Truyen3h.Co

Thời đại của các đế chế (Thoi dai cua cac de che)

Chương 10. Bách gia đua sắc

fun_man

Chương 10. Bách Gia đua sắc

Ăn cơm xong bọn họ nằm lăn ra đống cỏ khô trong hang. Đống cỏ này khá rộng, bằng bốn cái giường King-size loại lớn ghép lại, bên dưới lót một lớp lá khô dày hơn nửa thước nên khá êm.

Gia đình Bảo lão tích góp cỏ và lá khô làm cái đệm này có hai mục đích. Ngoài để nằm, đến mùa đông bọn họ còn có thể dùng để đốt lửa sưởi ấm khi hết củi.

Bảo thị thì lăn vào góc trong cùng. Mụ nằm quay mặt vào vách hang, một lúc sau đã thấy ngáy ô ô.

Bảo nhi thì lăn vào nằm giữa Bảo thị và Bảo lão.

Chỉ có Hoàng Chân thì không nằm, hắn ngồi bên đống lửa đã tàn ngẫm nghĩ.

Bảo lão nằm ngửa nhìn lên trần hang, chân phải gác lên chân trái, bàn chân lão ngoáy ngoáy như đuổi ruồi. Hai bàn chân lão đen sì như hai khúc củi cháy dở, tay lão khoanh lại gối sau đầu, lão hào hứng tiếp tục câu chuyện dang dở.

Miệng lão ngậm một cái que để xỉa răng, khi nói chuyện, cái que ngọ ngoạy, quằn quại như con giun.

"Thời đại Bách Gia bắt đầu từ 1.000 năm về trước và kéo dài khoảng 500 năm". Lão kể tiếp...

Lịch sử lại được Bảo lão diễn tả lại một cách sinh động và có đôi chút lãng mạn. Theo lão nói, thời kỳ đầu của thời đại Bách Gia, Hậu Gia là một đại gia tộc mạnh nhất của phương nam, bọn họ chọn linh thú là Kỳ Long làm thương hiệu. Tiếp theo là vài đại gia tộc lớn chiếm lĩnh các vùng đất màu mỡ cũng bắt chước Hậu Gia, tự tìm kiếm linh thú để tôn thờ.

Đầu tiên là Hoàng Gia ở phương bắc. Hoàng gia là hậu duệ của lão Hoàng Thiên, bọn họ lúc đó rất mạnh. Để đối chọi với ảnh hưởng của Hậu Gia ở phương nam, Hoàng Gia chọn Kỳ Phụng làm linh thú cạnh tranh với Kỳ Long.

Tiếp theo đó là một loạt các lãnh chúa lớn. Bọn họ chọn Kỳ Lân, Kỳ Quy, Kỳ Tượng, Kỳ Mã, Kỳ Hùng, Kỳ Trư, Kỳ Ngưu, Kỳ Hầu, Kỳ Lang, Kỳ Hùm, Kỳ Beo....làm linh thú.

Còn các lãnh chúa nhỏ hơn, do không còn linh thú nào oai phong để chọn. Hơn nữa, bọn họ không dám chọn các linh thú mà các lãnh chúa lớn chọn, nên họ đành chọn các linh thú khác nhỏ bé hơn như Kỳ Hưu, Kỳ Tý, Kỳ Kê, Kỳ Hạc, Kỳ Xà....

Bảo lão vẫn tiếp tục hùng hồn kể, thỉnh thoảng lão lại đưa tay lên xỉa răng trông cứ như đứa trẻ đang cầm que chọc tổ dế.

"Có một số chuyện rất tức cười". Lão nói.

"Nhiều lãnh chúa khi chọn linh thú làm thương hiệu mà không biết kỳ thú mình chọn đã bị lãnh chúa khác chọn mất, vì thế mấy năm sau bọn họ mới phát hiện ra. Thế là dấy lên một loạt chửi bới, bôi bác, tố cáo nhau ăn cắp thương hiệu kỳ thú, vi phạm bản quyền, thương hiệu nhái, thương hiệu rởm....vv"

Lão ngoáy ngoáy chân ra vẻ rất thú vị:

"Có lãnh chúa còn đưa ra khẩu hiệu: "Thương hiệu gia truyền mấy trăm năm". Lãnh chúa khác lại nói: "Đề phòng thương hiệu rởm". Thậm chí có lãnh chúa còn đưa ra khẩu hiệu giật gân như: "Nâng niu đầu lâu cọp" hoặc "Xơi kỳ cẩu 7 món là yêu nước"...vv"

"Để bảo vệ thương hiệu, các lãnh chúa này nếu ở gần thì đánh nhau dữ dội. Nếu ở xa thì đánh nhau bằng võ mồm, lu loa, chửi bới, kiện cáo tùm lum lên các lãnh chúa lớn nhờ phân xử".

Phải nói rằng, kỹ năng kể chuyện của Bảo lão rất là hấp dẫn, khiến người nghe tròn cả mắt.

