết thảy những tự ti, những suy nghĩ, những cảm nhận mà anh giấu thật sâu, thật sâu, mà lòng tự tôn của anh không cho phép một ai được biết. Thế nhưng, đã muộn. Có lẽ ai đó đã cố tình trừng phạt anh chăng? Trừng phạt anh bằng cách còn đau đớn hơn cả xuống địa ngục, bằng cách bắt anh tự dày vò bản thân một mình, bằng cách không cho anh bày tỏ với người anh yêu ở ngay trước mắt. Đấng tạo hóa tạo ra con người nhưng ngài thật công bằng, cũng thật độc ác. Ngài bắt con người phải trả giá cho việc được sinh ra và trưởng thành bằng cách ban cho con người hỉ nộ ái ố, thứ mà ngài gọi là cảm xúc. Thứ mà đôi khi khiến cho con người thấy vui vẻ, hạnh phúc, thấy được yêu thương nhưng hẳn là lắm khi nó lại đẩy con người rơi vào đau đớn, khốn khổ, loại khốn khổ mà không phải chỉ vùng vẫy là có thể thoát ra được. Trúc Tranh biết linh hồn thì chẳng thể rơi lệ, anh có thể bằng cách nào để bản thân mình bớt đau đớn hơn không? Hay là bằng cách nào khiến Phượng Vi Kính bớt đau đớn hơn không? ---------------------------------------------------------------------------------- Đồng hồ điểm 9 giờ 20 phút tối, người đàn ông trên giường bệnh co giật mạnh mẽ, máy móc đo nhịp tim vang lên cảnh báo liên hồi đánh vào lồng ngực hai kẻ tổn thương. Trúc Tranh đã ra đi trong buổi tối mưa phùn ấy, linh hồn của anh có lẽ cũng phải ra đi, anh chỉ mong rằng hết thảy sau này hay kiếp sau hay hàng ngàn kiếp nữa, Phượng Vi Kính sẽ luôn luôn hạnh phúc, không còn đớn đau và đừng bao giờ gặp Trúc Tranh trên đời một lần nữa, một đời khốn khổ có lẽ là quá đủ rồi. .... Cậu trai lười biếng nằm dạng tay chân trên giường, ánh nắng trưa hè gay gắt màu vỏ quýt chiếu lên đôi mắt ương bướng vẫn đang gắt gao nhắm nghiền. Ngoài cửa, tiếng gõ vang lên liên hồi không dứt " Tiểu Tranh, Tiểu Tranh, đã 11 giờ rồi cháu nên dậy thôi " Đôi mày thiếu niên nhăn lại thành một đoàn, cánh tay che đi cái nắng mặt trời, từ từ mở mắt. Trúc Tranh chớp chớp đôi mắt quen với ánh sáng mặt trời thầm nhủ "Thiên đường chăng?" Nhưng tiếng gõ cửa quá chân thật, chân thật đến mức khiến con người ta phát cáu, lơ mơ xuống khỏi giường tới mở cửa. Bên ngoài, một người đàn ông đã ngoài 50, gương mặt hằn lại dấu vết phúc hậu của thời gian, thấy cậu trai đã tỉnh dậy, ông cười hiền từ : "Xuống ăn trưa thôi nếu cháu không muốn hành hạ dạ dày của chính mình" Nói rồi ông quay người đi xuống dưới tầng. Quản gia Tiết? Trúc Tranh mắt nhắm mắt mắt mở suy nghĩ trong đầu rồi lẩm bẩm "Lên đến thiên đường rồi vẫn còn bị ông ấy gọi dậy sớm" Rồi mặc kệ mà lên giường định tiếp tục giấc ngủ của mình. Xúc cảm nệm giường mang lại quá thoải mái, quá chân thật tới mức chỉ vài phút sau anh mở bừng mắt, trừng nhau với trần nhà vài giây Trúc Tranh bật dậy quay đi quay lại nhìn xung quanh, là căn phòng của anh hồi còn ở nhà cũ! Ồ, thì ra thiên đường còn ban cho người chết một căn phòng lại còn rất tri kỷ khi căn phòng giống hệt như phòng cũ của anh. Trúc Tranh ngẩn ra, vứt suy nghĩ vớ vẩn ra sau đầu loạng choạng nhảy xuống giường một lần nữa, chạy ra mở cánh cửa phòng. Cái hành lang ngày bé anh tập đi ngã dập mông bao nhiêu lần sao mà anh không nhớ, vội vã chạy xuống tầng, bóng dáng Tiết quản gia bận rộn trong bếp có lẽ cả đời