Vien Khiem Nhan Gian
Mươi năm hồn đã theo người,
Mắt huyền dẫu khép, giọt tình cứ rơi.
Ngụy Chi Viễn yêu, vô thanh vô tức. Ngụy Chi Viễn yêu, móc hết ruột gan mà yêu.Mười mấy tuổi đầu, hẵng còn là thiếu niên, tình trong như một chớm thu. Đứa trẻ còn chưa lớn nào biết tình là chi. Biết người cho mình một chốn nương nhờ, biết tiếng tim người ru êm giấc ngủ, biết vòng tay người là pháo đài vững chãi và biết ngày đến người vẫn kề bên. Lúc ấy đời hẵng còn nhân từ, ai chê trách gì một con thú non lạc bầy, lầm lũi.Mười mấy tuổi sau, tình theo vào trong mộng. Tàn giấc mộng, tình hóa kiếp thành người. Kẻ đem lòng yêu, tơ vương trăm mối. Biết thế nhân chê cười, biết người tình ghẻ lạnh, lại chẳng đành đoạn đem khối tình dứt ra từ máu từ thịt, từ hồn từ cốt để hiến dâng cho hai tiếng luân-thường. Bởi thế nên thân kia phải chịu cảnh tù đày. Mỗi bước rời xa, ngoái nhìn trăm bận, lại chẳng biết có bao giờ gặp lại, nên chỉ mong kiếp kiếp trùng phùng. Nhưng than ôi biệt ly, một khắc mà ngỡ canh thâu, đêm sâu triền miên vĩnh cữu. Ngày xuân, kẻ du đãng chẳng tìm thấy lối về (1). Buổi chiều trên sông vắng, cảnh hoàng hôn biệt tăm, khói sóng mờ mịt quá, khuất lấp bóng quê nhà (2).Khi đã đôi mươi, bãi bể nương dâu. Lòng người nay đà khác xưa, thân tâm nhẹ gánh nợ đời mấy khi. Bao năm tình ngỡ đã cháy rụi, cháy xém, cháy tàn cháy mạc, đốt hết tim gan cho thành tro thành bụi. Ấy thế mà hễ còn máu còn thịt, còn hồn còn cốt thì tình này vĩnh sinh. Mà lòng người có đâu sắt đá, hay dẫu có là đá sắt thì hai mươi năm đá sắt cũng mòn. Ngày người tù mãn hạn về, tình rơi như trận mưa xuân. Mầm nào ngủ vùi trong sương giá, hạt nào rũ mình đợi đông tan. Rồi thì xuân và thì mưa, khắp chốn lan tràn lá non cây cỏ. Xuân cũng thắm lại trên má người tình. Giấc xuân ai chờ từ thuở bé dại, mười năm tình tự cũng hóa ra thành. May mà người yêu người vừa kịp lúc tử biệt chùng chình - còn lâu mới đến, sinh ly từ giã - không lúc quay đầu (3). Nửa đời còn lại, bên nhau đến bạc đầu.
Chú thích:(1) Mượn ý câu "Du tử xuân lai bất kiến gia" trong bài Vị thành thiếu niên hành của Thôi Hiệu.(2) Mượn tứ thơ hai câu cuối bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu:
"Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu."
(3) tác giả Tiền Chung Thư, tác phẩm không rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen3h.Co