"Ha ha..." Lão đang há miệng cười, bỗng lão chồm cả người dậy ọe ọe liên tục, hóa ra cây tăm đang ngậm trong miệng bị tụt vào trong cuống họng. Sau khi ho ọe đến đỏ cả mắt lại thêm đưa hai ngón tay vào móc móc, ngoáy ngoáy liên tục trong họng, lão mới moi được cây tăm ra.

"Hừ.. hừ". Lão nhổ toẹt cây tăm ra góc hang, sau khi hoàn hồn thì ngồi nhăn nhó kể tiếp:

"Thậm chí có nhiều lãnh chúa gửi đơn đến Hoàng Đế, Hậu Đế để đăng ký mấy thương hiệu đẹp. Sau đó bọn họ rao bán, tất nhiên giá cả cũng không tính bằng tiền vì lúc đó chưa có tiền, hàng hóa là phương tiện để trao đổi. Chủ yếu là gia súc, lương thực, phụ nữ và đồ có giá trị như đồng, sắt..."

"Có những lãnh chúa vì đói, phải bán đi thương hiệu của mình. Sau đó đi chọn những thương hiệu khác kém hơn hoặc mua lại những thương hiệu khác rẻ hơn. Còn những lãnh chúa nhỏ nhất, bọn họ không dám tranh giành thương hiệu với các lãnh chúa lớn đành phải chọn mấy con kỳ thú yếu ớt làm thương hiệu như Kỳ Nhông, Kỳ Đà. Thậm chí có lãnh chúa phải chọn cả giun dế làm thương hiệu nghe rất kỳ cục. Thời kỳ này là thời kỳ loạn thương hiệu". Lão kết luận.

Bỗng có tiếng Bảo nhi vang lên:

"Cha. Kỳ thú với thú khác nhau như thế nào ạ?". Cô bé thắc mắc.

"À...à. Kỳ thú thì cũng giống thú nhưng to khỏe, dữ tợn hơn". Bảo lão trả lời.

"A. Thế thì con biết rồi, kỳ thú chắc là do mấy con thú bị điên phải không? Có một lần con thấy một con chó to bị nổi điên, nó chạy lung tung và rất dữ tợn". Bảo nhi kể.

"Vậy Kỳ Xà chắc là một con rắn điên to lắm phải không cha?". Bảo nhi lại hỏi.

"À...à... Có thể to bằng con Trăn". Bảo lão ngập ngừng trả lời.

"Vậy Kỳ Trăn thì to như con gì hả cha?". Bảo nhi hỏi tiếp.

"À....à.... Kỳ Trăn thì có thể to bằng con Mãnh Long". Bảo lão trả lời.

"Vậy Kỳ Long thì to như con gì ạ?". Bảo nhi vẫn hỏi riết.

"À....à.... Kỳ Long thì có thể to bằng .... quả núi". Bảo lão lúng túng.

Bảo nhi im lặng suy nghĩ một lúc rồi reo lên:

"A. Có người bảo con Kỳ Long dài như quả núi, còn cha bảo to như quả núi, như vậy vừa dài vừa to thì thành hình vuông rồi còn gì".

Cô bé cười to rất vui vẻ như phát hiện ra một việc hết sức vĩ đại là con Kỳ Long có hình vuông lại bị điên với cái mặt nhe đầy răng, còn đằng sau là cái mông bẹt dí.

"Hả, hình vuông á". Bảo lão há hốc cả mồm, lão ngẫm nghĩ một lúc rồi phá ra cười ha hả. Thấy lão cười, Bảo nhi cũng cười theo.

Bảo lão sau khi cười đã chán chê, lão lại chậm rãi nằm xuống:

"Thôi, để ta kể tiếp. Trong thời đại Bách Gia, lúc đầu có hàng trăm đại gia tộc, về sau do chiến tranh bạo loạn, tranh chấp lãnh thổ, số gia tộc bị diệt vong nhiều lên. 200 năm sau của thời đại Bách Gia, số đại gia tộc chỉ còn khoảng trên dưới 100 gọi là trăm họ. Bọn họ chiếm cứ các vùng đất lớn, cử quân lính đồn trú, canh gác. Thậm chí xây dựng pháo đài, tường thành để bảo vệ lãnh thổ".

"Do cuộc sống đã ổn định nên các lãnh chúa phải tập trung canh nông, chăn nuôi gia súc. Chợ búa được mở khắp nơi để giao lưu hàng hóa. Vải lụa được phát minh khiến cho da thú dần không còn được sử dụng làm quần áo. Cũng nhờ làm ra vải, đồng và chữ viết nên thời kỳ này văn hóa bắt đầu phát triển".

"Các đại gia tộc đã ổn định thương hiệu, biểu tượng linh thú cũng được diễn họa khá rõ ràng như Kỳ Long là hình con rồng đang bay. Kỳ Phụng là con phượng hoàng hai đầu. Kỳ Lân là con sư tử phun lửa. Kỳ Quy là con rùa đang bơi. Kỳ Tượng là con voi đang tung vòi.... Bọn họ bắt đầu thêu Kỳ thú lên cờ hoặc tạc tượng để thờ cúng. Cờ được thêu có màu sắc vô cùng phong phú, hầu như bọn họ có thể dùng được màu gì thì đều dùng màu đó để in cờ và nhuộm quần áo. Vì vậy, lúc này gọi là thời kỳ "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua sắc". Bảo lão nhấn mạnh.