này anh cũng chẳng thể quên được, nhưng lý trí nhắc anh rằng anh chỉ vừa mới chết. Tiết quản gia thấy Trúc Tranh vẫn còn bần thần ở trên cầu thang liền với tay vẫy vẫy anh "Tiểu Tranh, trưa nay có bánh bao nhân gạch cua cháu thích nhất" Trúc Tranh trợn trừng mắt, vài cọng tóc không nghe lời vểnh lên lắc qua lắc lại trông đến là buồn cười, liền mở miệng " Bác nhìn thấy cháu à?" Quản gia Tiết dừng lại một hồi, khó hiểu ngước lên hỏi anh " Sao ta lại không thấy cháu được? Mau xuống ăn thôi không có dạ dạy cháu sẽ bị chính cháu làm hỏng mất" Trúc Tranh giơ hai tay sờ soạng cơ thể mình bất giác hỏi "Bác cháu mình đang ở đâu vậy? Thiên đường ư?" Tiết quản gia không kiên nhẫn được nữa liền đi lên kéo anh xuống, tiện thể lảm nhảm "Đang ở nhà chứ sao nữa, cháu ngủ nhiều quá có lẽ trí thông minh bị ảnh hưởng rồi" Ngồi lên bàn ăn, Trúc Tranh vẫn thẫn thờ xử lý hết nửa nồi bánh bao gạch cua, thêm cả một bát cơm với thịt hầm dưới ánh mắt tha thiết của ông Tiết rồi lại thẫn thờ bị ông đuổi lên phòng. Ngồi trên giường, những dòng suy nghĩ và ký ức đan xen nhau chảy trong đầu Trúc Tranh như đèn kéo quân, anh vẫn nhớ rất rõ, sau khi anh phẫu thuật dạ dày và hôn mê được nửa năm, Tiết quản gia đã ra đi bởi căn bệnh ung thư não, Trúc Tranh vẫn nhớ như in ngày tang lễ ấy nhưng hiện giờ ông ấy lại đang khỏe mạnh mà bận rộn việc nhà cửa. Sau khi cha mẹ qua đời bởi tai nạn leo núi năm anh 14 tuổi, quản gia Tiết dường như đã trở thành người thân duy nhất của anh. Hàng ngàn câu nghi vấn quay cuồng khiến Trúc Tranh không cách nào bình tĩnh lại được nhưng anh biết, đây không phải là thiên đường. Trúc Tranh vội vã đi tìm điện thoại, cuối cùng anh lấy được nó ngay dưới gối đầu. Hình nền điện thoại hiện lên, là vài dòng trích từ bài thơ anh yêu thích, anh đã để hình nền này nhiều năm rồi. Lướt qua ngày tháng trên điện thoại, Trúc Tranh sững sờ, là ngày 8 tháng 9 năm 2010. Trúc Tranh nhớ như in, là hai năm trước, trong một buổi đấu giá từ thiện, anh gặp lại Phượng Vi Kính. Trước kia Trúc gia cũng coi như dòng dõi thư hương, là gia tộc lâu đời nên hẳn những buổi xã giao như đấu giá từ thiện Trúc Tranh sẽ đúng phận sự mà tới. Anh biết Phượng Vi Kính rất rõ, con sói đầu đàn nhà họ Phượng, uy quyền của hắn gần như đứng đầu chỉ sau Phượng lão gia, con cháu danh gia vọng tộc nào cũng phải cúi đầu trước hắn, hay còn có thể hiểu Phượng Vi Kính như kẻ đứng đầu trong chuỗi thức ăn, không ai là không biết tới hắn. Trúc Tranh từng gặp qua Phượng Vi Kính vài lần, cảm xúc của anh dành cho hắn cũng chỉ dừng lại ở ngưỡng mộ. Tuy nhiên trong buổi đấu giá từ thiện, Trúc Tranh có mang tới một bức vẽ anh tâm đắc. Bức vẽ về một người mẹ đang cho con bú bên bờ sông, nhìn rất bình thường, nhưng anh vẫn mong có một ai đó công nhận tài năng của mình, thấy nó đẹp mà mua lại. Đó là năm anh 20 tuổi, lần đầu tiên bán bức vẽ của mình. Sau hàng loạt các bức tranh từ cổ xưa đến hiện đại, tất cả gần như đều là tranh của các họa sĩ có tiếng thì bức tranh của Trúc Tranh được mang ra cuối cùng. Hẳn nhiên, chẳng mấy ai chú ý tới nó, bởi bức tranh không phải xuất xứ từ cái gì quá ghê gớm, thế nhưng, một người lại sẵn sàng trả giá cao để mua lại bức tranh trông thật tầm thường ấy, đó