"Thúc có biết, bọn họ chọn linh thú như thế nào không?". Hắn hỏi.

"Hả, chọn như thế nào?" Bảo lão không hiểu nên hỏi lại.

"Ý cháu là, tại sao bọn họ lại chọn một con kỳ thú nào đó mà không phải là con khác? Có điều gì liên quan đến kỳ thú mà bọn họ chọn hay không? Ví dụ, tại sao bọn họ chọn Kỳ Trư mà không chọn Kỳ Ngưu chẳng hạn?". Hắn hỏi.

"À, cái đó thì ta không biết. Có thể là bọn họ thích vậy, cũng có thể con thú đó gắn liền với lịch sử của bọn chúng. Như Kỳ Long chẳng hạn, nó gắn liền với sự tích của Hậu Thổ cưỡi lên trời. Hoặc Kỳ Tượng, nó do Tịnh Gia nuôi để cưỡi trong mấy trăm năm".

"À, con biết rồi. Kỳ Trư là do bọn họ nuôi để cưỡi, phải không ạ?" Tiếng Bảo nhi reo lên, xong cô bé lại gãi gãi đầu:

"Không đúng, heo thì làm sao mà cưỡi được".

"Đúng là ngốc ngếch". Bảo lão cười khù khụ:

"Heo thì để ăn thịt chứ ai lại để cưỡi. Bọn họ chọn kỳ thú nào là do con thú đó có liên quan đến lịch sử của gia tộc bọn chúng. Có thể là chúng nuôi nhiều heo để ăn thịt, thấy heo có tác dụng, bọn chúng bèn chọn làm Kỳ thú, hiểu chưa?".

"Vâng.... ạ, con hiểu rồi". Bảo nhi ấp úng.

"Thế còn Kỳ Giun ạ, có phải bọn họ nuôi nhiều giun để ăn không?". Bảo nhi vẫn thắc mắc.

"Hả". Bảo lão sửng sốt. Lão ngạc nhiên trước ý tưởng bất ngờ của con gái, lão ấp úng:

"À... có thể. Chẳng lẽ bọn chúng không có gì ăn, phải ăn giun chăng?"

Lão nói xong, chợt nghĩ ra mình nói một câu rất dở hơi, bèn phá lên cười khùng khục:

"Tóm lại, bọn họ chọn kỳ thú gì là việc của bọn chúng, ta không quan tâm". Lão nói.

"Vậy, thời đại Bách Gia cuối cùng như thế nào ạ?". Hắn hỏi.

"Hây dà, cuối cùng bọn họ diệt vong do tự đánh lẫn nhau". Bảo lão trả lời.

"Nửa đầu của thời đại Bách Gia, quyền lực phương bắc rơi vào tay Hoàng Gia, bọn họ tự xưng là Hoàng Đế. Quyền lực phương nam rơi vào tay Hậu Gia, bọn họ xưng là Hậu Đế. Hai đại gia tộc này nắm quyền chi phối toàn bộ lục địa, các lãnh chúa khác đều phải phục tùng. Bọn họ được Hoàng Đế hoặc Hậu Đế phong làm chư hầu, gọi là đại vương như Tượng Vương, Mã Vương, Lân Vương, Quy Vương, Hầu Vương... Nam bắc được chia đôi giới tuyến, lấy khoảng giữa hai con sông lớn làm ranh giới".

"Nửa sau thời đại Bách Gia, các lãnh chúa càng ngày càng mạnh lên. Bọn họ bắt đầu thoát ly ảnh hưởng của hai đại đế, thậm chí họ còn liên kết với nhau để chống lại hai đại gia trên. Thời kỳ này, chiến tranh xảy ra liên tục, các đại gia tộc lần lượt bị tiêu diệt hoặc bị thôn tính, các gia tộc nhỏ bị biến mất hoàn toàn".

Thời kỳ này là thời đại "cá lớn nuốt cá bé, con giẽ nuốt con giun". Bảo lão kết luận, lão há miệng ngáp ngáp mấy cái.

"Thúc, thương hiệu của "Dân tộc" chúng ta là linh thú gì ạ?". Hắn hỏi.

"Hả. Linh thú gì á?". Bảo lão ểu oải hỏi lại.

"Dân tộc chúng ta không thờ linh thú mà thờ hai thứ". Lão nói.

"Thứ gì ạ?". Hắn ngạc nhiên hỏi.

"Thờ hai thứ mà sinh ra ngươi ý. Thôi buồn ngủ quá". Lão than thở:

"Trời mưa chẳng làm được việc gì, đến tiểu đệ cũng chẳng được giải trí, quá chán...". Lão lảm nhảm.

Ngoài trời mưa vẫn rơi rả rích, một lúc sau, trong hang vang lên tiếng ngáy "o o" của lão.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co