chẳng ai khác là Phượng Vi Kính. Trúc Tranh lúc ấy không giấu được sự sung sướng, anh không ngờ tranh của một người chẳng có tiếng tăm gì trong giới mà lại được người như Phượng Vi Kính để ý. Khi ấy vẫn còn là một thiếu niên hoạt bát và nhiệt thành, anh liền vội vã mà đến trước mặt Phượng Vi Kính bày tỏ sự sung sướng và biết ơn. Đó là lần đầu tiên anh nói chuyện với Phượng Vi Kính. Người đàn ông cao ngạo lạnh lùng chẳng để ai vào trong mắt, nghe mấy lời cảm ơn của một người chẳng biết là ai chỉ lịch sự ừ hử rồi theo lễ nghĩa trả lời một câu: " Tranh rất đẹp, chúc cậu sớm thành danh" Cậu thanh niên ấy liền rạng rỡ cười với hắn để lộ hàm răng trắng tinh và lúm đồng tiền duyên dáng ẩn hiện hai bên má trông như một mặt trời nhỏ " Cảm ơn Phượng tổng rất nhiều " Có lẽ ngay từ giây phút ấy, hắn đã dính vào liều thuốc độc mang tên Trúc Tranh mà hắn không biết chăng? Và hẳn nhiên, bức tranh được Phượng Vi Kính mua lại không thể nào là từ một kẻ không danh tiếng gì. Với suy nghĩ như vậy, ngày càng nhiều người để ý tới tranh của Trúc Tranh, chẳng mấy chốc anh cũng trở thành người có chút tiếng tăm trong giới. Anh vô cùng biết ơn Phượng Vi Kính liền muốn mời hắn bữa cơm. Sau đó, hai người họ ăn rất nhiều bữa cơm khác nữa, Trúc Tranh gần như đưa Phượng Vi Kính vào danh sách bạn bè thân thiết. Cho đến một năm sau đó, Trúc Tranh quyết định tổ chức buổi triển lãm tranh đầu tiên, Phượng Vi Kính thậm chí còn cho người qua giúp đỡ anh sắp xếp tốt buổi triển lãm. Buổi triển lãm gần như suôn sẻ nhưng trước khi kết thúc, Phượng Vi Kính trước mặt tất cả mọi người mà tỏ tình với Trúc Tranh. Lúc ấy trong lòng anh rối như tơ vò, ngoài bối rối ra thì thật sự chẳng còn gì hết, anh chỉ ấp úng nói mình cần suy nghĩ thêm, Phượng Vi Kính cũng vô cùng vui lòng cho anh thời gian suy nghĩ. Nhưng chỉ nửa năm sau, hay cũng chính là ngày hôm qua, trong buổi tiệc Mộc gia chào đón con trai nhỏ Mộc Thư trở về, hẳn nhiên có sự tham gia của cả Trúc Tranh và Phượng Vi Kính, Mộc Thư liền ngay tại đó mà tỏ tình với Phượng Vi Kính, nói gì mà họ cũng coi như thanh mai trúc mã, còn có với nhau một cái hôn ước, Phượng Vi Kính nhiều năm trước cũng đã đồng ý chờ cậu ta trở về có lẽ đã đến lúc hai gia đình làm đám cưới. Điều này chẳng khác nào tát cho Trúc Tranh một cú khi trước đó chỉ nửa năm ai ai cũng biết Phượng Vi Kính đang thích và theo đuổi anh. Ngay ngày hôm đó, mọi bối rối trong lòng Trúc Tranh liền thay bằng nỗi xấu hổ và sau đó bị lòng tự tôn nặng nề của anh che lấp, anh chỉ mong sao có thể dằn vặt Phượng Vi Kính càng nhiều càng tốt để thỏa mãn sự tức giận bản thân mà chẳng hề nghe hắn giải thích lấy một câu, cứ như thế, họ dày vò nhau gần như nửa cuộc đời của Trúc Tranh. Nhưng thật sự cho đến tận bây giờ anh vẫn không ngừng thắc mắc, rốt cuộc, trong lòng Phượng Vi Kính, Mộc Thư được tính là cái gì? Nhưng... là gì đối với anh cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi, có lẽ thượng đế đã mềm lòng với anh hay chẳng qua ngài muốn bù đắp cho những năm tháng tồi tệ anh mang đến cho Phượng Vi Kính, dù sao hiện tại, trong đầu của anh chỉ tồn tại duy nhất một suy nghĩ " Đi tìm Phượng Vi Kính"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co